Trên tờ Public Course của viện Whiterspoon ngày 16/3/2021 có bài viết của đức hồng y Timothy Dolan, tgm Newyork kêu gọi người Công Giáo Hoa Kỳ đứng lên phản đối Đạo Luật Bình Đẳng ( Equality Act ) sắp được Hạ Viện thông qua.
Ngoài đức hồng y Timothy Dolan còn có nhiều vị lãnh đạo Giáo Hội khác kêu gọi người Mỹ lên tiếng phản đối Đạo Luật này chẳng hạn giám mục Joseph Strickland của tiểu bang Texas đã đưa ra lời cảnh báo: “ Đạo Luật Bình Đẳng” đang được Quốc Hội xem xét là mối đe dọa đối với những người có đức tin ở quốc gia này và vì thế tôn giáo kêu gọi tất cả những ai tin vào Chúa và sự thật trong mạc khải của Ngài hãy lên tiếng và cho các thành viên Quốc Hội và thượng nghị sĩ của mình biết rằng: Dự Luật này đe dọa trái tim của quôc gia chúng ta” ( Nguồn: Ngọc Mai – ĐKN – 26/2/2021 ).
Khi giới hữu trách của Giáo Hội Mỹ kêu gọi giáo dân đứng lên phản đối Đạo Luật Bình đẳng thì hẳn phải có lý do hết sưc quan trọng nào đó. Vậy lý do ấy là gì ?: “ Hôm thứ hai ( 22/2/2021 ) chủ tịch Liên Đoàn Công Giáo Bill Donohue đã cảnh báo trong một bài viết đăng trên website của tổ chức rằng Đạo Luật Bình Đẳng này có 02 mục đích: Thứ nhất nó sẽ sửa đổi Đạo luật Quyền Công Dân năm 1964 để đưa khuynh hương tình dục và bản dạng giới vào định nghĩa giới tính. Thứ hai nó sẽ làm suy yếu Đạo Luật Khôi Phục Tự Do Tôn Giáo bằng cách ưu tiên quyền của người đồng tính hơn Quyền Tự Do Tôn Giáo và Lương Tâm” ( Nguồn: Ngọc Mai – ĐKN 26/2/2021 đã dẫn ).
Cuộc tấn công vào Đạo Công giáo đã chính thức phát động qua cuộc bầu cử Mỹ vừa rồi với việc đăc cử của Joe Biden và Đảng Dân Chủ. Cả Joe Biden và bà Nancy Pelosi, chủ tịch hạ Viện đều nhận mình là người Công Giáo nhưng lại chống phá Đạo một cách quyết liệt ngay từ trong nền tảng của nó và lần này với Đạo Luật Bình Đẳng đã thực sự chứng minh điều ấy.
Thật ra thì Quyền Bình Đẳng của con người đã được Tuyên Ngôn Nhân Quyền của LHQ khẳng định rõ ràng: “ Tất cả mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền. Mọi con người đều được Tạo Hóa ban cho lý trí và lương tâm và cần phải đối xử với nhau trong tình bằng hữu”.
Tuyên Ngôn là như vậy nhưng trong thực tế thì việc áp dụng nó lại tùy thuộc vào cách giải thích của từng mỗi quốc gia cho những mục đích của mình và thường là vi phạm cách nghiêm trọng. Những nước độc tài quân phiệt hoặc CS đều có Hiến Pháp và trong Hiến Pháp đó họ cũng không phủ nhận điều khoản này nhưng lại ra sức đàn áp và triệt hạ tự do của người dân !
Tất cả đều tùy thuộc vào cách giải thích cho mục đích mà nó nhắm tới. Cái nhắm tới của Đạo Luật Bình Đẳng Mỹ đó là…tàn phá đức tin Công Giáo và việc thể hiện đức tin ấy trong đời sống như lời đức hồng y Timothy Dolan nói: “ Đạo Luật Bình Đẳng đưa chúng ta đi theo một hướng khác. Trong khi cái tên nghe có vẻ hấp dẫn. Có ai lại không ủng hộ Bình Đẳng ? Thế nhưng Đạo Luật Bình Đẳng thực sự bất khoan dung một cách sâu xa. Nó bắt mọi người chấp nhận một lối hiểu đầy tranh cãi về bản chất con người và nó đi trệch đường khi nó nhắm vào những người có đức tin” ( Nguồn: Vatican News 23/03/2021 ).
Nếu Đạo Luật Bình Đẳng đưa vào áp dụng thì nó sẽ gây tác hại lớn lao cho các cơ sở Công Giáo. Luật này mở rộng ý nghĩa của các cơ sở Lưu Trú Công Cộng chẳng hạn các Nhà Dòng, các Tu Viện đều bị coi là nơi Lưu Trú Công Cộng và các nơi lưu trú ấy không được phép từ chối bất kỳ người nào. Nếu từ chối sẽ bị khép vào tội phạm luật Bình Đẳng. Vì vậy, nếu một Dòng Nữ nào đó từ chối một người đàn ông ( Sinh học ) tự nhận mình là…đàn bà muốn vào ở đó thì sẽ phạm luật…???
Hoặc một Thánh Đường được coi là nơi lưu trú công cộng mà từ chối đám cưới đồng tính sẽ bị khép vào tội kỳ thị dựa trên khuynh hướng tính dục v.v…
Hoặc Đạo Luật Bình Đẳng đưa vào mệnh lệnh phá thai bằng cách định nghĩa giới tính “ Sex” để bao gồm từ ngữ: phá thai, sinh con hoặc một tình trạng y tế liên hệ thì ai cấm phá thai cũng là vi phạm luật v.v…
Trước những điều được gọi là…phạm luật ấy, Giáo Hội Hoa kỳ đành chỉ biết…bó tay, không làm gì được vì đó là luật được Quốc Hội thông qua…! Tính chât nguy hại đến đời sống đức tin Công Giáo thể hiện bằng luật pháp là điều khó tránh khỏi, tất cả là do quan niệm về …Bình Đẳng và Bình Đẳng ở đây chỉ dành cho những người đồng tính hoặc phụ nữ phá thai mà trước đây đã bị cấm đoán, cho là tội…
Thực sự người đồng tính không có tội lỗi gì cả, chỉ có thực hiện đồng tính mới bị kết án ? “ Bởi cớ ấy nên Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo tà tình đáng xấu hổ, vì đàn bà của họ đổi cách dùng thuận tánh ra cách dùng nghịch tánh. Đàn ông cũng vậy, bỏ cách dùng thuận tánh với đàn bà mà hun đúc tình dục người này với kẻ kia. Đàn ông cùng đàn ông làm sự nhuốc nhơ với nhau rồi tự chuốc lấy mình sự báo ưng xứng với sự lầm lạc của họ…
…Đã vậy, vì họ không thèm nhận biết nên Thiên Chúa đã để mặc họ bị tâm trí ra vô dụng để làm những điều trái lẽ. Họ đầy dẫy mọi sự bất nghĩa, gian ác, tham lam, hiểm độc, ganh ghét, tàn hại, tranh giành, quỷ quyệt, ác ý và thù ghét Thiên Chúa” ( Rm 1, 26 -30 ).
Với Đạo Luật Bình Đẳng, chẳng những người ta đã nhìn nhận quyền của người đồng tính mà còn đề cao họ như những con người…can đảm, dám công khai sống với giới tính của mình….
Như Thánh Phao Lô nói về những tội lỗi xấu xa, đê hèn của người đồng tính và tội lớn nhất là họ đem lòng thù ghét Thiên Chúa bởi đã sinh ra họ trong tình trạng khốn khổ như thế. Đang khi đó Thiên Chúa…sinh ra con người tất cả đều là Hình Ảnh của Ngài ( St 1, 26 ).
Tất cả đều được sinh ra là…Hình Ảnh Thiên Chúa là Con Thiên Chúa có nghĩa đều bình đẳng như nhau. Ấy vậy tại sao chúng ta lại thấy có sự bất bình đẳng chẳng những giữa con người với con vật mà còn giữa con người với nhau: Có người thì khôn ngoan sáng suốt có người thì đần độn, ngu dôt. Có người thì sinh ra trong hoàn cảnh giàu sang, phú quý. Có người lại phải sinh ra trong nghèo khổ bần hàn. Có người sinh ra khỏe mạnh không có tật bệnh có người sinh ra đã què quặt, ốm yếu v.v…
Cái gì cũng phải có nguyên nhân của nó và nguyên nhân gây ra sự bất bình đẳng đó chính là Tội nguyên Tổ là tội phân biệt thiện ác: “ Đức Chúa phán dạy EVA rằng: Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn. Nhưng về cây biết điều thiện, điều ác thì chớ hề ăn đến, vì một mai ngươi ăn, chắc là phải chết” ( St 2, 16 -17 ).
Tại sao…biết điều thiện, điều ác lại là tội ? Bởi vì …biết ở đây chính là sự phân biệt. Một khi biết phân biệt điều thiện, điều ác thì sẽ đưa đến sự bất bình
đẳng. Không có sự phân biệt thì không thấy có sự khác biệt giữa giàu nghèo, sang hèn, tốt xấu, thiện ác v.v…
Phân biệt giữa thiện và ác để rồi nếu cho đây là thiện thì đem tâm bênh vực, giúp đỡ. Trái lại cho kia là ác thì sẽ đem tâm ghét bỏ, loại trừ v.v…Cũng chính vì sự phân biệt thiện ác ấy mà đã phát sinh thù hận, chiến tranh giữa các chế độ, quốc gia với nhau. Chẳng phải chế độ phát xít Đức vì cho chỉ có dân tộc mình là…thượng đẳng nên mới ra tay giết hơn sáu triệu người Do Thái trong thế chiến thứ hai ? Chẳng phải các chế độ CS phát động cuộc đấu tranh giai cấp khôc hại là vì đã cho chỉ có giai cấp vô sản mới làm được cách mạng v.v…?
Chẳng phải các cuộc chiến tranh tôn giáo xảy ra từ trước đến nay là vì các tôn giáo ấy đã cho chỉ có mình là nắm được chân lý tuyệt đối, không thể đội trời chung với nhau ? Sự căm thù giết hại nhau trong tôn giáo oái oăm thay lại do nơi tôn thờ đấng giáo chủ của mình mà ra. Người Hồi giáo trong suốt tháng chay Ramadan bắt buộc các tín đồ phải tụng đọc câu này: Không có thánh thần nào khác ngoài Thượng Đế Allah và Mohamet là thiên sứ của Ngài”
Tất cả đưa đến bất bình đẳng là do phân biệt, chấp trước thiện ác mà ra. Tuy nhiên muốn hiểu được Tội nguyên Tổ thì không có cách nào khác là giải sách Sáng Thế theo lối Minh Triết: Vườn Địa Đàng là Tâm Vô Phân Biệt. Trái Cấm là Tâm Phân Biệt. Rắn là Sa Tan. Khi ông bà…ăn Trái Cấm tức khởi Tâm Phân Biệt thì liền mất đi Tâm Vô Phân Biệt cũng chính là Thực Tại hằng hữu vốn có ở nơi mỗi người. Thực Tại ấy Đạo Phật gọi là Phật Tính còn Đạo Chúa là Bản Thể Tình Yêu.
Khi Tâm Phân Biệt khởi thì liền đó đã mất đi Tâm Vô Phân Biệt có nghĩa không còn sống trong Thực Tại Địa Đàng. Khi nhìn một bông hoa và chỉ thấy nó là…bông hoa thì đó là sống trong thực tại…hoa. Nhưng khi nhìn bông hoa mà khởi tâm phân biệt…đẹp, xấu thì liền đó đã mất đi thực tại…hoa như nó là.
Khi nhìn bông hoa chẳng những chỉ thấy nó…đẹp, xấu mà còn muốn hái đem về chưng ở nhà mình, đó chính là…Ngã Chấp. Ngã chấp tức cho mình ( Ngã ) là thật có và bông hoa ấy là của mình ( Ngã Sở ).
Cho bông hoa cũng như muôn vật, muôn sự ở đời …là thật có đó là cái chấp muôn thuở khiến làm cho mất đi Bình Đẳng Tính vốn có ở nơi con người. Do nơi cái thấy phân biệt mà đã khiến con người mất đi sự bình đẳng và trong Triết Học hay Tôn Giáo cũng vậy. Với các nền triết học thì đều thể hiện mình ở những cái Duy chẳng hạn như Duy Tâm, Duy Vật, Duy Lý, Duy Sinh, Duy Thực v.v…
Duy là duy nhất. Chỉ có lập trường, quan niệm của trường phái mình là đúng là nhất. Tuy nhiên bất cứ cái Duy nào cũng đều có phản chứng và phản chứng nào cũng có cái lý của nó. Nếu là Duy Vật thì phản chứng là Duy Tâm v.v…Hễ bao giờ còn… Duy thì còn bất bình đẳng, chỉ khi nào bỏ đi những cái Duy ấy thì con người mới có thể bước vào Thực Tại.
Tất cả những cái…Duy trong triết học ấy đều chống trái nhau và đó là điều đương nhiên, không sao tránh khỏi. Tại sao ? Bởi vì chúng chỉ là những khái niệm mà khái niệm thì đâu có phải là Thực Tại nó là ? Chỉ trong Thực Tại mới có thể đưa đến bình đẳng có nghĩa làm cho con người hiểu nhau, đi đến với nhau.
Nếu triết học với những cái Duy của nó đã khiến cho các trường phái luôn chống trái bất bình đẳng với nhau thì trong tôn giáo cũng vậy. Nếu tôn giáo nào cũng chỉ cho mình…nắm được chân lý và là chân lý tuyệt đối thì sao có thể đối thoại chẳng hạn như Đại Kết, Hội Nhập Văn Hóa này nọ. ?
Để có thể …hội nhập tức đi đến được với nhau thì nhất định cần có sự bình đẳng. Tuy nhiên bình đẳng không có nghĩa là thái độ…ba phải, coi đạo nào cũng như đạo nào ? Bình đẳng ở đây chính là nhìn nhận nhau trong cùng một Chân Lý mặc dầu có sự khác biệt về hình thức cũng như phương thức diễn tả.
Tính chất…đồng trong Chân Lý và Chân Lý ấy ở nơi Đạo Phật gọi là Phật Tánh còn trong Đạo Chúa gọi là Bản Thể Thiên Chúa Tình Yêu. Để đi đến cái chỗ…đồng ấy dù trong triết học hay tôn giáo đều cần có sự tìm kiếm, chính cái sự thành tâm tìm kiếm ấy mới khiến người ta gặp được nhau. Đức Khổng nói: “ Thiên hạ hà tư hà lự, thiên hạ đồng quy như thù đồ, nhất trí nhi bách lự, thiên hạ hà tư hà lự” ( Thiên hạ lo gì, nghĩ gì ? Thiên hạ tuy có trăm mối lo khác nhau nhưng cùng về một mối – Dịch ).
Nhờ Đức Ki Tô, Đấng Trung Gian, chúng ta mới có thể yêu mến và nhận biết Thiên Chúa. Trong việc nhận biết ấy, thần học đã có cái sai lầm rất lớn mà cho đến nay vẫn chưa hề được nhận ra đó là chủ trương có thể nhận biết Thiên Chúa qua Con Đường Duy Lý. Nhận biết Thiên Chúa đó chỉ là Thiên Chúa của khái niệm chẳng hề có liên quan gì đến Thiên Chúa là Cha do Đức Ki Tô mạc khải.
Để nhận biết Đấng Thiên Chúa là Cha như Thực Tại Ngài Là thì duy chỉ có Con Đường Tình Yêu: “ Có luật sĩ hỏi thử Chúa Giê Su: Thưa Thầy trong Luật Pháp, giới răn nào là quan trọng nhất ? Ngài đáp: Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn hết ý chí mà thương yêu Chúa là Thiên Chúa ngươi. Ấy là giới răn đầu nhất. Còn điều thứ hai cũng vậy. Ngươi hãy yêu thương kẻ lân cận như mình. Cả luật pháp và tiên tri đều tóm lại trong hai điều răn ấy” ( Mt 22, 34 -40 ).
Giới răn Yêu Thương là nền tảng của Đạo Chúa nhưng ngày nay giới răn ấy không còn được tuân giữ. Nguyên nhân khiến giới răn đó không được tuân giữ là vì Đấng Thiên Chúa của thần học chỉ là một thứ khái niệm rỗng, không có thực chất. Chẳng ai lại có thể yêu mến, tôn thờ một thứ chỉ là khái niệm bao giờ ?
Con người chỉ có thể yêu mến để trở về với Đấng là Bản Thể Tình Yêu cũng là Đấng Cha ở nơi mình. Thế nhưng cũng giống như đứa con trong Dụ Ngôn của Đức Ki Tô, con người chỉ có cái quyết tâm trở về một khi ở trong hoàn cảnh quá ư khốn khổ: “ Muốn ăn cám của heo ăn mà người ta cũng không cho” ( Lc 15, 16 ).
Có nhận biết khổ thì con người mới tìm đường cho hết khổ. Trái lại khổ mà không biết mình khổ thì cứ ở mãi trong khổ mà không biết. Cái khổ của con người trong mọi thời, mọi nơi là bị màn vô minh che lấp, chấp cho mình khác biệt với người. Cũng vì cho mình…khác với người thế nên không cách chi có thể yêu người mà đã không yêu thương được người thì làm sao có thể yêu mến Chúa: “ Chúng ta yêu mến Thiên Chúa vì Ngài đã yêu thương chúng ta trước. Vì có ai nói rằng mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình là người mình đã thấy thì thể nào có thể yêu mến Thiên Chúa là Đấng mà mình không thấy được ư ? ( 1Ga 4, 19 -20 ).
Đạo Luật Bình Đẳng của Mỹ chỉ có mục đích để triệt hạ đức tin Công Giáo và khi đức tin ấy bị triệt hạ thì con người sẽ không còn lòng tin nơi Chúa Giê Su Ki Tô để rồi phải triền miên sống trong tăm tối: “ Ta là sự sáng dến thế gian, hầu hễ ai tin Ta thì chẳng cứ ở trong tối tăm” ( Ga 12, 46 )./.
Phùng Văn Hóa