Xuất thế và nhập thế
Lúc lên 12 tuổi, Đức Giêsu lên chầu lễ Vượt Qua ở Giêrusalem với Đức Maria và Thánh Giuse. Sau cuộc lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà hai ông bà không biết, cứ tưởng rằng con mình đi theo nhóm bà con họ hàng trong đoàn lữ hành. Sau một ngày đường hai ông bà mới đi tìm con trong đám họ hàng thân thích, nhưng không thấy. Các ngài phải trở ngược lại Giêrusalem và sau 3 ngày mới gặp lại con trong Đền thờ, đang trao đổi với các thầy thông thái. Vừa thấy con, các ngài rất đỗi sửng sốt, và mẹ cậu nói: “Con ơi, sao con xử với cha mẹ như vậy? Con không thấy cha và mẹ con đây đã phải cực lòng tìm con!”. Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Và tác giả Luca ghi thêm: “Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người vừa nói” (Lc 2,48-50).
Mới 12 tuổi, trẻ Giêsu đã bắt đầu ý thức được địa vị và sứ mạng tổng quát của mình. Người biết Người không chỉ có cha mẹ là Đức Maria và Thánh Giuse mà thôi mà còn có Cha ở trên trời; và Người phải lo việc của người Cha ấy. Mà việc ấy mới thực sự là quan trọng đối với Người. Rồi suốt cuộc đời, ta thấy Đức Giêsu luôn sống hướng về Chúa Cha, luôn tìm kiếm ý muốn của Chúa Cha và thi hành ý muốn đó, cho dù phải đau khổ và phải chết.
Vậy một ý nghĩ có thể nẩy lên một cách tự nhiên trong đầu óc chúng ta, đó là: chắc hẳn Đức Giêsu không màng chi tới các sự ở dưới đất, Người không bận tâm tới con người và những gì xảy ra chung quanh mình, Người khinh chê các giá trị trần thế, chẳng tha thiết chi với những gì con người theo đuổi, Người lướt đi giữa cuộc đời như khách lạ, như chiếc thuyền cứ nhằm đích mà thẳng tới, bỏ lại mọi phong cảnh trên bờ sông và sóng nước hai bên mạn thuyền. Người chỉ dừng lại các sự trần gian trong mức độ Người phải cần tới nó để sống và để làm xong nhiệm vụ. Cái gì dùng làm phương tiện cho công việc của Người, thì Người cho là đáng giá, cái gì không cần thì không có giá trị gì.
Ta nghĩ như thế, nhưng sự thật hoàn toàn không phải như thế. Ta cứ thử giở các sách Phúc Âm ra mà xem. Ta sẽ thấy rằng quả thật Chúa Giêsu luôn đặt thánh ý Chúa Cha lên trên hết mọi sự – đó là mối quan tâm số một của Người – nhưng chính vì thế mà Người lại yêu mến cuộc đời, yêu mến con người, yêu mến mọi sự rất tận tình, bởi vì đó là công trình của Cha, là ý muốn của Cha.
Chúa Giêsu với các thụ tạo
Qua lời giảng dạy và nhất là các dụ ngôn, ta thấy Đức Giêsu có một thái độ đầy thiện cảm và thích thú đối với các thụ tạo. Người để ý tới từng chi tiết nhỏ nhặt của cuộc sống.
Người nói tới bông huệ ngoài đồng ăn mặc xinh đẹp hơn cả vua Salomon, tới bầy chim lượm những hạt lúa rơi bên vệ đường, hoặc làm tổ trên cành, hoặc bị bắt, bị nướng và xâu lại thành từng xâu đem bán được mấy đồng xu. Người nói tới lũ trẻ con vui chơi, cãi cọ nhau hoặc hờn dỗi nhau. Người nói tới bà mẹ sinh con, tới người nội trợ lấy một phần men trộn vào ba phần bột. (Như thế Người cũng biết cả cách làm bếp nữa; chắc hẳn Người đã quan sát cách thức mẹ mình làm bánh cho gia đình). Người nói tới người đàn bà đánh mất một đồng tiền và lấy chổi chòi hết mọi ngóc ngách để tìm cho ra, Người kể chuyện cô dâu, chú rể và đám rước dâu, hoặc người bạn đêm khuya đến đánh thức kẻ hàng xóm dậy vay bánh vì có khách tới bất ngờ…
Người quan sát kỹ cuộc sống chung quanh và tìm ra những ý nghĩa sâu xa của từng sự việc đơn sơ. Đôi mắt và cõi lòng Người mở rộng trên thế giới. Một nhà khổ hạnh lánh đời không thể nào có được những nhận xét tinh tế và lời lẽ nồng nhiệt như thế khi nói về cuộc sống và thiên nhiên tạo vật.
Chúa Giêsu với con người
Đối với thiên nhiên đã thế, huống hồ đối với con người.
Đức Giêsu yêu mến con người một cách tha thiết, một cách dịu dàng vì Thiên Chúa yêu mến con người. Người biết cảm thông sâu sắc với mọi nỗi đau buồn của con người, chẳng hạn như với người cha vừa mất đứa con gái, hoặc với người đàn bà goá tuyệt vọng đi theo cỗ quan tài của đứa con độc nhất của bà, hoặc với người đàn bà ngoại tình bị người Pharisêu bắt điệu tới trước mặt Người.
Tâm hồn Chúa Giêsu xúc động mãnh liệt trước nỗi cùng khốn của con người. Phúc Âm nhiều lần ghi lại rằng Người động lòng thương dân chúng bơ vơ, Người ở lại lâu với họ để dạy dỗ, an ủi và giúp đỡ họ. Người rơi lệ khi đứng trước mộ của Ladarô bạn Người, khi đứng trước thành phố Giêrusalem mà Người biết sẽ bị huỷ diệt. Người không ngần ngại vi phạm luật kiêng việc xác ngày sabát, để cứu giúp những người khốn khổ đến với mình, cho dù biết trước sẽ bị các nhà lãnh đạo tôn giáo gây khó dễ. Chính lòng thương xót đối với người cùng khổ đã khiến Người dùng những cách gọi thật âu yếm, như khi Người nói với người bất toại: “Hỡi con, tội lỗi con đã được tha” (Mc 2,5), hoặc khi người phụ nữ bị bệnh xuất huyết rón rén tới đàng sau chạm tới áo Người: “Hỡi con, đức tin con đã chữa con, con hãy về bình an” (Mc 5,34). Những gì bé bỏng, hèn mọn và bị khinh chê đều được Chúa ưu ái cách riêng, Người không ngại mất thời giờ với trẻ con. Người gọi các cháu đến, bế chúng vào lòng, chúc lành cho chúng.
Vào thời Chúa Giêsu có những nhà hiền triết chủ trương hãy xa lánh cuộc đời, và nếu vì bó buộc phải sống với đời, thì hãy chịu đựng nó! Một số các nhà đạo đức cũng quan niệm như thế. Châm ngôn của họ là: “Hãy kiêng cự, hãy xa lánh và khóc lóc”. Còn Chúa Giêsu thì khác, Người đón nhận các niềm vui của cuộc sống một cách đơn sơ và tận tình. Người không chủ tâm tìm kiếm, song khi hoàn cảnh đưa tới, thì Người vẫn biết vui vẻ đi ăn cưới. Người cũng không từ chối bạn bè khi được mời đi dùng bữa, đến nỗi người ta vu cáo Người là kẻ thích tiệc tùng chè chén. Người xử trí rất tự do và thanh thoát. Chúng ta biết rằng trong nhiều dụ ngôn, Đức Giêsu thường so sánh niềm vui Nước Trời với niềm vui của bữa tiệc. Và trước khi vĩnh biệt các môn đệ, Người đã đãi họ một bữa ăn.
Chúa Giêsu yêu đời một cách chân tình, đằm thắm
Tóm lại, thái độ của Đức Giêsu đối với cuộc đời hoàn toàn không có gì là buồn chán hoặc đề phòng hay xa lánh, nhưng Người nhìn thẳng vào cuộc đời, đón nhận nó một cách can đảm và tận tình. Người không phải là một kẻ mơ màng, mà cũng chẳng phải là một nhà đạo hạnh cau có. Người yêu mến, quí chuộng mọi loài, mọi vật vì Người yêu mến Chúa Cha. Tình yêu đối với Chúa Cha không làm giảm tình yêu đối với con người và với cuộc sống trần gian nhưng làm cho tình yêu ấy nên sâu sắc hơn. Đừng tưởng rằng nếu yêu mọi vật mọi loài vì Chúa Cha, thì tình yêu ấy sẽ khô khan, lạnh lùng, gò ép, như thể là ép mình làm một bổn phận mà mình không thích. Phúc Âm cho thấy hoàn toàn ngược lại. Tình yêu của Chúa Giêsu đối với cuộc đời thật chân thành và đằm thắm, không ai sánh nổi.
Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật nhưng Người cũng là người thật, người trọn vẹn, người một cách rất người. Người làm người tới cùng, Người không bao giờ giả vờ làm người.
Vào thế kỷ thứ II khi các Phúc Âm xuất hiện, thì cũng thấy xuất hiện những cuốn sách viết về Đức Giêsu với nhiều điều do trí tưởng tượng hoặc lòng sốt sắng chủ quan của tác giả bày ra, ví dụ như khi đói Chúa Giêsu làm phép lạ cho mình có bánh ăn; khi cưa sai kích thước khúc gỗ, Người làm phép lạ cho nó trở lại vừa vặn, khi áo mặc ngắn đi, Người làm cũng phép lạ cho nó dài thêm,… Những sách đó bị Giáo Hội coi là “Phúc Âm Nguỵ Thư”.
Theo kiểu trình bày ly kỳ của các sách này, Chúa Giêsu chỉ làm người nửa chừng thôi, và thường dùng các quyền phép Thiên Chúa để giải quyết các khó khăn của đời sống mình. Giống như em bé Maica từ trời rơi xuống (nhân vật chính trong cuốn phim nhiều tập chiếu trên truyền hình một thời). Tuy bề ngoài giống như các em bé khác, nhưng Maica có sạc điện trời trong mình, nên sống lạc lõng giữa loài người, không ăn khớp thật sự với cuộc sống chung quanh.
Chúa Giêsu chất vấn chúng ta
Thái độ của Đức Giêsu đối với cuộc đời cho ta thấy ít nhất là hai điểm. Một là Chúa Giêsu là Thiên Chúa làm người và thực sự là người như ta, ngoại trừ tội lỗi, bởi thế Người thông cảm được mọi nỗi niềm và vấn đề của chúng ta (x. Dt 4,15); hai là lòng yêu mến chân thành của Chúa Giêsu đối với con người chứng tỏ rằng con người là có giá trị và cuộc đời là đáng sống.
Trong bài diễn văn bế mạc Công đồng tháng 12-1965, Đức Phaolô VI tuyên bố: “Có lẽ chưa bao giờ như tại Công đồng Vatican II Giáo Hội đã cảm thấy nhu cầu phải hiểu biết, đến gần, thông cảm, thấm nhập, phụng sự và Phúc Âm hoá xã hội bao quanh mình. Giáo Hội đã không chỉ lo lắng suy nghĩ về chính mình mà thôi, nhưng Giáo Hội cũng quan tâm nhiều tới con người
… “Vâng cả chúng tôi nữa và còn hơn bất cứ ai, chúng tôi cũng suy tôn con người. Một làn sóng mến yêu dâng lên ngập Công đồng, lan tràn trên thế giới của con người hiện đại. Các giá trị của nó không những được nhìn nhận mà còn được quý mến, các nỗ lực của nó được thanh lọc và được chúc lành.”
Còn Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Thông điệp Đấng Cứu Chuộc con người cũng nói mạnh mẽ: “Con người là con đường của Giáo Hội”, có nghĩa rằng phục vụ con người là chủ trương, là chính sách thiết yếu của Giáo Hội. Giáo Hội muốn phục vụ con người, và vì thế Giáo Hội phải hiện diện với họ và yêu mến họ.
Vậy hôm nay, Chúa Giêsu chất vấn chúng ta: chúng ta có biết kính trọng và yêu mến kẻ khác không? Chúng ta có biết mở rộng đôi mắt và con tim trên cuộc sống đang diễn ra chung quanh ta, trong khu phố, trong làng xóm, trong xã hội không? Hay là phải chăng ta sống khép kín, ích kỷ, chỉ biết tới mình, gia đình mình, bạn bè mình mà thôi? Thực ra thông thường ta cũng quan tâm tới cuộc sống quanh mình, nhưng chỉ theo mức độ cuộc sống ấy liên quan tới ta, có lợi hay có hại cho mình. Một sự quan tâm “chọn lọc”. Nghĩa là tựu trung vẫn qui hướng về bản thân ta mà thôi.
Thời còn đi đại học, tôi sống trong một tập thể sinh viên thuộc nhiều nước khác nhau. Tôi có một kinh nghiệm rất nhỏ nhưng đã làm cho tôi suy nghĩ không ít. Trong nhóm chúng tôi có một anh đau bao tử, phải kiêng các thứ chua cay và dầu mỡ. Tôi nhận thấy vài anh ngồi ăn cùng bàn, hầu như ngày nào dùng xong bình muối tiêu cũng đưa đặt ra trước mặt người bạn đau bao tử và mời anh dùng, một cách lơ đễnh. Và mỗi lần như thế, anh này lại lặp lại một câu mà anh đã nói không biết tới lần thứ mấy trăm rồi: “Merci, cám ơn anh, tôi bị đau, không ăn được!”
Rõ ràng cử chỉ của người mời thật là máy móc, họ chẳng hề để ý tới người bạn ngồi ăn với mình bao giờ. Họ có thế giới riêng của họ, có những mối quan tâm riêng của họ, kẻ khác chỉ là cái “phông”, cái nền, cái bối cảnh cho họ sống và sinh hoạt mà thôi. Ai đã xem phim thì biết cái nền đó là gì? Một số người, có khi là một đám đông đứng phía sau, không rõ nét mặt, phía trước mới là nhân vật chính nổi rõ, thu hút sự chăm chú của khán giả.
Nếu ta không tập để ý tới kẻ khác trong những chuyện nhỏ nhặt của cuộc sống thường ngày, thì cũng khó mà sống vị tha thực sự trong các lĩnh vực khác quan trọng hơn.
Xã hội chúng ta đang sống có quá nhiều rối ren, phức tạp. Cái tốt cũng không thiếu nhưng cái xấu, cái tiêu cực thường đập mạnh vào mắt ta hơn, đôi khi làm cho ta chán chường, muốn bỏ mặc hoặc thoát ly. Dù sao chăng nữa, đó là xã hội mà Thiên Chúa muốn cho chúng ta lấy làm môi trường sống, để hoàn thành ơn gọi làm người và làm con Thiên Chúa. Một người Kitô hữu phải biết noi gương Chúa Giêsu mở rộng mắt và rộng lòng trước những gì đang xảy ra quanh mình, một cách thẳng thắn, can đảm và nhất là với tâm tình yêu thương. Ta phải hiện diện với xã hội chúng ta, nơi Chúa đang có mặt. Hãy đảm nhận lấy nó, để rồi cùng với Chúa Giêsu mang ơn cứu độ đến cho nó, và trước mắt, cố gắng góp phần làm cho nó giảm bớt cái tiêu cực xấu xa, đạt tới những hoài bão chính đáng, tốt lành của nó.
Lm. Nguyễn Hồng Giáo, OFM