Giáo hội và Nước Thiên Chúa

        Nước  Thiên Chúa, còn gọi là Nước Trời, Nước Đức Chúa Trời hay Triều Đại Thiên Chúa…được dịch từ tiếng Hy Lạp ( Basileia tou Theou ), Do Thái ( Maltut ), La Tinh ( Regnum Dei ), Pháp ( Royaume de Dieu ).v.v…có thể  hiểu cách nôm na là: Nước của Thiên Chúa và cứ theo cách hiểu như vậy thì phải chăng Nước  Thiên Chúa cũng là…Nước của Đấng Tạo Hóa ?

          Ngoài cách hiểu đó ra thì người ta có thể hiểu cách nào khác một khi Thiên Chúa  vẫn cứ bị đồng hóa với  quan niệm Đấng Tạo Hóa của thần học ? Tuy nhiên cũng chính  do nơi  sự đồng hóa ấy mà  đã nảy sinh trong thần học những cuộc tranh cãi bất tận  về cái gọi là… Mô Hình Nước Thiên Chúa.

          Chủ yếu  người ta nói  có bốn mô hình  Nước Thiên Chúa:

          1/-  Mô hình Cánh Chung Khải Huyền ( Eschatological – Apocalyptic ): Vào thời kỳ Tông  Đồ và hậu Tông Đồ, các Ki Tô Hữu vẫn tin rằng sự trở lại của Đấng Messia  sẽ đặt dấu chấm hết  cho lịch sử đang chịu khổ  đau, bách hại và khi ấy ngài sẽ thiết lập Trời Mới Đất Mới.

          2/-  Mô hình Tâm Linh Huyền Bí ( Mystical Spiritua ): Vương quốc Thiên Chúa được đồng hóa với bản thân Đức Ki Tô, nhấn mạnh đến khía cạnh thiêng liêng và nội tâm của mỗi cá nhân chứ không liên quan gì đến chiều kích lịch sử.

          3/-  Mô hình Chính Trị ( Political ): Quan niệm Vương Quốc Thiên Chúa đã nhen nhóm từ thể chế quân chủ thần quyền thời hoàng đế Constantino với hy vọng đặt  Ki Tô giáo làm quốc giáo La mã theo chiếu chỉ năm 313.

          4/-  Mô hình Giáo Hội ( Ecclesiustical ): Giáo hội là Nước Thiên Chúa ở trong lịch sử đã khởi đầu từ Gierusalem thủ đô của Palestine và sẽ kết thúc trong thành thánh Gierusalem Thiên Quốc.

          Cũng chính  vì những…mô hình Nước  Thiên Chúa trên đây mà người ta đã đánh giá  rất ư sai lạc về Đức Ki Tô chẳng hạn Johannes Weiss ( 1863 – 1914 ) cho rằng: “ Nước Thiên Chúa là đề tài chính yếu trong toàn bộ lời rao giảng của Chúa Giê Su. Sứ điệp của Ngài mang tính Khải Huyền của người Do Thái hậu lưu đày nghĩa là Nước TC sẽ đến kèm theo sự can thiệp lạ lùng  của Thiên Chúa. Thảm họa lớn lao trong vũ trụ sẽ xảy ra và sẽ tiêu diệt Nước Sa Tan. Giống như dân Itsraen, Đức Giê Su cũng mong chờ Nước TC mau đến. Ngài ý thức mình là Đấng Messia và một ngày nào đó, ít là vào lúc cuối đời Ngài sẽ trở thành Con Người sở hữu một Vương Quốc trường tồn vĩnh viễn. Nhưng tiếc rằng điều này đã không bao giờ xảy ra. Ngài đã chết trong vô vọng và chỉ được coi như một tiên tri, một Messia tương lai mà thôi ( Messia futures ). Dẫu biết rằng Đức Giê Su đã  thất bại, các Tông Đồ và cộng đoàn Ki Tô Hữu tiên khởi đã nối tiếp sự nghiệp của thầy mình. Họ xem xét lại sứ điệp của thầy mình, áp dụng cuộc canh tân luân lý và hăng say loan báo rằng Nước Thiên Chúa đã hiện diện rồi” ( Nguồn TTHV Đa Minh – 17/7/2019 – Nt Maria Đinh Thị Sáng O.P – Vương Quốc TC và GH trong cuộc tranh luận thần học Tk  XX ).

          Dù biết Đức Giê Su đã …thất bại nhưng vẫn xem xét lại sứ điệp để rồi áp dụng cuộc canh tân luân lý và hăng say loan báo nước TC đã hiện diện rồi !!!. Lập luận này hoàn toàn chống trái với Kinh Thánh, cụ thể là Tin Mừng của Đức Ki Tô về Nước Thiên Chúa. Thế nhưng  sự thực lại tỏ ra không có chi khác với quan điểm của thần học hiện nay có liên quan đến Giáo Hội và Nước Thiên Chúa:

          “ Sau các cuộc tranh luận, ta lại thấy Công Đồng   đề  cập đến hai mối tương quan: Nước Thiên  Chúa và Giáo Hội. Nước Thiên Chúa và thế giới trong hai văn kiện quan trọng. Thật vậy, hiến chế Lumen Gentium nhìn nhận Giáo Hội hoặc Nước Chúa Ki Tô đã hiện diện cách mầu nhiệm ( LG 3 ). Giáo Hội là mầm mống  và khai nguyên của nước ấy trên trần gian ( LG 5 ). Cứu cánh của Giáo Hội là Nước TC và phải được hoàn tất trong ngày tận thế ( LG 9 ). Hiến chế Gaudium et Spes cũng tìm cách giải quyết mối liên hệ giữa niềm hy vọng Trời Mới Đất Mới với việc xây dựng thế giới hiện tại ( GS 39 ) ( Nguồn TTHV Đa Minh – 17/7/2019  đã dẫn ).

          Dù dưới bất cứ hình thức diễn giải nào thì đây vẫn là chủ trương xây dựng Nước Trời ở nơi trần gian…Điều này hoàn toàn trái với khẳng định của Đức Ki Tô khi Ngài nói với tổng trấn Phi La Tô: “ Nước Ta không thuộc thế gian này. Ví bằng Nước  Ta thuộc thế gian này thì thần bộc Ta chắc là sẽ chiến  đấu  để Ta khỏi  bị nộp cho người Do Thái. Nhưng  nay  Nước Ta  chẳng thuộc về đời này. Philato nghe vậy bèn hỏi lại rằng: Thế thì ngươi là vua sao ? Chúa Giê Su đáp: Đúng như ngươi nói, Ta là vua và cốt vì cớ ấy mà Ta đến thế gian để làm chứng cho Sự Thật” ( Ga 18, 36 -37 ).

          Chúa Giê Su  xác nhận  mình là vua, có nghĩa Ngài là Con Thiên Chúa Hằng Sống và cũng chính sự xác nhận này trước đó với thượng phẩm Cai Pha đã  khiến Ngài  bị người Do Thái kết án chết. “ Thầy tế lễ thượng phẩm lại nói với Ngài  rằng: Ta chỉ ĐCT Hằng Sống buộc ngươi thề mà nói cho chúng ta, ngươi có phải là Đấng Ki Tô Con ĐCT chăng ? Chúa Giê Su đáp: Phải, đúng như ngươi nói. Nhưng Ta lại nói cùng các ngươi, rồi đây các ngươi sẽ thấy Con Người ngồi bên hữu ĐCT quyền năng ngự trên mây trời mà đến” ( Mt 26, 63 -64 ).

          Chúa xác nhận mình là Con Thiên Chúa   đồng thời cũng nói Ngài  đến  để làm chứng cho  Sự Thật và Sự Thật đó chính là hết thảy đều là Con Thiên Chúa  như Ngài không khác  mảy may: “ Người Do Thái lại lấy đá để ném Ngài. Chúa Giê Su phán: Ta do Cha ta mà tỏ nhiều việc lành cho các ngươi. Vậy vì việc nào trong đó mà các ngươi lại ném  đá Ta ? Người Do Thái đáp: Ấy chẳng phải vì việc lành nào mà chúng ta ném đá ngươi nhưng vì  lộng ngôn, ngươi vốn là người mà lại tự tôn là ĐCT. Chúa Giê Su đáp: Trong luật pháp các ngươi há chẳng có chép rằng: Ta  đã  nói các ngươi là thần ( Con Thiên Chúa ) hay sao ? Nếu Chúa gọi  những kẻ  được nghe Đạo ĐCT  là thần ( Mà KT không thể bãi bỏ được ) thì Ta đây là Đấng Cha  đã biệt ra Thánh và sai xuống thế gian nói rằng Ta là Con ĐCT. Cớ sao các ngươi lại nói Ta là lộng ngôn ?” ( Ga 10, 31 -36 ).

          Chúa chẳng những nhận mình là Con Thiên Chúa mà còn trưng dẫn KT để nói rằng tất cả những ai  được nghe Đạo ĐCT cũng đều là Con Thiên Chúa như Ngài. Đối với Chúa Giê Su  đã được người Do Thái xưng tụng là  Đấng giảng dạy có uy quyền, lại còn làm nhiều phép lạ cả thể  mà còn bị ném đá và giết chết vì cho Ngài là lộng ngôn, phạm thượng. Ấy vậy,  giờ đây Chúa lại nói hết thảy  cũng đều là Con Thiên Chúa như Ngài thì làm sao người ta có thể chấp nhận ?

          Con người với bản chất mê muội, ám chướng thật khó để  nhận ra Sự Thật  rằng  mình đã được Thiên Chúa tác tạo là Hình Ảnh  là Con của Ngài ! Tuy nhiên cũng  chính vì không nhận biết Sự Thật ấy mà con người  đã phải lăn lóc mãi trong phiền não, khổ đau. Điều này có thể ví như kẻ ăn mày kia, ngày ngày  cứ phải lê lết đi xin ăn mà không biết rằng ngay trong túp lều rách nát của mình có chôn giấu cả một kho tàng.

          Đức Ki Tô từ trời xuống thế rao giảng Tin Mừng tức là Ngài đến để …chỉ  ( Mạc khải ) cho con người  nhận biết Nước Trời vốn sẵn đủ ở nơi mình. Chính cái việc…chỉ  cho ấy nên  mới  gọi là Tin Mừng  có nghĩa  đó là  cái Tin mà những ai…nghe được  thì sẽ phát khởi  lòng Vui lòng Mừng.

          Nghe được Tin Mừng của Chúa đó là  phước hạnh lớn lao: “ Phước cho mắt các ngươi vì thấy được. Cho tai các ngươi vì nghe  được. Quả thật Ta nói cùng các ngươi, có nhiều  tiên tri và người công chính đã ước ao thấy điều các ngươi thấy mà chẳng được. Ước ao nghe điều các ngươi nghe mà chẳng  được” ( Mt 13, 16 -17 ).

          Nghe được Tin Mừng của Chúa là một phước hạnh. Tuy nhiên  trong cái việc…nghe ấy cần có hai điều kiện. Một là lòng tin và hai là sự ăn năn sám hối tội lỗi mình: “ Thời đã mãn, Nước Thiên Chúa đã gần, các ngươi hãy có lòng ăn năn, sám hối và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 15 ).

          Chúa nói Nước Thiên Chúa đã  gần có nghĩa Nước ấy đã  được  rao giảng ra nhưng để có thể…vào ( Ngộ Nhập )  thì nhất định cần phải có lòng tin  và sự ăn năn sám hối. Tại sao cần phải tin vào Tin Mừng ? Bởi vì  Tin  Mừng  mà Đức  Ki Tô rao giảng là Nước Trời  mầu nhiệm nội tại: “ Người Pharisieu hỏi Chúa Giê Su về Nước ĐCT chừng nào đến thì Ngài đáp: Nước ĐCT không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng sẽ không nói được: Đây này hay đó kia. Vì này Nước ĐCT ở trong các ngươi” ( Lc 17, 20 -21 ).

          Bởi Nước Trời là…Nước nội tại như thế nên rất khó để tin.  Dẫu vậy chỉ…tin thôi chưa đủ mà cần phải sám hối tội lỗi mình. Giữa lòng tin và sự ăn năn sám hối chừa cải tội lỗi có một mối quan hệ mật thiết  với  nhau. Càng có sự sám hối  thực lòng bao nhiêu thì lòng tin càng mạnh mẽ bấy nhiêu. Ngược lại không nhận biết tội mình thì lòng tin không thể có.

          Tin vào Tin Mừng của Đức Ki Tô  cùng với sự ăn năn sám hối là hai điều kiện không thể thiếu để  cho ta nhận biết và sống với Nước  Trời ở nơi mình.  Thế nhưng làm sao để cho ta có thể thực hiện hai điều ấy nếu không …ở trong  Giáo Hội Công Giáo Tông Truyền do  đức Ki Tô thiết lập ?. “ Chúa nói với Phê Rô: Si Mon con Giô Na ơi ! Ngươi thật có phước vì chẳng phải thịt và huyết bày tỏ điều ấy cho ngươi đâu bèn là Cha Ta ở trên trời vậy. Còn Ta lại bảo ngươi rằng, ngươi là Phê Rô, Ta sẽ lập Hội Thánh Ta trên vầng đá này. Cửa Hỏa Ngục cũng  chẳng  thể  thắng được nó. Ta sẽ giao chìa khóa Nước Trời cho ngươi. Điều gì ngươi cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc. Điều gì ngươi cởi mở dưới đất thì trên trời cũng cởi mở” ( Mt 16, 17 -19 ).

          Ở đây trong việc thiết lập Giáo Hội đã cho  thấy hai  điều quan trọng. Một là Chúa chỉ trao quyền bính cho một cá nhân duy nhất là Thánh Phê Rô, vị giáo hoàng tiên khởi. Hai là quyền bính  có thể cầm buộc hay cởi mở   là để ám chỉ cho Bí Tích Giải Tội sau này.

          Việc Chúa trao quyền bính tối thượng  cho  một mình  giáo hoàng, hẳn nhiên phải có mục đích và mục đích ấy chính là để giữ gìn và củng cố  lòng tin nơi Tin Mừng của Đức Ki Tô về Nước Trời mầu nhiệm. Lý do cần  gìn giữ và củng cố lòng tin  nơi  Tin Mừng  bởi ngay từ thuở sơ khai, Giáo Hội đã phải đối phó với một thứ Tin Mừng sai lạc mà Thánh Phao Lô đã phải đưa ra lời  cảnh cáo: “ Tôi lấy làm lạ cho anh em sao lại lìa khỏi Đấng đã kêu gọi anh em bởi ân sủng của  Đức Ki Tô mà theo Tin Mừng khác. Nhưng không có Tin Mừng nào khác đâu, chẳng qua là có mấy kẻ lừa đảo anh em muốn canh cải Tin Mừng của Đức Ki Tô đó thôi. Nhưng dẫu chúng tôi  hoặc thiên sứ từ trời xuống  giảng cho anh em một Tin mừng  nào khác với Tin Mừng mà chúng tôi đã rao giảng cho anh em thì người ấy đáng bị nguyền rủa” ( Gal 1, 6 -8 ).

          Với lời cảnh cáo của Thánh Phao lô cho thấy, để có được lòng tin nơi Tin Mừng của  Đức Ki Tô là điều rất khó nhất là trong những “  Ngày Sau Rốt” này. Thật vậy có thể nói tất cả những cái gọi là “ Mô Hình Nước Thiên Chúa” nêu trên đều  là sản phẩm của một thứ Tin Mừng…giả hiệu chẳng những  khiến cho cơn khủng hoảng trong Giáo Hội ngày càng trầm trọng mà còn làm…bít lối con đường về với Đấng Thiên Chúa là Cha  mỗi người.

          Sống đạo là sống cuộc trở về và cuộc trở về ấy chỉ có thể  là quay trở về để nhận biết Nước Trời ở nơi mình; “ Luật pháp và tiên tri đến Gioan ( Bap…) là hết. Rồi từ đó Tin Mừng của Nước Thiên Chúa được rao giảng ra và ai nấy đều phải nỗ lực mà vào” ( Lc 16, 16 ).

          Vào có nghĩa là xoay cái  Tâm trở ngược vào bên trong và để thực hiện cái việc…xoay vào ấy  chúng ta nhất thiết  phải  bỏ đi  Tâm phân biệt Ta – Người   bởi  chưng  đây chính là Tội  Nguyên Tổ.

          Nguyên Tổ vì không vâng lời Thiên Chúa , cố tình nghe theo cám dỗ của Sa Tan…ăn trái cây phân biệt ( St 2, 16 ) nên đã phải lê thân trong chốn gian trần khổ lụy. Bao lâu còn giữ Tâm Phân Biệt thì còn  gây phiền não khổ đau cho mình và cho người. Bởi đó cho nên Đức Ki Tô truyền dạy phải bỏ cái Tâm Phân Biệt ấy đi bằng cách: “ Hãy yêu thương kẻ thù nghịch cùng mình và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ  các ngươi ( Mt 5, 43 -45 ).  Bố thí thì đừng cho tay tả biết việc tay hữu làm…Cầu nguyện thì hãy vào phòng đóng kín cửa  ( giác quan ) lại mà cầu nguyện Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho….( Mt 6, 2 -6 ).

          Cuộc sống đạo hôm nay  phải chăng chỉ còn là một thứ …đạo tiện nghi, hình thức.  Lý do bởi vì  người tuy mang danh có đạo nhưng lại không có ước muốn trở về với  Cha, Đấng hằng chờ mong những đứa con lưu lạc trở về. Nguyên nhân sâu xa khiến con người không có ước vọng trở về là vì chưa nhận biết…khổ. Giống như đứa con hoang đàng, nó sẽ không có thực tâm quay về nếu không ở trong hoàn cảnh quá ư khốn khổ, mong có cám heo để ăn mà không được. Con người khổ mà không nhận biết mình khổ  thì sẽ không bao giờ thoát khổ !!!

          Người con hoang đàng đã nhận biết khổ để quay về với người cha nhân hậu luôn đón đợi mình với tất cả lòng nhân hậu, xót thương “ Vì con ta đây đã chết mà lại sống,  đã mất mà nay  tìm lại được. Đoạn họ khởi sự ăn mừng” ( Lc 15, 24 ).

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts