Gia Đình, Nên Như Một Phép Tu?

          Sau mười lần hòa giải bất thành, vụ kiện ly hôn ồn ào kéo dài hơn ba năm để tranh giành khối tài sản tám ngàn tỷ của  vợ chồng Cà Phê Trung Nguyên: Đặng Lê Nguyên Vũ – Lê Diệp Hoàng Thảo đến nay vẫn chưa kết thúc.

          Trong các phiên Tòa Hòa Giải đó cả hai nguyên đơn và bị đơn đều thuê những luật sư…gạo cội nhất để cố gắng đưa ra những lập luận và chứng cớ có lợi nhất hầu dành…phần thắng cho thân chủ mình. Riêng về hai vợ chồng thì càng về những phiên xử sau càng không tiếc đưa ra những lời  lẽ mạt sát  nhau thậm tệ. Thậm chí ông Vũ còn đưa cả bà mẹ đến tòa để kể tội con dâu !!!

          Về nguyên nhân đưa đến vụ kiện….theo lời bà Thảo là do ông Vũ đã có sự thay đổi rất lớn về tâm tính sau khi  lên núi tuyệt thực 49 ngày đêm và Tu Thiền  liên tục trong suốt 05 năm liền.

          Sự thay đổi tâm tính của ông Vũ có thật chăng  và nếu có thì …theo chiều hướng nào ? Từ chỗ là một doanh nhân tài giỏi có nhiều sáng kiến trong kinh doanh  nhưng nay ông cho rằng mình là người tu tập đã…đắc Đạo Thiền: “ Cuộc đời của Qua giống như một chiếc đĩa than đọc không sót một cái gì. Có những thứ mình tưởng chỉ sống  để bụng chết mang theo  không sót một chút xíu nào trong suy tư luôn. Nó khủng khiếp như vậy. Làm sao chối cãi được ? Tội như thế nào ? Công như thế nào ? Không sót một cái gì ! Vậy nên đừng nhìn hình tướng của Qua. Qua sẽ đi trong mọi cảnh giới. Qua đã thoát cái ngũ hành rồi. Đến ngày hôm nay Qua nói Qua không còn thân xác như người chị em đâu. Cái thân xác của Qua không còn ở trong ngũ hành như người chị em nữa…”

          Chẳng những ông này đã thoát ra khỏi ngũ hành mà còn thoát cả sinh tử nữa…Qua bây giờ trời có sập xuống, có chết đi nữa Qua cũng không coi trọng nữa. Qua không màng sinh tử luôn, đừng nói chi ba cái nghiệp này” ( Nguồn hangthanhnien@gmai.com – 17/8/2018 ).

          Những lời lẽ ngông cuồng trên đây thật ra  không chứng tỏ điều gì khác ngoài ra là một thứ bệnh tâm thần đã đến hồi nguy cấp. Tuy nhiên qua nhiều phiên xử đã cho thấy con người thật của Vũ, ông ta chẳng hề thay đổi chi  hết vẫn là con người đầy rẫy tham, sân và sự tham sân ấy được ngụy trang  dưới cái vỏ bọc tham vọng muốn đưa tập đoàn Trung Nguyên lên một bước phát triển mới. Có lần ông ta đã phát biểu với báo giới: “ Cà phê nó kinh khủng lắm, không như những gì anh em nhìn thấy đâu. Cà phê có hệ sinh thái vật chất. Hệ sinh thái cà phê tinh thần  và hệ sinh thái cà phê xã hội. Trung Nguyên  phải xây dựng trên nền tảng đó. Trung Nguyên muốn đi xa phải khác cái gì, phải có cái gì đặc biệt” ( Nguồn Thanhnien.Online ).

          Ở đây lại là một thứ…hoang tưởng khác  nhưng dẫu cho ông này có thật lòng muốn xây dựng cho cà phê  một thứ triết lý nào đó thì thử hỏi như thế để làm  chi, có đem đến ích lợi cho ai cũng như cho  chính ông ta không ?

          Tuyệt thực, tu Thiền để rồi đưa  đến hậu quả là vợ chồng sau hai mươi năm chung sống hạnh phúc, có với nhau bốn mặt con đã phải…lôi nhau ra tòa kiện cáo chỉ vì ba cái đồng tiền dù cho có là… tiền tỷ đi  nữa thì thử hỏi cái việc…TU ấy  đã đem lại cái gì, phải chăng chỉ là sự bất hạnh  cho chính ông ta cũng như gia đình con cái?

          Tình trạng ly hôn trên thế giới và cả ở Việt Nam ngày càng gia tăng. Chẳng những chỉ những cặp vợ chồng trẻ mà ngay đến ông già bà cả cũng …ly hôn. Có nhiều nguyên nhân, có thể do ngoại tình, đời sống khó khăn, mất việc, vỡ nợ, chồng cờ bạc, nghiện ngập, vũ phu hay có khi chỉ vì tính tình không hợp nhau v.v. và v.v…

          Bất cứ vì lý do nào thì ly hôn cũng đưa đến những hậu quả đau lòng nhất là cho con cái. Tại sao ? Bởi vì gia đình từ ngàn xưa vẫn được nhìn nhận như là một thứ…Tổ Ấm. Quả nhiên gia đình là Tổ Ấm và từ nơi cái Tổ Ấm ấy mỗi người chúng ta được sinh ra, lớn lên  để rồi lại tiếp nối làm nên những Tổ Ấm khác.

          Chính bởi gia đình  phải nên  như  một thứ Tổ Ấm, vì  vậy Thiên Chúa đã định ra một thứ …khế ước hôn nhân con người không được phá hủy “ Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp thì loài người không được phân ly” ( Mc 10, 9 ).

          Hôn nhân Công Giáo là một khế ước và khế ước ấy đã được đôi bên nam nữ cam kết cách long trọng trong Thánh Lễ trước mặt cộng đoàn: “ Hứa giữ lòng chung thủy với nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan. Khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu để yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời”.

          Hứa nhưng có thực hiện được lời hứa ấy hay không đó lại là  vấn đề khác. Hứa nhưng không thực hiện đó chỉ là…hứa xuông chẳng thể đem lại kết quả gì. Tuy nhiên để có thể đi đến quyết tâm thực hiện lời hứa sẽ chung thủy để yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời  thì nhất định cần phải …TU.

          Trong ba món…TU thì tu tại gia là khó nhất. Thứ nhất  tu tại gia. Thứ hai tu chợ. Thứ ba tu chùa. Tại sao tu tại gia lại khó nhất ? Đó là vì đời sống  gia đình nhất là trong thời đại công nghiệp  hiện nay cần đáp ứng rất nhiều nhu cầu có khi chỉ là tối thiểu chẳng hạn: Nhà ở,điện, nước, TV, tủ lạnh, xe cộ, con cái học hành, đóng góp lễ lạc, cưới xin, tang ma, hiếu hỷ, giỗ chạp đủ thứ….

          Lại nữa vợ chồng thì phải…sinh con đẻ cái và rồi từ đó cuộc sống càng  vất vả khổ nhọc hơn chưa kể những khi ốm đau, tai nạn bất ngờ, thất nghiệp v.v…Tóm lại sống là khổ. Nghèo có cái khổ của nghèo. Giàu có cái khổ của …giàu….

          Quả thật …sống là khổ. Tuy nhiên nỗi khổ lớn nhất trong cuộc sống hôn nhân không phải vì thiếu thốn vật chất nhưng là khổ về tinh thần mà khổ về tinh thần ở đây chính là thiếu sự hòa hợp. Gia đình nào  có sự hòa hợp thì làm bất cứ việc gì cũng có kết quả “ Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn”. Ngược lại không hòa hợp  thì chẳng ai muốn nhìn mặt nhau, cuộc sống khác chi địa ngục ?

          Mặc dầu vậy để có được sự hòa hợp  trong gia đình là điều không phải dễ. Lý do bởi vì vợ và chồng là hai con người khác biệt  về tâm sinh lý và chính vì sự khác biệt ấy đã nảy sinh những va chạm không thể tránh. Mặt khác sự khác biệt ấy  tất yếu đưa đến va chạm nhưng nó có thể khắc phục nếu cả hai đều có chung một mục đích.

          Trong một đất nước có chiến tranh. Sở dĩ người ta có thể hô hào sự đoàn kết  bởi có chung một kẻ thù cần chiến thắng. Thế nhưng khi đã đạt được mục đích ấy rồi thì lại nảy sinh chia rẽ, đấu đá nhau vì quyền lợi nọ kia.

          Không có sự hòa hợp  là vì không có chung với nhau một mục đích. Vậy mục đích của hôn nhân là gì ? Đó có phải là để xây dựng hạnh phúc cho nhau hay không ? Điều này xem ra có vẻ đúng thế nhưng ngay cả khái niệm về hạnh phúc người ta cũng không thể đồng ý được với nhau thì…xây dựng  sao được ?

          Lại nữa, mục đích ấy có phải là để xây dựng tương lai cho con  cái ? Cũng chẳng phải nữa bởi vì con cái có tương lai của chúng dù mình muốn …lo cũng chẳng được. Con người sống mà không có mục đích thì cuộc sống ấy không thể đưa đến thành công. Đối với người có đạo nói chung và người sống đời hôn nhân nói riêng cũng vậy cũng cần phải biết và cố gắng đạt được mục đích của đời mình.

          Nhà văn phi công Saint Exupery ( 1900 – mất tích 1944 ) của Pháp có câu nói nổi tiếng “ Yêu nhau không phải là nhìn nhau nhưng cùng nhìn về một hướng”. Yêu nhau  và nhất là khi đã thành vợ thành chồng, sau thời gian…trăng mật  mà cứ chỉ biết…nhìn nhau thì  chán lắm  và khi ấy sẽ chỉ thấy  những lỗi lầm tật xấu của nhau…Đời sống vợ chồng  nếu chỉ sống với bổn phận thôi thì sẽ…chán và nếu gặp phải  những trở lực không thể vượt qua thì khó tránh khỏi chia lìa, đứt gánh giữa đường.

          Nhất thiết cần nhìn về một hướng thì mới bảo đảm cho hạnh phúc dài lâu và cái hướng của hôn nhân Công Giáo đó chính là giúp nhau nên Thánh. Nên Thánh trong hôn nhân không  những là điều có thể mà còn là một ơn gọi cần chu toàn. Thường chúng ta vẫn được nghe bài Thánh Thư trong Thánh Lễ Hôn Phối lời này: “ Như những người được Thiên Chúa tuyển chọn, những người Thánh và được yêu thương. Anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hòa, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải trách cứ người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh  em thế nào thì anh  em cũng phải tha thứ cho nhau như vậy” ( Cl 3, 12 -13 ).

          Tất cả chúng ta dù sống bậc giáo sĩ hay gia đình đều là những tội nhân được Chúa tha thứ. Có nhận ra như thế chúng ta mới dễ tha thứ cho nhau. Bằng không nếu cứ ôm giữ “ Cái Tôi” to kềnh thì chẳng bao giờ biết tha thứ cho ai ngay cả với vợ chồng con cái.

          Đời sống gia đình là nơi rất dễ đưa đến va chạm. Người ta nói: Bát đĩa trong rổ còn va chạm huống chi vợ chồng. Thế nhưng cũng chính trong cái môi trường thường xuyên…va chạm ấy mà con ngươi mới có cơ hội học lấy bài học về nhẫn nhục là điều khó trong mọi điều khó bởi vì nhẫn luôn đi đôi với…nhục.

          Người đời chẳng mấy ai  chịu được…nhục nhưng nếu vì Chúa mà chịu được thì sẽ nên được Thánh và nên được Thánh đó chẳng phải là mục đích cao cả nhất của những người Con Chúa hay sao ?

          Tấm gương sáng  cho các gia đình  cần noi theo đó là Thánh Monica ( 332 –  )Mặc dù bà là một Ki Tô Hữu nhưng không biết duyên nợ sao lại lấy phải người chồng thuộc hàng ngũ quý tộc nhưng là một người chồng có tính nóng như lửa, nghiện rượu, đánh đập vợ vì việc bà hay làm việc thiện và siêng năng cầu nguyện…Người chồng ấy vì sự nhẫn nhục và cầu nguyện của Monica về sau đã theo đạo trở nên một người tốt lành. Lại nữa cũng vì sự chuyên tâm cầu nguyện ấy mà đã  có được một người con đại Thánh là Augustino.

          Một tấm gương sáng chói khác là cha mẹ của Thánh Teresa HĐ Giê Su. Cả hai mới  được Giáo Hội phong Thánh  ngày 18/10/2015. Việc phong Thánh ấy có mục đích để cổ vũ cho lý tưởng  Nên Thánh  trong bậc vợ chồng. Đó là điều không những có thể mà cần phải làm.

          Hai ông bà Louis và Je’lie Martin trước khi đến với nhau đều có chí nguyện đi TU nhưng ý Chúa nhiệm mầu lại muốn cho hai người sống bậc  hôn nhân gia đình. Sống bậc gia đình nhưng vẫn là TU. Nói cách khác đó là TU trong đời sống gia đình.

          Sở dĩ có thể TU trong đời sống gia đình bởi cái nghĩa của việc TU ấy chính là …sửa là cải thiện đời sống trong từng tư tưởng, lời nói, việc làm. Quyết tâm chung thủy trọn đời với nhau đó là TU. Vợ chồng cố gắng  thật lòng yêu thương lúc khỏe mạnh khi đau ốm. Khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan là TU.

          Tất cả những việc TU ấy sẽ khiến cho đời sống gia đình trở nên hòa hợp và nguyên nhân đưa đến sự hòa hợp ấy  chính là vì Chúa  mà người ta có lòng thương yêu nhau “ Hỡi kẻ yêu dấu, chúng ta hãy yêu thương nhau vì sự thương yêu đến từ Thiên Chúa. Hễ ai thương yêu thì sanh bởi Thiên Chúa và nhận biết Thiên Chúa” ( 1Ga 4, 7 )./.

Trà Cổ – Lễ Tro – 2019.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts