Những người hành hương về Roma thường đến suy tư và cầu nguyện tại những “Hang Toại đạo”. Đây là hệ thống đường hầm đào sâu dưới lòng đất ở nơi trước kia là nghĩa trang ngoại thành Roma. Những hang hầm dài nhiều cây số, không phải chỉ một tầng mà đến 3, 4 tầng sâu dưới lòng đất. Đây là nơi các tín hữu ẩn náu để tránh những cuộc bách hại khốc liệt của Nero, hoàng đế Roma (trị vì từ năm 54 đến năm 68) và những nhà cầm quyền kế tiếp. Thật cảm động đến rơi lệ, khi thấy các tín hữu phải trải qua một cuộc sống thiếu thốn và gian khổ. Trong đường hầm, có những nơi để cầu nguyện, hội họp và cũng có nơi dành để chôn cất những người đã qua đời. Cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên tại Roma đã sống đúng với tên gọi: “Giáo Hội hầm trú” trong thời gian dài hàng thế kỷ. Ấy vậy mà đức tin vẫn tồn tại. Hang Toại đạo cho thấy, những anh chị em của chúng ta đã phải gian nan cho một niềm tin. Chính nhờ sự trung kiên của họ mà Giáo Hội tồn tại và lan rộng cho tới ngày nay.
Hành trình theo Chúa là hành trình của niềm vui và ân sủng. Tuy vậy, niềm vui ấy được đánh đổi bằng sự trung tín và kiên trì giữa bao thử thách. Đức Giêsu đã dùng thập giá để thể hiện tình thương của Thiên Chúa đối với con người. Những ai muốn làm môn đệ của Người không thể khước từ con đường ấy. “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo Thầy” (Mt 16,21). Và thế là, các Kitô hữu, hôm qua cũng như hôm nay, vẫn phải trải qua những gian nan để trung thành với đức tin.
Gian nan để bước theo Đấng Vô Hình
Tin là chấp nhận trở thành môn đệ của Đấng mà mình chưa bao giờ gặp mặt. Vì tin vào Đấng chưa bao giờ họ gặp thấy bằng con mắt thể lý, nên người tín hữu phải trải qua những gian nan. Chấp nhận tin vào Chúa cũng có nghĩa là chấp nhận một chuỗi những nghịch lý theo quan niệm thông thường. Đó là tin tin vào Chúa Ba Ngôi, tin Con Thiên Chúa làm người, tin vào sự can thiệp kỳ diệu của Chúa trong lịch sử nhân loại, tin có linh hồn bất tử, tin có đời sau. Trong một xã hội mà người ta quan tâm đến những “sự dưới đất” hơn là những “sự trên trời”, lời loan báo về Đấng Vô Hình đôi lúc giống như một cung đàn lạc điệu. Thất bại của Phaolô ở Athena (x. Cv 17,22-34) vẫn còn là những khó khăn của những người loan báo Tin Mừng hôm nay.
Như Abraham đã lên đường theo tiếng gọi của Chúa, người tín hữu được mời gọi đi theo Đấng Vô Hình.Tuy vậy, nếu Abraham lên đường mà không biết tương lai ra sao, thì người tín hữu lại được mặc khải về một tương lai sáng ngời nếu họ trung tín với Chúa: họ sẽ đạt được Nước Trời làm gia nghiệp. Khi mở rộng tấm lòng đón nhận Đức Giêsu và giáo huấn của Người, họ sẽ trở nên Con Thiên Chúa (x. Ga 1,12).
Thiên Chúa vẫn ở đó, trong cuộc đời này. Nếu người ta không thể chứng minh sự hiện diện của Ngài như chứng minh những công thức toán học, thì người ta cũng không thể lý giải được biết bao điều kỳ diệu đang xảy ra trong cuộc sống. Đứng trước vẻ đẹp huy hoàng đầy bí ẩn của vũ trụ, tác giả Thánh vịnh đã thốt lên:
“Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm.
Ngày qua mách bảo cho ngày tới, đêm này kể lại với đêm kia” (Tv 19,2-3)
Thế là, dù giữa những vấn nạn chất chứa trong cuộc đời, trải qua bao thế hệ, biết bao người, nam cũng như nữ, vẫn thành kính tuyên xưng: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng…” và họ sẵn sàng chấp nhận mọi thiệt thòi để trung thành với đức tin ấy.
Gian nan để chấp nhận những hy sinh từ bỏ
Khi loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu đã kêu gọi mọi người hãy “qua cửa hẹp” để được vào Nước Trời. Cửa hẹp Người đề nghị, chính là sự khổ chế, hy sinh và từ bỏ. Được thấm đượm tinh thần của Tin Mừng, cuộc sống và tâm hồn người tín hữu được thăng hoa. Đó là kết quả của những hy sinh, từ bỏ để chọn lựa Chúa làm lý tưởng cao quý của cuộc đời. Chẳng có cuộc lột xác nào mà không phải đau đớn. Chẳng có hy sinh nào mà không phải thiệt thòi. Người tín hữu phải trải qua những gian nan, khi chấp nhận hy sinh của cải, danh dự, sự nghiệp… để trọn vẹn một niềm tin. Đã nhiều khi, hai chữ “công giáo” làm cho một người trở thành “công dân hạng hai”. Có một thời, danh nghĩa “có đạo” gây nên nhiều nghi kỵ, thành kiến nơi những người đồng nghiệp. Người tín hữu trung thành là người dám vượt lên những gian nan đó để “vững vàng xưng đạo ra trước mặt thiên hạ”.
Sự hy sinh của người tín hữu không trở thành vô nghĩa. Đức Giêsu đã nêu cao triết lý của hạt lúa mục nát và nẩy mầm. “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Chính Đức Giêsu là một hạt lúa chấp nhận chết đi qua biến cố thập giá để trở nên nguồn sống mới cho nhân loại. Gian nan của niềm tin trở thành sức mạnh cho một cuộc sống mới, được sinh sôi nảy nở và đơm hoa kết trái. Trải dài suốt lịch sử Giáo Hội, các thánh tử đạo đã sống triết lý “hạt lúa” một cách hào hùng. Qua việc hiến dâng mạng sống làm chứng cho Chúa, các ngài đã sống tình yêu cách trọn hảo nhất: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Sự hy sinh ấy mang lại cho các ngài phần thưởng không hư nát: “Ai yêu quý mạng sống mình ở đời này, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,25). Các ngài đã chấp nhận cho đi mạng sống mình để nhận lại nó mãi mãi. Vinh quang đời đời chính là phần thưởng Chúa ban cho sự hy sinh của các ngài: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,10).
“Cuộc sống của các tín hữu Kitô cảm nghiệm niềm vui và đau khổ. Bao nhiêu vị thánh đã sống nỗi cô đơn! Bao nhiêu tín hữu, kể cả ngày nay, bị thử thách vì sự im lặng của Thiên Chúa trong khi họ muốn nghe lời an ủi của Ngài! Những thử thách của cuộc sống, trong khi giúp hiểu mầu nhiệm Thập Giá, và tham gia vào đau khổ của Chúa Kitô, là tiền đề báo trước niềm vui và hy vọng mà đức tin dẫn đến: “Khi tôi yếu đuối, đó là lúc tôi mạnh mẽ (2Cr 12,10)” (Tự sắc Năm Đức tin, số 15). Vâng, qua những hy sinh của người công chính, sức mạnh thần thiêng của Chúa được tỏ hiện. Đó cũng là bằng chứng cho tình yêu và lòng trung thành của họ đối với Cha trên trời.
Gian nan để hướng về đời sau
Được mời gọi sống và chia sẻ niềm vui, nỗi buồn của cuộc đời nhân thế, người tín hữu gắn bó mãi mãi với trần gian. Họ biết mình chỉ là khách hành hương đang tiến về quê vĩnh cửu. Là con người, họ cũng được mời gọi biến đổi để trở nên con Thiên Chúa. Họ phải sống sao cho trọn nghĩa với Chúa, đồng thời trọn tình với tha nhân. Ơn gọi của người tín hữu như chiếc thang, đầu thang hướng về trời, nhưng chân thang phải chắc chắn trên mặt đất. Nhờ những nấc thang này mà họ tiến dần đến gặp gỡ Đấng Tối cao. Vì sống đời này mà đang hướng về đời sau, nên họ phải trải qua những gian nan để chọn lựa.
Việc hướng về đời sau giúp cho người tín hữu thấy rõ đích điểm của cuộc đời. Họ không phải là những người lữ hành vô định, nhưng đang nỗ lực hướng tới một đích điểm cụ thể. Người lữ hành đức tin là người xác tín ở cuối con đường, có Chúa đang chờ đợi. Ngài sẽ giang tay ra đón nhận họ, như người Cha chờ mong con mình trở về. Trong cuộc lữ hành này, dù biết bao gian nan, nhưng họ được nâng đỡ bởi cộng đoàn Giáo Hội. Mầu nhiệm “các thánh cùng thông công” diễn tả sự liên kết sâu xa giữa các thánh trên trời, những người sống ở thế gian và các linh hồn nơi luyện ngục. Tất cả làm thành một gia đình của Thiên Chúa, nơi mà các thành phần cùng hiệp thông với nhau trong tình thương mến bao la.
Kết luận: Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã viết “Giáo Hội tiếp tục cuộc lữ hành giữa những cuộc bách hại của trần thế và những an ủi của Thiên Chúa, loan báo cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa cho đến khi Ngài đến” (Tự sắc Năm Đức tin – Porta Fidei, số 6). Cùng với Giáo Hội hoàn vũ, chúng ta sẽ bước vào Năm Đức tin, với mục đích “mời gọi mọi người thực hiện một cuộc trở về cùng Chúa là Đấng duy nhất cứu độ thế giới, một cách chân thực và mới mẻ” (Số 6). Như thế, người tín hữu vẫn luôn phải trải qua những gian nan cho niềm tin của mình. Nhưng họ có Chúa nâng đỡ và phù trì. Sự gian nan ấy không làm nghẹt đức tin và lòng trông cậy nơi họ, nhưng trái lại, như lửa thử vàng, gian nan thử thách, chính sự gian nan là bằng chứng cho một tình mến nồng nàn đối với “Đấng đã yêu thương và phó mình vì tôi” (Gl 2,20).
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: WHĐ