“Đức tin là một món quà không dành riêng cho ai, nhưng được trao ban một cách quảng đại. Tất cả mọi người đều có thể trải nghiệm niềm vui được Chúa yêu thương, niềm vui của ơn Cứu Rỗi. Đó là món quà mà người ta không thể giữ cho riêng mình, nhưng là để chia sẻ“ (Đức Thánh Cha Phanxicô (Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2013).
Là Kitô hữu, chúng ta lãnh nhận đức tin từ ngày nhận bí tích Thánh Tẩy, được mặc chiếc Áo Kitô đó là một hồng ân lớn lao vô cùng. Khi lớn lên, có những Kitô hữu được gia đình ươm mầm cho đức tin có dịp tăng trưởng theo ngày tháng từ tấm bé thì rất hạnh phúc vì được giáo dục theo tín lý của Đức Giêsu. Tuy nhiên, có nhiều Kitô hữu, vì hoàn cảnh gia đình hay vì một lý do nào đó, không được cha mẹ để ý chăm sóc về phần linh hồn thì đức tin không được tăng trưởng mà hầu như mất hẳn luôn. Vì thế khi trưởng thành, trí hiểu biết thúc đẩy chúng ta phải tìm kiếm, học hỏi để hạt giống đức tin của mình được phát triển và tồn tại.
Chúng ta thấy đường lối của Chúa Giêsu rất khác đời, rất khác người. Trên đường dong duổi rao giảngTin Mừng, Chúa gọi và chọn môn đệ của Ngài trong số những người nghèo khó, người lao động, người thu thuế, người tội lỗi, người bị xã hội chê bỏ v.v…. Trong khi các tôn giáo hay các vị chủ tể khác đều chọn môn đệ là người tài giỏi, giàu có, được người đời tùng phục, có tiếng tăm, được thiên hạ trọng vọng. Chúa của mình không chọn người tài giỏi mà chọn người có nhiều khiếm khuyết để biến đổi họ nên thanh sạch, thiện hảo.
Khi rao giảng Tin Mừng của Chúa Cha, Chúa Giêsu chỉ chú trong hai việc là thương yêu và tha thứ, đem bình an đến cho họ. Để thương yêu những người nghèo khó, bệnh tật, Chúa an ủi, dạy dỗ và chữa lành cho họ, vì Ngài thấy đoàn lũ dân đi theo Ngài rất đông, họ khao khát tình yêu thương, sự an ủi, sự che chở và ao ước được thông hiểu, Ngài thấy họ như những con chiên không người chăn dắt, họ thật lầm than và đau ốm bệnh hoạn tật nguyền, bị quỷ ám… nên khi chữa lành cho họ, Ngài đòi hỏi họ phải có lòng tin trước đã. Vì khi họ tin vào quyền năng thần thiêng của Thiên Chúa thì đó là điều kiện thiết yếu để Ngài chữa lành cho họ, không những về thể xác mà còn giải thoát cho họ về tâm linh. Đó chính là hành động Ngài ra tay cứu độ họ.
Tin Mừng Matthêu thuật lại việc hai người mù đi theo Chúa để xin Chúa Giêsu cứu chữa. Ngài hỏi: “Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?”. Khi chính họ xác nhận: „Thưa Ngài, chúng tôi tin“. Lúc ấy Chúa mới đặt tay vào mắt họ chữa lành cho hai người hết mù cả thể lý lẫn tâm hồn: „Các anh tin thế nào thì được như vậy“. (x. Mt 9,27-30).
Đức tin là một hồng ân của Chúa, nó mở lòng chúng ta ra để gắn bó toàn diện khả năng hiểu biết và ý chí của con người với Thiên Chúa, nhờ đức tin ta có thể chạm đến Thiên Chúa, một cách huyền nhiệm mà thiết thực, nó soi sáng và mời gọi cộng tác vào chương trình cứu độ loài người của Ngài, vì thế người Kitô hữu phải luôn sống thực hành Lời Chúa, vì “Không phải bất cứ ai thưa: Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời mới được vào mà thôi” (Mt,7,21). Tin là chấp nhận yêu và sống chết với Chúa Giêsu vô điều kiện, và phải hành động theo ý Ngài vì, “đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17). Hành động trong đức tin là động lực thúc đẩy chúng ta dám nghĩ và dám thực hiện những điều tốt lành mà bình thường mình không dám, nhưng mình hành động với sức mạnh và quyền năng của Chúa Thánh Thần, thì „Ơn Ta sẽ đủ cho con“.
Muốn có một đức tin sắt đá đích thực, chúng ta hãy noi gương sống đức tin của Đức Mẹ Maria và các tổ phụ, đặc biệt là tổ phụ Abraham, các vị đã tuyệt đối vâng nghe Lời Chúa phán và chấp nhận sứ vụ ngay dù không biết mình sẽ thực hiện như thế nào! Vì các ngài tin tưởng phó thác hoàn toàn vào quyền năng thần thiêng của Đức Chúa.
Noi gương các ngài, chúng ta chỉ có một cách là phải chuyên chăm và trung thành trong cầu nguyện với Lời Chúa để biết, để hiểu, để yêu Ngài, gắn bó với Ngài, kết hiệp với Ngài, mỗi ngày mỗi nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Chúa Giêsu đã quả quyết: “Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha” (Ga 14,12).
Đức Tin là nền tảng sống của giáo dân và của Giáo Hội, Đức tin luôn luôn gắn liền với đức cậy và đức mến, khi tin cậy và yêu mến Thiên Chúa thì đức tin sẽ chi phối mọi hành động của mình, làm cho mình tiến bước trong cuộc đời không hề sợ hãi trước những khó khăn, trước những vấn nạn, hoặc tai nạn xảy đến. „Đức tin khiến ta dám hy sinh tất cả vì lòng yêu mến Chúa mà không do dự, không hổ thẹn, không sợ hãi, không chùn bước bao giờ“. (Bậc Đáng Kính Charles de Faucoul).
Niềm tin đích thực được thể hiện qua đời sống hằng ngày dưới ánh sáng Chúa Thánh Thần: “Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa, đó là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người” (1Ga 2,3). Thiên hạ chỉ nhìn xem cuộc sống của chúng ta, hành động của chúng ta, phản ứng của chúng ta, lời nói việc làm của chúng ta, đủ biết đức tin của chúng ta như thế nào, chúng ta có phải là môn đệ của Ngài không!?. Chúng ta phải bình tâm, bình tĩnh đối diện với tất cả mọi sự, dù thành công, dù thất bại hay gặp nạn, với một niềm tin vững chắc, Chúa sẽ giúp chúng ta vượt qua tất cả trở ngại vì „ngoài việc làm đẹp lòng Chúa, thì tất cả chỉ là hư không; đức tin làm cho ta thấy sự cao cả của Thiên Chúa, cho thấy rõ cái bé bỏng của ta.“ (Bậc Đáng Kính Charles de Faucoul).
Ðức Giêsu đã nói với các môn đệ khi Ngài từ cõi chết sống lại, và nói với chúng ta đang hiện diện: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo tin mừng cứu độ cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép Rửa sẽ được cứu độ, còn ai không tin, sẽ bị kết án” (Mc 16,15-16). Đó chính là sứ mệnh của chúng ta. Ơn cứu độ ấy sẽ hoàn thành trong ngày Chúa Quang Lâm, nhưng ngay từ bây giờ, „đức tin bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy“ (Dt 11,1).
Chúa Giêsu đã cho chúng ta một bằng chứng để chúng ta can đảm „ra đi“ khỏi cái tôi ích kỷ và nhất đảm của mình.: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu nầy: hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em”. Chúng ta hãy cùng vâng nghe Lời Người, hãy chia sẻ món quà đức tin, dù chỉ lớn bằng hạt cải, mà chúng ta không được phép giữ riêng cho mình.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con can đảm từ bỏ „cái tôi“ ích kỷ, nhỏ nhen để tâm được trong, lòng được sạch, trí óc tinh tường, hầu đức tin của chúng con, dù chỉ lớn bằng hạt cải sẽ phát triển mạnh mẽ, đến những người chung quanh. Amen
Elisabeth Nguyễn