Tuyên xưng Chúa Giê Su, Đấng Ki Tô đó là đức tin đã có ngay từ thuở sơ khai giáo hội dù rằng với việc tuyên xưng ấy các môn đệ Chúa có thể bị sỉ nhục hoặc giết chết: “ Vậy các tông đồ ra khỏi Công Hội đều lấy làm vui mừng vì mình được kể là xứng đáng chịu sỉ nhục vì Danh Giê Su. Mỗi ngày tại đền thờ hoặc ở nhà, họ không ngớt dạy và giảng Chúa Giê Su là Đấng Ki Tô” ( Cv 6, 41 -42 ).
Chúa Giê Su hứa sẽ thành lập giáo hội ngay sau lời tuyên xưng của Si Mon: “ Còn Ta lại bảo ngươi rằng ngươi là Phê Rô, Ta sẽ lập Hội Thánh Ta trên vầng đá này, Cửa Hỏa Ngục cũng chẳng thể thắng được nó” ( Mt 16, 18 ). Điều này cho thấy việc tuyên xưng mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó vừa là khởi nguồn vừa là bảo đảm cho sự tồn vong của Giáo Hội.
Việc tuyên xưng mang ý nghĩa trọng đại như thế nhưng hiện nay Giáo Hội…vô hình chung đã không còn nhìn nhận Chúa Giê Su Đấng Ki Tô và để thay thế vào đó là Chúa Ki Tô Vua Vũ Trụ ?: “ Bài Tin Mừng hôm nay ( Ga 18, 33 ) thánh Gioan Thánh Sử đã cho chúng ta nghe thấy cuộc đối thoại giữa Đức Chúa Giê Su với quan Philato về vương quốc và vương quyền để cho chúng ta biết rằng Đức Giê Su Ki Tô là vua trên các vua và vương quyền của Ngài vô cùng vô tận, vĩnh hằng vì Ngài là Thiên Chúa. Vương quốc của Đức Chúa Giê Su không giới hạn từ đông sang tây, trên trời hay dưới đất hoặc trong biển khơi nhưng vô tận bởi vì tất cả vạn vật đều do Ngài dựng nên, con dân của Ngài không những chỉ là những người đã tin và đã lãnh nhận bí tích rửa tội được trở nên “ Đồng hình đồng dạng” với Ngài mà thôi nhưng Ngài còn muốn tập hợp tất cả đoàn dân lại như gà mẹ tập hợp đoàn con dưới cánh nghĩa là trong ý định của Thiên Chúa, tất cả đều là con dân của Ngài” ( Nguồn Vietcatholic News 27/4/2019 ).
Nói rằng Chúa Giê Su là vua vũ trụ là vua trên các vua ( thế gian ) thì rõ ràng Ngài không còn là Đấng Ki Tô nhất thiết cần phải tuyên xưng nữa rồi ??? Mặt khác nếu nói vương quốc của Chúa Giê Su không giới hạn từ đông sang tây, trên trời hay dưới đất, biển khơi nhưng vô tận bởi vì tất cả đều do Ngài dựng nên thì thật là không hiểu gì về lời Chúa khi Ngài nói với Philato: “ Nước Ta không thuộc thế gian này. Nếu nước Ta thuộc về thế gian này thì thuộc hạ của Ta sẽ chiến đấu không để Ta bị nộp cho người Do Thái. Nhưng nước Ta không thuộc thế gian này” ( Ga 18, 36 ).
Một đàng Chúa Giê Su nói cách rõ ràng “ Nước Ta không thuộc thế gian này” Một đàng thần học lại nói vương quyền ( trên thế gian ) của Ngài vô cùng vô tận vĩnh hằng vì Ngài là Thiên Chúa Tạo Hóa !!!???. Với việc giải nghĩa đoạn Kinh Thánh vừa nêu, chứng tỏ thần học đã chẳng hiều gì về lời Chúa Giê Su khi trả lời câu hỏi của Philato: “ vậy ông là vua sao ? Đức Giê Su đáp: Chính ông nói rằng Ta là vua. Ta đã sinh ra và đã đến thế gian để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng Ta. Philato hỏi Người: Sự thật là gì ?” ( Ga 18, 37 -38 ).
Chúa Giê Su không trả lời bởi vì Ngài biết là có nói thì ông ta cũng chẳng thể hiểu. Chẳng những Philato ngày đó không hiểu mà ngay cho đến hôm nay với các thần học gia, triết gia đương đại cũng không thể hiểu. Lý do là vì vì để hiểu được Lời Chúa tức Sự Thật thì phải…giũ bỏ được cả hai cái chấp về Thân ( Phiền não chướng ) và về Tâm ( Sở Tri Chướng ).
Chúng ta chỉ có thể…giũ bỏ được hai chướng ngại về Thân và Tâm một khi đã trở nên môn đệ Chúa Ki Tô. “ Chúa Giê Su nói với những người Do Thái đã tin Ngài rằng: Nếu các ngươi cứ ở trong đạo của Ta thì thật là môn đệ Ta, các ngươi sẽ nhận biết sự thật và sự thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 -32 ).
Nên nhớ Chúa chỉ nói với những người Do Thái đã tin có nghĩa tuyên xưng Ngài là Đấng Ki Tô. Đây là điều kiện tiên quyết để được làm môn đệ Chúa và chỉ khi nào làm môn đệ Chúa thì mới có thể nhận biết Sự Thật có nghĩa nhận biết mình được tạo dựng là Hình Ảnh Thiên Chúa là Con Thiên Chúa ( St 1, 26 ).
Chúa đến thế gian để rao giảng Sự Thật nhưng cũng vì vậy, Ngài đã bị thế gian ghét bỏ và cuối cùng thì giết chết: “ Người Do Thái lại lấy đá để ném Người. Chúa Giê Su phán: Ta do Cha Ta mà tỏ nhiều việc lành cho các ngươi. Vậy vì việc lành nào trong đó mà các ngươi ném đá Ta ? Chúng đáp: Ấy chẳng phải vì một việc lành nào mà chúng ta ném đá ngươi đâu nhưng chỉ vì ngươi vốn là người mà lại tự tôn là Thiên Chúa” ( Ga 10, 21 -23 ).
Chúa Giê Su không bao giờ xưng mình là Thiên Chúa mà chỉ là Người Con đã được sai đến trong thế gian: “ Bởi Ta chẳng nói tự mình bèn là Cha sai Ta đã truyền lịnh cho Ta phải nói điều gì” ( Ga 12, 40 ). Chẳng những Chúa Giê Su luôn nhận mình là Con nhưng còn mạc khải cho tất cả chúng ta cũng đều là Con Thiên Chúa giống y như Ngài, Chúa Ki Tô Phục Sinh nói với Madalena khi bà đến viếng mộ: “ Ta lên cùng Cha Ta cũng là Cha các ngươi là Thiên Chúa Ta cũng là Thiên Chúa các ngươi” ( Ga 20, 17 ).
Đức Giê Su Ki Tô đến thế gian với sứ mạng rao giảng Sự Thật Con Thiên Chúa nhưng Ngài cũng biết người đời rất khó để tiếp nhận chân lý vô cùng cao cả ấy thế nên thay vào đó Ngài rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa với hai điều kiện cần có là lòng tin và sự ăn năn sám hối: “ Thời đã mãn, Nước Thiên Chúa đã gần, các ngươi hãy sám hối ăn năn và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 15 )
Giữa lòng tin vào Tin Mừng và việc sám hối, ăn năn chừa cải tội mình có một sự liên kết chặt chẽ. Có thực lòng sám hối mới có thể có được lòng tin vào Tin Mừng bởi vì Tin Mừng này là về Thực Tại Nước Trời mầu nhiệm nội tại ( Lc 17, 20 -21 ).
Ngày nay lòng tin vào Tin Mừng của Đức Ki Tô đã bị băng hoại mà nguyên nhân gây ra cho nó chính là ở nơi quan niệm Chúa Ki Tô Vua Vũ Trụ. Với quan niệm này thì đâu còn gì là sứ mạng rao giảng Tin Mừng mà chính Đức Ki Tô đã xác nhận ? Khi dân thành Caphanaum muốn giữ Chúa Giê Su ở lại để chữa lành bệnh tật cho họ thì Ngài nhất định ra đi và nói: “ Ta cần phải rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành thị khác vì cốt tại việc đó mà Ta được sai đến” ( Lc 4, 42 -43 ).
Với quan niệm Chúa Ki Tô Vua Vũ Trụ thì tất nhiên không còn Tin Mừng của Đức Ki Tô về Nước Trời Mầu Nhiệm và để thay vào đó là Cánh Chung Luận của Karl Mark, ông tổ của thuyết Duy Vật Vô Thần. Trong bài giảng lễ Ki Tô Vua Vũ Trụ, tại nhà thờ chánh tòa Sài Gòn, đức cha Nguyễn Văn Khảm đã hết lời ca ngợi Cánh Chung Luận của Mác thế này: “ Dĩ nhiên tôn giáo nào cũng hàm chứa bên trong một cánh chung luận, triết thuyết nào có khả năng cung cấp cho con người một cánh chung luận hấp dẫn cũng có nghĩa là cung cấp một niềm hy vọng có sức thuyết phục thì triết thuyết đó cuốn hút con người. Tôi lấy một cái thí dụ, ta đang sống rất là cụ thể trong một nước xã hội chủ nghĩa dựa trên cái nền tảng triết học của Marx. Thế thì có nhiều người có thể nói Mác Xit vốn là một hệ tư tưởng vô thần cho nên là không có Cánh Chung Luận. Không phải thế, trái lại nó có một Cánh Chung Luận rất là hấp dẫn, rất là cụ thể nó đã trình bày cái điểm tới của lịch sử nhân loại là một xã hội cộng sản hoàn hảo trong đó không còn cảnh người bóc lột người mà mỗi một người trong anh chị em và tôi chỉ cần làm việc theo khả năng còn nhu cầu có bao nhiêu thì cứ việc xài”
Chẳng những xác nhận mà còn hết lời ca ngợi Cánh Chung Luận của Kark Marx. Điều này chẳng phải là đức giám mục Khảm đã chối bỏ sự hiện đến của Đức Ki Tô trong Ngày Tận Thế ? “ Liền sau cơn tai nạn của những ngày ấy, mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống và những quyền lực của các tầng trời bị rúng động. Bấy giờ điềm Con Người sẽ hiện ra ở trên trời, mọi chi phái dưới đất sẽ đấm ngực than khóc và thấy Con Người lấy đại quyền đại vinh ngự trên mây trời mà đến. Ngài sẽ sai thiên sứ mình dùng tiếng kèn rất lớn mà nhóm họp các tuyển dân của Ngài khắp bốn phương từ cuối đầu trời này cho đến tận góc trời kia” ( Mt 24, 29 -31 ).
Về Ngày Tận Thế theo như ghi chép trong Kinh Thánh thật là khủng khiếp nhưng đó cũng là ngày đợi trông của mọi tín hữu tức các tuyển dân của Đức Ki Tô. Trái lại Cánh Chung Luận Karl Marx như lời giám mục Khảm lại hứa hẹn một xã hội hoàn hảo tốt đẹp trong đó không còn cảnh …người bóc lột người ??? Chúng ta phải tin vào ai, vào Chúa Giê Su hay ông tổ duy vật vô thần Karl Marx ?
Hỏi tức là trả lời và câu trả lời ở đây cho thấy đó chính là dấu hiệu của Ngày Tận Thế mà thánh Gioan Tông Đồ đã tiên báo về sự xuất hiện của những Phản Ki Tô ( Antichrist ): “ Ai là kẻ nói dối ? Há chẳng phải là kẻ chối Chúa Giê Su là Đấng Ki Tô sao ? Kẻ chối luôn Cha và Con ấy là Antichris. Hễ ai chối Con thì cũng không có Cha. Còn ai nhận Con thì cũng có Cha nữa. Còn về phần các con , điều các con đã nghe từ thuở ban đầu thì hãy cứ để ở trong lòng luôn. Nếu điều các con đã nghe từ thuở ban đầu cứ ở trong lòng thì các con cũng sẽ ở trong Con và ở trong Cha. Đây là lời mà Ngài đã hứa cho chúng ta tức là sự sống đời đời” ( 1Ga 2, 22 -25 ).
Lời ban đầu chúng ta nghe đó là lời tuyên xưng của thánh Phê Rô với Chúa Giê Su: “ Ngài là Đấng Ki Tô Con Thiên Chúa Hằng Sống” Lời ban đầu ấy chẳng những chúng ta chỉ tuyên xưng qua đức tin và việc làm mà còn cần đặt hết lòng thương yêu đến Chúa Giê Su, Đấng Cứu Độ mình: “ Ai có các điều răn của Ta và giữ lấy, ấy là kẻ thương yêu Ta. Còn ai thương yêu Ta sẽ được Cha Ta thương yêu lại. Ta sẽ thương yêu người và tỏ chính mình Ta cho người” ( Ga 14, 21 )./.
Phùng Văn Hóa