Giê Su Nazareth, Ngài là ai?

          Câu hỏi Giê Su Nazareth, Ngài là ai ? không phải cho đến bây giờ mới  được nêu lên  mà từ cách nay hai ngàn năm nó đã được  chính Chúa  đặt ra cho các môn đệ khi Ngài đến trong địa hạt Sê sa rê Philip “ Người ta nói Con Người là ai ?Họ thưa rằng: Người thì nói Gioan Baotixita. Kẻ thì nói  Ê Lia  kẻ khác lại nói Giê rê mia hay một tiên tri nào  đó. Ngài phán: Còn các ngươi thì nói Ta là ai ? Simon Phê Rô thưa rằng: Ngài là  Đấng  Ki Tô Con ĐCT Hằng Sống. Chúa Giê Su phán cùng  người rằng: Simon con Giona, ngươi có phước đó vì chẳng phải thịt và huyết bày tỏ điều ấy cho ngươi đâu bèn là Cha Ta ở trên trời vậy” ( Mt 16, 15 -17 ).

          Người đời, tức dân Do Thái thời đó có thể cho Chúa Giê Su là Gio An là Ê Lia là Giê rê mia hay một tiên tri nào đó. Thế nhưng tất cả những câu trả lời  này đối với Chúa Giê Su đều không đúng và chỉ đến khi Si Mon Phê Rô tuyên xưng Ngài là Đấng Ki Tô Con Thiên Chúa mới được chấp nhận.

          Tuyên xưng Chúa Giê Su  Đấng  Ki Tô  đó là đức tin  đã có ngay từ buổi sơ khai Giáo Hội dù rằng  với việc tuyên xưng ấy các môn đệ Chúa có thể bị sỉ nhục hoặc giết chết “ Vậy các tong đồ ra khỏi công hội đều lấy làm vui mừng vì mình đã  được  kể là xứng đáng chịu sỉ nhục vì Danh Giê Su. Mỗi ngày tại đền thờ hoặc ở nhà, họ không ngớt dạy và giảng Chúa Giê Su là Đấng Ki Tô” ( Cv 6, 41 -42 ).

          Tín hữu chúng ta vẫn thường kêu cầu Danh Thánh Giê Su và cho rằng đó là …tên của Người. Thế nhưng không phải vậy: Giê Su là tên còn Ki Tô là tước hiệu của Đấng được xức dầu. Tuyên xưng Chúa Giê Su Ki Tô có nghĩa chúng ta tin nhận Ngài là Đấng Cứu Thế của mình.

          Lại nữa việc tuyên nhận  Chúa Giê Su là Cứu Chúa đó chỉ có thể là công việc của đức tin chứ hoàn toàn  không phải của…tri thức. Chính bởi lẽ đó Chúa nói với Phê Rô: Chẳng phải thịt và huyết bày tỏ điều ấy cho ngươi bèn là Cha….

          Chỉ với đức tin,  con người mới có thể nhận biết Chúa Giê Su là Đấng Cứu Thế. Trái lại tri thức tức triết và thần học thì không thể. Chẳng những không thể  mà còn  hiểu rất sai lạc về Người: “ Những lời của Kenneth Scot Latsurette  nhà sử học Cơ Đốc giáo ở đại học Yale viết: Không phải những lời dạy của Ngài  làm nên một Đức Giê Su rất đáng chú ý. Mặc dầu những lời dạy đó đủ để làm nên sự khác biệt của Ngài. Đó là sự kết hợp giữa những lời dạy và chính con người Ngài. Cả hai yếu tố đó đều không thể tách  rời….

……Đức Giê Su tuyên bố Ngài là Thiên Chúa. Ngài không để lại bất kỳ một phương án gợi mở nào khác lời tuyên bố đó phải là đúng hoặc sai. Vì vậy câu hỏi của Ngài với các môn đệ “ Phần các con, các con bảo Thầy là ai ?( Mt 16, 15 ) có nhiều giả định đặt ra: Đầu tiên giả thiết rằng lời tuyên xưng “ Ngài là Thiên Chúa là sai. Vậy chúng ta chỉ còn hai chọn lựa. Hoặc Ngài biết điều đó là sai chứng tỏ Ngài là kẻ nói dối hoặc Ngài không biết, chứng tỏ Ngài là một kẻ điên khùng….

……Ngài là kẻ nói dối:

          Nếu khi tuyên xưng điều đó Đức Giê Su biết ông không phải là Thiên Chúa nhưng vẫn cố tình nói dối và nhận những người theo mình cách toan tính. Nhưng nếu ông ta là một kẻ nói dối, ông ta cũng là một kẻ giả hình. Bởi chính ông dạy dỗ người khác phải thành thật bằng bất cứ giá nào trong khi chính ông dạy và sống với sự gian dối to lớn” ( Nguồn Lamhong.Net – 02/11/2018 – Đức Giê Su: Thiên Chúa hay chỉ là một thanh niên tốt lành ? Trích từ cuốn sách  Ready  Defense của Josh MC Dowell ).

          Không biết căn cứ vào đâu để nói rằng Đức Giê Su tuyên bố Ngài là Thiên Chúa ? Tuy nhiên đây lại là  vấn đề  thần học vô cùng rối rắm  về Bản Tính của Chúa Giê Su. “ Theo phái Ario ( Năm 320 )Chúa Cha là Đấng tuyệt đối siêu việt so với Chúa Con. Chúa Con thấp hơn Chúa Cha về bản tính, uy quyền và vinh quang. Chúa Con được gọi là Thiên Chúa thực ra là một vị thần linh thấp hơn. Thiên Chúa thật là Đấng Duy Nhất Tuyệt Đối đó là Chúa Cha. Ngoài Ngài ra bất cứ thực tại nào cũng chỉ là tạo vật được dựng nên từ hư vô. Ngôi Lời cũng thế là tạo vật của Chúa Cha và tùy thuộc vào Ngài….”

          Trái ngược với Ario, phái Apolinaire muốn triệt  để  binh vực sự…duy nhất của  Đức  Ki Tô và bảo vệ sự thánh thiện tuyệt đối của Ngài về phương diện hữu thể cũng như về phương diện luân lý. Ông cho rằng Ngôi Lời đảm nhận một bản tính nhân loại không có linh hồn. Đức Ki Tô là Ngôi Lời thần linh nhập thể nghĩa là ở trong thân xác con người” ( Logos Ensarkos: Verbe Incarne’ ).

          Giữa những tranh luận mang tính đối nghịch như thế, thần học ngày nay đã đưa ra một quan niệm có tính chung quyết  gọi là Mầu Nhiệm Nhập Thể thế này:” Đối với niềm tin của chúng ta: Giữa Giê Su Nazareth và Con Thiên Chúa không còn một khoảng cách hữu thể nào nữa: Giê Su Nazareth là Con Thiên Chúa và Con Thiên Chúa đã trở nên Giê Su Nazareth. Giê Su Nazareth là Con và mãi mãi là Con Thiên Chúa và từ lúc làm người, Con Thiên Chúa không bao giờ rũ bỏ nhân tính của mình nữa” ( Đgm Phao Lô Bùi Văn Đọc và các linh mục khác – Đức Ki Tô, Hôm Qua – Hôm Nay và Mãi Mãi ).

          Nói rằng “ Con Thiên Chúa không bao giờ rũ bỏ nhân tính của mình”. Điều ấy mang ý nghĩa thế nào nếu chẳng phải: Đức Ki Tô đến là để dựng xây Nước Trời  ở nơi trần  gian này ?

          Sự thật đúng là như vậy khi  người ta đặt vấn đề “ Đức Giê Su trước khi có Ki Tô giáo” hầu phân ra có hai Chúa Giê Su, một của niềm tin và một của lịch sử. Với Chúa Giê Su của niềm tin thì từ bấy lâu Giáo Hội vẫn kính tin phụng  thờ  Ngài như một trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Thế nhưng niềm tin ấy  ngày nay đã bị xét lại để chỉ còn là Giê Su  Lịch Sử và mục đích xuống thế của Ngài là để xây dựng Nước Trời ở nơi trần gian này “ Vậy Nước Thiên Chúa  mà Đức Giê Su rao giảng không phải là một thực thể ở trên trời nhưng là một tình trạng tương lai ở thế gian khi người nghèo không còn nghèo. Người bị áp bức không còn bị áp bức. Nó được biểu thị bằng một ngôi nhà hay một đô thị có tường thành bao quanh” ( Đgm Phao Lô Bùi Văn Đọc và các linh mục khác – Sđd ).

          Để có thể xây dựng Nước Trời ở nơi trần gian thì nhất định không  thể không làm…chính trị và theo thần học: Chúa Giê Su quả thật đã có mưu đồ ấy: “ Một câu hỏi được đặt ra, Đức Giê Su có âm mưu lật đổ chính quyền Ro Ma không ? Thực sự Ngài muốn Itsraen thoát khỏi  đế  quốc Ro Ma cũng y như tâm trạng của những người Zê Lốt, Biệt Phái, Esseni hay bất cứ ai khác ….

…….Làm chính trị thì tất nhiên không thể tránh được hậu quả của nó “ Cuối cùng con người ấy đã bị bắt và xử tử. Như tác giả ( Albert Nolan ) nói: Không phải tòa án tôn giáo Do Thái mà chính tòa án Ro Ma đã ra lệnh bắt và kết án đức Giê Su vì cho Ngài là mối đe dọa nghiêm trọng trong lãnh vực chính trị. Còn vai trò của các nhà lãnh đạo Do Thái chỉ là bắt nộp Ngài cho người Ro Ma” ( Đgm Phao Lô – Sđd ).

          Cho rằng “ Không phải tòa án tôn giáo Do Thái mà chính tòa án Ro Ma đã ra lệnh bắt và kết án Đức Giê Su” Đây là sự xuyên tạc Kinh Thánh cách trắng trợn. Bởi ai đọc Kinh Thánh cũng biết rằng không phải tòa án Ro Ma ( Phi La Tô ) ra lệnh bắt và kết án nhưng là tòa án của người Do Thái. Mặt khác Chúa Giê Su không bị kết án  vì …tội làm chính trị nhưng vì  tội…phạm thượng. “ Người Do Thái bắt và giải Chúa Giê Su đến tòa thượng phẩm Cai Pha. Tại đây thầy thượng phẩm nói với Ngài rằng: Ta chỉ ĐCT hằng sống buộc ngươi thề mà nói cho chúng ta: Ngươi có phải là Đấng Ki Tô Con ĐCT không ? Chúa Giê Su đáp: Phải ! Đúng như ngươi nói. Nhưng Ta lại nói cùng các ngươi, rồi đây các ngươi sẽ thấy Con Người ngồi bên hữu quyền năng, ngự trên mây trời mà đến. Thày tế lễ thượng phẩm bèn xé áo mình mà rằng: Nó đã lộng ngôn, chúng ta còn cần chứng cớ gì nữa ? Kìa các ngươi nghĩ thế nào ? Chúng đáp: Nó đáng tội chết. Họ bèn nhổ vào mặt Ngài, thoi  đạp Ngài. Lại có kẻ vả vào mặt Ngài mà nói rằng: Ki Tô ơi ! Hãy nói tiên tri cho ta. Ai đánh ngươi đó ? ( Mt 26, 57 -68 ).

          Đối với người Do Thái thì không có tội nào nặng hơn là tội lộng ngôn phạm thượng. Chúa Giê Su bị ném đá và giết chết cũng vì người ta đã cho rằng Người đã phạm tội này “ Người Do Thái lại lấy đá ném Ngài. Chúa Giê Su phán: Ta do Cha Ta mà tỏ nhiều việc lành cho các ngươi. Vậy vì việc nào trong đó mà các ngươi lại ném đá Ta ? Người Do Thái đáp: Ấy chẳng phải vì một việc lành mà chúng ta ném đá ngươi. Nhưng vì lộng ngôn và vì ngươi vốn là người mà lại tự tôn là ĐCT” ( Ga 10, 31 -33).

          Thật sự thì Chúa Giê Su không bao giờ xưng mình là ĐCT là Thiên Chúa, trái lại luôn nhận mình được Chúa Cha sai đến “ Bởi Ta chẳng nói tự mình bèn là Cha sai Ta đã truyền lệnh cho Ta phải nói điều chi và phải giảng điều chi. Ta biết mạng lịnh  Ngài là sự sống đời đời. Vậy lời Ta nói thì nói theo như Cha Ta đã truyền dạy” ( Ga 12, 49 -50 ).

          Mạng lịnh của Cha đó là sự sống đời đời và Chúa Giê Su đã thi hành mạng lịnh ấy bằng cách rao giảng Tin Mừng Nước Trời “ Vừa rạng ngày Ngài ra đi đến nơi thanh vắng. Có quần chúng kéo đi tìm Ngài theo kịp, muốn giữ Ngài lại không cho đi khỏi họ. Nhưng Ngài nói với họ: Ta còn phải rao giảng Tin Mừng Nước ĐCT cho các thành thị khác. Vì cốt tại việc đó mà Ta được sai đến”( Lc 4, 42 -43 ).

          Đúng như Chúa đã xác nhận sứ mạng của Ngài đến là để rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Tuy nhiên có vấn đề đặt ra đó là tại sao lại gọi là Tin Mừng ? Hay nói cách khác ý nghĩa của hai …chữ Tin Mừng là gì ?

          Phải chăng cũng chỉ vì không hiểu được ý nghĩa đích thực của Tin Mừng  thế nên mới có cái chủ trương Tục Hóa Nước Trời  khi cho rằng Nước Trời là tình trạng người nghèo không còn nghèo. Người bị áp bức không còn bị áp bức ? Cứ giả thử như quả có cái tình trạng ấy xảy ra ở cõi đời này vậy ai là người  vui người mừng ?

          Ý nghĩa chân xác Tin Mừng mà Đức Ki Tô loan báo đó chỉ có thể là  một cái Tin khiến cho người nghe và tiếp nhận nó sẽ phát khởi được lòng Vui lòng Mừng. Có thể ví Tin Mừng giống như kẻ nghèo kia lang thang xin ăn và trong một lần kia gặp  người nói cho biết dưới nền căn lều rách nát  của y có chôn giấu cả một kho tàng. Y tin lời người đó và  lòng khấp khởi vui mừng trở về  cố công khai quật kho tàng ấy.

          Về ý nghĩa này Chúa Giê Su đưa ra một ví dụ “ Nước Trời ví như của báu chon trong ruộng, có người tìm được thì yểm đi, vui mừng mà đi bán hết của cải mirồi mua lấy thửa ruộng ấy” ( Mt 13, 44 ). Ruộng đây là ruộng Tâm, ngay nơi Tâm mình vốn sẵn chứa cả một kho tàng nhưng vì u mê chấp trước không nhận ra đến nỗi đã phải sống trong nghèo hèn mà không hề hay biết.

          Đức Ki Tô  rao giảng Tin Mừng chính là để cho ta trở về với  Bản Tâm hầu nhận biết và sống với Nước Trời ở nơi mình  chứ chẳng phải điều chi khác. “ Người Pha Ri Siêu hỏi Chúa Giê Su về Nước ĐCT chừng nào đến thì Ngài đáp: Nước ĐCT không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng sẽ không thể nói được: Đây này hay đó kia vì này Nước ĐCT ở trong các ngươi” ( Lc  17, 20 -21 ).

          Nước Trời mà Chúa Giê Su rao giảng không thể nói nó ở đây hay ở kia tức trong không gian vật lý nhưng nó lại hiện hữu ở  nơi Tâm mỗi người. Đây là Thực Tại vô cùng mầu nhiệm không thể  dùng lý trí để mà  luận lý hay bàn giải  nhưng chỉ có thể lấy lòng tin  tiếp nhận. Thực Tại ấy tùy nơi tùy lúc Chúa còn mạc khải cho những danh xưng khác chẳng hạn như Nhà Cha, Nước Thiên Chúa, Chốn Nghỉ Ngơi Đời Đời v.v…

          Chúa rao giảng Tin Mừng đồng thời khẳng định mình là con đường duy nhất đến với Thực Tại ấy “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến được  với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).

          Đường đời trăm ngả và đường tâm linh cũng vậy cũng có nhiều đường lối. Sở dĩ Chúa khẳng định Ngài là con đường duy nhất bởi lẽ đây là con đường đi sâu vào nội Tâm chỉ lòng tin mới có thể …vào “ Ta là sự sáng thế  đến với thế gian hầu hễ ai tin Ta thì chẳng cứ ở trong tối tăm” ( Ga 12, 46 ).

          Tin Chúa có nghĩa tin Ngài là  con đường chân thật dẫn đến Chúa Cha cũng gọi là Nước Trời mầu nhiệm nội tại. Lòng tin ấy chỉ có thể thực sự phát khởi cùng với việc ăn năn sám hối tội lỗi mình “ Thời đã mãn, Nước ĐCT đã gần đến, hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 15 ).

          Chúa nhấn mạnh cần phải tin vào Tin Mừng bởi vì Nước Trời là …nước nội tại rất khó để mà tin. Có được lòng tin vào Tin Mừng là điều khó. Dẫu vậy lòng tin ấy  sẽ chỉ là… tin xuông nếu không gắn liền với lòng yêu mến Chúa. “ Như Cha đã yêu thương Ta thế nào Ta cũng yêu thương các ngươi thể ấy. Hãy cứ ở trong sự yêu thương của Ta. Nếu các ngươi giữ các điều răn của Ta thì sẽ cứ ở trong  sự yêu thương của Ta cũng như chính Ta đã giữ các điều răn của Cha Ta và cứ ở trong sự yêu thương của Ngài” ( Ga 15, 9 -10 ).

          Có thể nói nền tảng của Đạo Chúa  chính là Tình Yêu và Tình yêu ấy không chỉ có như một nguyên lý trừu tượng nhưng đã được thể hiện bằng chính cái chết của Đấng Cứu Độ để trở nên tấm bánh nuôi dưỡng linh hồn con người “ Ta là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Hễ ai ăn Bánh này thì có sự sống đời đời. Còn Bánh mà Ta sẽ ban cho vì sự sống của thế gian ấy là thịt Ta” ( Ga 6, 51 ).

          Vì Tình yêu mà Chúa đã trở nên tấm bánh. Đây quả thật là điều kỳ diệu trên hết mọi điều kỳ diệu của nhân loại. Câu hỏi Chúa đặt ra cho các môn đệ  vào lúc đương thời “ Còn các ngươi thì nói Ta là ai ?”. Câu hỏi ấy cũng là để dành cho mỗi người chúng ta ngày nay và cần được trả lời không phải bằng lý trí suy luận nhưng bằng…Tình  Yêu. Chúa Ki Tô Phục Sinh đã hỏi Phê Rô tới ba lần “ Con có yêu mến Ta hơn những kẻ này chăng và Thánh Phê Rô đều đáp: “ Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy” ( Ga 21, 15 )./.

Phùng Văn Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts