Đừng quên nương tay

Có sự cắt tỉa nào mà không ray rứt, có cuộc sinh nở nào mà không thương tổn?

 

Kính thưa Anh Chị em,

Thật oái ăm, khi nói đến việc cắt tỉa để cây đơm trái, Chúa Giêsu lại dùng hình ảnh thân nho và cành nho, một biểu tượng của gắn bó, xoắn xít và gần gũi. “Thầy là cây nho, các con là cành”, và oằn oại thay, “Cành nào sinh trái, Cha Thầy, người trồng, sẽ cắt tỉa để nó sinh trái nhiều hơn”. Như vậy, càng gắn bó, càng được cắt tỉa; càng cắt tỉa, càng có cơ may sinh nhiều hoa trái. Mục đích của chủ vườn không là bắt cây chịu đau đớn nhưng để cây có cơ hội trổ nhiều hoa lộc.

Cũng thế, mỗi chúng ta, những cành nho của thân mình Đức Kitô rất cần được cắt tỉa. Chúa Cha, chủ vườn khôn ngoan đang cắt tỉa chúng ta mỗi ngày. Người cắt tỉa chúng ta bằng Lời, vì Lời Chúa sắc bén tựa gươm hai lưỡi, xé nát tâm hồn và dò xét tâm can; cắt tỉa bằng sự thiêu rụi của Thánh Thần, vì mọi sự phải qua lửa; cắt tỉa bởi những biến cố lớn nhỏ trong đời sống, vì mỗi sự kiện đều mang một sứ điệp; cắt tỉa bằng những con người, vì tha nhân là trường dạy nên thánh; cắt tỉa bằng tiếng kêu ơi ới của lương tâm, vì toà án này thật khắt khe và thường trực. Cắt tỉa được thực hiện mỗi ngày và nhiều lúc, phải chuẩn bị hàng tháng, hàng năm; đôi khi hàng chục năm và chủ vườn chờ cho đến thời đến buổi mới ra tay. Một khi Người ra tay, bấy giờ, có thể không đơn thuần là chăm chút nhưng đôi khi, đó thực sự là một cuộc đại phẫu bán sống bán chết, một mất một còn vì vụ mùa hôm nay cho tha nhân và đời đời cho linh hồn mỗi người.

Lần dỡ các trang Thánh Kinh, chúng ta đọc thấy bao lần Thiên Chúa cắt tỉa. Cắt tỉa cá nhân, cắt tỉa cộng đoàn, cắt tỉa một dân tộc, cắt tỉa cả nhân loại. Với Noe, bốn mươi đêm ngày Hồng Thuỷ tiêu diệt loài người, chỉ số ít được cứu; với Abraham, “Hãy đem Isaac, con một, lên núi hiến tế Ta”; với Gióp, Người lột sạch, “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó trần truồng”; với Đavít, “Đức Chúa đã bóp mũi đứa con đầu lòng Betseva vợ Uria sinh cho ông”; với Phaolô, Người vật ngã ông trên đường Đamas, đánh cho ông tơi tả đến mù mắt; và với cả Giêsu Con Một cũng không miễn trừ, “Cha ơi, sao Cha bỏ con?”.

 

Anh Chị em,

Đau đớn, xót xa, nhưng không còn lựa chọn nào khác, Người buộc phải bứng cho được cái u xơ mãn tính nơi mỗi người. Chúa xô nó xuống vực thẳm, dìm nó tận bùn đen, tung nó như tung bóng; lột trần, phơi bày nó tô hô dưới ánh mặt trời những gì nó vay mượn, che đậy và cả những gì trói buộc khiến nó không thể kết trái sinh hoa. Sở dĩ như thế, vì bao vụ mùa, trái trăng Người chờ chỉ toàn quả giả, mơn mởn nhưng sâu sia, bóng loáng nhưng chua chát… tất cả chỉ vừa đủ để tô điểm một khu vườn bát ngát của ích kỷ, mênh mông của vụ lợi, đại ngàn của hám danh và giả hình… đang khi điều Người chờ là hoa công chính, trái bình an và quả của Thánh Thần.

Thời gian qua, chưa bao giờ Giáo Hội được cắt tỉa đến thế khi làn sóng tấn công lạm dụng tình dục xảy ra nhiều nơi. Đức Phanxicô phải xin lỗi và ra tự sắc “Vos estis lux mundi”, “Các con là ánh sáng thế gian”. Một cây ngã đổ sẽ dễ gây chú ý hơn ngàn cây đang âm thầm lớn lên, Giáo Hội trần thế không chỉ có những vết đen nhưng còn có rất nhiều vị thánh và bao tâm hồn lặng lẽ tốt lành. Ngày 07/4 vừa qua, Hồng Y George Pell được trắng án, ngài là người quyết liệt chống đồng tính, phá thai; vì thế, ngài là tiêu điểm tấn công của trào lưu chống công giáo, giáo sĩ và chủ nghĩa bảo thủ ở một đất nước rất thế tục; dẫu vậy, Giáo Hội vẫn ý thức, Chúa Thánh Thần đang thanh luyện, canh tân, cắt tỉa mình. Hoặc với biến cố Corona, thế giới đang được cắt tỉa, nhất là các nhà lãnh đạo chính trị không trừ ai từ TT D.Trump, B. Johnson, A. Merkel, Putin… Thật khó xử cho họ, họ dễ nói sai nếu phát biểu nhiều về y khoa, dịch tễ; bị phê phán là vô cảm nếu nói ít hoặc né tránh. Họ bị Corona tấn công về mặt chính trị và uy tín. Đó cũng là cắt tỉa.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con tuy hèn yếu nhưng sẽ cố sức để không là củi, vì con ngại lửa; chỉ xin một điều, khi Người cắt tỉa, xin Chúa đừng quên, đừng quên nương tay”, Amen.

 

Lm. Minh Anh, Gp. Huế

Chia sẻ Bài này:

Related posts