Gặp gỡ Thiên Chúa dễ hay khó?

I. Có thể gặp gỡ Thiên Chúa ở đâu? 

Nhiều câu Thánh Kinh xác định Thiên Chúa ở ngay trong bản thân ta, chẳng hạn như câu của thánh Phaolô: «Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? … Đền thờ ấy chính là anh em» (1Cr 3,16-17) và còn nhiều câu khác nữa như 1Cr 6,19; 2Cr 6,16; Ep 2,20-22). 

Vậy thì gặp gỡ Thiên Chúa quá dễ dàng mới đúng, tại sao có người lại cho rằng việc đó quá khó nhỉ?

Thiên Chúa ở trong ta hay ở ngoài ta?

Tôi nghĩ có lẽ vì truyền thống Kitô giáo xưa nay dường như quá nhấn mạnh đến sự hiện diện của Thiên Chúa trong giáo đường, trong các bí tích, đến nỗi các Kitô hữu không mấy lưu tâm đến sự hiện diện của Thiên Chúa nơi chính mình, nơi tha nhân. Nói đến sự hiện diện của Thiên Chúa thì người ta liền nghĩ ngay đến nhà thờ, đến phép Thánh Thể, chẳng mấy ai nghĩ đến Thiên Chúa ngự ngay trong mình, trong những người chung quanh, trong vũ trụ vạn vật.  

Nhưng Kinh Thánh dường như không ưa việc định vị Thiên Chúa một cách lệ thuộc và hạn định vào không gian vật chất như thế. Đức Giêsu đã phản đối việc định vị nơi chốn để gặp gỡ Thiên Chúa khi người phụ nữ Samari đặt vấn đề: «Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giêrusalem mới chính là nơi thờ phượng Thiên Chúa» (Ga 4,20). Đức Giêsu liền trả lời: «Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. Các người thờ Ðấng các người không biết (…). Nhưng giờ đã đến và chính lúc này đây (là) giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật» (Ga 4,21-24). 

II. Những điều kiện để gặp gỡ Thiên Chúa 

a. Gặp gỡ Thiên Chúa ngay trong chính bản thân ta

Nói chung, truyền thống Kitô giáo xưa nay vẫn quá chú trọng tới sự có mặt của Thiên Chúa ở bên ngoài bản thân ta, chứ chưa nhấn mạnh đủ đến sự hiện diện của Ngài ngay trong chính bản thân ta. Chính thánh Augustinô đã phải than phiền về chuyện này. Vị thánh viết: «Lạy Chúa, Chúa vốn ở trong con, mà con lại… tìm Chúa ở bên ngoài con» (Confession, X,27); Và đó chính là lý do khiến thánh  nhân đã không gặp được Chúa. Ông than: «Con đã tìm Chúa ở ngoài con, nên con đã không gặp được Chúa của lòng con» và «Con đã yêu Chúa quá muộn… Chính Chúa vẫn ở trong con, còn con thì lại ở ngoài con» (Confession, VI,1) (“ở ngoài con“, tôi hiểu là thánh nhân đã không tìm Ngài bằng “thần khí“, bằng tâm linh, bằng “cõi lòng” hay bằng “nội tâm” của mình, mà chỉ bằng “ngoại tâm“, bằng những gì thuộc thể chất, những gì hữu hình thấy được bên ngoài. “Ngoại tâm” là thứ tâm hướng về bên ngoài, còn “nội tâm” là cái tâm hướng vào bên trong).  

Quả thật, không có nơi nào ta dễ gặp gỡ Thiên Chúa cho bằng ngay trong chính bản thân ta. Cho dầu Ngài cũng hiện diện trong vũ trụ vạn vật hay những nơi khác, nhưng nơi gặp gỡ Ngài lý tưởng nhất vẫn là «nội tâm» ta, vì Ngài là «Thần Khí», là «Tâm Linh» (viết hoa), mà «nội tâm» của ta cũng là «thần khí», là «tâm linh» (nhưng viết chữ thường). Thiên Chúa hiện diện khắp nơi, trong mọi thực thể của vũ trụ vạn vật, nhưng Ngài hiện diện «đặc sệt» nhất, với «mật độ» cao nhất, hầu như trong chính bản thân ta. Và có gặp được Thiên Chúa nơi bản thân mình, thì mới hy vọng gặp được Ngài ở những nơi khác. 

Ấn Độ giáo cho việc tìm kiếm Thiên Chúa để gặp gỡ Ngài giống như một con cá ở biển đi tìm nước. Nghe những chuyện đó ta thấy tức cười, nhưng đích thực khi ta tìm kiếm Thiên Chúa, ta cũng làm một việc tương tự. Thật thế, có nơi nào mà không có Thiên Chúa? Chúng ta và vạn vật hiện hữu, sinh sống, làm bất cứ việc gì cũng đều do Thiên Chúa cả. Làm sao ta có thể suy nghĩ, viết lách, đi lại, cựa quậy, thậm chí làm những việc dễ dàng nhất như chớp mắt, hít thở, mà không cần đến Thiên Chúa? Thiên Chúa hiện diện khắp nơi, trong tất cả vạn vật, trong tất cả mọi sinh hoạt dù nhỏ nhất của ta. Nhất cử nhất động đều nói lên sự có mặt của Thiên Chúa. Bản thân ta, lúc nào cũng chìm ngập trong Thiên Chúa, thế nhưng ta tìm kiếm Ngài hoài mà chẳng hề gặp! Như vậy có khác gì con cá dưới biển tìm nước hoài mà vẫn không thấy nước, không gặp được nước! Chỉ vì nó không ý thức rằng nó đang ở trong nước, và nước cũng đang ở trong chính bản thân nó.  

Cũng trong truyền thống Ấn Độ, có chuyện một đệ tử hỏi thầy của mình: «Thầy có bao giờ gặp được Thiên Chúa không?» Ông thầy trả lời: «Tôi thường gặp gỡ Ngài y như tôi đang gặp gỡ anh bây giờ». Đệ tử liền nói: «Vậy thì xin Thầy chỉ cho con cách gặp gỡ Thiên Chúa như Thầy đi!» Ông thầy trả lời: «Dễ lắm, anh cứ mở mắt ra là thấy, chứ có gì khó đâu!».  

Nhưng người đệ tử chẳng hề nhìn thấy Thiên Chúa, vì anh ta không nhìn bằng con mắt đức tin, bằng tâm linh của anh để thấy rằng tha nhân, cỏ cây, vạn vật trước mắt anh, thậm chí chính bản thân anh, đều có Thiên Chúa đang hiện diện rất sống động trong ấy. Thánh Kinh nói rất rõ về sự hiện diện của Ngài trong tha nhân, trong cỏ cây, vạn vật, v.v… (x. St 28,16; Gs 2,11; 1V 8,27; Tv 139,7-8; Cn 15,3; Is 57,15; Gr 23,24; Mt 18,20; Cl 1,17; v.v…) (* xem chú thích bên dưới). 

Như vậy, vấn đề là chúng ta có con mắt đức tin để nhận ra Thiên Chúa đang có mặt cách sống động trong những thực tại ấy hay không. Hay chúng ta y hệt như con cá ngoài biển, cứ tìm nước hoài mà suốt đời chẳng bao giờ gặp được nước! 

b. Muốn gặp gỡ Thiên Chúa, phải «có duyên» với Ngài

Tuy nhiên, nếu ta có con mắt đức tin để nhìn thấy được Thiên Chúa trong tất cả vạn vật, chưa chắc chúng ta đã gặp gỡ Ngài thật sự, vì còn một điều kiện khác rất quan trọng, để có thể gặp Ngài thật sự, đó là phải «có duyên» với Ngài.  

Việc gặp gỡ Thiên Chúa đích thực không phải là gặp gỡ bằng thể chất, mà phải bằng tâm linh, vì Đức Giêsu nói rất rõ: «Thiên Chúa là thần khí» (Ga 4,24); nghĩa là Thiên Chúa không phải là vật chất hay thể chất, mà là tâm linh, nên phải dùng tâm linh để gặp Ngài (Chữ «thần khí» ở đây viết thường chứ không viết hoa, nên có nghĩa là “linh”, là “tâm hồn”, “tâm linh”, chứ không có nghĩa là “Thánh Thần”). Mà dù có thật sự gặp gỡ bằng thể chất, thì chưa chắc đã là sự gặp gỡ đích thực đúng với nghĩa của nó. 

Ngày xưa người Pharisêu, các tư tế và luật sĩ đã gặp Đức Giêsu, đã đối chất, bắt bẻ Ngài nhiều chuyện, rõ ràng họ gặp Ngài bằng thể chất, nhưng «lòng trí họ thì lại xa Ngài» (x. Mt 15,8). Tôi chắc chắn có biết bao người rước lễ, đem Chúa vào lòng mình một cách thể chất, nhưng không hề gặp gỡ được Ngài. Rước lễ như vậy thì tôi chẳng xác định được có ích lợi gì hay có hại gì không. Gặp gỡ ngoài thể chất, chưa phải là gặp gỡ đúng nghĩa và trọn vẹn. 

Văn chương Việt Nam đã từng mô tả hai kiểu gặp gỡ thể chất và tâm linh qua câu: «Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ; Vô duyên đối diện bất tương phùng» nghĩa là: Có duyên với nhau thì dù xa cách ngàn dậm vẫn có thể gặp nhau, không có duyên với nhau thì dù có mặt đối mặt cũng chẳng phải là gặp nhau (việc gặp nhau trong cả hai câu này rõ ràng không phải là gặp bằng thể chất, mà bằng tâm hồn). Như vậy, theo câu thơ trên thì điều kiện để gặp gỡ nhau bằng tâm hồn thì phải có duyên với nhau. 

Có duyên với nhau, có nghĩa là đồng cảm với nhau,  quan niệm và suy nghĩ khá giống nhau, nhất là giống nhau về bản chất, giống nhau về tâm hồn. Do đó, muốn gặp gỡ Thiên Chúa thì phải giống Thiên Chúa về quan niệm, về cách nhìn, nhất là về bản chất. Mà bản chất của Thiên Chúa là gì? Thánh Gioan từng định nghĩa bản chất của Thiên Chúa: «Thiên Chúa là tình yêu» (Ga 4,8.16). 

Như vậy, nếu chúng ta không có tình yêu đích thực, nghĩa là nếu chúng ta là một tâm hồn vị kỷ, ích kỷ, lúc nào cũng coi trọng “cái tôi” của mình lớn hơn mọi người, đặt nặng hạnh phúc, đau khổ, quyền lợi, danh dự của mình hơn hạnh phúc, đau khổ, quyền lợi, danh dự của mọi người, thì chúng ta khác với Thiên Chúa quá nhiều, nghĩa là ta không có duyên với Ngài, thế thì làm sao ta gặp được Ngài thật sự, nghĩa là gặp được Ngài bằng tâm hồn?

III. Nếu chưa gặp gỡ Thiên Chúa, phải làm gì để gặp được Ngài? 

a. Trước hết, phải xác tín Thiên Chúa hiện diện sống động ngay trong chính bản thân ta

Như vậy, ta cần phải hoàn chỉnh lại quan niệm cũ, cho rằng Thiên Chúa chỉ ở trong nhà thờ, chỉ hiện diện trong các bí tích, và chỉ gặp gỡ được Thiên Chúa khi đọc kinh, tham dự thánh lễ, v.v… Tất cả những việc ấy đều cần thiết để có thể gặp được Ngài, nhưng chưa đủ. Gặp gỡ qua những phương cách ấy chỉ tương tự như gặp gỡ bằng thể chất, hay bằng sự tưởng nhớ, v.v… chứ chưa gặp bằng tâm linh, bằng «thần khí» (x. Ga 4,23-24). Thánh Augustinô đã gặp gỡ Ngài theo kiểu đó một thời gian dài trước khi giác ngộ ra rằng mình mới chỉ tìm kiếm Thiên Chúa ở bên ngoài bản thân nên chưa thật sự gặp gỡ được Ngài, chứ chưa tìm kiếm hay gặp Ngài ngay trong bản thân mình.

Quả thật, Thiên Chúa hiện diện khắp nơi, đặc biệt trong phép Thánh Thể, trong các bí tích, trong nhà thờ qua phép Thánh Thể… v.v… Nhưng sự hiện diện ấy là ở bên ngoài ta, hoặc không «đặc sệt» như trong chính bản thân ta (x, 1Cr 3,16.17b; 1Cr 6,19). Sự hiện diện của Ngài trong bản thân ta được thánh Augustinô diễn tả qua câu «Deus est intimior intimo meo» (tạm dịch: Thiên Chúa thân mật với tôi còn hơn chính tôi thân mật với tôi nữa), và «Deus est interior intimo meo et superior summo meo» (tạm dịch: Thiên Chúa còn ở sâu thẳm trong tôi hơn cả nội tâm của tôi, và cao cả hơn cái cao cả nhất ở nơi tôi) (Confession, III, 6.11). Hai câu này có thể nói cách dễ hiểu hơn, là “Thiên Chúa còn ‘là tôi’ hơn chính tôi ‘là tôi’ nữa”. 

Sự hiện diện này của Thiên Chúa −tức trong bản thân ta− đã được thánh Phaolô diễn tả cho Hội đồng Arêôpagô ở kinh đô của Hy Lạp và được tác giả sách Tông Đồ Công Vụ trích dẫn: «Thực sự, Người không ở xa mỗi người chúng ta. Thật vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu, như một số thi sĩ của quý vị đã nói: ‘Chúng ta cũng thuộc dòng giống của Người» (Cv 17,27b-28). Nghĩa là mọi hoạt động, hành động, cử động, dù chỉ là chớp mắt hay thở ra thở vào của chúng ta, đều do Ngài chủ động. Và thánh Phaolô còn nói rõ hơn: «Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi» (Gl 2,10). Ngài sống trong tôi, làm mọi việc tốt đẹp ở trong tôi, mà tôi không hề ý thức.

Tóm lại, tôi giống như con cá sống trong nước mà cứ đi tìm nước, và cứ nghĩ mình chẳng gặp thấy nước bao giờ cả. Thật ra, con cá chỉ cần giác ngộ rằng mình đang được bao phủ bởi nước, mình sống được là nhờ nước, và nước chiếm tới 7, 8 chục phần trăm ngay trong bản thân mình, thì lập tức nó sẽ gặp được nước ngay tức khắc.

Do đó, điều quan trọng để gặp gỡ Thiên Chúa, là phải tập thành thói quen ý thức rằng Thiên Chúa đang hiện diện trong ta, và mọi hành động, mọi cử động của ta, ngay cả sự hiện hữu của ta đều do Thiên Chúa cả. Và phải nhìn mọi sự bằng «con mắt đức tin» để thấy Ngài trong chính bản thân, trong tha nhân, và trong tất cả mọi sự, mọi vật hiện hữu.

Tuy nhiên, ý thức như vậy mới chỉ là gặp gỡ Ngài một cách nào đó cao hơn chút ít sự gặp gỡ bằng thể chất thôi. Để gặp gỡ thật sự thì phải gặp gỡ Ngài bằng «thần khí» (x. Ga 4,23-24), nghĩa là bằng tâm linh hay tâm hồn.

b. Cần tập quan niệm và nhìn mọi sự giống như Đức Giêsu, và có tâm yêu thương giống như Ngài

Gặp gỡ Thiên Chúa thật sự, chính là kết hiệp với Người, trở nên một với Người. Muốn thế thì phải tập trở nên giống như Ngài. Dầu và nước có thể trộn lẫn với nhau, nhưng không thể hòa tan vào nhau được, và cuối cùng thì dầu và nước  tách biệt. Tuy nhiên, nước và rượu có thể hòa tan với nhau thành một hỗn hợp duy nhất. Tương tự như vậy, ta tuy không thể giống Ngài hoàn toàn, và tuyệt đối không thể, nhưng ta có thể giống Ngài phần nào đến nỗi có thể kết hiệp nên một với Ngài, nghĩa là gặp gỡ Ngài thật sự.

Giống Ngài phần nào, nghĩa là phần nào cùng quan điểm như Ngài, nói cách khác, là cách quan niệm, cách nhìn vấn đề, cách suy nghĩ và cách hành động của ta phần nào giống như Ngài.

Muốn thế, chúng ta cần phải đọc và suy niệm Lời của Ngài, qua Thánh Kinh, để biết Ngài nhìn mọi sự như thế nào, Ngài quan niệm vấn đề thế nào, Ngài nói và hành động thế nào, để rồi ta tập nhìn mọi sự như Ngài đã nhìn, quan niệm như Ngài quan niệm, hầu hành động như Ngài hành động. Như vậy thì ta mới «có duyên» để gặp gỡ hay kết hiệp với Ngài như đã nói ở trên (mục II,b).

Tuy nhiên, bản chất của Ngài là tình yêu, như thánh Gioan đã xác định «Thiên Chúa là tình yêu» (1Ga 4,8.16). Ta muốn giống Ngài thì phải giống ở bản chất. Quan niệm, nhìn vấn đề và suy nghĩ giống Ngài mới chỉ tương tự như ở mức độ nghe và hiểu Lời Ngài thôi. Điều quan trọng nhất, và là cuối cùng để giống Ngài là sống, là thực hành đúng như mình đã quan niệm, đã nhìn và đã suy nghĩ, nghĩa là yêu thương thật sự. Ngài nói: «Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá (…) Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát (…)» (Mt 7,24-27).

Tất cả những gì mà ta tu tập được, như thường xuyên ý thức được Ngài hiện diện trong ta, hay nhìn mọi sự như Ngài đã nhìn, v.v… mà cuối cùng không đạt được cái «tâm yêu thương» đối với Thiên Chúa cũng như với mọi người, thì chưa thể gặp gỡ Ngài thật sự được. Thánh Phaolô từng viết: «Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi» (1Cr 13,1-3). «Đức mến» mà thánh Phaolô nói trong câu này, chính là cái «tâm yêu thương» được thể hiện ra bằng những hành động yêu thương cụ thể. 

*** 

Tóm lại, để gặp gỡ Ngài, chúng ta cần phải ý thức được Ngài ở đâu để mà gặp; rồi phải «có duyên» với Ngài, nghĩa là đồng cảm với Ngài và phải phần nào giống như Ngài, nhất là giống Ngài về bản chất. Muốn thế, ta phải tập luyện từ ý thức, quan niệm, tư tưởng cho tới hành động.

Quả thật, với một số người đã tập luyện như thế, thì việc gặp gỡ Thiên Chúa quả là dễ dàng, nhưng với nhiều người khác thì quả là khó khăn. 

Dễ hay khó tùy thuộc vào quyết tâm của ta. Gặp gỡ được Thiên Chúa như thế, quả không dễ, nhưng chắc chắn không phải là quá khó. Nếu ta quyết tâm thực hiện thì chắc chắn thực hiện được.  

Tôi nghĩ rằng qua những gì tôi vừa viết, tôi đã nêu được một vài lý do căn bản khiến ta gặp gỡ được Thiên Chúa cách đích thực hay không gặp được Ngài. 

Nguyễn Chính Kết

Chia sẻ Bài này:

Related posts