ĐỨC  KI TÔ  RAO  GIẢNG  HAY…THIẾT  LẬP  NƯỚC  TRỜI?

            Nguyên nhân sâu xa đưa đến cơn khủng hoảng trong Giáo Hội hiện nay chính là vì đã phủ nhận sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Đức Ki Tô để thay vào đó là quan niệm Ngài đến để…thiết lập Nước Trời ở nơi trần gian: “ Trong ba năm rao giảng  và chữa lành khắp các nẻo đường  Palestin, Chúa Giê Su đặc biệt quan tâm đến  việc giúp các môn đệ và dân chúng hiểu về Nước Trời ( Hay Nước Thiên Chúa ) mà Người thiết lập trong trần gian. Người đã dùng  nhiều hình ảnh, nhiều dụ ngôn  là một hình thái văn chương bình dân và cách trình bày quen thuộc với người đương thời để nói về Nước Trời hay Nước Thiên Chúa” ( Nguồn: ĐBĐM – 12/6/2021 – Gieronimo Nguyễn Văn Nội – Nước Trời hay Nước TC ? ).

            Giữa việc rao giảng và…thiết lập Nước Trời  có sự khác biệt triệt để thế này. Rao giảng còn gọi là loan báo về một điều gì đó và điều gì đó ở đây chính là Nước Trời.  Trái lại thiết lập có nghĩa là  đặt nền móng cho một thể chế Nước Trời trong tương lai nào đó.

            Cho rằng Đức Ki Tô đến để thiết lập Nước Trời ở nơi trần gian  tức  đã ngang nhiên phủ nhận sứ mạng thiên sai của Ngài: “ Vừa rạng ngày Ngài ra đi đến nơi thanh vắng, có  quần chúng kéo đi tìm, muốn giữ Ngài ở lại với họ. Nhưng Ngài nói:  Ta còn cần ra đi rao giảng Tin Mừng Nước  ĐCT cho các thành thị khác vì cốt tại việc đó mà Ta được sai đến” ( Lc 4, 42 -43 ).

            Chính Đức Ki Tô đã xác nhận sứ mạng của Ngài được sai đến là để rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Ấy vậy, thần học chẳng những đã  không chấp nhận  chân lý tỏ tường ấy mà lại cho rằng Đức Ki Tô chính là Nước Trời đã đến trong thế gian !!!

            Với việc cho Đức Ki Tô chính là Nước Trời, thần học đã hoàn toàn  bác bỏ con đường về với Chúa Cha của Ngài: “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).

            Sở dĩ Chúa nói, ngoài Ngài không ai có thể đến được với Cha  bởi vì Đấng Cha ấy là Đấng…nội tại ở nơi mỗi người. Để có thể…đến ( Ngộ Nhập ) được với Thực Tại siêu việt ngữ ngôn ấy thì duy chỉ có Ngài và những ai Ngài muốn: “ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và nhửng kẻ nào Con muốn cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22 ).

            “ Biết Cha” ở đây không phải là cái biết của tri thức phân biệt nhưng  là của …tuệ trí vô phân biệt. Tuệ trí ấy chính là Tình Yêu mà Thánh Gioan đã nhiều lần nói tới: “ Thiên Chúa là Tình yêu. Ai ở trong Tình Yêu thì Thiên Chúa ở trong người ấy” ( 1Ga 4, 16 ).

            Như vậy,toàn bộ mục đích sống đạo là để nhận biết Thiên Chúa, Đấng là Bản Thể Tình  Yêu ở trong ta và sự nhận biết ấy đem lại  Sự Sống Đời Đời: “ Còn sự sống đời đời là nhận biết Cha tức Chân Thần duy nhất  cùng Giê Su Ki Tô mà Cha đã sai đến” ( Ga 17, 3 ).

            Mục đích tối hậu là nhận biết về Cha, tuy nhiên để đạt được mục đích ấy là điều vô cùng khó. Chính bởi lẽ đó, Chúa Giê Su mới dùng đến một thứ phương tiện gọi là Tin Mừng Nước Trời hầu cho con người…dễ dàng quy hướng và tin nhận.

            Con người sống là sống bằng, sống với giác quan, bởi đó nó chỉ có thể cảm nhận  những gì thuộc  giác  quan. Nói đến…Nước Trời, ai cũng…nghĩ  đó hẳn  là một thứ lãnh thổ hay đất nước gì đó trên cõi  trần….Nhưng Nước Trời mà Đức Ki Tô rao giảng lại hoàn toàn không phải  vậy: “ Có người Pharisi hỏi Chúa Giê Su về Nước ĐCT chừng nào đến thì Ngài đáp: Nước ĐCT đến cách mắt không  thấy được. Người ta cũng sẽ không nói được: Đây này hay đó kia, vì này Nước ĐCT ở trong lòng các ngươi” ( Lc 17, 20 – 21 ).

            Người ta không thể nói Nước Trời…ở đây hay ở kia bởi đó là một thực tại siêu vượt cả không gian lẫn thời gian. Thực Tại ấy  chính là Đấng Cha của Chúa Giê Su  và  cũng là Cha của mỗi một người trong chúng ta. Mặc dầu vậy, với bản chất vô minh con người rất khó để nhận ra chân lý cao cả ấy và vì không nhận biết thế nên khi nghe Chúa Giê Su nói mình là Con Thiên Chúa  thì người Do Thái  cho là Ngài  lộng ngôn, phạm thượng: “ Họ lại lấy đá để ném Ngài. Chúa Giê Su hỏi: Ta do Cha Ta mà tỏ nhiều việc lành cho các ngươi, vậy vì việc nào trong đó mà các ngươi lại ném đá Ta ?  Người Do Thái đáp: Ấy chẳng phải vì một việc lành nào mà chúng ta ném đá ngươi đâu nhưng vì  lộng ngôn, ngươi vốn là người lại tự tôn là ĐCT” ( Ga 10, 31 -33 ).

            Thật sự, Chúa Giê Su  không bao giờ  xưng mình là Thiên Chúa, chỉ nhất mực nhận mình là Con. Tuy nhiên đối với người Do Thái thì …duy điều ấy thôi cũng đã bị khép vào tội chết  và quả đúng như vậy:

            “ Trước tòa Cai Pha, khi nghe thầy tế lễ thượng phẩm hỏi:  Vậy ngươi là Con ĐCT sao ? Ngài đáp: Như các ngươi nói, phải Ta đây. Họ bèn nói: Chúng ta còn cần chứng cớ nào nữa vì chúng ta đã nghe từ miệng người rồi” ( Lc 22, 70 -71 ).

            Chúa Giê Su bị người Do Thái căm ghét và giết chết chỉ vì Ngài  rao giảng chân lý Con Thiên Chúa ở nơi mỗi người. Chân lý ấy đối với tuyệt đại đa số khó thể chấp nhận, bởi vậy Ngài  đã dùng  đến …phương tiện gọi là Tin Mừng Nước Trời với các Dụ Ngôn để  người nghe có thể  tiếp nhận dễ dàng.

            Việc Đức Ki Tô dùng Dụ Ngôn để rao giảng Nước Trời đã được tiên báo từ thời Cựu Ước: “ Ta sẽ mở miệng nói thí dụ. Ta sẽ thốt ra những điều đã giấu kín từ buổi sáng thế” ( Mt 13, 35 ).

            Điều giấu kín từ buổi  Sáng Thế  đó chẳng phải chi khác mà là Nước Trời mầu nhiệm vốn vẫn sẵn đủ ở nơi tâm hồn mỗi người, bậc Thánh không tăng, kẻ phàm không giảm.  Nước Trời vốn sẵn đủ nhưng vì vô minh  che lấp nên con người không một ai nhận biết và giờ đây, Đức Ki Tô xuống thế  với mục đích để mạc khải cho con người về chân lý thâm sâu đó.

            Bởi vì  Nước Trời là một mầu nhiệm không thể dùng ngôn ngữ để diễn tả thế nên Đức Ki Tô đã dùng đến các Dụ Ngôn. Dụ Ngôn không như người ta nói…là một hình thái văn chương bình dân ( Sic ) nhưng cần hiểu đó là một thứ ký hiệu để nhắm đến một điều gì  khác chẳng hạn  để diễn tả  một con chim bay trên bầu trời, người ta lấy một tờ giấy trắng rồi vẽ  con chim đang tung cánh.

 Tờ giấy trắng cố nhiên không phải là bầu trời, hình vẽ con chim cũng  chẳng phải  con chim thật. Tuy nhiên  cứ nhìn vào hình vẽ ấy, người ta có thể hình dung ra con chim đang tung bay trên bầu trời.

Để diễn tả Nước Trời, Đức Ki Tô đã dùng nhiều hình ảnh rất  khác nhau. Có khi như viên ngọc quý chôn giấu trong ruộng. Có khi lại như men trong bột. Khi khác  như lưới quét giăng dưới biển v.v…

Nếu cho rằng Đức Ki Tô đến để thiết lập Nước Trời ở nơi trần gian thì việc gì Ngài  phải dùng đến những Dụ Ngôn khó hiểu như thế ? Mỗi Dụ Ngôn được dùng là để ám chỉ cho một giá trị nào đó của Nước Trời nhất thiết cần đạt tới:

“ Nước Trời ví như của báu chôn trong ruộng, có người tìm được thì yểm đi, vui mừng mà  bán hết tài sản mình  rồi mua thửa ruộng đó” ( Mt 13, 44 ). Ruộng ở đây ám chỉ cho Tâm. Nước Trời vốn là Thực Tại  ẩn kín trong đó nhưng chỉ vì vô minh che lấp nên không nhận ra. Giờ đây khi nghe được lời rao giảng của Chúa bèn suy  đi gẫm lại trong lòng ( Giấu kín ) rồi quyết định bán hết gia sản mình có để đi theo Chúa  hòng khai thác cái kho báu vốn có mà mình  trước  đây  không biết.

Qua Dụ Ngôn này cho thấy giá trị của Nước Trời thật vô cùng cao quý, đang khi đó của cải, danh vọng, địa vị trần gian chỉ là hư ảo, nay còn mai mất. Một khi đã nhận ra giá trị cao quý của Nước Trời thì phải hết lòng tìm kiếm và việc tìm kiếm ấy tất nhiên không phải là …tìm cái chi ở bên ngoài  nhưng là trở về với chính mình: “ Luật pháp và tiên tri đến Gioan ( Baptist ) là hết. Rồi từ đó  Tin Mừng của Nước Trời được rao giảng ra và ai nấy đều phải nỗ lực mà vào” ( Lc 16, 16 ).

“ Vào” ở đây chỉ có thể là xoay cái Tâm trở ngược vào bên trong  bằng cách lắng nghe với Tâm Vô Phân Biệt. Còn mang cái Tâm Phân Biệt thì không thể nào nghe được Tiếng Chúa. Bởi đó mỗi khi kết thúc bài giảng về Nước Trời, Chúa Giê Su đều nói: “ Ai có tai thì hãy nghe”.

Chỉ nghe với Tâm Vô Phân Biệt thì khi ấy Nước Trời mới hiển lộ và chính với cách nghe này mà các tiên tri và người công chính thuở xưa mới ước ao, mong ngóng  ngày  Đức Ki Tô xuất hiện: “ Nhưng phước cho mắt các ngươi vì thấy được, cho tai các ngươi vì nghe được. Quả thật Ta nói cùng  các ngươi. Có nhiều tiên tri và người công chính đã ước ao thấy điều các ngươi thấy  mà không được thấy. Ước ao nghe điều các ngươi nghe mà chẳng được nghe” ( Mt 13, 16 -17 ).

Ước ao thấy sự xuất hiện nơi đời của Đức Ki Tô và lắng nghe lời Ngài là  niềm hạnh phúc lớn lao của các tiên tri và người công chính. Điều ấy chứng tỏ gì  nếu không phải chính nội dung của lời rao giảng là Nước Trời mầu nhiệm ấy đã khiến cho họ có được niềm vui Ơn Cứu Độ ?

Cũng chính với niềm vui ấy, tiên tri Simeon đã thốt lên lời này khi ẵm bồng Ấu Chúa trên tay: “ Lạy Chúa, giờ đây xin Chúa cho đầy tớ này được ra đi bình an theo như lời hứa vì con mắt tôi đã thấy sự Cứu Rỗi  mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân. Tức sự sáng tỏ ra cho  dân ngoại và là vinh hiển cho Itsraen” ( Lc 2, 29 -32 ).

Đức Ki Tô đem Ơn Cứu Độ đến cho nhân loại bằng cách truyền giảng Tin Mừng và Ngài cũng trao sứ mạng ấy cho các Tông Đồ: “ Hãy ra đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng  cho muôn dân. Ai tin và chịu phép rửa thì được cứu. Còn ai không tin thì bị luận phạt” ( Mc 16, 16 ).

 Chúa Ki Tô Phục Sinh trao cho các Tông Đồ cũng là cho Giáo Hội sứ mạng rao giảng Tin Mừng  chứ hoàn toàn chẳng  có quan hệ  gì  tới việc…thiết lập Nước Trời ở  cõi thế gian vô thường, khổ lụy này !!!

Trước tòa án Philato, Chúa Giê Su khẳng khái nói: “ Nước Ta chẳng thuộc thế gian này. Ví bằng nước Ta thuộc thế gian thì thần bộc Ta  hẳn đã chiến đấu để Ta không bị nộp vào tay người Do Thái. Nhưng nay nước Ta chẳng thuộc về đời này. Philat bèn nói: Thế thì ngươi là vua sao ? Chúa Giê Su đáp: Như ngươi nói: Ta là vua. Cũng vì cớ ấy mà Ta sanh ra, cũng cốt vì cớ ấy mà Ta đến thế gian để làm chứng cho Sự Thật. Những ai  thuộc về Sự Thật thì nghe tiếng Ta” ( Ga 18, 36 -37 )

Đức Ki Tô đem đến cho nhân loại một Tin Mừng lớn lao đó là Nước Trời  vốn sẵn đủ ở nơi mỗi người, chỉ cần… Quay Về là gặp. Như vậy, việc Đức Ki Tô rao giảng Nước Trời  chẳng qua  Ngài chỉ  nói lên một sự thật. Thế nhưng Sự Thật ấy  nếu  trước đây đã bị người Do Thái chối bỏ  thì  ngày nay chẳng những …cũng vậy mà người ta  còn biến Con Đường Về ấy thành đường Tục Hóa là đường thênh thang dẫn đến sự hư mất đời đời.( Mt 7, 13 )./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts