Tôi vừa rời Huế để trở lại thành phố. Sàigòn ấm áp làm dễ chịu hơn cái lạnh, cái mưa, cái giá rét của Huế. Những hình ảnh quen thuộc của Huế cứ quyến luyến đến nao lòng. Trong đoàn đi làm việc ở Huế những ngày qua có hai Nữ Tu, đến Huế, sống vài ngày ở Huế, tiếp xúc với người Huế nhất là với phu nữ Huế, các chị chia sẻ: sau chuyến đi này chúng con phải thay đổi, ôi phụ nữ Huế sao dịu dàng, nhỏ nhẹ và dễ thương làm sao! Cái dễ thương, dịu dàng, tiếng nói ngọt lịm của phụ nữ Huế là điều đương nhiên không chối cãi.
Một hình ảnh khác cũng lưu lại trong đầu tôi, đó là người lái xe giúp chúng tôi di chuyển những ngày qua, dáng anh gầy nhỏ, gương mặt khắc khổ, tính thâm trầm ít nói, oằn trên bờ vai gầy của người đàn ông trẻ tuổi là những lo toan của nghèo đói, của gia đình. Chào nhau ở phi trường, tôi dõi theo bước anh đi cho đến khi anh lên xe và đi khuất, một cái gì đó khuấy động hồn tôi. Dáng vẻ ẩn nhẫn chịu đựng, cái khổ nhọc không chỉ trong cuộc sống của anh, hình như từ cha ông truyền lại, váng vất đâu đây nỗi buồn vạn cổ.
Phải rồi, tôi vừa làm việc ở Huế những ngày mà 50 năm trước cuộc thảm sát Mậu Thân đã diễn ra, ngày ấy tôi không ở Huế nhưng những tin tức trên mặt báo, trên đài phát thanh, bây giờ nhớ lại vẫn rợn người. Bọn trẻ chúng tôi ngày ấy cắm đầu vào sách vở, chuyện chiến tranh là chuyện của người lớn, lo học kẻo cái giấy hoãn dịch hết hạn thì hỏng. Tôi cũng chẳng dây mình vào các cuộc biểu tình phản chiến vì chẳng ưa gì những chuyện ồn ào đó, chiến tranh đâu phải lỗi ở mình, cha ông mình đã đánh đổi hết kể cả mạng sống để đi tìm tự do lẽ nào mình lại quay lại với cái chính thể ghê sợ ấy?
Bạn bè nhiều người đã kêu gọi chúng tôi đi biểu tình, đi đốt xe Mỹ, đi tuyệt thực… Họ cho đó là anh hùng, là can đảm, là yêu nước… Họ nhìn tôi bằng con mắt khinh bỉ, có người quát vào mặt tôi là hèn nhát, biết sao bây giờ, lòng họ đang hừng hực đấu tranh, tôi lặng lẽ chấp nhận hèn nhát. Sau năm 75, trong vài chuyến đi làm việc ở Canada, làm việc ở Hoa Kỳ, gặp lại nhưng anh em đó, họ bỏ chạy ra nước ngoài trước tiên khi cái khổ cái đói ập đến, bây giờ nhìn họ ngồi lặng lẽ trong góc mà thương cho họ, còn đâu cái hùng hổ hăng máu ngày ấy, còn đâu cái khí thế hừng hực nông nổi chỉ cách đây mấy mươi năm thôi.
Lại có một nhóm những nhà đấu tranh năm xưa ấy đến gặp chúng tôi đề nghị hợp tác, họ đang lên tiếng cho dân chủ, tự do và chủ quyền đất nước, thấy việc họ làm của có ít nhiều điều hay vì đó là những vấn đề nhức nhối hiện nay, nhưng nhớ lại hình ảnh năm nào của họ, họ hô hoán to lắm, họ đi đầu trong các cuộc bạo loạn đường phố, họ lao mình vào những vụ lật xe Mỹ, đốt xe Mỹ, lập bàn thờ Phật giữa đường bày chuyện cúng bái, kêu gọi bãi công, đóng cửa trường học, tuần hành phản chiến v.v… thật quá tương phản với hình ảnh hôm nay của họ.
Tạ ơn Chúa đã dẫn dắt chúng tôi đi, con đường của chúng tôi không phải là con đường đó, cách chúng tôi lên tiếng không phải là cách đó, những năm tháng ngày xưa Chúa dẫn chúng tôi vào con đường này, bây giờ Chúa vẫn tiếp tục gìn giữ chúng tôi trong từng bước đi, dù thời gian có thay đổi, dù hoàn cảnh có đảo điên, con đường Chúa gọi chúng tôi đi vẫn là một, không chuyển đảo theo sóng triều thế gian lúc thế này khi thế kia!
50 năm Huế oằn mình đau khổ, hơn 45 năm con đường cái quan khoác tên “Đại Lộ Kinh Hoàng”, những vết thương nhức nhối rỉ máu, nhưng nỗi khổ nhọc nhằn hằn sâu khó phai dù là trên gương mặt những người trẻ, những kẻ sinh sau đẻ muộn không biết đến chiến tranh nhưng những tổn thương của dân tộc làm sao có thể phai?
Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (Mc 1, 29 – 39) cho chúng ta biết, chỉ có Chúa là Đấng duy nhất có thể chữa lành mọi vết thương của chúng ta, chỉ có Chúa là Đấng duy nhất có thể xua đuổi quỷ ma ra khỏi dân tộc của chúng ta.
Xin bàn tay của Ngài đặt trên con, xin 10 ngón tay của Ngài gỡ giải khăn sô ra khỏi vầng trán của chúng con, xin cho ánh mắt ngập tràn yêu thương của Ngài cứu độ chúng con. Cả một đám đông dân tộc chúng con đau khổ đang vây kín lấy Ngài, lạy Chúa của con.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 2.2.2018, theo Ephata 783