Đường về Thiên Đàng

          Ngày nay niềm tin vào sự hiện hữu của Thiên Đàng hầu như đã hoàn toàn đổ vỡ “ Có một số người vì đã không gặp được Chúa trong Lời của Người. Cũng không gặp được Người trong ơn tha thứ. Cũng không gặp được người  trong niềm tin ( quá siêu nhiên ). Cũng không gặp được Người trong những người anh em ( quá nhân loại ) và cũng không gặp được Người trong cuộc sống ( quá trần tục ) của họ nên họ đã nuôi hy vọng cuối cùng là sẽ gặp được Người trên Thiên Đàng…..

……Chúng ta còn một công việc cuối cùng là vạch trần tính cách phỉnh gạt của mối ước vọng trên đây và sớm đánh tan các ngộ nhận có thể làm họ hụt mất đời đời không gặp được Người” ( Nguồn TTHV Đa Minh – 09/8/2016 – Louis Eveli – Thiên Đàng ).

Nếu bảo rằng tin có Nước Thiên Đàng  chỉ là ngộ nhận. Hơn nữa còn là sự phỉnh gạt thì phải chăng người trộm lành được ghi trong Kinh Thánh là người bị …phỉnh gạt đầu tiên  đồng thời Chúa Giê Su cũng chính là …người phỉnh gạt  khi đưa ra lời hứa “ Quả thật ngay hôm nay ngươi sẽ được về Thiên Đàng với Ta” ( Lc 23, 43 ).

Thật sự nếu không có Thiên Đàng mà lại hứa cho người ta vào đó thì  chẳng phải là phỉnh gạt hay sao ? Lại nữa nếu không có Nước Thiên Đàng đời sau vĩnh cửu thì  việc tin và sống đức tin của Giáo Hội từ trước đến nay  chỉ toàn là  ảo  mộng!!!

Luận điệu cho rằng Thiên Đàng chỉ là phỉnh gạt thì nào có khác  chi CS khi họ nói tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng  nhân dân ? Thần học mà lại đi đến chỗ phỉ báng niềm tin tôn giáo  như thế thì không sao hiểu nổi. Tuy nhiên cái gì cũng  có nguyên nhân của nó và nguyên nhân khiến đứa đến sai lầm nghiêm trọng ấy là vì  người ta cho rằng chỉ cần gặp Chúa chứ không phải là vào Thiên Đàng. Vì không gặp được  Chúa trong Lời của  Người. Vì không gặp được Chúa trong ơn tha thứ v.v…nên mới  ước vọng  lên Thiên Đàng để…gặp  Chúa !!!

Cần gặp Chúa ngay trong cõi đời này bởi chưng chẳng hề có Thiên Đàng nào đâu để  hòng  gặp Ngài trên đó. Tuy nhiên  trong việc…gặp Chúa ấy chắc hẳn phải có mục đích, vậy đó là gì ? “ Sự sống trường cửu là nhận biết Chúa là Thiên Chúa chân thật duy nhất và nhận biết Đấng Chúa đã sai đến là Đức Chúa Giê Su Ki Tô ( Ga 17, 3 ), Những ai không bắt đầu sống đời sống vĩnh cửu ngay tại thế này. Những ai không được sự hiện diện và tình yêu của Thiên Chúa ( một sự hiện diện  và một tình yêu được đưa ra mời gọi tất cả mọi người sinh ra trong trần thế ) chiếu soi từ cuộc sống ở hạ giới này, Những ai trong cuộc sống không có gì đáng để vĩnh viễn  hóa. Những người đó sẽ không bao giờ biết được Thiên Đàng….

……..Trái đất là nơi để xây dựng Nước Trời. Thiên Chúa không mời gọi chúng ta sang qua thế giới bên kia. Chúa đã thân hành đến  trong thế giới chúng ta. Người đã cứu chuộc thế giới. Người đã trút đổ vào đó  những sức mạnh vô cùng và trao phó cho chúng ta  để chúng ta biến đổi  thế giới này rồi một ngày kia Người sẽ đến  hoàn tất công trình của Người cũng như công trình của chúng ta bằng cách vĩnh cửu hóa công trình đó…..

……..Chúng ta sẽ còn ở mãi trong thế giới này. Chúng ta nên ghi sâu điều đó vào lòng chúng ta và hãy lo cải tân nó. Thiên Đàng sẽ không là gì khác hơn là xác định và làm nảy nở trọn vẹn tất cả những gì chúng ta đã thực hiện trên thế gian dưới sự hỗ trợ của các  hồng ân Thiên Chúa ban. Một người “xây dựng” không phải là một người múa may rùm beng nhưng là một tay thợ xây kiến tạo thật sự” ( Nguồn TTHV Đa Minh đã dẫn ).

Thiên Chúa không mời gọi con người sang thế giới bên kia nhưng là để họ … góp phần  kiến tạo thế giới. Nghe qua những lời lẽ huênh hoang này chúng ta không thể không liên tưởng  đến F. Nietzche  về việc cần yêu mến và ở lại để dựng xây trái đất sao cho  nó có một ý nghĩa. Hoặc Các Mác về một thế giới đại đồng không còn giai cấp v.v…

Tất cả những quan niệm dù là của thần học hay duy vật đi đến việc phủ nhận sự hiện hữu của Nước Thiên Đàng  đều phát xuất từ nơi quan niệm Đấng Thần Linh Tạo Hóa. Đối với Thần học một khi đã chấp vào quan niệm Tạo Hóa thì tất nhiên  không thể không đi đến chỗ Tục Hóa tôn giáo, coi cõi thế gian này là thật, cần xây dựng để cho nó ngày càng trở nên tốt đẹp…Trái lại với Duy vật  vô thần  thì  vì Thiên Chúa không có thế nên trái đất này là  tất cả đối với họ.

Bởi đã chấp cho thế gian là thật có thế nên vô hình chung thần học đã bác bỏ toàn bộ công cuộc Cứu Độ của Đức Ki Tô. Sao có thể nói thế ? Bởi vì Đức Ki Tô là Đấng Cứu Độ trần gian và ý nghĩa  Cứu Độ là độ  thoát con người ra khỏi biển trầm luân sinh tử. Bao lâu còn tham đắm cho cõi thế gian này là thật thì Chúa không thể cứu, bởi đó Ngài nói: “ Vì Ta đến không phải để kêu gọi người công chính bèn là kẻ tội lỗi” (Mt 9, 13 ).Kẻ tội lỗi ở đây ám chỉ một là những  người nghèo khổ thất học. Hai là những kẻ nhận biết thân phận yếu hèn tội lỗi của mình và mong  muốn được  cứu vớt.

Đối tượng  Cứu Độ của Đức Ki Tô sở dĩ  là những kẻ tội lỗi  bởi họ có lòng tin chắc thật vào Ngài. Đặt hết niềm tin nơi Chúa và quyết tâm theo Ngài đó là con đường chắc chắn nhất để về Thiên Đang  căn cứ do nơi lời hứa “ Lòng các ngươi chớ bối rối. Đã tin ĐCT thì cũng hãy tin Ta nữa. Trong Nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở, bằng chẳng vậy Ta đã nói với các ngươi rồi. Ta đi để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi Ta đi mà sắm sẵn  cho các ngươi một chỗ rồi thì Ta sẽ trở lại  để tiếp các ngươi về với Ta hầu cho Ta ở đâu thì các ngươi cũng sẽ ở đó với Ta” ( Ga 14, 1 -3 )

Tin Thiên Chúa hiện hữu là điều rất khó và niềm tin ấy thường  là sai lạc. Đối với người Do Thái xưa kia thì Đấng Thiên Chúa mà họ tin là Chúa Giehova vô đối. Đấng ấy có toàn quyền sinh sát  trên con người và là riêng của dân tộc họ. Còn của thần học ngày nay là Đấng Tạo Hóa mà thực chất chỉ là một thứ khái niệm của ngôn từ chẳng hề liên hệ chi đến thực tại Thiên Chúa như Ngài Là ( Ego sum qui sum ). Do bởi Thiên Chúa của thần học chỉ là một thứ khái niệm thế nên mới có luận điểm cho rằng Thiên Chúa không mời gọi chúng ta sang qua thế giới bên kia nhưng để ở lại trái đất này hầu…cải tạo nó ???

Con người với lý trí của mình không bao giờ có thể nhận biết Thiên Chúa, duy chỉ Đức Ki Tô và những ai Ngài muốn mạc khải mới biết ( Mt 11, 27 ). Biết Thiên Chúa  có nghĩa là nhận biết Thiên Chúa đích thực là Đấng Cha của mình. Một khi Thiên Chúa là Cha thì đương nhiên Đấng ấy phải…nội tại ở nơi mình làm sao có thể khác được ?

Thiên Chúa như một thực tại ấy cũng là một với Nước Trời và đây chính là Nước Trời nội tại “ Người Pharisieu hỏi Chúa Gie Su về Nước ĐCT chừng nào đến thì Ngài đáp; Nước ĐCT không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng sẽ không thể nói nước ấy ở đây hay ở kia vì này Nước ĐCT ở trong  các ngươi” ( Lc 17, 20 -21 ).

Nước Trời là thực tại vô cùng mầu nhiệm  và thực tại ấy mừng vui thay lại chẳng ở đâu xa ngoài mình.  Chính vì thế khi rao giảng Nước Trời Đức Ki Tô luôn gọi đó là một Tin Mừng có nghĩa đây là một cái Tin sẽ khiên người nghe có được sự Mừng Vui lớn lao khi nhận ra  nước ấy đã sẵn đủ ở nơi mình. Những ai nhận biết Nước Trời ở nơi mình  sẽ được giải thoát tức hết khổ  ngay trong hiện đời. Ngoài  sự thoát khổ ngay trong hiện đời ấy còn có một thứ thoát khổ khác đó là theo Chúa để được về Thiên Đàng. Mặc dầu vậy  Thiên Đàng  là một mầu nhiệm lớn lao khôn dò và chúng ta chỉ có thể về đó với ba điều kiện. Một là tin chắc có Nước Thiên Đàng vĩnh cửu trong đời sau vô cùng. Hai là có lòng ước nguyện thiết tha về đó và ba llà quyết tâm lên đường trở về.

 

I/-  Tin sự hiện hữu của Thiên Đàng

          Tin có Thiên đàng là một trong  bốn sự sau hết ( Tứ Chung ) mà người Công giáo cần phải suy đó là: Chết, Phán Xét, Thiên Đàng và Hỏa Ngục. Là người thì ai cũng phải chết  thế nhưng  thật chẳng mấy ai biết suy về nó. Bởi không suy về cái chết thế nên hoặc người ta nghĩ mình…còn lâu mới chết hoặc buông xuôi cuộc đời mình để cho dục vọng mặc tình sai khiến. Cả hai thái độ này đều đưa đến hậu quả rất xấu vì đã không biết đợi chờ trong tỉnh thức giống như năm cô trinh nữ khờ dại bị Chúa quở trách “ Quả thật Ta nói cùng các ngươi Ta không biết các ngươi đâu” ( Mt 25, 12 ).

Cần đợi chờ trong tỉnh thức bởi vì ai nấy đều phải đến trước Tòa Phán Xét Chúa. Thế nhưng có điều nên nhớ  sự phán xét ấy không phải của một đấng thần linh nào đó bên ngoài mình. Nếu cho rằng đấng thần linh phán xét  thì chẳng hóa ra con người chẳng hề có trách nhiệm gì về cuộc đời mình sao ?. Thật sự thì chẳng có…đấng nào phán xét ngoài ra là chính Tâm mình. Nói Tâm phán xét hay Tâm tạo thì cũng là một. Kinh Kim Cang nhà Phật nói “ Phật do Tâm thành. Đức do Tâm chứa. Công do Tâm tu. Phước do Tâm ra. Họa do Tâm tạo. Tâm làm ra Địa Ngục. Tâm làm ra chúng sanh. Hễ Tâm chánh thì thành Phật. Tâm tà thì thành ma. Tâm từ là người của trời. Tâm ác là của La Sát. Cái tâm là hạt giống của hết thảy  tội phước”.

Nói Tâm là hạt giống của hết thảy tội phước, điều ấy cũng có nghĩa gieo giống gì sẽ gặt được giống ấy. Gieo ác sẽ gặt họa. Gieo thiện sẽ gặt phước và cái phước lớn lao nhất đó là vào được Nước Thiên Đàng hưởng phước lạc đời đời. Hiểu như vậy thì cái việc…gieo ấy là vô cùng hệ trọng. Thế nhưng do bởi ảnh hưởng của Tội Nguyên Tổ  nên hết thảy chúng ta đều sống trong vòng trói buộc của vô minh không thể tự mình gieo hạt giống phước đức cho mình  mà cần phải cậy nhờ đến Đấng Cứu Chuộc “ Vậy tôi thấy trong tôi có luật này. Khi tôi muốn làm điều thiện thì điều ác lại cặp theo tôi. Vì theo người bề trong tôi vẫn vui thích  luật pháp của ĐCT nhưng tôi thấy trong  chi thể tôi có một luật khác chiến đấu với luật  trong tâm trí tôi bắt tôi làm nô lệ cho luật của tội lỗi vẫn ở trong  chi thể tôi. Ôi ! Tôi là người khốn nạn  dường nào ? Ai sẽ giải cứu tôi khỏi  thân thể của sự chết này. Cảm tạ Đức Chúa Trời nhờ Chúa Giê Su  Ki Tô Chúa chúng ta” ( Rm 7, 21 -25 ).

 

II.- Ước nguyện Thiên Đàng.

          Tin có Thiên Đàng là khó thế nhưng lòng tin ấy sẽ chẳng ích lợi gì nếu chúng ta không ước nguyện về đó. Sự ước nguyện trong đời sống tôn giáo được thể hiện rõ nhất trong việc cầu nguyện. Việc cầu nguyện cho thấy có hai yếu tố, một là cầu hai là nguyện. Cầu là cầu xin cho mình ơn này ơn kia. Còn nguyện là nguyện ước được như lời cầu. Nếu chúng ta chỉ cầu xin cho mình cho gia đình mình  ơn này ơn kia như là được bình an khỏe mạnh có công ăn việc làm trả hết nợ v.v..và v.v…thì  hoàn toàn không đúng ý Chúa, một đàng Ngài muốn ta được về sống trên Thiên Đàng một đàng  ta lại chỉ muốn ở lại mãi ở chốn khách đày khổ ải này…Có biết mình  bệnh mới cầu cho hết bệnh. Có biết  mình bị gông cùm trói buộc  mới cầu  được tự do  giải thoát

Nguyên nhân sâu xa khiến con người không  cầu về Thiên Đàng   bởi vì không thấy cõi  đời này là cõi khổ. Không thấy xác thân này là cái túi chứa khổ. Vì không thấy cõi đời này là cõi vô thường khổ não thế nên người ta mới nói  cách hàm hồ rằng Thiên Chúa không mời gọi chúng ta sang thế giới bên kia. Lại nữa vì không thấy thân này là  sinh lão bệnh tử thế nên mới cầu cho khỏe mạnh sống lâu v.v…

Cần nhận ra tính chất khổ của kiếp nhân sinh thì mới mong thoát ra khỏi nó. Trong dụ ngôn “ Người Con Hoang Đàng” cho ta thấy người con ấy sẽ không thể tỉnh ngộ để quyết tâm trở về với cha mình nếu y ta không nhận ra cái tình cảnh khốn khổ khốn nạn của mình “ Nó rất mong lấy vỏ đậu của heo ăn mà thồn cho đầy bụng nhưng chẳng ai cho. Khi nó tỉnh ngộ bèn nói rằng biết bao người làm thuê cho cha ta được bánh ăn no nê còn ta lại phải chết đói” ( Lc 15, 16 -17 ).

 

III/- Lên đường trở về.

          Có thể nói sống đời sống  tôn giáo là sống cuộc hành trình trở về. Cuộc khủng hoảng hiện nay sở dĩ ngày càng trầm trọng là vì  con người đã không còn có chốn nào để về “ Đức Giehova đã sai các  đầy tớ Ngài là các tiên tri đến cùng các ngươi, dậy sớm mà sai đến. Nhưng các ngươi chẳng nghe lời. Chẳng để tai mà nghe các đấng ấy nói rằng: Mỗi người trong các ngươi hãy từ bỏ đường  lối mình mà trở về. hãy bỏ điều ác của việc làm mình và ở trong  ĐẤT  mà Đức Giehova đã ban cho các ngươi từ ngàn xưa cho đến đời đời” ( Gr 25, 4 -6 ).

Ở trong ĐẤT Giehova đã hứa ban cho thì ĐẤT ở đây cần phải hiểu đó là  Bản Tâm ( Tâm địa ) của mỗi người. Trở về với  Bản Tâm  cũng tức là trở về và sống với Nước Trời mầu nhiệm ở nơi mình. Để có thể thực hiện cuộc trở về ấy Đức Ki Tô nói “  Trước hết hãy lo tìm kiếm Nước ĐCT và sự công chính của Ngài thì mọi điều ấy sẽ được thêm cho các ngươi. Vậy nên chớ có lo lắng chi về ngày mai. Sự khó ngày nào đủ cho ngày ấy” ( Mt 6, 33 -34 ).

Con người sống ở đời thì phải lo phải liệu thế nhưng không nên  để cho những mối lo ấy lấn át phần tâm linh của mình. Chính cái phần tâm linh ấy mới là cái gia sản sự nghiệp của mình chứ không phải tiền tài danh vọng chức quyền….. Tất cả những thứ đó rồi sẽ qua đi mau chóng như thực tế cuộc đời cho thấy nhưng sự qua đi ấy  không  hề mất  mà sẽ gây tạo  một cái nhân xấu ác cho mình. Gieo nhân xấu sẽ gặt quả xấu, gieo nhân lành sẽ được quả lành.

Dù gieo nhân xấu hay nhân lành thì  cũng đều phát xuất từ ở nơi Tâm và  bởi Tâm là cái quyết định thế nên Đức Ki Tô  mới khuyên dạy chúng ta  khi làm bất cứ việc gì cũng phải  lấy  Tâm làm trọng.” Còn ngươi khi bố thí thì đừng cho tay tả biết việc tay hữu làm hầu cho việc bố thí của các ngươi được ẩn mật và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho ngươi” ( Mt 6, 3 -4 ).

Bố thí có mục đích để cho ta đoạn trừ lòng tham bởi tâm tham chính là cái gông cùm giam nhốt  khiến cho ta không bao giờ có thể thoát ra khỏi cõi đời bẩn chật  nhiễm ô này. Bố thí, ăn chay, cầu nguyện  là ba phương thế  để giúp ta quay về với Chúa ở nơi mình. Trong cả ba việc ấy  thì kiên trì cầu nguyện là cần hơn hết bởi vì nó chứng tỏ  sự thiết tha phần rỗi đời đời của mình. Một khi  có lòng ước nguyện về với Chúa thì  chắc chắn sẽ được đáp ứng “ Vì hễ ai xin thì được. Ai tìm sẽ  thấy. Ai gõ sẽ được mở cho. Có ai trong các ngươi là cha mà khi con xin bánh lại cho nó hòn đá chăng ? Hoặc xin con cá lại cho nó con rắn thay vì cá chăng ? Hoặc xin quả trứng lại cho bọ cạp chăng ? Vậy nếu các ngươi vốn là xấu mà còn biết cho con mình quà tốt thay. Huống  chi Thiên Chúa là Cha  các ngươi lại chẳng ban Thánh Linh cho kẻ xin Ngài sao ? ( Lc 11, 9 -13 )./.

 

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts