“Thật thế, một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy,
đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc2,26)
Trong môi trường sống nơi cộng đoàn của chúng ta có rất nhiều Kitô hữu sống đức tin cách lơ là, số người này thỉnh thoảng đến dự thánh lễ rồi nhanh chóng ra về, không gắn bó với cộng đoàn, không để ý đến những người xung quanh… một số người thì siêng năng đi lễ, siêng năng đọc kinh, họ tham gia vui vẻ với cộng đoàn, họ cũng đóng góp cho việc bác ái, nhưng thật đáng tiếc, họ không ra khỏi con người của họ để kết hợp Chúa Kitô trong đời sống đức tin của mình. Đây là hiện tượng của rất nhiều tín hữu Việt Nam, do bị ảnh hưởng truyền thống sống đạo của ông bà từ xưa để lại, từ những thế kỷ trước, họ không biết Thánh Kinh là gì vì thời đó chưa có Thánh Kinh bằng tiếng Việt. Đức Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận gọi đó là “đức tin nhãn hiệu” (275). “Nhiều người nói: “Tôi có đức tin, tôi còn đức tin”. Có lẽ “đức tin giấy khai sinh” không phải đức tin của đời sống; ít người sống theo đức tin” (Đường Hy Vọng 274).
Số người này họ chỉ có đức tin trên danh nghĩa thôi, vì trong thực tế họ hiểu biết rất mơ hồ về Chúa Giêsu Kitô, (đến nỗi số người này chỉ nghe hai chữ tận thế là sợ hãi, hoảng hốt) sự hiểu biết ấy về Chúa không có căn bản, không có lửa, không đủ sức mạnh để thúc đẩy họ sống và hành động như bổn phận một Kitô hữu đích thực, họ cũng không biết hay đúng hơn không dám yêu Chúa, vì cho như thế là không kính sợ Thiên Chúa như điều răn đã dạy, vì thế giữa niềm tin và cuộc sống của họ là cả một sự xa cách Thiên Chúa.
Vì thế, chúng ta tự hỏi, hiện nay có bao nhiêu Kitô hữu tin thật sự vào Đức Giêsu, và chân lý cứu độ của Người qua cuốn Thánh Kinh. Thánh Giê-rô-ni-mô đã khẳng định: “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”. Và Thánh Giacôbê đòi hỏi “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,26b). Chúng ta có đức tin, nhưng đức tin ấy lại là thứ “đức tin chết” chỉ vì đức tin của chúng ta không có lửa hoặc thiếu lửa của Chúa Giêsu, ngọn lửa mà chính “Thầy đã ném lửa vào mặt đất và Thầy những ước mong ngọn lửa ấy sẽ bùng lên” (Lc 12,49). Chính vì thế, Giáo Hội mời gọi giáo dân sống phúc âm hóa môi trường sống của mình, nghĩa là giới thiệu một Đức Giêsu phục sinh đang sống giữa chúng ta cho những người chưa biết Ngài và những người “có đức tin giấy khai sinh”, để họ hiểu, biết, tin, yêu Ngài hơn. Đây chính là sứ vụ của mỗi Kitô hữu, chúng ta được gọi, được chon, được sai đi để yêu thương và để phục vụ người khác sau khi lãnh nhận chiếc áo Đức Kitô qua phép Thánh Tẩy.
Muốn phúc âm hóa môi trường mình đang sống thì “chính anh em là muối cho đời”, chúng ta phải chăm lo, trung thành cầu nguyện với Thánh Kinh qua phương pháp Lectio-Divina để muối không bị nhạt, vì “Nhưng muối mà nhạt đi thì lấy gì mà ướp cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi” (Mt 5,13). Trong cầu nguyện dưới ánh sáng Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ kín múc được những điều thiện hảo và phải biết phân định để quyết định sống đời đức tin đích thực, phải ra đi khỏi cái tôi vị kỷ để lao vào sứ vụ phúc âm hóa. “Anh em phải cẩn thận, phải coi chừng men Pharisêu và men Xa-đốc”(Mt 16,6). Men Pharisêu là thói đạo đức giả (x Lc 12,1b), họ có trách nhiệm hướng dẫn dân chúng tôn thờ và thi hành ý Chúa, nhưng họ lại chỉ tìm vinh quang cho chính mình, họ sống đạo hình thức, đạo đức bề ngòai, giữ luật Mose rất khắt khe. Men Xa-đốc là cách sống của những người không tin vào sự sống lại, xu thời phóng khoáng, thích văn hóa Hy Lạp, rất giàu có và giàu thế lực, họ ủng hộ cai trị của Roma.
Chúa Giêsu Kitô còn cho chúng ta biết “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia vùi vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men” (Mt 13,33). Loại men để làm bánh chỉ có một nắm trong ba đấu bột mà khi dậy men là lúc bột phồng to lên và nhờ vậy, bánh nướng nở lớn, xốp và thơm ngon. Nếu men không còn tốt, men hư sẽ làm cho bột hư luôn, vì thế Chúa Giêsu đã cảnh báo chúng ta phải đề phòng những loại men Pharisêu và men Xa-đốc, những loại men này khi đã nhiễm vào người nào, thì có lẽ dậy men mạnh mẽ hơn loại men dùng cho bột, vì những loại men này vô cùng độc hại. Những người bị nhiễm men này đã làm cho Giáo Hội và xã hội thoái hóa trầm trọng về đạo đức và tâm linh.
Chúa Giêsu còn cho chúng ta biết thêm một loại men Hêrôđê nữa, là men ham mê quyền bính, buộc người khác phải làm theo ý mình, đồng thời làm tất cả mọi sự bỉ ổi, đê hèn, tội lỗi để duy trì quyền bính của mình. “Bấy giờ vua Hêrôđê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và trên toàn vùng lân cận” (Mt 2,16a).
Chúa Giêsu luôn nhắc nhở chúng ta hãy coi chừng những loại men đó, vì nó sẽ làm cho cuộc đời tông đồ của ta dần dần bị biến chất bất cứ lúc nào mà chúng ta không biết được, thì khi ta giới thiệu Đức Giêsu cho người khác, phản ứng tự nhiên của ta không còn quan tâm tới Đức Giêsu mà lại chủ yếu tìm danh vọng cho mình trong chính công việc ấy.
Vậy chúng ta tự hỏi, chúng ta phải làm thế nào phúc âm hóa môi trường trong cộng đoàn và giáo xứ của chúng ta với những anh chị em Kitô hữu “có đức tin giấy khai sinh”. Theo thiển ý thì chúng ta phải sống dồi dào ba nhân đức đối thần, tin cậy mến, mà quan trọng nhất là đức mến, đòi hỏi mình thực hành sứ vụ với tình yêu Thiên Chúa ban cho mình. Phải thành thật với chính mình với chính Chúa, với chính tha nhân. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khuyên: “chúng con đừng sống một cách hời hợt chung chung, nhưng có đời sống nội tâm sâu xa. Chúng con hãy dùng thời giờ để cầu nguyện, để suy tư và sống trong Sự Thật, nhờ đó chúng ta có mối thân tình với Chúa và với anh chị em mình”.
Nhờ vậy khi dấn thân, chúng ta phải đi bước trước, tạo cơ hội thăm hỏi họ thật nhiệt thành khi gặp gỡ, mời họ đến nhà cùng nhau hàn huyên thăm hỏi chân tình rồi dần dần kết tình thân mật, mình có thể mời tham dự buổi đi dạo hay nghe nhạc v.v… hoặc ngỏ lời đến thăm gia đình họ … khi tình thân được kết nối thân tình hơn, chúng ta kêu mời cùng họ đến dự buổi họp mặt đọc kinh cầu nguyện cho quê hương hay chia sẻ Lời Chúa v.v…
Chúng ta hãy làm điều này với tình yêu thương của Thiên Chúa, với sự dẫn dắt sáng suốt của Chúa Thánh Thần trong niềm tôn trọng nhau và kiên nhẫn, tin tưởng phó thác vào quyền năng của Người mà sẵn sàng “đặt tay, chân, trái tim và khối óc trong công việc này, chính Thiên Chúa sẽ hướng dẫn chúng ta làm cho hoạt động của chúng ta được phong phú” (DGH Francis).
Elisabeth Nguyễn