Có thể nói lịch sử nhân loại chưa từng có nhân vật nào lúc đương thời cũng như hậu thời lại gây nhiều hiểu lầm cũng như yêu mến ghét bỏ như Chúa Giêsu. Người Do Thái thuở ấy nóng lòng chờ đợi Đấng Cứu Thế. Họ đã chứng kiến Chúa Giêsu làm nhiều phép lạ, khuyên dạy những điều khôn ngoan. Thế nhưng vì những lời ấy trái ngược với điều người ta xưa nay vẫn tin thế nên họ đã thẳng thừng chất vấn “ Thầy để chúng tôi vơ vẩn cho đến chừng nào ? Nếu Thầy là Đấng Ki Tô thì hãy nói tỏ tường cho chúng tôi biết. ( Ga 10, 24 ). Chúa chẳng những không trả lời cho câu hỏi mà còn cho biết dù Ngài có nói họ cũng chẳng tin “ Ta đã nói cho các ngươi mà các ngươi không tin. Nhưng việc Ta nhân danh Cha Ta mà làm đều làm chứng cho Ta. Nhưng các ngươi không tin Ta vì các ngươi chẳng thuộc về đoàn chiên của Ta. Chiên Ta thì nghe tiếng Ta. Ta biết chúng và chúng theo Ta” ( Ga 10, 25 -27 ). Qua lời Chúa đây cho thấy không ai có thể có được niềm tin nơi Đấng Cứu Độ nếu không thuộc đoàn chiên của Ngài.
Tin Đấng Cứu Độ hoàn toàn không giống như sự tin tưởng của con người với nhau. Lý do bởi vì niềm tin ở đây thuộc lãnh vực tâm linh. Tin Chúa là để Chúa dẫn đường chỉ lối trên bước đường giải thoát theo như Chúa nói = Ta biết chúng và chúng theo Ta. Người Do Thái xưa kia chỉ vì muốn biết Chúa theo như quan niệm Đấng Messia của mình thế nên không bao giờ có thể biết Ngài đúng như Ngài Là.
Cần theo Chúa, ở trong đoàn chiên của Chúa mới nghe được tiếng Chúa và khi ấy sẽ chẳng còn nghi ngờ thắc mắc chi nữa về Ngài. Trái lại không theo, không nghe tiếng Chúa thì thắc mắc vẫn cứ là thắc mắc và chẳng bao giờ có thể nhận ra Đấng Cứu Độ mình “ Cùng với thánh Phero và các Tông Đồ, người Ki Tô giáo tuyên xưng Đức Giêsu Nazareth là Con Thiên Chúa đã sinh làm người, đã đến trong thế giới loài người. Sự kiện được tuyên xưng đó có thêm gì cho cuộc sống con người không ? Ngài đến đây làm gì ? Phải chăng Ngài chỉ đem lại một lời hứa hẹn xa vời để làm dịu bớt nỗi đau của cuộc sống con người ? Phải chăng tin là tin rằng Ngài đã đem lại cho loài người cho vũ trụ này và cho lịch sử một biến đổi vô cùng sâu sắc, một ý nghĩa tuyệt đối ngay từ bây giờ ? ( Nguồn Lm Nguyễn Công Đoan S.J – Ngài đến đây làm gì ? ).
Kể từ thời các Thánh Tông Đồ đến nay Giáo Hội vẫn hằng tuyên xưng Chúa là Đấng Cứu Độ nhưng nay lại nêu thắc mắc việc tuyên xưng ấy chẳng biết có thêm được gì cho cuộc sống hay không. Hỏi tức là trả lời và câu trả lời cho thấy giờ đây người ta không còn tin Chúa đem Ơn Cứu Độ nhưng là để đem lại cho con người, cho vũ trụ, cho lịch sử một …biến đổi sâu sắc !!!. Thật ra chẳng phải cho đến giờ này thần học mới có chủ trương …biến đổi thế giới. Cách nay hơn hai trăm năm Saint Simon ( 1760 – 1825 ) cũng đã đòi hỏi cần một Ki Tô giáo mới “ Xã hội con người cần một số giá trị để có thể sinh hoạt nhưng những giá trị đó không còn do Giáo Hội xác định mà là do khoa học luân lý. Đức Ái của Ki Tô giáo được trần thế hóa, chủ nghĩa Positivisme trở thành tôn giáo của tương lai. Thay cho trật tự đời sống của Ki Tô giáo giờ đây xuất hiện cái phổ quát của tri thức và niềm tin vào tương lai” ( Karl – Heinz Weger S.J Phê Bình Tôn Giáo qua các tác giả ).
Dù dưới danh xưng Ki Tô giáo hay Ki Tô giáo mới thì nó cũng không còn tính chất tâm linh. Tại sao ? Bởi vì nơi nó Thiên Chúa không còn tồn tại như một cứu cánh cần phải quy hướng. Cũng như Thiên Chúa giáo lấy Thiên Chúa làm cứu cánh. Ki Tô giáo đương nhiên Ki Tô phải là cứu cánh. Thế nhưng Ki Tô ở đây thuần túy chỉ là quan niệm thần học chẳng liên quan gì tới Đấng Cứu Độ là Đấng cần phải hết lòng tin theo để được cứu. Chúng ta tin theo Chúa Giêsu bởi vì Ngài là con đường dẫn tới Chúa Cha “ Ta là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).
Hiện nay khi trưng dẫn lời Chúa này người ta thường cắt bỏ phần sau để chỉ còn có phần đầu “ Ta là đường, là sự thật và là sự sống”. Cắt bỏ như thế con đường của Đức Ki Tô đương nhiên trở thành con đường…cụt tức đánh mất cứu cánh. Một khi Đức Ki Tô khẳng định mình là con đường thì đường ấy tất phải dẫn tới đâu chứ cứ dừng lại ở Ngài ( Qui Ki Tô ) thì sao còn gọi là đường ? Đường mà Đức Ki Tô dẫn đưa tới Chúa Cha đó chính là con đường tâm linh mà Ngài đòi buộc mỗi người chúng ta phải tin và theo. Chúa Giêsu là con đường dẫn tới Chúa Cha hay nói cách khác Ngài đến thế gian là để mạc khải về Cha “ Cha Ta đã giao mọi sự cho Ta. Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và người nào mà Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22). Mạc khải nghĩa của nó là vén tấm màn để cho thấy sự thật ở phía sau. Sự thật thế gian không ai hay biết ấy tùy từng trường hợp Chúa gọi là Cha có khi là Nước Trời. Về danh tuy khác nhưng thực tại vốn là một và thực tại ấy hiện hữu, mầu nhiệm thay chẳng ở đâu xa mỗi người “ Đạo ở gần ngươi ở trong miệng ngươi và ở trong lòng ngươi tức là đạo đức tin mà chúng tôi rao giảng đây. Vậy nếu miệng ngươi nhận Giêsu là Chúa và lòng ngươi tin ĐCT đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại thì ngươi sẽ được cứu. Vì bởi lấy lòng tin mà được nên công chính và bởi lấy miệng thừa nhận mà được cứu rỗi” ( Rm 10, 8 -10).
Nhận Giêsu là Chúa có nghĩa tin nhận Ngài là Đấng Cứu Độ mình. Tuy nhiên việc tin nhận này là rất khó nếu không gắn với việc làm tức lấy miệng thừa nhận. Suy gẫm trường hợp kẻ trộm lành trong Tân Ước sẽ thấy lòng tin và việc làm cần phải đi đôi với nhau. Cùng bị đóng đinh trên thập giá có hai tên trộm cướp, một người thì nhạo báng Chúa “ ngươi không phải là Đấng Ki Tô sao. Hãy tự cứu mình cùng chúng ta với. Nhưng tên kia trách nó rằng “ Ngươi cũng đồng chịu một hình phạt ấy còn chẳng sợ ĐCT sao ? Chúng ta phải chịu như vầy là công bình lắm. Vì ta chịu báo ứng xứng với việc ta làm. Nhưng người này không hề làm điều gì sai trái cả. Đoạn lại nói rằng Giêsu ôi ! Khi Ngài đến trong nước của Ngài xin nhớ đến tôi cùng. Ngài đáp cùng người ấy rằng = Quả thật Ta nói cùng ngươi, ngay hôm nay ngươi sẽ được ở cùng Ta trên Nước Thiên Đàng” ( Lc 23, 39 -43).
Thái độ đối với Chúa Giêsu của hai tên trộm khác hẳn nhau. Người này cười nhạo còn người kia lại tin và vì có tin nên mới xin = khi Ngài đến trong nước của Ngài xin nhớ đến tôi với. Trong việc xin này, kẻ trộm lành tin hai điều một là tin ông Giêsu có khả năng cứu thoát mình. Hai là tin có Nước Thiên Đàng. Ngược lại kẻ trộm dữ cười nhạo vì cho rằng cái ông Giêsu này không thể cứu được ai vì ngay cả ông ta cũng chẳng thể cứu được mình. Hai thái độ này nói lên hai quan niệm khác nhau về Cứu Độ. Với kẻ trộm dữ thì cứu ở đây là cứu về phần xác thân. Còn kẻ trộm lành thì cứu là cứu về phần tâm linh. Kẻ trộm dữ vì cho mình cũng như ông Giêsu kia chỉ là cái xác thân đang bị nhục hình và sắp phải chết trong đau đớn cùng cực và rồi chết là hết thì còn …cứu nỗi gì ? Trái lại với kẻ trộm lành thì tin có Nước Thiên Đàng, tin có sự báo ứng, thưởng phạt làm dữ sẽ bị đày trong Hỏa Ngục còn làm lành sẽ được thưởng trên Thiên Đàng. Kẻ trộm lành ấy biết thân phận tội lỗi xấu xa của mình nên chẳng dám xin cho được về Thiên Đàng mà chỉ dám xin Chúa…nhớ đến mình. Lòng tin trong hoàn cảnh ấy thật mạnh mẽ nhưng nếu nó không đi đôi với lòng cậy trông tức cầu xin thì cũng chẳng ơn ích gì.
Nhận ra như thế để cho thấy lòng tin cần gắn với việc làm tức là những việc cầu nguyện, tham dự Thánh lễ, làm việc tông đồ cho Chúa v.v…Đức tin nếu đó quả thật là đức tin thì phải đi đôi với việc làm. Trái lại không có việc làm biểu lộ cho đức tin thì sớm muộn gì nó cũng phải chết. Đức tin nơi Chúa Giêsu Đấng Cứu Độ ngày nay đang tắt lịm lý do là vì con người đã không xin như ý Chúa muốn cho người ta xin “ Đến bây giờ các ngươi chưa từng nhân danh Ta mà xin điều gì. Hãy xin thì sẽ được hầu cho sự vui mừng của các ngươi được đầy đủ” ( Ga 16, 24) ./.
Phùng Văn Hóa