Tình trạng hiện nay cho thấy giữa Giáo Lý và Đức Tin chẳng những chẳng có mối quan hệ nào mà còn chống trái nhau. Có linh mục kể câu chuyện khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ: “ Cách đây ít tháng, tôi ghé thăm một linh mục bạn. Anh ta đang gặp chuyện buồn: một học sinh giáo lý lớp Thêm Sức mới 14 tuổi vừa đâm chết một học sinh cùng trường. Sau khi kể cho tôi chuyện buồn ấy, anh lắc đầu nói: Người ta có giáo lý mà không có đức tin. Có Bí Tích mà không gặp gỡ Chúa. Dâng Lễ mà không dâng mình. Có đạo mà không có Chúa” ( Nguồn Giaolyductin. Net – Lm Đa Minh Nguyễn Đức Thông – Đức Tin và Bí Tích ).
Một em đang học lớp Giáo Lý Thêm Sức mới 14 tuổi chẳng biết vì lý do gì đã đang tâm giết người bạn cùng trường khiến chúng ta không thể không đặt ra câu hỏi: Vậy thì việc dạy và học giáo lý hiện nay không ảnh hưởng chi tới đời sống đạo của người Công Giáo nói chung và các em thiếu nhi hay sao ?
Cố nhiên chúng ta không thể căn cứ vào trường hợp cá biệt trên đây để đánh giá toàn bộ việc dạy Giáo Lý nhưng quả thật là nó…có vấn đề: “ Rất cụ thể và rất thường, giáo lý khai tâm lại xa khai tâm và kết thúc ngược đời. Sự kiện này tỏ cho thấy là tiến trình khai tâm Ki Tô Giáo là một thất bại. Rõ ràng Bí Tích Thêm Sức mà một số người gọi là “ Bí Tích Giã Từ” ( Sacre’ment de l’Adieu ) hoặc là Bí Tích Cuối Cùng ( Dernier des Sacrements ) biểu lộ nơi nhiều người là sự kết thúc thực hành tôn giáo và cả đối với một số người là sự kết thúc của chính đức tin Ki Tô Giáo. Sự ngược đời và thất bại này phát xuất từ tiến trình khai tâm Ki Tô Giáo mà trong thực tế đã trở thành tiến trình “ kết thúc” đời sống Ki Tô giáo” ( Nguồn giaolyductin. Org ngày 12/9/2013 – Những thách đố mới của Giáo Lý hôm nay ).
Thêm sức, chẳng thấy…thêm một tý sức nào, trái lại còn đi đến chỗ …bỏ đạo. Tại sao khai tâm mà Tâm chẳng…mở lại còn khép kín ?
Thật ra chẳng phải chỉ có các thiếu nhi mới cần khai tâm mà hết thảy…người lớn cũng cần khai tâm và đây mới chính là mục đích thực sự của Giáo Lý. Tuy nhiên để có thể hiểu mục đích của Giáo Lý thì trước hết cần có một định nghĩa cho nó. Giáo có nghĩa là giáo hóa, là sửa đổi là TU. Nghe nói đến TU, phần đông người Công Giáo chúng ta hay nghĩ: Chỉ có các thầy, các cha mới…TU còn giáo dân thì không. Phải chăng chính vì quan niệm không đúng đó nên giáo dân chỉ…giữ đạo chứ không sống đạo ?
Giáo nghĩa là giáo hóa, còn Lý tức nghĩa lý của việc giáo hóa. Tại sao lại phải như vậy ? Bởi nghĩa của Giáo Lý là giáo hóa là sửa đổi thế nên nó cần gắn liền với việc thực hành. Không thực hành thì Giáo Lý chỉ là một mớ lý thuyết xuông chẳng đem lại ích lợi gì cho ai. Mặt khác để đi vào thực hành tức tu sửa mình thì cần có đức tin. Đức Tin và Giáo Lý là hai phương diện của một vấn đề. Người có đức tin mà không thông hiểu giáo lý thì dễ tăng trưởng vô minh, mờ ám. Ngược lại người có giáo lý mà không có đức tin thì dễ tăng trưởng tà kiến, Vì vậy đức tin và giáo lý cùng đủ thì việc sống đạo mới có cơ thành tựu.
Đạo Công Giáo đặt nền tảng trên đức tin: “ Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng ngươi và ở trong lòng ngươi tức là Đạo Đức Tin mà chúng tôi rao giảng đây” ( Rm 10, 8 ). Là Đạo Đức Tin nhưng đức tin đây là tin Đấng Thiên Chúa nội tại trong mỗi người chứ không phải đấng nào khác. Chính là với Đấng Thiên Chúa nội tại ấy mà Giáo Lý đóng vai trò rất ư quan trọng trong việc giáo hóa con người.
Đang khi đó Giáo Lý hiện nay chẳng những không giúp ích gì cho việc sống đạo mà còn làm cho người ta…xa đạo. Có Bí Tích mà không gặp được Chúa bởi…gặp sao được một khi Thiên Chúa chỉ là thứ khái niệm chết khô của thần học ! Dâng Lễ mà không dâng mình bởi vì còn khư khư giữ lấy cái gọi là…mình ( ngã chấp ). Có đạo mà không có Chúa bởi vì con đường của Đức Ki Tô đã bị Tục Hóa !!!
Có người ở đâu đó nói rằng Giáo Lý và Thần Học có cùng một nội dung và nội dung ấy chính là quan niệm Đấng Thiên Chúa…tự mạc khải. Cũng với Đấng Thiên Chúa…tự mạc khải ấy, Giáo Lý Khai Tâm đã đặt ra cho các em câu hỏi và trả lời thế này: Vì sao Thiên Chúa sáng tạo trời đất muôn vật ? Thưa: Thiên Chúa sáng tạo trời đất muôn vật để biểu tỏ và thông ban vinh quang của Người. Hỏi: Thiên Chúa tạo dựng con người làm sao ? Thưa: Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Chúa, có khả năng nhận biết và yêu mến Người” ( Tòa GMXL – Hồng Ân Huấn Giáo – Gl Thêm Sức ).
Đặt các câu hỏi cho các em: Tại sao Thiên Chúa sáng tạo và sáng tạo như thế để làm gì phỏng có ích lợi chi cho việc giáo hóa hay không ? Chắc chắn là không, bởi đó chỉ là quan niệm của thần học về Thiên Chúa chứ không phải Thiên Chúa của Thực Tại Ngài Là.
Theo thần học thì Thiên Chúa…tự mạc khải có nghĩa là Đức Ki Tô đã trở thành Đấng Tạo Hóa nhập thể làm người, vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật. Tuy nhiên cũng theo thần học thì quan niệm này là phi lý không sao chấp nhận được: “ Một chủ vị vừa là Tạo Hóa vừa là tạo vật. Vừa là Đấng dựng nên vừa là người được dựng nên là điều không thể hiểu nổi đối với lý trí loài người. Chính vì thế giáo phụ Tertulien đã thốt ra những lời táo bạo: Tôi tin vì không thể tin được” ( Đgm Phao lô Bùi Văn Đọc – Suy tư về mầu nhiệm Nhập Thể theo lược đồ thần học của Chalcedoine ).
Mầu nhiệm là điều gì đó vượt khỏi trí hiểu của con người nhưng không vì thế mà có thể nói: Tôi tin vì không thể tin. Tin cái điều không thể tin đó chỉ có thể là sự mù quáng. Mặt khác với quan niệm Thiên Chúa…tự mạc khải cho thấy thần học đã đương nhiên phủ nhận mạc khải của Đức Ki Tô về Đấng Cha: “ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và người nào Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 20, 22 ).
Chỉ nơi mạc khải của Đức Ki Tô chúng ta mới có thể nhận biết Thiên Chúa đích thực là Đấng Cha của mình và đây mới chính là công cuộc mà Giáo Lý phải đảm trách. Tại sao ? Bởi vì toàn bộ việc sống đạo chỉ có một mục đích đó là qua Đức Ki Tô để nhận biết Đấng Cha: “ Còn sự sống đời đời là nhận biết Cha tức Chân Thần duy nhất cùng Giê Su Ki Tô mà Cha đã sai đến” ( Ga 17, 3 ).
Nhận biết Cha thì Đấng Cha đây ám chỉ cho một Thực tại vượt ngoài cảm nhận của giác quan cũng như lý trí suy luận. Đấng Cha ấy, Đức Ki Tô còn gọi là Nước Thiên Chúa cần hết lòng tìm kiếm: “ Trước hết hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người” ( Mt 6, 33 ).
Sống đạo là sống cuộc tìm kiếm một Thực Tại siêu việt lý trí và như thế cuộc tìm ấy chỉ có thể là trong đức tin mà tìm: “ Vả, không có đức tin thì chẳng ai có thể đẹp lòng Ngài. Vì kẻ đến cùng Thiên Chúa thì phải tin rằng Ngài thực hữu và là Đấng ban thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài” ( Dt 11, 6 ).
Để gặp gỡ Thiên Chúa thì cần phải tin Ngài thực hữu và sự thực hữu ấy lại chẳng ở đâu xa ngoài bản tâm mỗi người. Việc…gặp gỡ đó cũng chính là sự khai tâm mà Giáo Lý phải đảm nhận. Nguyên do khiến Giáo Lý trước đây thất bại là vì đã chịu ảnh hưởng của thần học trong việc giải nghĩa Kinh Thánh theo nghĩa mặt chữ về Đấng Thiên Chúa…tự mạc khải. Đang khi đó toàn bộ Kinh Thánh kể cả Cựu Ước lẫn Tân Ước đều xiển dương một Đấng Thiên Chúa Ẩn Giấu ( Deus Abconsditus – Is 45, 15 ) cần được Đức Ki Tô mạc khải.
Kinh Thánh là Lời Chúa nhưng nếu giải theo nghĩa…mặt chữ ( nghĩa đen ) thì Lời Chúa chẳng những không được nhận biết mà còn bị xuyên tạc ! Trái lại rời bỏ Kinh Thánh dù chỉ một câu thì đó không còn là Lời Chúa mà là lời phàm. Cũng bởi lẽ ấy nhà Phật có câu: “ Y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan. Ly kinh nhứt tự tức đồng ma thuyết” là vậy.
Giáo Lý dĩ nhiên phải y cứ nơi Kinh Thánh để soạn lập nhưng cần dựa trên tinh thần của bản văn vì chưng Lời Chúa là Lời Hằng Sống có mục đích để giáo hóa con người, giúp cho việc chuyển mê khai ngộ: “ Song con cứ ở trong những điều con đã học, đã tin chắc vì con biết đã học những điều đó với ai và từ khi con còn thơ ấu đã biết Kinh Thánh vốn có thể khiến con nên khôn ngoan để được cứu rỗ bởi đức tin trong Chúa Giê Su Ki Tô. Cả Kinh Thánh đều được Thiên Chúa linh hứng có ích cho sự dạy dỗ, thuyết phục, sửa trị, luyện tập trong sự công chính hầu cho các con cái Chúa được trọn vẹn và sẵn sàng làm việc lành phúc đức” ( 2Tm 3, 14 -17 ).
Chung cuộc của Giáo Lý là để cho ta nhờ đức tin vào Chúa Giê Su Ki Tô hầu được Cứu Rỗi. Dẫu vậy, để có thể tin nơi Chúa Giê Su trong…thời cuối cùng này là điều không hề dễ chút nào. Lý do bởi đó phải là người…thắng thế gian: “ Hễ chi sanh bởi Thiên Chúa thì thắng thế gian và sự thắng thế gian ấy là nhờ đức tin của chúng ta: Ai là người thắng thế gian há chẳng phải là kẻ tin Chúa Giê Su là Con Thiên Chúa ư ? ( 1Ga 5, 4 -5 )./.
Phùng văn Hóa