Phải chăng chính vì có sự lầm lẫn nghiêm trọng giữa Luân Lý và Đạo Đức thế nên mới đưa Giáo Hội đến tình trạng không thể chống đỡ được sự phê phán của trào lưu Tục Hóa như hiện nay đang thấy: “ Trào lưu hiện đại đang tấn công nền luân lý Ki Tô giáo mà đức Gioan Phao Lô II nói đến chính là trào lưu Tục Hóa ( Secularism ). Trào lưu này có hai đặc điểm chính: Đòi quyền tự quyết về cách thức suy tư và cách sống khi tham chiếu những chuẩn mực luân lý của tôn giáo và những nguyên tắc siêu hình học. Thứ đến khẳng định con người chỉ cần những nguyên tắc và những chuẩn mực giúp định hướng đời sống luân lý của mỗi cá nhân….
….Trào lưu Tục Hóa tuy không phủ nhận tôn giáo nhưng đòi tách biệt tận gốc rễ mọi hình thức tôn giáo ra khỏi đời sống xã hội và phong hóa của con người. Mỗi cá nhân phải tự do trong những xác tín của họ. Như thế tôn giáo chỉ còn là vấn đề riêng tư cá nhân. Kết quả của Tục Hóa như Max Weber nói: “ Sự thức tỉnh của thế giới”. Các Thần và Chúa của thế giới đã bị loại bỏ ( M. Heidegger ) Thần linh đã bị loại khỏi thế giới một cách dứt khoát” ( Nguồn Lm Phao Lô Cao Chu Vũ . O.P – Thời Sự Thần Học số 61 ( 08/2003 ).
Một khi Thần Linh và…Chúa đã bị loại bỏ một cách dứt khoát như thế thì dĩ nhiên Luân Lý Ki Tô giáo cũng đâu còn cần thiết chi nữa ? Thế nhưng có một câu hỏi đặt ra ở đây đó là: Thật sự thì có cái gọi là Luân Lý Ki Tô giáo hay không ? Để trả lời thỏa đáng cho câu hỏi này thiết nghĩ chúng ta cần phân biệt giữa hai khái niệm Luân Lý và Đạo Đức.
Luân lý cũng gọi là phong hóa tức những tục lệ do con người đặt để ra tùy từng nơi từng thời mà có sự khác nhau. Chẳng hạn tục cưới xin, ma chay của người dân tộc Nùng hoàn toàn khác với người Tày và cố nhiên cũng không giống với người Kinh. Tục búi tó củ hành của đàn ông hay nhuộm răng đen, ăn trầu của đàn bà Việt xưa được coi là…đẹp thì nay không ai còn …coi cho được nữa…Mặt khác luân lý xét trên cấp độ…cao hơn như dân Hồi giáo chấp nhận đa thê còn với Tây Phương lại bị kết án. Trước đây xã hội cho phá thai là tội nhưng nay lại cho đó là một…cái quyền. v.v…
Nhận ra như thế để cho thấy Luân lý hoàn toàn không có một chuẩn mực chi hết. Trái lại Đạo Đức thì có chuẩn mực và chuẩn mực này có tính muôn thuở cho cả Đông lẫn Tây cũng như xưa và nay. Mặc dầu vậy để có thể đi đến cái chuẩn mực đạo đức chung nhất ấy đó lại là vấn đề khác.
Bản chất con người là vô minh và vì thế mà đã sống trong vòng trói buộc của tham, sân. Nếu…tham được thì càng tham mãi. Ngược lại …tham không được thì nảy sinh lòng sân, giận, đố kỵ, hận thù…. Lòng tham, sân ấy chính là nguồn gốc của mọi hình thái chiến tranh. Ngay cả với các tôn giáo cũng vậy….
Người ta có thể nhân danh đạo đức để hòng tiêu diệt nhau. Chẳng phải Cộng Sản đã nêu cao chủ nghĩa đại đồng để gây ra cuộc đấu tranh giai cấp vô cùng tệ hại đó sao v.v…?
Bao lâu con người còn sống trong vô minh điên đảo thì sẽ không sao tránh khỏi lòng tham lam sân hận…để rồi không ngớt gây nên khổ đau cho mình, cho người. Tôn giáo chân chính ( chánh đạo ) được lập ra chỉ có một mục đích đó là làm sao cho con người thoát khỏi mọi nỗi khổ ách. Đang khi đó nguyên nhân đưa đến mọi nỗi khổ ách ấy chính là vô minh ngã chấp.
Đạo Phật đặt nền tảng của sự thoát khổ ấy dựa trên ba nguyên lý cũng gọi là Tam Pháp Ấn đó là Vô Thường – Khổ Não – Vô Ngã. Còn Đức Ki Tô thì truyền dạy đạo lý Bỏ Mình “ Ai muốn theo Ta thì hãy bỏ mình vác thập giá hàng ngày mà theo” ( Lc 9, 23 ).
Lý Vô Ngã của Đạo Phật hay …Bỏ Mình của đức Ki Tô tuy có khác về cách diễn tả nhưng nội dung vẫn là một có nghĩa đó là con đường duy nhất cho ta có thể đi sâu vào bản tâm để nhận ra Nước Trời ( Niết Bàn ) ở nơi chính mình. Đạo Phật chủ trương Vô Ngã là Niết Bàn còn Đức Ki Tô đưa ra đạo lý Bỏ Mình cũng chính là để cho ta nhận ra Nước Trời chứ chẳng phải điều chi khác “ Quả thật Ta nói cùng các ngươi. Nếu các ngươi không xoay lại trở nên như con trẻ thì hẳn chẳng vào được Nước Trời đâu” ( Mt 18, 3 ).
Chúa nói “ Hãy nên như con trẻ” để ám chỉ cho những kẻ…dễ tin, dễ nhận. Để vào được Nước Trời thì điều kiện tiên quyết đó là lòng tin và lòng tin ấy chính là tin vào Tin Mừng của Đức Ki Tô “ Thời đã mãn Nước Trời đã gần đến. Các ngươi hãy sám hối ăn năn và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 15 ).
Tại sao tin vào Tin Mừng lại phải sám hối ăn năn tội lỗi mình ? Đó là vì Nước Trời mà Đức Ki Tô rao giảng là một mầu nhiệm nội tại ( Lc 17, 20 -21 ). Cũng chính vì Nước Trời là mầu nhiệm…nội tai như thế nên Đức Ki Tô nói: Những ai muốn…vào đó thì phải…xoay lại để trở nên như con trẻ. Việc…xoay lại đây chính là…xoay cái Tâm trở ngược vào bên trong bằng cách sám hối tội lỗi mình và chỉ khi ấy chúng ta mới có thể nhận biết ( Ngộ ) Nước Trời chẳng có ở đâu xa mà đã sẵn đủ ngay ở nơi mình.
Nước Trời vốn…sẵn đủ ở nơi mình nhưng để…vào được nơi ấy thì chẳng có cách nào khác là phải ..bỏ mình theo Chúa “ Có người đến hỏi Ngài rằng: Thưa Thầy tôi phải làm việc lành chi để được sự sống đời đời. Chúa đáp: Sao ngươi hỏi Ta về việc lành ? Chỉ có một Đấng Lành mà thôi. Nhưng nếu ngươi muốn vào sự sống thì hãy giữ các điều răn. Người ấy lại hỏi: Điều răn nào ? Chúa đáp: Chớ giết người. Chớ gian dâm. Chớ trộm cắp. Chớ làm chứng dối. Hãy thảo kính cha mẹ và hãy yêu thương kẻ lân cận như mình. Gã trai trẻ đó thưa rằng: Mọi điều đó tôi đã vâng giữ rồi. Vậy còn thiếu chi nữa ? Chúa phán: Nếu ngươi muốn nên trọn lành thì hãy đi mà bán hết tài sản ngươi mà cho kẻ nghèo thì ngươi sẽ có của báu ở trên trời rồi hãy đến theo Ta” ( Mt 19, 16 -21 ).
Tất cả những gì người thanh niên ấy làm như: Không giết người. Không gian dâm, trộm cắp…..Dẫu sao đó vẫn thuộc phạm vi luân lý …Trái lại con đường của Chúa là đường giải thoát siêu xuất thế gian hầu nhận biết Sự Thật “ Nếu các ngươi cứ ở trong đạo của Ta thì thật là môn đệ Ta. Các ngươi sẽ nhận biết Sự Thật và Sự Thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 -32 ).
Như lời Chúa nói: Ngài không đến để giải thoát nhưng là Sự Thật. Một khi chúng ta nhờ Đức Ki Tô để nhận biết Sự Thật mình là Con Thiên Chúa có nghĩa Thiên Chúa là Đấng Cha của mình thì sẽ được giải thoát. Thế nhưng để có thể nhận biết Sự Thật ấy chúng ta cần đặt hết lòng Tin, Cậy, Mến nơi Chúa Giê Su “ Hễ ai tin Chúa Giê Su là Đấng Ki Tô thì sanh bởi Thiên Chúa. Hễ ai thương yêu Đấng đã sanh ( ra ta ) thì cũng thương yêu kẻ đã sanh bởi Ngài. Khi chúng ta thương yêu Thiên Chúa và giữ các điều răn của Ngài thì nhờ đó chúng ta biết rằng mình thương yêu con cái của Thiên Chúa nữa” ( 1Ga 5, 1 -2 )./.
Phùng Văn Hóa