1- Sách ngôn sứ Êdêkiel chép: Có lời Chúa phán cùng tôi: “Hỡi con người, Ta đã đặt ngươi làm trinh sát nhà Israel; Ngươi hãy nghe lời Ta phán và ngươi sẽ khuyến cáo họ thay cho Ta. Nếu khi Ta phán cùng kẻ gian ác rằng: Mi sẽ phải chết, mà ngươi lại không khuyến cáo nó, nói cho nó biết để lôi kéo nó ra khỏi con đường gian ác và để nó được sống, thì kẻ gian ác đó sẽ phải chết trong tội lỗi của nó, lúc đó Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu cho nó. Nếu ngươi khuyến cáo kẻ gian ác mà nó không từ bỏ tội lỗi và đường gian ác của nó, thì nó sẽ phải chết trong tội lỗi của nó; còn ngươi, ngươi cứu thoát được mạng sống ngươi.
Nhưng nếu người công chính từ bỏ sự công chính và làm điều gian ác, Ta sẽ đặt chướng ngại vật trước mặt nó, nó sẽ phải chết, vì ngươi đã không khuyến cáo nó; nó sẽ phải chết trong tội lỗi của nó, và người ta không còn nhớ đến những việc công chính nó đã thực hiện trước kia; nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu cho nó. Còn nếu ngươi khuyến cáo người công chính đừng phạm tội và nó đã không phạm tội, nên nó được sống, vì ngươi đã khuyến cáo nó và ngươi cứu thoát được mạng sống ngươi” (Ed 3, 16-21)
Chúa cho trí tuệ để suy xét phải trái, chính tà, cho miệng lưỡi để phát ngôn lời công chính, sai ta làm ngôn sứ để nói lên Lời Ngài, gọi ta làm chứng nhân tình yêu mà ta im lặng trước Sự Dữ tung hoành là ngủ quên trong nhiệm vụ nếu không muốn nói là đồng loã.
Cho nên “con nhớ rằng khi ấy Chúa gọi con.” (http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=117&ia=20852).
Lập lại lời tiên tri Êdêkiel là vì chúng tôi trằn trọc với nỗi đau của Giáo Hội.
2- Giáo Hội trong cơn bão táp.
Cuộc khủng hoảng của đại dịch hiên nay đã giết chết hàng triệu người và lây nhiễm cho mấy trăm triệu người khác. Trong khi đó, kẻ gây ra đại dịch lại ngày càng tàn bạo đối với Hội Thánh Chúa. Lãnh đạo Trung Quốc tự cho là người đã cứu nhân dân của mình, chứ không phải Chúa Giêsu và các thánh. Các ảnh tượng Chúa Giêsu và các thánh bên trong các nhà thờ phải được thay thế bằng chân dung của chính Chủ Tịch Nước. Các Kitô hữu phải từ bỏ Mười Điều răn mà GiáoHội xưa nay dạy buộc phải tin, và phải tuân hành các chỉ thị do Chủ tịch Nhà nước ban hành. Những người cao niên bị buộc phải từ bỏ đức tin, nếu muốn được trả lương hưu. Thánh kinh được viết lại, diễn giải theo chủ trương « Hán hoá (sinization)» v.v…Mới gần đây, Giám Đốc Phòng Báo Chí Toà Thánh, ông Matteo Bruni, xác nhận tin từ Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết Trung Quốc đã đồng ý cho cha Antôn Lý Huy (Li Hui) được tấn phong giám mục. Ðức cha Lý là giám mục thứ 5 được bổ nhiệm và truyền chức trong khuôn khổ Hiệp định tạm thời về việc bổ nhiệm các giám mục tại Trung Quốc”. Chủ sự lễ truyền chức hôm thứ tư 28-7-2021 do Ðức cha Mã Anh Lâm (Ma Yinglin), Giám mục giáo phận Côn Minh (Kunming), tỉnh Vân Nam (Yunnan), Chủ tịch Hội đồng Giám mục Trung Quốc và Phó Chủ tịch Hội Công giáo Yêu Nước Trung Quốc. Hai cơ quan này thuộc Giáo hội Công giáo tự trị do đảng cộng sản Trung Quốc thành lập. Tòa Thánh không công nhận Hội đồng Giám mục vừa nói, vì không qui tụ tất cả các giám mục tại Trung Quốc, nhưng chỉ bao gồm các giám mục chính thức và loại bỏ các giám mục hầm trú. Hãng Asia News đưa tin thêm: Cùng ngày 28 tháng 7 năm 2021, cha Giuse Lưu thuộc giáo phận Mân Ðông (Mindong), tỉnh Phúc Kiến (Fujian) đã bị công an bắt giữ, vì từ chối gia nhập Giáo hội tự trị. Cha bị bạo hành hung bạo: “Sau 10 giờ tra tấn, 6 công an nhà nước đã cầm tay cha và bắt buộc cha phải ký đơn gia nhập Hội Yêu Nước. Cả năm nay, các cuộc bách hại chống các giáo sĩ Công giáo vẫn không ngưng”.
Vụ bắt giam cha Lưu chứng tỏ Hiệp định giữa Tòa Thánh và Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục không thay đổi chủ trương của đảng cộng sản nước này, trong việc kiểm soát ngặt nghèo các hoạt động của các chức sắc tôn giáo.
Ðó cũng là trường hợp Ðức cha Trương Duy Trụ (Zhang Weizhu) 63 tuổi, Giám mục Tân Hương (Xinxiang), tỉnh Hà Bắc, bị bắt hồi tháng Năm năm 2021 cùng với 10 linh mục và 10 chủng sinh. Người ta không biết số phận của Ðức cha hiện nay ra sao. (a). Đây là cái giá mà các nhà thờ của Giáo Hội phải trả để tiếp tục mở cửa, nếu không nó sẽ bị đóng cửa mãi mãi. Những nước trong vòng lệ thuộc cũng cách này hay cách khác coi Giáo Hội là cai gai phải nhổ bỏ. Đập phá thánh đường, ảnh tượng, đốt thánh kinh. Bất chấp những tiếng xì xầm này, người ta vẫn chưa thấy sự thật, hay có thấy nhưng vì thiên kiến hoặc chinh trị, người ta cứ phủ nhận như không thấy, không nghe.
3- Chúng ta cầu nguyện cho qua cơn bão táp
* Ròng rã ngót hai năm nay, thánh đường đóng cửa, tiếng kêu van cầu khẩn xin Thiên Chúa đừng ngoảnh mặt bưng tai. Tại Việt nam, nơi từng được Mẹ Maria hiện ra nhắn nhủ nhiều lần nhiều chốn, được Mẹ ưu ái đoái thương, cứu chữa hộ phù, nơi vừa mới hãnh diện với thành tích chống trả đại dịch, thì nay chợt như dông bão tới tấp, hoạn nạn bỗng đổ ụp xuống khiến con dân của Mẹ hoảng loạn tứ tán. Cầu nguyện và cầu nguyện. Cầu xin những gì? Chắc chắn là xin Mẹ can ngăn cơn thịnh nộ của Con Mẹ, cho tai qua nạn khỏi. Nhưng có lẽ con dân của Mẹ đã quên những giọt lệ Mẹ nhiều lần trào tuôn ngay trên lãnh thổ của con dân Mẹ. Những giọt lệ ấy không phải chỉ là nhắn nhủ siêng năng lần hạt Mân Côi, và sùng kính Thánh Tâm, Thánh Thể Chúa, nhưng tiên vàn là « hãy ăn năn đền tội ». Sám Hối như dân Do Thái xưa kia nức nở bên dòng sông Babilon. Sám hối như dân thành Ninivê từ vua quan tới thần dân sám hối, đền tội ăn năn: «Họ tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ », ngay nhà vua cũng « rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro» (Sách Giôna. 3, 5-6). Sám hối vì chính Chúa Giêsu đã kêu gọi khi Ngài rao giảng Phúc Âm tại miền Galilê: «Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến. Anh em hãy sám hối và tin vào Phúc Âm» (Mc. 1 :15).
* Khi bắt đầu xảy ra nạn đại dịch, ngay sau buổi chầu Thánh thể để nhận lãnh ơn Toàn xá Urbi et Orbi, trang Vatican News tiếng Ý đưa tin với tiêu đề: “Il Crocifisso bagnato dalle lacrime del Cielo, il Papa solo nella piazza vuota 27 marzo 2020 hd”, “Từ trời cao, Thánh giá đẫm trào nước mắt, Đức Giáo Hoàng một mình nơi quảng trường trống vắng ngày 27 tháng 3 năm 2020”.
Tờ báo viết: Trong cơn mưa như trút nước, dâng những nỗi đau của thế giới dưới chân thập giá, Đức Giáo Hoàng thưa với Chúa: “Lạy Thầy! Thầy không màng nghĩ chúng con bị bỏ mất sao? Cuộc khủng hoảng đau đớn mà chúng con đang phải đối mặt với đại dịch đã vạch rõ sự mỏng giòn của chúng con và phát giác ra rằng những điều chúng con trước đây tính xây dựng các chương trình, dự án, thói quen và ưu tiên mà chúng con vững vàng tin chắc, đã là sai lầm và không cần thiết. Bây giờ chúng con đang lênh đênh trên biển động sóng gió, chúng con khẩn khoản nài van: “Lạy Chúa! Xin Chúa hãy thức dậy đi! » (http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=117&ia=20585) (b)
* Ma vương lộng hành, xói mòn đức tin, kiêu căng tự mãn, mầm mống sự dữ không hẳn chỉ do những thế lực đen tối nhãn tiền mà ít nhiều cũng ở nơi mỗi con người chúng ta, con người giòn mỏng yếu đuối :
Vì đâu thử thách rụng rời ?
Thưa rằng là « lỗi tại tôi mọi đàng ».
Cầu nguyện và sám hối cho chính bản thân và cho thế lực thần ác thôi giơ chân đạp mũi nhọn mà biết ngước lên Đấng Tối Cao toàn năng chí ái. Sám hối đòi hỏi tinh thần tự giác tích cực, là tĩnh lặng nhìn xuống đáy lòng để tẩy uế trong mọi ngõ ngách của tâm hồn đồng thời xin Chúa cho sáng mắt thính tai nhìn lên Ngài, để thấy Ngài, nghe lời Ngài mà biết khiêm hạ và tuân phục kính sợ Ngài.
* Một nhà văn hào Pháp, vào những năm cuối đời, diễn tả tâm tình sám hối qua bài thơ Tĩnh Tâm (Recueillement), nhân cách hoá nỗi đau của mình như người yêu, ông quan niệm cần có sự tĩnh tâm để suy niệm hầu làm chủ bản thân. Như giòng suối kia, trên mặt nước vẫn ào ào biến động, nhưng dưới đáy nước thẳm sâu thì tĩnh lặng trong veo. Đêm tối, chữ Đêm viết hoa, bóng tối của bất hạnh, của đau khổ, nhưng màn đêm không dừng đứng, vẫn tiến hành chu trình của mình, ĐÊM vẫn « làm việc – La nuit qui marche », làm vìệc cho đến cuối cùng, khi ấy là ánh hừng đông ló rạng. Hãy để tâm hồn hướng thượng, với tấm lòng khiêm hạ, mà nhìn xuống, soi rọi vào nơi sâu thẳm của lòng mình! Đừng đứng dưới đất lấm lem cát bụi phàm trần, nhưng hãy tách rời ra xa, (loin d’eux) hãy lên trên cao “Lên bao lơn vòm trời! Mặc chiếc áo lỗi thời (sur le balcon du ciel, en robes surannées) “mới thấy được và nghe được những gì màn đêm đang nhắc nhở. Trong khổ đau bất hạnh, trước ngưỡng cửa của tử thần, vẫn có thể tìm thấy ánh sáng của phục sinh. Và quả vậy, ĐÊM sao thấy êm ái dịu dàng! Sự dịu dàng như thấy được từ đáy nước tĩnh lặng nụ cười ủi an, xoa dịu:
“Thấy từ đáy nước ngừng trôi,
Mỉm cười đang nói những lời ăn năn (Surgir du fond des eaux le Regret souriant)”. (http://www.conggiaovietnam.net/upload/article/f__1589167332.pdf)
4- Lời nguyện:
Lạy Chúa
* Trong niềm thành tâm Sám Hối, xin Chúa hãy đến giải thoát chúng con khỏi mọi cám dỗ
đã bấy lâu nhận chìm chúng con trong bóng đêm tội lỗi, bóng tối của Sự Chết.
* Trong nìềm Hy Vọng, xin Chúa tuôn tràn ánh sáng Phục sinh, ánh sáng của Tình Yêu và Sự sống
để hồn chúng con được canh tân thăng tiến hướng về Nước Trời.
* Trong niềm Tạ Ơn, xin vinh danh Chúa đầy lòng khoan nhân hằng che chở chúng con,
và cho chúng con bền đỗ trung thành với ân sủng của Ngài.
* * *
Muôn tâu lạy Chúa, Chúa ơi!
Xin Ngài hãy lắng nghe lời con đây!
Muôn tâu lạy Chúa, thưa Ngài!
Chúa mà chấp tội, đừng ai vững hòng!
Nhưng Ngài tha thứ rộng lòng,
Để đoàn con biết phục tòng, kính tôn.
Con mong hết cả tâm hồn,
Cậy trông lời Chúa cho con an bình.
(TV 130, 2-5)
Ben. Đỗ Quang Vinh
Chú thích:
- a)Gansu (RVA News 29-07-2021):https://vntaiwan.catholic.org.tw/21news/21news2188.htm& Asia News Bishop Li Hui ordained coadjutor bishop of Pingliang
- b)Papa Francesco è apparso piccolo, e ancora più curvo mentre saliva non senza fatica e in solitudine i gradini del sagrato, facendosi interprete dei dolori del mondo per offrirli ai piedi della Croce: “Maestro, non t’importa che siamo perduti?”. L’angosciante crisi che stiamo vivendo con la pandemia “smaschera la nostra vulnerabilità e lascia scoperte quelle false e superflue sicurezze con cui abbiamo costruito le nostre agende, i nostri progetti, le nostre abitudini e priorità” e “ora mentre stiamo in mare agitato, ti imploriamo: Svegliati Signore!”.