Khi Chúa Giêsu dạy đừng lên án, đừng khinh thường, đừng oán ghét, đừng gây thù, đừng giết hại anh em, nhưng hãy yêu thương và tha thứ cho mọi người, thì chính Chúa Giêsu đã thể hiện tình yêu, sự tôn trọng dành cho chúng ta một cách hết sức hoàn bị nơi chính bản thân Chúa.
Chúa không hề nổi giận trước bất cứ hành vi tội lỗi, hành vi chống lại lề luật của Chúa, thậm chí chống lại chính Chúa của chúng ta. Ngược lại, Chúa sẵn sàng hiến mình để sống, chết, sống lại vì ta. “Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5, 8).
Ở đời, sự thể hiện trong tương quan của người đời, mãi mãi vẫn chỉ là “không có gì chắc chắn”. Bởi biết bao nhiêu lần chúng ta hoặc chứng kiến, hoặc đã từng là nạn nhân của thói “ngôn hành bất nhất”, hay nay nói lời yêu thương, mai trở mặt thành thù hận.
Chỉ có Chúa Giêsu, Đấng kiện toàn lề luật bằng chính cuộc sống yêu thương chân thành, yêu thương đến cùng, yêu thương đến quên mình mặc cho sự phản bội, mặc cho tình đời đen tối, mặc cho tất cả những thao túng bỉ ổi và đê hèn nhất mà con người có thể nghĩ ra để trút lên chính mạng sống của Ngài.
Nói cách khác, bằng những thể hiện nơi chính bản thân, Chúa Giêsu kiện toàn lề luật là đưa lề luật trở về đặt bên dưới luật yêu thương.
Không có yêu thương, luật sẽ vô cùng nguy hiểm. Bởi bất cứ lúc nào người ta cũng đều có thể lạm dụng luật, dùng luật để “đè” đối thủ, dùng luật để biện minh hay che lấp hành vi sai trái, nhất là khi nắm quyền trong tay, người ta khuynh đảo và điều khiển lề luật theo hướng có lợi cho mình, bỏ mặc những thiệt hại xảy ra cho muôn người…
Mục đích ban dầu của lề luật và của việc đề ra lề luật là nhằm phục vụ sự sống, phục vụ lợi ích và bảo đảm an ninh của sự sống con người, nhưng thực tế, biết bao nhiêu lần luật bị nhào nặn thành phương tiện hại nhau, tranh đoạt quyền lợi, chèn ép, đẩy nhau xuống đáy sự sống, thậm chí giết chết nhau…
Bởi không có gì an toàn cho bằng hại người bằng luật. Chính Chúa Giêsu là nạn nhân của hành vi kết án nhân danh lề luật. Những kẻ kết án tử cho Chúa từng thẳng thừng tuyên bố: “Chúng tôi có lề luật; và chiếu theo lề luật, thì nó phải chết” (Ga 19, 7).
Cũng vậy, ở giữa đời, người ta dễ dàng ném cho ai đó một án tù thật nặng bằng cách giáng trên họ một vi phạp trong điều luật thật nặng. Người ta cũng từng quăng trên mạng sống của ai đó mà họ không ưa, hoặc che dấu tội lỗi của kẻ lắm chức nhiều quyền bằng cái án tử hình trên đầu nạn nhân hòng bịt đầu mối, bóp nghẹt tiếng nói…
Cắt đứt lề luật khỏi mục đích thăng tiến đời sống, thăng tiếng giá trị làm người, bảo vệ sự sống, bảo vệ lẽ sống, sẽ biến lề luật thành sự dữ, biến kẻ thực thi lề luật thành kẻ man rợ, tàn bạo, vô nhân tính và là đồng bạn của satan.
Người Kitô hữu có Lời Chúa dạy, có tấm gương của chính Chúa Giêsu để giúp bản thân kiện toàn lề luật. Nếu Chúa kiện toàn lề luật bằng việc đặt mọi thứ luật bên dưới luật yêu thương, thì chúng ta cũng phải sống yêu thương mọi nơi, mọi lúc, nhất quyết không bao giờ, không có bất cứ khoảnh khắc nào loại trừ bất cứ hình ảnh của ai ra khỏi trái tim mình.
Nên nhớ,trước khi có hành vi ngoại tình hay những hành vi phạm lỗi khác, người ta đã ham muốn trong lòng rồi. Trước khi người ta có thể bới xấu ai, vu vạ cho ai, giết chết ai…, họ đã loại bỏ người ấy ở trong lòng mình rồi.
Nói cách khác, trước khi thi hành điều ác cho bất kỳ ai, chúng ta đã giết chết người ất nơi chính nội tâm của mình.
Để thi hành lề luật cách đúng đắn nhất, luôn trong một lương tâm không chỉ ngay chính mà còn thánh thiện, thì bên trong cõi lòng từng người phải luôn luôn chất chứa tình yêu với anh chi em, không bao giờ loại trừ ai, dù đó là người thù địch, ghét bỏ mình, đối lập với mình.
Có lẽ cả một đời, chúng ta không bao giờ vi phạm lề luật “chớ giết người”. Nhưng có thật, chúng ta hoàn toàn không giết chết ai?
Cõi lòng ta còn đầy giận hờn, ghét ghen, hiềm khích với anh chị em, muốn trả thù, muốn nổi loạn với ai đó, là ta đã loại trừ anh chị em, cũng có nghĩa là đã chớm giết chết hình ảnh anh chị em trong lòng dạ mình.
Nhất là khi ta dùng miệng lưỡi, lời nói cố tình hại ai, làm ô danh ai, gây tai họa có thể nhất thời, có thể lâu dài cho ai…, ta đã chạm đến luật giết người mà Chúa dạy. Sách Huấn Ca từng nói: “Có nhiều kẻ gục ngã vì lưỡi kiếm, nhưng làm sao sánh được với những kẻ gục ngã vì lưỡi người?” (Hc 28, 18).
Hãy luôn ghi nhớ: CHÚA KIỆN TOÀN LỀ LUẬT BẰNG CÁCH ĐẶT MỌI LUẬT BÊN DƯỚI LUẬT YÊU THƯƠNG.
Từ đó, chúng ta ra sức sống Lời Chúa dạy cho thật chu đáo: “Bất cứ ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình”.
Và phải hết sức nêu cao sự thật trong mọi hoàn cảnh, mọi nơi, mọi lúc: “Hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’; thêm thắt điều gì là do ác quỷ”.
Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG