Mới đây tại một giáo xứ ở thủ đô Paris có một lễ an táng cho một chị vợ qua đời rất trẻ ở tuổi 48 vì căn bệnh ung thư hiểm nghèo. Theo thông lệ, linh mục cử hành thánh lễ an táng sẽ cùng với một giáo dân chuyên lo việc hiếu trong giáo xứ gặp gỡ gia đình và người thân của người quá cố để trước hết chia sẻ nỗi buồn đau mất mát, sau là lắng nghe họ kể về những gì người mới qua đời đã sống và đã làm hay về niềm tin của họ, và cũng là dịp để cùng với tang gia chuẩn bị nghi thức an táng sao cho chu đáo.
Hiện diện trong buổi gặp gỡ này về phía người thân của chị vợ trẻ quá cố có người chồng và mẹ chồng. Họ đã nói về thái độ sự đón nhận cái chết của người phụ nữ trẻ này như thế nào khi biết được tin chẳng lành: tất nhiên là rất buồn nhưng không thất vọng. Anh chồng còn cho biết khi còn trẻ, chị vợ của mình cũng tham gia phong trào hướng đạo tại giáo xứ và tham gia các công việc từ thiện một cách nhiệt tình. Đặc biệt trước khi mắc phải căn bệnh ung thư hiểm nghèo chị vợ của anh vẫn phục vụ của ăn cho những người đơn độc và không chỗ tựa nương. Anh còn cho biết trước đây chị ấy tham gia ca đoàn và cũng có mối liên hệ với một linh mục dòng Đaminh.
Như vậy, so với một số người Pháp khác xa rời Giáo hội, đời sống tâm linh và bác ái của chị vợ này thật đáng trân trọng. Lại nữa, về phía bổn phận của một công dân cũng được chị ấy đề cao qua việc dấn thân phục vụ thông qua một số hoạt động cụ thể trong địa bàn mình sống.
Do các mối liên hệ ấy, số người đến tham dự thánh lễ an táng đông hơn hẳn so với các đám tang bình thường khác. Không những tham dự, những người thân và bạn hữu ấy còn sẵn sàng góp phần mình cho buổi cử hành được linh động: một số biết sử dụng các nhạc cụ cũng tham gia phục vụ; số khác nữa thì trong vai trò ca viên dưới sự điều khiển của một anh bạn là ca trưởng của một giáo xứ lân cận; ngoài ra những bài đọc và dẫn lễ hay lời nguyện cũng được những người khác đảm nhiệm.
Những gì mà các những người còn sống dành cho người quá cố và tang gia đã đánh động và có tác dụng an ủi cách đặc biệt đối với anh chồng. Trước đau buồn của sự mất mát không thể bù đắp anh cũng thấy được rằng kết quả của việc tốt mà người vợ yêu quý của mình làm được khi còn sống đều được mọi người trân trọng và nhớ đến qua nghĩa cử đầy ưu ái thể hiện trong suốt buổi cử hành này.
Trong suốt thời gian từ lúc người vợ nằm xuống cho đến khi được đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng, có quá nhiều thứ phải chuẩn bị và mọi sự lại tiến triển rất tốt đẹp nên anh chồng không bộc lộ cảm xúc riêng tư. Chỉ khi mọi công việc ma chay xong xuôi lúc anh ta đi lễ vào trưa hôm sau để cầu nguyện cho người vợ mình thì mới cảm thấy cô đơn và trống trải. Bắt gặp vị linh mục gặp gỡ tang gia trước khi chuẩn bị lễ an táng vào mấy ngày hôm trước lại được vị ấy trong thánh lễ xuống tận nơi khi chúc bình an để an ủi, không cầm được cảm xúc, nước mắt người chồng tội nghiệp này cứ tuôn ra.
Trong mất mát và khi phải đối diện với thử thách tưởng chừng không thể vượt qua, con người cần đến điểm tựa của đức tin. Những lúc con người bất lực trước đau khổ tìm đến Thiên Chúa để mong được đỡ nâng. Khi không còn chỗ để bám víu, tâm hồn con người dễ dàng mở ra để lắng nghe tiếng Chúa và xin Ngài đoái thương nhận lời.
Sự sống và sự chết luôn nằm ngoài khả năng của con người mà chỉ có Thiên Chúa mới có quyền trên chúng. Thật không dễ dàng đón nhận sự biệt ly của người thân yêu. Tuy nhiên vì tin rằng Thiên Chúa, Đấng giầu lòng xót thương luôn định liệu theo chiều hướng thiện hảo cho con cái mình, các tín hữu luôn được mời gọi đọc ra sự quan phòng yêu thương đó dưới con mắt đức tin để từ đó có được sự phó thác đầy tin yêu trong sự hướng dẫn của Thiên Chúa giữa mọi biến cố của cuộc đời.
Tăng Kỳ Mục
Gp. Bùi Chu