GIÁO  HỘI  CÔNG  GIÁO  TÔNG  TRUYỀN?

            Về đặc tính Tông Truyền được tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: “ Tôi tin Giáo Hội  Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền…” có nghĩa chúng ta tin  Giáo hội đã được Chúa  Giê Su  thiết lập sau khi Thánh Phê Rô tuyên xưng Ngài là Đấng Ki Tô: “ Si Mon con Giona, ngươi thật có phúc đó, vì chẳng phải thịt và huyết bày tỏ điều ấy cho ngươi đâu, bèn là Cha Ta ở trên trời  vậy. Còn Ta lại bảo ngươi rằng; ngươi là Phê Rô, Ta sẽ lập Hội Thánh Ta trên vầng đá này, cửa Hỏa Ngục cũng chẳng  thắng được nó” ( Mt 16, 17 -18 ).

            Tin Giáo Hội Công Giáo mang tính Tông Truyền, điều ấy là cần thiết bởi chỉ có như thế, đức tin của chúng ta mới có cơ sở và cơ sở ấy đặt trên nền tảng các Tông Đồ gọi là Tông Đồ Tính ( Apostolicitas ). Tuy nhiên trong thực tế lịch sử, không phải chỉ có Giáo Hội Công  Giáo mới tự nhận mình có Tông Đồ Tính  mà Chính Thống Giáo, Anh giáo. Tin Lành giáo  cũng đều nhìn nhận như vậy.

            Ngoài ba giáo phái trong hệ Ki Tô Giáo  đó, còn có những học thuyết khác  cũng chủ trương  sau mạc khải của Chúa Cha ( Cựu Ước ) và của Chúa Con ( Tân ước ) thì sẽ tới mạc khải của Chúa Thánh Linh hoặc là “ Tin Mừng Trường Cửu”. Tương tự như vậy, trong các thế kỷ  19 và 20 cũng đã có những tác giả nghĩ rằng sau GH của Phê Rô ( Là Giáo Hội CG dựa vào hành vi và quyền thế ) và GH của Phao Lô ( Tin Lành, đặt nền tảng trên đức tin và tự do ) thì đến  thời Thánh Linh sẽ đưa dẫn tới GH của Gioan là GH của Tình Yêu…( Nguồn Conggiao.Info 23/7/2021 – HTTH số 20 – 21 ).

            Có nhiều giáo phái cũng tự nhận mình có Tông Đồ Tính, vậy đâu là thật, đâu là giả ? Muốn biết thật, giả, chúng ta cần phải y cứ  vào lệnh truyền của Chúa Ki Tô Phục Sinh  cho các Tông Đồ: “ Hãy ra đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Ai tin và chịu phép rửa thì được cứu, còn ai không tin sẽ bị luận phạt” ( Mc 16, 15 -16 ).

            Đức Ki Tô chỉ rao giảng có một Tin Mừng, ngoài ra không có bất cứ một Tin Mừng nào khác và lệnh truyền ở đây là rao giảng  Tin Mừng về Nước Trời mầu nhiệm nội tại: “ Người Pharisi hỏi Chúa Giê Su  về Nước Thiên Chúa chừng nào đến  thì Ngài đáp: Nước TC không đến cách mắt thấy được. người ta cũng sẽ không nói được: Ở đây hay ở kia vì này Nước TC ở trong các  ngươi” ( Lc 17, 20 -21 ).

            Quả thật  Nước Thiên Chúa chỉ có thể là Thực  Tại Tâm  như thế thì Chúa mới đòi hỏi con người phải tin và chịu phép rửa còn ai không tin  sẽ bị luận phạt. Mặt khác,  lý do gọi là Công Giáo bởi vì  Tin Mừng cần phải rao giảng cho khắp muôn dân  thiên hạ, không trừ dân tộc hay giai cấp nào.

            Lại nữa, chính vì Nước Trời là Thực Tại Tâm thế nên Chúa mới trao toàn quyền  cho Thánh Phê Rô, vị giáo hoàng tiên khởi: “ Ta sẽ giao chìa khóa Nước Trời  cho ngươi. Sự gì ngươi cầm buộc dưới đất thì trên trời  cũng cầm buộc. Sự gì ngươi cởi mở dưới đất thì trên trời cũng  cởi mở” ( Mt 16, 19 ).

            Sự cầm buộc hay cở mở đó chẳng phải ám chỉ cho Bí Tích Hòa Giải  tức quyền tha tội của  các Linh Mục  nhân danh Chúa Giê Su Ki Tô  đó sao ? Như vậy, tính chất Tông Truyền của GHCG  chỉ có thể được nhận biết cùng với Tin Mừng Nước Trời mầu nhiệm nội tại mà thôi. Ngược lại Giáo Hội sẽ tự đánh mất Tính Tông Truyền  một khi Nước Trời mầu nhiệm lại biến thành Nước Trời …Tục Hóa: “ Giáo Hội nghĩa là Vương Quốc Chúa Ki Tô đang hiện diện cách hữu hình trong thế giới nhờ quyền lực của Thiên Chúa” ( Vatican II – Hiến Chế Tín Lý về GH ).

            Mặt khác,  nếu Giáo Hội là Vương Quốc Chúa Ki Tô đang hiện diện trong trần gian  thì …hà cớ chi Chúa Ki Tô Phục Sinh còn truyền lệnh cho các Tông Đồ ra đi rao giảng Tin Mừng cho khắp muôn dân  để ai tin thì được cứu còn ai không tin thì bị luận phạt  ?.

            Lý do khiến  thần học  đã biến Giáo Hội  thành Vương Quốc Chúa Ki Tô ở nơi trần gian là do ảnh hưởng của quan niệm Đấng  Tạo Hóa: “ Quả thật, tất cả các dân tộc đều thuộc về một Cộng Đồng có chung một nguồn gốc vì Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại để họ cư ngụ trên khắp mặt địa cầu, có chung một  cùng đích  tối hậu là chính Thiên Chúa, Đấng vẫn  hằng trải rộng sự quan phòng, chứng tích của lòng nhân hậu và ý định cứu độ trên tất cả mọi người” CĐ Vatican 2 – HC Nostra Aetate ).

            Ở đây, với quan niệm Đấng Tạo Hóa, thần học đã hoàn toàn phủ nhận tính chất Cứu Độ của Đạo Chúa. Thật vậy, để cứu thoát  nhân loại ra khỏi vòng trói buộc của vô minh. Thiên Chúa, hay nói đúng hơn Kinh Thánh đã trình bày cho thấy  những Giao Ước  được ký kết giữa Thiên Chúa  Giehova và tổ phụ Apraham  và một trong đó là Giao Ước Thành lập Dân Riêng hầu phụng sự Thiên Chúa: “ Vả Đức Giehova có phán cùng Apram rằng: Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con ngươi mà đi đến XỨ  Ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn. Ta sẽ ban phước cho ngươi cùng làm nổi danh ngươi và ngươi sẽ thành nguồn phước đức” ( St 12, 1 -2 ).

            Lời hứa sẽ cho tổ phụ Apraham trở thành dân tộc lớn và dân đó chính là dân Do Thái cũng gọi là Dân Riêng. Thế nhưng bởi vì họ đã phản bội Giao Ước  thế nên đã không còn là Dân Riêng nữa: “ Chúa phán: Kìa ngày đến, Ta sẽ cùng nhà Itsraen  và nhà Giu Đa  lập một Giao Ước mới, không phải theo như Giao Ước mà Ta đã lập với tổ phụ họ, trong ngày Ta cầm tay họ dắt ra khỏi đất Ai Cập vì họ đã không giữ Giao Ước của Ta, nên ta không còn kể đến họ nữa” ( Dt 8, 8 -9 ).

            Dân Do Thái vì đã phản bội Giao Ước thế nên đã không còn là Dân Riêng nữa và Dân Riêng ấy nay chính là Giáo Hội Công Giáo Tông Truyền. Sao có thể khẳng định như vậy ? Bởi vì mục đích việc thành lập Dân Riêng chính là để  phụng sự một  Đấng Thiên Chúa…nội tại  trong chính  tâm hồn mỗi người: “ Sau những ngày đó, Ta sẽ để luật pháp Ta trong  tâm trí họ. Ghi tạc nó vào lòng. Ta sẽ làm  Thiên Chúa  họ và họ sẽ làm Dân Ta” ( Dt 8, 10 ).

            Như đã biết, Chúa Giê Su chỉ thiết lập Giáo  Hội sau lời tuyên xưng của Thánh Phê Rô. Điều này hết sức quan trọng bởi chính  lời tuyên xưng  ấy  chứng tỏ đức tin  của người sẽ được giao trọng trách dẫn dắt đoàn chiên Chúa  sau này.  Có tin Chúa Giê Su là Đấng Ki Tô  thì mới có thể sẵn sàng vâng nghe Lời Ngài để vững bước trên Con Đường Trở Về đầy cam go, thử thách.

            Bởi Thiên Chúa là Đấng nội tại “ Chẳng ai  từng hay biết bao giờ” ( Ga 1, 18 ). Thế nên Dân Chúa chỉ có một con đường để trở về đó là  đường Bỏ Mình của Đức Ki Tô: “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình. Hàng ngày vác thập tự giá mình mà theo” ( lc 9, 23 ).

            Chỉ trong Chúa Ki Tô, con người mới có thể…bỏ được mình. Lý do bởi vì chính Ngài đã thực hiện  điều ấy khi vâng phục Thánh Ý Chúa Cha: “ Ngài vốn đồng hình dạng  với Thiên Chúa. Song chẳng coi sự đồng dạng ấy  cần phải đoạt lấy. Trái lại Ngài đã  tự làm ra trống không. Lấy hình dạng đầy tớ giống hình dạng loài người  rồi bèn hạ mình xuống vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự” ( Pl 2, 6 -8 ).

            Đức Ki Tô thiết lập Giáo Hội Công Giáo Tông Truyền với mục đích để cho con người  trở về với Thiên Chúa, Đấng Cha của mình  và để  thực hiện  mục đích ấy thì chỉ có một con đường đó là Bỏ Mình tức hết lòng vâng phục.

            Vâng phục, đó  chính là tin  là yêu và có thể nói lòng tin, yêu đó đã làm nên bản chất của người Công Giáo. Lòng tin, yêu ấy cần phải  đặt nơi Giáo Hội  bởi lẽ Giáo Hội là do chính  Chúa Giê Su thiết lập để cứu rỗi linh hồn  mình.  Tính chất vâng phục ấy  đã được thể hiện trong lòng Giáo Hội: Giáo dân vâng phục Linh Mục chủ chăn. Linh Mục vâng phục đấng bản quyền, HĐGM hợp nhất, vâng phục đức thánh cha. Đức thánh cha vâng phục Chúa Ki Tô. Chúa Ki Tô  vâng phục Chúa Cha: “ Vì ta từ trời xuống không phải để làm theo ý riêng Ta bèn làm theo Thánh Ý  Đấng đã sai Ta” ( Ga 6, 38 ).

            Thiên Chúa như Người Cha và  Người Cha ấy trong từng giây từng phút sẵn lòng …Làm Hòa với với  những  đứa  con lưu lạc khốn khổ  miễn là chúng ta biết cậy nhờ nơi Chúa Ki Tô, Đấng đến để làm cuộc giải hòa: “ Mọi sự đều ra từ Thiên Chúa. Ngài đã nhờ Đức Ki Tô khiến chúng ta được…hòa lại với Ngài và giao cho chúng tôi ( GHCG Tông Truyền ) chức vụ giải hòa” ( 2C  5, 18 )./.

Phùng  Văn  Hóa

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts