Đức tin và sự hiệp nhất

        Với hơn hửa thế kỷ nỗ lực cho sự hiệp nhất để rồi đưa đến  kết quả  Giáo Hội ngày càng chia rẽ: “ Những chia rẽ phá hủy Giáo Hội, ma quỷ tìm cách tấn công từ gốc rễ của sự hiệp nhất ngay trong việc cử hành Thánh lễ. Đó là thông điệp của ĐTC Phanxico trong Thánh lễ sáng hôm thứ hai vừa rồi tại nguyện đường Thánh  Mattha…

          …Lấy  ý tưởng từ bài  đọc thứ nhất  của Thánh Phao Lô gửi tín hữu Corinto, ngài quở trách cộng đoàn Corinto về việc cãi cọ nhau, gây chia rẽ của họ. ĐTC quảng diễn: Ma quỷ có hai loại vũ khí rất hiểm độc để hủy diệt Giáo Hội đó là sự chia rẽ và tiền bạc. Và điều này  đã xảy ra  ngay từ thuở khai mở Giáo hội. Chia rẽ về  thần học, về tư tưởng để xâu xé và làm tổn thương Giáo Hội. Ma quỷ  đã gieo ganh tỵ, tham vọng, tham lam và những tư tưởng trái chiều để gây chia rẽ. Việc này xảy ra như sau một cuộc chiến tranh. Tất cả mọi sự đều bị phá hủy và ma quỷ hài lòng  về điều này. Còn chúng ta  trở thành những kẻ ngây thơ, chúng ta trở thành trò chơi của ma quỷ. ĐTC lập lại: Sự chia rẽ là một cuộc chiến bẩn thỉu, nó giống như chủ nghĩa khủng bố. Cuộc chiến của lời ra tiếng vào nơi cộng đoàn. Cuộc chiến của ngôn ngữ giết chết con người” ( Nguồn Web…Gp Bùi Chu – 13/9/2016. Ma quỷ tìm chia rẽ GH từ gốc rễ sự hiệp nhất ).

          Công Đồng Vatican II mệnh danh là CĐ  Đại  Kết với chủ trương là tiến tới sự hiệp nhất  giữa các hệ phái Ki Tô Giáo bao gồm Công Giáo, Tin Lành, Chính Thống và Anh Giáo. Thế nhưng sau hơn nửa thế kỷ  tính từ ngày ban hành Sắc lệnh Đại Kết ( U.R ) đến nay chẳng những không hề có bất cứ sự hiệp nhất nào  được thực hiện mà ngay  trong nội bộ GH Công Giáo như lời ĐTC Phan Xi Cô  diễn tả… nó tan hoang chẳng khác nào sau cuộc chiến khủng bố !!!.

          Mong muốn và tìm cách để tiến tới hiệp nhất nhưng rồi  chỉ đem đến chia rẽ.  Điều này khiến chúng ta không thể không đặt lại vấn đề  Hiệp Nhất Ki Tô Giáo. Nó có thực sự là sự hiệp nhất mà  Đức Ki Tô mong muốn hay không ? “ Con chẳng những vì họ cầu xin thôi đâu, nhưng cũng vì kẻ nhơn lời họ  mà tin Con nữa để họ thảy hiệp làm một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha. Lại  để cho họ cũng ở trong chúng ta, hầu thế gian tin rằng Cha đã sai Con” ( Ga 17, 20 -21 ).

          Ở đây Chúa Giê Su cầu nguyện  sự hiệp nhất  cho  các Tông Đồ chứ không phải giữa GH Công  Giáo Tông Truyền  với các giáo phái  ly khai. Sở dĩ các Tông Đồ cần có sự hiệp nhất  bởi vì chính  sự hiệp nhất đó  mới có thể khiến thế gian tin rằng Chúa là Đấng đã  được  Cha sai  đến. Tin Chúa  được…sai đến cũng  có nghĩa là  tin  Ngài đã mang đến thế gian một sứ mạng  cao cả là rao giảng Tin Mừng Nước Trời: “ Vừa rạng ngày Ngài ra đi đến nơi thanh vắng. Có quần chúng kéo đi tìm  Ngài theo kịp, muốn giữ Ngài ở lại với họ. Nhưng Ngài nói; Ta còn cần phải rao giảng Nước Thiên Chúa cho các thành thị khác. Vì cốt tại việc đó mà Ta được sai đến” ( Lc 4, 42 -43 ).

          Chúa Giê Su khẳng định  sứ mạng Ngài đến thế gian là để rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Điều đó làm sao có thể phủ nhận ? Thế nhưng sự thực   sau hai mươi thế kỷ sứ mạng  ấy vẫn  chưa được nhìn nhận và vì thế  Giáo Hội  đã  trải qua hết cơn khủng hoảng  này đến cơn khủng hoảng khác để rồi cuối cùng  phải tìm đến sự hiệp nhất với các giáo phái.

          Sự hiệp nhất cũng gọi là Đại Kết  thoạt đầu  không phải do Giáo Hội Công giáo khởi xướng nhưng là Tin Lành: “ Có thể lấy năm 1910 như khởi điểm của phong trào Đại kết cận đại. Vào năm ấy, một đại hội của các Hội Truyền Giáo Tin Lành ( World Missionary Conference ) được tổ chức tại Edinburh ( Scotland ). Lý do đưa tới  việc tổ chức đại hội là thực trạng chua chát của các xứ truyền giáo khi mà các giáo đoàn trẻ chất vấn những nhóm thừa sai: Tại sao các ông đều rao giảng một đức Ki Tô như nhau mà các ông  lại chia rẽ thành bao nhiêu là phe nhóm. Nào là Methodist, nào là Luteranist, nào là Episcopalist ? Tại sao các ông vừa mang cho chúng tôi Tin mừng của Đức Ki Tô mà vừa mang theo sự phân hóa từ Âu Mỹ sang đây làm gì ? Chính vì ý thức rằng sự chia rẽ giữa các Ki Tô Hữu là một chướng ngại  cho việc  truyền giáo  cho nên các  Hội truyền Giáo mới quyết  định nhóm họp lại  để tìm cách thức giải quyết. Cuộc gặp gỡ giữa  các  Hội Truyền giáo  dần dần  đã đưa  tới sự gặp gỡ các Giáo Hội dưới danh nghĩa của Hội  Đồng Quốc Tế Truyền Giáo ( International Missionary Council ) ra đời năm 1921” ( Nguồn TTHV Đa minh – Tấn Anh – Thần Học Về Đại Kết ).

          Sở dĩ Tin Lành phân rã thành các giáo phái Methodist, Luteranist, Episcopatist v.v.. không phải là họ cùng rao giảng một  Đức Ki Tô. Trái lại đó chỉ là một thứ quan niệm  nào đó về Đức Ki Tô chứ không phải Đức Ki Tô như chính Ngài Là. Mặt khác cũng không phải  họ rao giảng Tin Mừng của Đức Ki Tô  mà  cũng chỉ là thứ …Tin Mừng của họ chẳng có liên hệ gì đến Tin Mừng  về Nước Trời mầu nhiệm nội tại ( Lc 17, 20 -21 ).

          Bởi nguyên nhân nào  đã khiến  các hệ phái Tin Lành  nói riêng và thần học Ki Tô giáo nói chung không rao giảng  Đức Ki Tô đúng thật như Ngài Là ? Bởi vì Đức Ki Tô  đã  bị… đồng hóa  với Thiên Chúa  Tạo Hóa.

          Tại đại hội Newdheli năm 1961, toàn thể các giáo phái Tin Lành đã  ra tuyên ngôn “ Hội Đồng  Thế Giới các Giáo Hội là một hội nghị của các giáo hội tuyên xưng Đức Giê Su Ki Tô là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Thế  theo Kinh Thánh. Do đó họ nỗ lực thể hiện ơn gọi chung hầu làm vinh danh Thiên Chúa duy nhất Cha, Con và Thánh Thần” ( Nguồn TTHV Đa Minh -23/9/2018 đã dẫn ).

           Điều mà các giáo phái Tin Lành ra tuyên bố chung nhìn nhận Đức Giê Su Ki Tô  chính là Thiên Chúa  Tạo Hóa thì cũng không có gì khác với thần học Công Giáo khi cho rằng Chúa Giê Su là Thiên Chúa Nhập Thể  làm người  vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật: “ Thiên Chúa là Tạo Hóa. Con người là tạo vật. Thiên Chúa làm người có nghĩa Tạo Hóa trở nên tạo vật” ( Đgm Phao Lô Bùi Văn  Đọc – Đức Ki Tô, hôm qua, hôm nay và mãi mãi ).

          Với quan niệm Đức Ki Tô cũng chính là Đấng  Tạo Hóa làm người đã đặt ra một vấn đề hết sức nghiêm trọng đó là đã phủ nhận mạc khải của Đức Ki Tô về Thiên Chúa Cha: “ Cha Ta đã giao mọi sự cho Ta. Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và người nào Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22 ).

          Mạc khải có nghĩa là vén tấm màn lên để chỉ cho thấy điều còn ẩn giấu ở bên trong. Đức Ki Tô mạc khải về Chúa Cha tức là Ngài…chỉ cho chúng ta được biết về Đấng Thiên Chúa Ẩn Giấu ( Deus Abconsditus ) chưa ai từng thấy biết ( Ga 1, 18 ).

          Đức Ki Tô…biết về Cha thì cái biết ấy  không phải là của lý trí phân biệt nhưng là cái biết  của Thực Tại vô phân biệt như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha. Thực  Tại Đấng Cha ấy  cũng là một không khác với Nước Trời mầu nhiệm. Đức Ki Tô  rao giảng Tin Mừng Nước Trời đó là Ngài loan báo một cái Tin  mà nếu ai…nghe được thì sẽ phát khởi  được lòng vui mừng lớn lao.

          Để…nghe được Tin Mừng của Đức Ki Tô thì nhất thiết cần hai điều kiện. Một là sự sám hối, ăn năn và hai là lòng tin: “ Thời đã mãn, Nước Thiên Chúa đã gần. Các ngươi hãy ăn năn, sám hối và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 15 ).

          Nước Thiên Chúa đã gần, chỉ cần  chúng ta có lòng sám hối ăn năn chừa cải tội lỗi mình và tin vào Tin Mừng  của Chúa thì sẽ gặp được Nước Trời ngay ở nơi mình. Lòng tin và sự ăn năn, sám hối cần  song hành, bồi bổ cho nhau. Không  thể có lòng tin nếu không thực tâm sám hối, ăn năn. Ngược lại càng ăn năn, sám hối bao nhiêu thì lòng tin càng mạnh mẽ bấy nhiêu.

          Đức  Ki Tô rao giảng Tin Mừng  và  đòi hỏi  con người cần  có lòng tin và chỉ  lòng tin ấy mới được gọi là lòng tin chân thật ( Chánh Tín ). Mặt khác  tin vào Tin Mừng của  Đức Ki Tô cũng là tin Đấng  Cha nội tại ở nơi  mỗi người: “  Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng ngươi và ở trong lòng ngươi tức là Đạo  Đức Tin  mà chúng tôi rao giảng đây. Vậy nếu miệng ngươi nhìn nhận Chúa Giê Su là Cứu Chúa và lòng ngươi tin ĐCT  đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại  thì ngươi sẽ được cứu. Vì bởi lấy lòng tin mà  được nên công chính và bởi lấy miệng thừa nhận mà được cứu rỗi” ( Rm 10, 8 -10 ).

`        “ ĐẠO” ở đây ám chỉ cho Thực Tại bất sinh bất diệt, không thể được nhận biết  bằng suy tư, lý luận  mà chỉ có thể bằng đức tin thôi. Thế nhưng đức tin ấy làm sao có thể  thể hiện nếu không có Giáo Hội Tông  Truyền do Đức  Ki Tô thiết lập ?.

          Sau  khi Simon Phê Rô tuyên xưng đức tin. Chúa nói với ông: “ Si Mon con Giô Na,  ngươi  thật có phúc đó vì chẳng phải thịt và huyết bày tỏ điều ấy cho  ngươi đâu bèn là Cha Ta  ở trên trời vậy. Còn Ta lại bảo ngươi rằng ngươi là Phê Rô, Ta sẽ lập Hội Thánh Ta trên vầng đá này, cửa Hỏa  Ngục cũng chẳng thắng được nó. Ta sẽ giao chìa khóa Nước Trời cho ngươi. Hễ điều gì ngươi cầm  buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc. Hễ điều gì ngươi cởi mở dưới đất thì trên trời cũng cởi mở” ( Mt 16, 17 -20 ).

          Qua trình thuật Kinh Thánh này cho thấy  hai điều không ai có thể phủ nhận. Một là Đức Ki Tô có thiết lập Hội Thánh. Hai là đặt Hội Thánh dưới quyền lãnh đạo của Thánh Phao Lô, vị giáo hoàng tiên khởi với quyền bính tối thượng.

          Chúa chỉ lập có một Hội Thánh, bởi đó lời tuyên xưng đức tin “ Tôi tin HT duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền”  không những là  rất chính đáng mà còn cần thiết. Tại sao lại cần thiết ? Bởi  vì chính sự tuyên xưng ấy mới gìn giữ tín hữu chúng ta trong chánh đạo. Từ bao thế kỷ nay Giáo Hội vẫn  nhận mình là Đạo Thật và ngoài …đạo ấy ra,  không thể có Ơn Cứu  Độ ( Extra Ecclesiam Nulla Salus ).

          Đạo là con đường thực hiện tâm linh, bởi  đó cho nên, đi trên đường đạo thì  phải có lòng tin. Trái lại không có lòng tin thì không bao giờ có thể đến được tới đích có nghĩa nhận  được Ơn Cứu Độ của Chúa.

          Xét ra tất cả những giáo phái  ly khai khỏi Giáo Hội, bị vạ tuyệt thông  là vì  đã đi…lạc khỏi  con  đường thật ( Chánh Đạo ) là Hội Thánh Tông Truyền. Như vậy  tính chất lạc đạo của các giáo phái ấy  chính là lạc khỏi  Con  Đường Đức Tin.

          Chính Thống giáo lạc  khỏi Con Đường Đức Tin bởi vì họ  đã không chấp nhận quyền bính tối cao của đức giáo hoàng và như thế là đã phủ nhận  việc Đức Ki Tô  trao quyền cho Thánh Phê Rô.

          Tin Lành xa lạc bởi vì họ đã bác bỏ các Tín Điều của Đạo Công giáo về Bí Tích Thánh Thể. Bí Tích Truyền  Chức Thánh …cùng với các Tín Điều về Đức Mẹ.

          Các giáo phái không có cùng  một đức tin với người Công giáo  thì không bao giờ  có thể đi  đến Hiệp Nhất, bởi  họ không có cùng  một ơn gọi: “  Chỉ có một Thân Thể, một Thánh Linh. Cũng như trong sự kêu gọi mình mà anh em  đã được gọi đến  một hy vọng, một Chúa, một  đức tin, một phép rửa, một ĐCT là Cha mọi người,  suốt qua mọi người và ở trong mọi người” ( Eph 4, 4 -6 ).

          Chỉ có một Thần Khí  đó là Thân mầu nhiệm Chúa Ki Tô và trong Thân mầu nhiệm ấy các chi thể hiệp nhất với nhau  để đi đến sự kết hợp  với  Đấng  Cha ở nơi  mình. Thiên Chúa đích thật là Cha của muôn loài, từ nơi Ngài mà xuất sinh. Thế nhưng  để  có thể nhận ra chân lý cao cả ấy thì không thể không qua  Đấng Trung  Gian là Đức Ki Tô: “ Trong Ngài, chúng ta nhơn đức tin đến Ngài được vững lòng dạn dĩ mà vào cùng ĐCT” ( Eph 3, 12 ).

          Tin vào Đức Ki Tô để Ngài đưa dẫn chúng ta đến với Chúa Cha. Tuy nhiên để có  được đức tin nơi  Chúa Ki Tô thì chúng ta không thể …bỏ qua vai trò  vô cùng quan trọng của Đức  Maria. Phải chăng cũng vì không nhận ra vai trò ấy  nên mới dấn thân vào con đường Hiệp Nhất  với các giáo phái không  lối thoát ? “ Đức Trinh Nữ quyền năng đạp giập đầu con rắn. Đối với những tâm hồn liên kết với Mẹ, Chúa ban sức mạnh cho họ để chiến thắng tội lỗi. Chúng ta phải tin điều này với một niềm tin không lay chuyển và một lòng cậy trông vững vàng…

          …Thiên Chúa muốn ban cho chúng con mọi sự. Nhưng bây giờ tùy chúng con và cũng tùy ở nơi Mẹ nữa. Lạy Mẹ Thiên Chúa, vì Mẹ đã lãnh nhận, gìn giữ và chuyển giao mọi sự cho chúng con. Tất cả đều tùy mối liên kết của loài người với  Đấng mà Thiên Chúa đã ủy thác mọi sự” ( A. Graty. Sách Tháng Đức mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội – TB chương 5 – Sl 30 ).

          Vai trò hết sức quan trọng của  Đức Mẹ  đã  được tiên báo  ngay từ thuở Sáng Thế dưới tước hiệu Người Nữ Đạp Giập Đầu rắn Sa Tan ( St 3, 15 ). Lời tiên báo ấy cũng chỉ ra rằng  để có thể  nhận lãnh Ơn Cứu Độ của  Đức Ki Tô, hết thảy mọi tín hữu đều phải trải qua  cuộc chiến cam go với Sa Tan dưới quyền lãnh đạo của Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội Trung Gian Các Ơn.

          Cuộc chiến ấy quả thật đã đến hồi  kết thúc: “ Về Ngày Thạnh Nộ lớn của Ngài đã đến. Ai có thể  đứng vững nổi” ( Kh 6, 17 ). Sẽ không thể đứng vững nếu không còn có đức tin. Trái lại với những ai còn có đức tin vào Ơn Cứu Rỗi  thì sẽ được nghe những lời êm ái  của Chúa trong Ngày Phán Xét: “ Bấy giờ vua sẽ phán cùng những kẻ bên hữu rằng: Hỡi các ngươi là những kẻ được Cha Ta chúc phúc: Hãy đến mà nhận lãnh nước đã sắm sẵn cho các ngươi từ buổi Sáng Thế” ( Mt 25, 34 )./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts