Từ sau Công Đồng Vatican II, công cuộc truyền giáo đã bị…khựng lại nhất là tại Á Châu thì dường như không thể tiến bước “ Con người khổng lồ Châu Á chiếm quá bán dân số toàn cầu mà Đạo Chúa cho đến nay vẫn còn là chàng tý hon ở đó dù công cuộc truyền giáo đã khởi phát từ rất sớm với Thánh Tô Ma bên Ấn Độ vào đầu công nguyên. Với mấy đợt xâm nhập Ba Tư Syri vào Ấn Độ và Trung Quốc ở thế kỷ V. Với nhiều cuộc đổ bộ của thừa sai phương Tây vào thế kỷ XVI, XVIII. Cần phải tìm hiểu do đâu mà Đạo của Thiên Chúa hoạt động dũng mãnh từ bên trong Đạo ấy phải chững lại ở Á Châu này, không sao tiến triển nổi” ( Nguồn Loan Báo Tin Mừng – 31/3/2016 – Hoành Sơn SJ – Nước Trời chững lại ở Á Châu ).
Về lý do tại sao Đạo Chúa bị…chững lại. Tác giả bài báo nêu ra “ Người ta có thể hỏi tại sao vẫn truyền giáo bằng đường lối ôn hoà Công giáo đã biến nổi Nam Mỹ và Philuậttân thành gần như toàn tòng một cách rất nhanh chóng ? Xin thưa chỉ vì người da đỏ châu Mỹ La Tinh là những dân bán khai và thổ dân Philuậttân khi xưa cũng chưa thành một quốc gia, một xã hội có tổ chức. Do đó họ dễ dàng bỏ đi những mê tín cũ mà cải đạo theo đoàn người văn minh mới tới. Trái lại các nước như Trung Quốc và Ấn Độ với một nền văn minh nhân bản khá cao với những kỹ thuật tu luyện như Thiền và Yoga mà ngày nay phương Tây phải cầu học thì do tự tôn và tự hào dân tộc họ không thể chấp nhận một tôn giáo một nền tu đức từ xa tới. Do đó Công giáo chỉ có cách hội nhập vào thành như một cái gì thân thuộc của họ để rồi trao hiến cho họ cái gì là của mình và đó là con đường nhập thể của Chúa: Thành người giữa mọi người rồi mới chia sẻ cho con người thần tính của Thiên Chúa” ( Nguồn đã dẫn ).
Bảo rằng Đạo Công giáo sở dĩ truyền được vào Philuậttân và châu Mỹ La Tinh bởi vì ở những nơi đó còn trong tình trạng bán khai mọi rợ. Nói như thế thì vô hình chung đã phủ nhận biết bao công lao vất vả khổ nhọc cho đến hy sinh cả tính mạng của những con người truyền giáo đủ mọi thành phần Dân Chúa ? Mặt khác nếu cho rằng việc truyền đạo chỉ có thể có kết quả với những kẻ dốt nát mê tín. Vậy thử hỏi giá trị của Đạo Công giáo là ở chỗ nào ?.
Cũng chính vì không nhận ra giá trị của tôn giáo mình thế nên người ta mới đề ra cái gọi là “ Con đường nhập thế “ có nghĩa phải làm sao để Giáo Hội…được ở giữa lòng dân tộc “ Từ đó chúng ta có thể nói rằng giáo hội có Ở GIỮA lòng dân tộc. Có SONG HÀNH chứ không có ĐỒNG HÀNH với dân tộc mình. Và như vậy giáo hội đó có phải là giáo hội của Chúa KITÔ TỬ NẠN và PHỤC SINH không hay là một giáo hội đã biến thái nào khác ? Xem ra giáo hội của chúng ta vẫn còn ở mãi thời Cựu Ước vẫn chưa trưởng thành và phát triển được nhất là tại vùng đất Á Châu này “ ( Nguồn Dongcongnet 10/4/2010 – Lm Lê Văn Quảng – Tiến sĩ tâm lý ).
Đúng là có…biến thái. Thế nhưng sự biến thái ấy là của Giáo Hội hôm nay chứ không phải trước đây. Giáo hội trước đây vốn vẫn là Dân Riêng Thiên Chúa với bốn đặc tính mà tín hữu vẫn hằng tuyên xưng “ Duy nhất – Thánh thiện – Công giáo và Tông truyền” Cơ sở của đạo Công giáo được gọi là Tông truyền bởi vì nó đã tồn tại và phát triển theo như lệnh truyền của Đức Ki Tô “ Hãy ra đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Ai tin và chịu Phép Rửa thì được cứu. Còn ai không tin sẽ bị luận phạt” ( Mc 16, 15 -16).
Công cuộc rao giảng mà Giáo hội đã nhận lãnh từ Đức Ki Tô đó chính là Tin Mừng về Nước Trời và cũng chỉ có Tin Mừng ấy mới làm cho Giáo hội Công giáo trở thành ánh sáng của muôn dân. Hiến chế Tín Lý Về Giáo Hội ( Lumen Gentium ) nói “ Chúa Ki Tô chính là ánh sáng muôn dân. Vì vậy Thánh Công Đồng được quy tụ trong Chúa Thánh Thần tha thiết mong muốn soi dẫn mọi người bằng ánh sáng của Người đang chiếu toả trên khuôn mặt Giáo hội để Tin Mừng được loan báo cho mọi loài thụ tạo” ( x Mc 16, 15 -16).
Sao lại nói chỉ có Tin Mừng Nước Trời của Đức Ki Tô mới làm cho Giáo hội trở thành ánh sáng muôn dân ? Xin thưa là vì Tin Mừng ấy là Tin Mừng về Nước Trời nội tại “ Người Pharisi hỏi Chúa Giê Su về Nước ĐCT chừng nào đến thì Ngài đáp = Nước ĐCT không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng sẽ không nói được = Đây này hay đó kia. Vì này Nước ĐCT ở trong lòng các ngươi” ( Lc 17, 20 -21).
Nước Trời không…ở đây ở kia có nghĩa Nước ấy không hiện hữu trong không gian thời gian hữu hạn này. Nước Trời tuy không ở trong không gian thời gian hữu hạn nhưng lại …ở trong tâm hồn mỗi người. Đó là một mầu nhiệm khôn tả. Cũng bởi vì Nước Trời không thể diễn tả bằng ngôn ngữ thế nên Đức Ki Tô mới đòi hỏi con người cần phải có lòng tin và sự ăn năn sám hối “ Thời đã mãn Nước ĐCT đã gần đến. Các ngươi hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 15 ).
Chúa nói Nước Trời đã gần đến, điều ấy Ngài không có ý ám chỉ Nước Trời sẽ được đem đến từ một không gian vật lý nào đó hoặc Chúa sẽ biến cõi thế này thành cõi Thiên Đàng. Cho rằng Chúa sẽ làm cho cõi thế thành cõi Thiên Đang đó là một lầm lẫn tai hại mà ngay cả các môn đệ Chúa cũng vấp phạm “ Khi đã nhóm lại họ hỏi Chúa Ki Tô ( Phục Sinh ) = Thưa Chúa có phải đây là lúc Ngài khôi phục nhà Itsraen chăng ? ( Cv 1, 6 ). Sự hiểu lầm của các môn đệ chỉ chấm dứt với ơn Chúa Thánh Thần một khi đã nhận lãnh sứ mạng rao giảng. Chúa trả lời cho các môn đệ “ Thời hạn và nhật kỳ mà Cha đã tự quyền định đoạt lấy thì các ngươi chẳng nên biết. Nhưng khi Thánh Linh giáng trên các ngươi thì các ngươi sẽ nhận lãnh quyền năng rồi làm chứng nhân cho Ta tại Giêrusalem, cả Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất.” ( Cv 1, 7 -8).
Được có ơn Chúa Thánh Thần soi dẫn là để ra đi làm chứng nhân cho Chúa Ki Tô và sự…ra đi ấy cũng chính là việc hội nhập mà các Tông Đồ cùng với biết bao thế hệ Ki Tô Hữu đã và đang tiếp nối thực hiện. Ra đi truyền giáo là để hội nhập. Không có hội nhập thì truyền giáo không thể thành công.Tuy nhiên có điều nên nhớ đó là hội nhập chứ không phải… hoà nhập. Hội nhập khác với hoà nhập ở chỗ một đàng phải giữ lấy bản sắc của mình, một đàng là làm mất đi bản sắc ấy. Truyền giáo là phải giữ lấy bản sắc, vậy bản sắc mà việc truyền giáo phải thể hiện ấy là gì nếu không phải đó là Tin Mừng Nước Trời nội tại của Đức Ki Tô ? Cũng chính bởi Tin Mừng Nước Trời nội tại ấy mà Chúa Ki Tô khi đưa ra lệnh truyền Ngài nói “ Ai tin và chịu Phép Rửa thì được cứu, trái lại sẽ bị luận phạt”/
Tin có một Nước Trời hiện hữu ở nơi cõi lòng mình đó là điều hết sức khó khăn. Lý do của sự khó khăn ấy là vì nó hoàn toàn trái ngược với các loại tín ngưỡng cũng như triết học của thế gian. Sự khác biệt ấy trước hết là với Do Thái giáo. Người theo Do Thái giáo vẫn một mực tin vào Đấng Thiên Chúa Tạo Hoá vô đối chí công là đấng thần minh của riêng dân tộc họ. Chính vì niềm tin ấy nên khi nghe Đức Ki Tô xưng mình là Con còn Thiên Chúa là Cha, họ đã ném đá và rồi cuối cùng đã giết chết Ngài một cách hết sức tàn nhẫn. Đối với các loại tín ngưỡng đã vậy còn triết học thì cũng thế cũng vẫn chỉ là một thứ cố chấp vào các quan niệm. Khi Phao Lô đến rao giảng tại Athen ( Hy Lạp ) người ta tỏ ra thích thú lắng nghe. Thế nhưng vừa nghe nói đến việc Thiên Chúa đã khiến cho Đức Ki Tô sống lại từ cõi chết thì họ không sao chịu nổi và đã buông lời chế diễu “ Khi chúng nghe đến sự sống lại của kẻ chết, người thì nhạo cười kẻ thì nói rằng = Thôi để lúc khác chúng ta sẽ nghe ngươi nói về việc ấy nữa” ( Cv 17, 31 -32).
Thế gian chống đối Tin Mừng của Đức Ki Tô, điều ấy đã được báo trước “ Hãy nhớ lại lời Ta nói cùng các ngươi. Tớ chẳng lớn hơn chủ. Nếu họ đã bắt bớ Ta ắt cũng bắt bớ các ngươi. Bằng họ đã giữ lời Ta ắt cũng giữ lời các ngươi. Nhưng vì cớ Danh Ta họ sẽ làm mọi điều đó cho các ngươi bởi họ không biết Đấng đã sai Ta” ( Ga 15, 20 -21). Chúa Giê Su luôn nhận mình đã được sai đến bởi trời ( Thiên Sai ) và mục đích của việc …sai xuống ấy là để cho con người được nhận biết về Đấng Cha. Nhận biết Thiên Chúa là Cha, điều ấy duy chỉ Đức Ki Tô mới biết còn phàm nhân chúng ta thì không “ Cha Ta đã giao mọi sự cho Ta. Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và người nào Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22 ). Chúa Giê Su …biết về Đấng Cha và cái biết ấy không phải là cái biết của tri thức phân biệt nhưng là biết Thiên Chúa như một Thực Tại Hằng Sống. Thực tại ấy tuỳ từng người từng trường hợp mà Đức Ki Tô rao giảng có khi Ngài gọi đó là Nước Trời có khi gọi là Đấng Cha. Dù được gọi bằng danh xưng nào thì đó vẫn là một Thực Tại duy nhất mà con người cần phải nhận biết hầu được sống “ Sự sống đời đời là nhận biết Cha tức chân thần duy nhất cùng Giê Su Ki Tô mà Cha đã sai đến” ( Ga 17, 3 ).
Đức Ki Tô đã được sai xuống cõi thế để mạc khải về Đấng Cha và đây cũng chính là mục đích việc hội nhập của Giáo Hội Công giáo chúng ta. Thế nhưng mục đích ấy hiện nay hầu như đã bị phá hỏng bởi chủ trương Đại Kết. Đối với chủ trương này thì không còn có sự trái ngược gì về đức tin bởi lẽ tất cả các tôn giáo khác chẳng hạn Do Thái giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo v.v…đều cùng tôn thờ chung một Đấng thần linh Tạo Hoá. Đặc biệt riêng với Hồi giáo thì sự tôn thờ ấy còn hết sức sâu xa “ Giáo hội cũng tôn trọng các tín đồ Hồi giáo những người thờ phụng Thiên Chúa duy nhất hằng sống và hằng hữu nhân hậu và toàn năng Đấng Tạo Thành Trời Đất. Đấng đã ngỏ lời với con người, Đấng đưa ra những phán quyết bí nhiệm mà họ luôn tuân phục với trọn cả tâm hồn theo mẫu gương tùng phục của Abraham người mà niềm tin Hồi giáo vẫn luôn gắn bó” ( Tuyên ngôn Nostra Aetate – Ngày 28/10/1965 ).
Chẳng biết Hồi giáo có tôn thờ Đấng Tạo Hoá ( Allah ) của họ sâu xa tới mức nào, có đem lại ơn ích cho họ và cho thế giới được bao nhiêu ? Thế nhưng có điều chắc chắn là họ không hề tin Chúa Giê Su là Đấng Cứu Độ. Đang khi đó chỉ có niềm tin ấy mới có thể khiến cho con người nhận biết Thiên Chúa là Đấng chân thật duy nhất và là Đấng Cha của mỗi người. Có tin Chúa Giê Su là Đấng Cứu Độ thì mới có thể đến với Đấng Cha “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).
Hết lòng tin tưởng, đi theo Con Đường Giê Su để đến với Cha đó phải là hướng đi duy nhất của việc hội nhập. Hơn bao giờ hết, thế giới ngày nay đang đi vào chỗ tự huỷ diệt mình do việc đã đánh mất lòng tin vào Chúa Giê Su Đấng Cứu Độ duy nhất của trần gian. Một khi lòng tin không còn, đó chắc chắn là báo biểu của Ngày Chúa đến “ Vậy hãy học thí dụ nơi cây vả, vừa lúc nhành non lộc nứt thì các ngươi biết mùa hè đã gần. Cũng vậy khi các ngươi thấy mọi điều ấy thì khá biết rằng Con Người đã gần thật dường như đang ở trước cửa. Quả thật Ta nói cùng các ngươi dòng dõi này hẳn chẳng qua đi cho đến khi mọi điều đó thành tựu rồi. Trời đất sẽ qua đi song lời Ta nói hẳn chẳng qua đâu.” ( Mt 24, 32 – 35 )
Phùng Văn Hoá