HỘI THÁNH NHƯ LÀ DÂN RIÊNG THIÊN CHÚA

          Nguyên nhân sâu xa đưa đến cơn khủng hoảng hiện nay của giáo hội chính là vì đã thay thế mạc khải của Đức Ki Tô bằng quan niệm Đấng Tạo Hóa  và cũng  với quan niệm này mà  người ta  không sao hiểu được thế nào là Dân Chúa: “ Nhiều người “tin Chúa” hay “ Vô thần” và bà con bên lương thắc mắc tại sao Thiên Chúa  chọn Do Thái và Chúa Giê Su  sinh ra nơi ấy !!! Tôi thiết nghĩ rằng đi tìm hàng trăm, hàng ngàn câu trả lời ( Cho nghi vấn vừa nêu ) là không giải quyết được thắc mắc vì những lý do sau đây:

          # Thiên Chúa dựng nên con người nói CHUNG chứ đâu phải chỉ dân Do Thái. Ngài yêu thương loài người TRƯỚC khi có vũ trụ và  SAU khi dựng nên muôn loài, muôn vật Ngài mới “ Làm ra” con người giống hình ảnh  của Ngài có nam có nữ, trao cho họ quyền bá chủ trên mọi loài, mọi vật như chim trời cá biển mà thay Ngài chăm sóc và bảo vệ trái đất”

          # “Thiên Chúa chọn Abraham trước khi có vũ trụ chứ không phải khi ông ấy vâng lời. Chính Ngài biết ( Trước khi có vũ trụ ) rằng ông ta sẽ vâng phục Ngài”( Nguồn: Conggiao.Info Đức Quốc 01/3/2019 – Đa Minh Phan Văn Phước – Dân Chúa là ai ? ).

          Ngoài những lập luận hết sức…ngây ngô như thế nó còn chứng tỏ tác giả bài báo chẳng những chẳng có chút chi hiểu biết về Kinh Thánh lại còn không quan tâm  tìm hiểu giáo huấn của giáo hội về lãnh vực này. Hiện nay vấn đề Dân Riêng đã được đặt ra và càng khiến cho  cơn khủng hoảng  ngày thêm  trầm trọng:

          “ Vả lại những người ngoài Ki Tô Giáo kia nếu không là lỗi ở chính mình mà không nhận biết Tin Mừng của Đức Ki Tô và giáo hội của Ngài nhưng thật tâm tìm kiếm Thiên Chúa dựa theo những chỉ dẫn của lương tâm nhờ vào ơn Chúa soi sáng thực hành Thánh Ý Thiên Chúa, họ cũng có thể được sự sống đời đời” ( HC Tín Lý Về Giáo Hội ).

          Nếu có thể tìm và gặp được Thiên Chúa nhờ sự chỉ dẫn của lương tâm thì thử hỏi đâu có cần  chi tới tôn giáo ? Bởi nên nhớ  Đạo Chúa chính là con đường thực hiện tâm linh và để con người có thể bước đi trên con đường ấy, Thiên Chúa đã chủ động ký kết với tổ phụ Apraham một giao ước gọi là Giao Ước Thành Lập Dân Riêng:“ Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con và nhà cha ngươi mà đi đến xứ Ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn. Ta sẽ ban phước cho ngươi  cùng làm nổi danh ngươi và ngươi sẽ thành nguồn phước đức” ( St 12, 1 -2 ).

          Giehova Đức Chúa hứa sẽ cho Apraham trở thành tổ phụ của một…Dân Lớn  có nghĩa rất đông đảo thế nhưng dân Do Thái vào thời đó là dân du mục  với khoảng vài ngàn dân cư. Vả lại Apraham đã già mà chưa có con trai dòng chính thất. Ông đã lo lắng và được Đức Chúa trấn an: “ Hỡi Apram, ngươi chớ sợ chi, Ta đây là một cái thuẫn đỡ cho ngươi, phần thưởng  của ngươi sẽ rất lớn. Apram thưa rằng: Tôi sẽ chết không con, kẻ nối nghiệp nhà tôi là Eliese người Da Mach. Apram lại nói rằng: Này Chúa làm cho tôi tuyệt tự, một kẻ tôi tớ sanh đẻ tại nhà tôi sẽ làm người kế nghiệp…

          …Đức Chúa Giehova bèn phán cùng Apram rằng: Kẻ đó chẳng phải là kẻ kế nghiệp ngươi đâu, nhưng ai ở trong gan ruột ngươi sẽ là người kế nghiệp ngươi. Đoạn Ngài dẫn người ra ngoài và phán rằng: Ngươi hãy ngó lên trời và nếu ngươi đếm được  các ngôi sao thì hãy đếm đi, Ngài lại phán rằng: Dòng dõi ngươi cũng sẽ như vậy. Apram tin Đức Giehova thì Ngài kể sự đó là công chính cho người” ( St 15, 1 -6 ).

          Đã trọng tuổi  vẫn chưa có con mà còn được hứa cho làm tổ phụ một dân đông đảo. Ấy thế mà Apraham vẫn tin. Điều đó được kể là công chính. Như vậy chính đức tin khiến con người được nên công chính chứ không phải việc làm. Điều này còn chứng tỏ một lần nữa  khi Apraham vì vâng lời mà đã sát tế đứa con thừa tự duy nhất của mình: “ Đức Giehova phán rằng: Vì ngươi đã làm điều đó thì Ta lấy chính mình Ta mà thề rằng sẽ ban phước cho ngươi, thêm dòng dõi ngươi nhiều như sao trên trời, đông như cát bờ biển và dòng dõi đó sẽ chiếm được cửa thành quân nghịch. Bởi vì ngươi đã vâng theo lời dặn Ta nên các dân thế gian sẽ nhờ dòng dõi ngươi mà được phước” ( St 22, 15 -18 ).

          Qua hai sự kiện, một là đã can đảm rời bỏ quê hương bản quán ra đi. Hai là sẵn lòng sát tế đứa con thừa tự đã cho thấy đức tin của Apraham thật là lớn lao, xứng đáng là tổ phụ của những người có đức tin: “ Anh em phải biết rằng kẻ nào có đức tin, kẻ ấy là con cái của Apraham. Kinh Thánh cũng thấy trước rằng ĐCT sẽ xưng dân ngoại là công chính bởi đức tin nên trước đã có lời hứa cho Apraham: Muôn dân sẽ nhờ ngươi mà được phước. Ấy vậy, ai có đức tin  thì người ấy được phước với người tin là Apraham” ( Gl 3, 7 -9 ).

          Muôn dân ở đây ám chỉ cho tất cả những ai có lòng tin giống như Apraham có nghĩa tin vào lời hứa…sẽ chỉ cho XỨ sẽ đến. Xứ sẽ đến ấy trong Cựu Ước là Đất Canaan. Còn trong Tân Ước chính là Nước Trời Mầu Nhiệm. Vì dân Do Thái đã không tin vào lời hứa thế nên Thiên Chúa đã hủy Giao Ước với họ để thành lập một Giao Ước Mới: “ Nhưng nay Chúa Giê Su đã được chức phụng sự càng tôn quý hơn. Chánh như Ngài đã làm Đấng Trung Gian của một Giao Ước  tốt hơn, thiết lập trên lời hứa cũng tốt hơn. Vì nếu giao ước thứ nhất không có chỗ trách được thì chẳng cần tìm chỗ nào cho cái thứ hai. Vì vậy Ngài chỉ trách dân sự mà  rằng:

          …Chúa phán: Kìa ngày đến Ta sẽ cùng nhà Itsraen và nhà Giu Đa lập một Giao Ước Mới, không phải theo giao ước mà Ta đã lập với tổ phụ họ trong ngày Ta cầm tay họ dắt ra khỏi xứ Ai Cập vì họ không cứ giữ giao ước Ta nên Ta không kể đến họ, ấy là lời Chúa phán…

          …Chúa lại phán: này là Giao Ước Ta sẽ lập với nhà Itsraen: Sau những ngày đó Ta sẽ để luật pháp Ta trong tâm trí họ, ghi tạc nó vào lòng, Ta sẽ làm ĐCT của họ và họ sẽ làm Dân Ta” ( Dt 8, 6 -10 ).

          Chúa Giê Su là Đấng Trung Gian của Giao Ước Mới để thực hiện một giao ước tốt hơn và giao ước này chính là mạc khải về Đấng Cha: “ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và những ai Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha”

          Biết Cha ở đây chính là nhận biết Thiên Chúa chính là Đấng Cha của mình. Điều này rất khác biệt với đức tin Do Thái Giáo về Đấng độc thần vô đối là Đức Giehova. Trong Giao Ước Mới này Thiên Chúa vẫn là Đấng Thiên Chúa duy nhất mà người Do Thái tin tưởng nhưng Ngài cũng là Cha của cả dân ngoại: “ Hay ĐCT chỉ là ĐCT của dân Do Thái thôi sao ? Há chẳng phải cũng là ĐCT của dân ngoại bang nữa ư ? Phải, cũng là của dân ngoại bang nữa vì ĐCT vốn là duy nhất. Ngài sẽ do đức tin mà nên công chính cho kẻ chịu cắt bì, cũng sẽ do đức tin mà nên công chính cho kẻ không chịu cắt bì nữa” ( Rm 3, 29 -30 ).

          Để tin Thiên Chúa chính là Đấng Cha của mình đối với người Do Thái là điều không thể. Lý do là vì họ đã không tin Chúa Giê Su là Đấng Cứu Độ và Ngài đã bị họ giết chết chỉ vì đã xưng mình là Con Thiên Chúa: “ Ai nấy đều hỏi rằng: vậy ngươi là con ĐCT sao ? Ngài đáp: Như các ngươi nói: Phải Ta đây. Họ bèn nói rằng chúng ta còn cần chứng cớ gì nữa, vì chính chúng ta đã nghe từ miệng ngươi rồi” ( Lc 22, 70 -71 ).

          Chẳng những Chúa Giê Su…xưng mình là Con Thiên Chúa mà Ngài còn rao giảng chân lý: Hết thảy mọi người đều là Con Thiên Chúa y hệt như Ngài. Chính là vì muốn cho mọi người nhận ra chân lý cao cả đó nên Đức Giê Su Ki Tô mới thành lập Hội Thánh sau khi chấp nhận lời tuyên xưng của Phê Rô: “ Si Mon Phê Rô thưa rằng: Ngài là Đấng Ki Tô Con ĐCT Hằng Sống. Chúa phán cùng người rằng: Si Mon con Giona ơi ! ngươi thật có phước đó vì chẳng phải thịt và huyết bày tỏ điều ấy cho ngươi đâu bèn là Cha Ta ở trên trời vậy. Còn Ta, Ta lại bảo ngươi là Phê Rô, Ta sẽ lập Hội Thánh Ta trên vầng đá này, cửa Hỏa Ngục cũng chẳng thể thắng được nó” ( Mt 16, 16 -18 ).

          Chúa thiết lập Hội Thánh và Hội Thánh này cũng chính là Dân Riêng Thiên Chúa thuộc giao ước Đức Giê hova đã ký kết với tổ phụ Apraham. Làm sao để nhận biết Hội Thánh Công Giáo chính là Dân Riêng Thiên Chúa?

          Có 03 điều để nhận biết. Một là nhìn nhận Apraham là tổ phụ của đức tin. Hai là tin vào lời hứa của Thiên Chúa cho tổ phụ và ba là sống đời từ bỏ như các tổ phụ.

          1/- Đạo Công Giáo là đạo của đức tin nhưng đức tin ấy chẳng phải là vu

vơ nhưng là một với đức tin của tổ phụ: “ Bởi đức tin, Apraham khi được gọi bèn vâng lời ra đi  đến chỗ mình nhận làm cơ nghiệp. Người ra đi mà không biết mình đi đâu. Bởi đức tin, người kiều ngụ  trong Xứ đã hứa như trong xứ lạ. Ở trong trại với Isaac và Gia Cop  là kẻ đồng thừa thọ  cùng một lời hứa với mình vì người trông đợi một thành có nền tảng mà Đấng Kiến Trúc và tạo lập thành ấy là ĐCT” ( Dt 11, 8 -10 ).

          Cuộc sống của người Công Giáo là sống trong niềm hy vọng, cậy trông vào lời hứa Nước Thiên Đàng đời sau. Lời hứa ấy chân thật bởi chính các tổ phụ cũng đã tin như vậy.

          2/- Tin vào lời hứa cho tổ phụ

Apraham đã tin vào lời hứa mặc dù lời hứa ấy xem ra rất khó thực hiện:

Đã quá già rồi mà vẫn chưa có con nối dòng. Thế nhưng vừa sinh được đứa con thừa tự lại phải đem ra sát tế…Người Công giáo cần có lòng tin như tổ phụ dù cho những thử thách là rất lớn. Tin Chúa Giê Su là Đấng Cứu Độ kể cả khi Ngài bị chết treo nhục nhã trên cây thập tự. Tin vào Hội Thánh  mặc dù Hội Thánh luôn gặp những cơn thử thách lớn lao tưởng chừng con thuyền Phê Rô đã hòng chìm !

           3/- Sống đời từ bỏ.

          Người Công Giáo là cháu con của tổ phụ Apraham về phương diện đức tin, vì thế cũng cần sống đời từ bỏ như ngài. Từ bỏ ở đây chính là biết mình không thuộc về thế gian nên không bám víu vào tài sản, chức tước, danh vọng ở đời dù có bị ghét bỏ: “ Họ không thuộc về thế gian cũng như Con  không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy lẽ thật khiến họ được Nên Thánh. Đạo Cha là đạo thật” ( Ga 17, 16 -17 ).

          Trong tính cách Dân Riêng của mình, người Công Giáo chỉ có thể sống đời từ bỏ một khi đặt hết lòng tin nơi Chúa Giê Su Ki Tô bởi vì tin vào Ngài  chính là tin sự hiện hữu của Thiên Chúa, Đấng ở nơi mình: “ Ai tin Ta chẳng phải ( Chỉ ) là tin Ta nhưng tin Đấng đã sai Ta. Còn ai thấy Ta tức là thấy Đấng đã sai Ta. Ta là sự sáng đến thế gian hầu hễ ai tin Ta thì chẳng cứ ở trong tối tăm” ( Ga 12, 44 -46 ).

          Tin Chúa Giê Su là Đấng Cứu Độ duy nhất  là điều hết sức cần thiết thế nhưng làm sao có thể tin được điều ấy nếu không thuộc về Hội Thánh của Ngài ? Đức Ki Tô chỉ thiết lập có một Hội Thánh gọi là Hội Thánh Công Giáo Tông Truyền và đây cũng chính là Thân Mầu Nhiệm: “ Hãy cứ ở trong Ta, Ta cũng ở trong các ngươi. Như nhánh nếu không cứ ở trong cây nho thì không thể tự kết quả được. Nếu các ngươi chẳng cứ ở trong Ta thì cũng vậy. Ta là cây nho, các ngươi là cành. Ai cứ ở trong Ta và Ta ở trong họ thì nấy kết quả nhiều vì ngoài Ta các ngươi không thể làm chi được. Nếu ai chẳng cứ ở trong Ta  thì bị ném ra ngoài như nhánh kia khô héo rồi người ta lượm lấy, quăng vào lửa mà đốt đi” ( Ga 15, 4 -6 ).

          Để có Chúa …ở trong ta và ta ở trong Chúa thì tất nhiên phải….ở trong tức thuộc về Hội Thánh mà thuộc về Hội Thánh thì phải tin và sống các Bí Tích nhất là Bí Tích Thánh Thể. Lại nữa và đây là điều hết sức quan hệ đó là sống Bí Tích Thánh Thể  thì phải nhìn nhận Đức Maria chính là Người Mẹ Tâm Linh của mình. Không có Người Mẹ ấy thì làm sao Đấng Cứu Thế Giê Su có thể  được sinh ra và nếu Chúa không được sinh ra thì đâu thể có Hội Thánh cùng với các Bí Tích ?

          Hết thảy người Công Giáo đều là con của Đức Maria bởi Ngài đã nhận lời trối của Chúa Giê Su khi đang còn trên thập tự giá: “ Chúa Giê Su thấy Mẹ Ngài và môn đệ mà Ngài thương mến đứng bên cạnh thì nói cùng Mẹ rằng: Này là con Bà. Rồi Người nói với môn đệ: Đây là Mẹ con. Từ giờ ấy, môn đệ rước Bà về nhà mình” ( Ga 19, 25 -27 ).

          Cũng như Gioan đón Đức Maria về nhà mình. Chúng ta cũng vậy cũng cần  đón Đức Mẹ vào nhà tâm hồn  để được Ngài  chăm sóc, ủi an  nhất là trong giờ nguy nan lúc lâm chung. Thánh Benado nói: “Những ai có lòng cậy trông  nơi  Đức Mẹ sẽ không bao giờ phải thất vọng”

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts