Tiếng chuông, câu kinh ngân từ muôn trùng xa cách
Tiếng thinh không thử thách thời gian
Tháng ngày mong nhớ miên man
Màn đêm buông xuống mắt tràn lệ rơi…
Niềm nhớ Cha trên trời…
Chơi vơi…
***
Tức mình vì mấy em học sinh trong giáo xứ không thuộc nổi kinh “nghĩa đức tin”, Cha xứ đọc chung với các em hơn chục lần và giải thích cặn kẽ từng lời kinh. Khi cảm thấy đã mệt, Cha dừng lại và gọi một em nam sinh đọc. Em này ấm ớ một lúc rồi “tịt ngòi”. Cha bực gọi thêm một em nữ. Thay vì trả lời, em nữ sinh này bẽn lẽn thưa với Cha:
– Thưa ông Cố, Cố có thể cho phép con cầu nguyện mà không đọc kinh hay dùng sách khi dự lễ không? Cả lớp ồ lên, chắc phen này con bé tội nghiệp kia sẽ bị Cha rầy một trận tơi bời cho coi.
– Con có ý nghĩ lạ chưa? Nhưng con à, nếu không cất tiếng đọc kinh, con làm thinh để làm gì? Cha giữ bình tĩnh, hỏi lại em bé gái.
– Bởi vì con không học thuộc hết các kinh nổi và con thường chia trí mỗi khi đọc kinh thành tiếng. Còn khi thinh lặng con sẽ nói chuyện với Chúa Giêsu con không lo ra tí nào cả. Ông Cố ơi! Giống như khi nói chuyện với Cố nè, con nhìn thẳng ông và con biết rõ điều mình nói. Con tin ông Cố thương con không nỡ trách phạt con nên con mới dám nói.”
Cha rất ngạc nhiên với lời phân tỏ của em nữ sinh mắt long lanh, gương mặt sáng như thiên thần Xêraphim.
– Thế con nói gì với Chúa Giêsu vậy con? Cha ôn tồn hỏi lại em bé.
– Con nói rằng con yêu mến Ngài. Rồi con nói với Chúa về Ba Má con, anh chị em con, con nói về nhà thờ và về ông Cố trẻ ở giáo xứ con rất hiền, đẹp trai và dễ thương nữa, giảng hay nữa và về nhưng người khác nữa, để xin Chúa biến tất cả nên trọn lành. Con nói với Ngài nhất là về những người tội lỗi.
Cha xứ lặng người, ngài thoáng suy tư. Ngài ra hiệu cho em bé ngồi xuống. Cuối lớp có một em nam lớp Rước lễ vỡ lòng hỏi cô bé:
– Hãy dạy cho tôi cầu nguyện như vậy đi! Cả lớp vỗ tay cái rần.
Cha xứ nói với em bé gái:
– Bạn nói phải đó. Thế lời cầu nguyện tha thiết nhất con hay nói với Chúa Giêsu là gì nè?
Tự nhiên cô bé đỏ mặt một chút, rồi em nhìn lên ảnh Chuộc tội đầu tường phía trên tấm bảng phấn màu xanh lục và nói:
Dạ, con thích nhất khi cầu nguyện xong con luôn thưa với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, con muốn được gặp Chúa lắm!”.
***
Trong truyền thống Kitô giáo, việc cầu nguyện luôn luôn được dành cho một vị trí riêng, trân trọng. Đó chắc chắn phải là cách diễn tả chân chính của đời sống đức tin và là những bước đẹp trên tiến trình tự thánh hóa bản thân. Lời cầu nguyện với tâm tư trong sáng hồn nhiên luôn đem lại nghị lực phi thường, nâng đỡ và thánh hiến đời sống Kitô hữu, cách riêng cho những tâm hồn toàn hiến cho Chúa. Đời sống người Kitô hữu không phải là cuộc sống của kinh kệ, chuông trống, hát hò không thôi mà là một đời sống được hứng khởi bên trong tâm hồn nhờ việc cầu nguyện và chiêm niệm trước Thiên Chúa, kể cả khi “tâm không bình khí không hòa” hoặc thời khoá biểu dày đặc công chuyện không thể dành tất cả thời gian cho việc cầu nguyện.
Vì thế Công Đồng khẳng định: “…trong lúc chỉ tìm một Thiên Chúa trên hết mọi sự, đều phải liên kết việc chiêm niệm với nhiệt tâm tông đồ: vì nhờ chiêm niệm, họ kết hợp lòng trí với Thiên Chúa, và nhờ nhiệt tâm tông đồ, họ tham gia công cuộc cứu chuộc và mở rộng Nước Chúa” (x. sắc lệnh Perfectae Caritatis, số 5). Nhiệm vụ cầu nguyện thật là cốt yếu cho đời sống Kitô hữu. Tin Mừng thuật lại hình ảnh một cô Maria làng Bêtania “ngồi bên chân Đức Giêsu và nghe lời Người”. Chúa Giêsu đã khen ngợi, đề cao Maria khi chị Marta trách thái độ phục vụ của cô em mình, Chúa nói:“Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (x. Lc 10,38-42). Sống dồi dào trong đời sống đức tin không phải là đọc kinh to tiếng, thuộc làu làu “bổn cũ kinh xưa” mà trọng tâm phải đặt mình vào là hết tâm hồn lắng nghe Đức Kitô Giêsu qua những trang Thánh Kinh và giáo huấn Hội Thánh, ở gần bên Người trong Bí Tích Thánh Thể, gắn bó bằng tinh thần và con tim với người bằng cung cách phục vụ anh chị em chung quanh trong khiêm tốn, nhân từ và quảng đại.
Trong truyền thống Kitô giáo, cách riêng với tinh thần Tin Mừng, việc cầu nguyện đương nhiên chiếm chỗ ưu tiên trong đời sống sứ vụ. Đức Kitô Giêsu đã chẳng luôn luôn cầu nguyện sao? Chúa Giêsu dạy cho nhân loại mới bài học từ chính tâm hồn Người: hãy “tìm kiếm Thiên Chúa”, hướng những khát vọng lên Chúa Cha, hàn huyên tâm sự với Người bằng đời sống cầu nguyện, và trao tặng Người trọn một trái tim nồng nàn tình yêu – vì đó là điều đẹp ý Chúa Cha. Hội thánh, trong tâm tình của Đức Kitô Giêsu cũng dạy rằng: “Trong mọi hoàn cảnh, phải cố gắng phát triển đời sống ‘ẩn dật cùng Đức Kitô trong Thiên Chúa’ (x. Cl 3,3)” (x. sắc lệnh Perfectae Caritatis, số 6). Đó là đời sống ẩn dật mà thánh Phaolô phát biểu luật nền tảng như sau: hãy nghĩ đến “những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm đến những gì thuộc hạ giới” (x. Cl 3,2). Đời sống cầu nguyện là một mặt trận kết hiệp mật thiết với Đức Kitô, trao vận mệnh chúng ta trong tay Người để Người bước trước dẫn ta đến cùng Thiên Chúa Cha.
Người Kitô hữu thời đại cần, rất cần “tinh thần cầu nguyện” đó của Chúa Kitô có nghĩa là đào luyện tâm hồn khao khát trở nên thân mật với Thiên Chúa và cố gắng sống sự thân mật này qua việc hiến dâng toàn thân, cả ngày sống, trong từng nhịp thở và từng cử động phục vụ hay lao động của chúng ta. Thái độ này được diễn tả trong cầu nguyện cụ thể, liên lỉ bằng những lời nguyện của chính đời sống mình phát ra từ tâm hồn đủ đau khổ, đủ vui sướng để yêu mến Thiên Chúa và nhận lãnh moi sự từ tay Người. Thói quen dành ra một thời khắc trong ngày cho việc cầu nguyện là việc làm rất đáng khuyến khích nhưng cần hiểu đúng giá trị của thinh lặng và đọc thành tiếng trong giờ cầu nguyện này. Trong mọi hoàn cảnh, hãy dành riêng tâm tình đối thoại một mình với Chúa Cha trong cầu nguyện như Chúa Kitô Giêsu (x. Mc 1,35; Lc 5, 16; 6,12).
Thực tế, mọi lời cầu nguyện phải là cầu nguyện của con tim. Chúa Kitô Giêsu khuyến khích cầu nguyện khiêm tốn và chân thành: “Hãy cầu nguyện với Cha nơi kín đáo” (x. Mt 6,6). Thầy Chí Thánh không khẳng định cầu nguyện nhiều lời thì chắc sẽ được đoái nhậm (x. Mt 6,7). Nhưng sở dĩ việc cầu nguyện bên trong có khuynh hướng diễn tả và thể hiện bằng lời nói, cử chỉ, cùng với những hành vi thờ phượng bên ngoài vì những yếu tố ngoại cảnh cũng góp phần rất đáng kể giúp nâng tâm hồn lên. Dù ngoại cảnh hay nội tâm, linh hồn của chúng vẫn luôn là nơi để cầu nguyện bằng con tim.
Thiển nghĩ, nên luôn luôn cầu nguyện trong thinh lặng hơn là ồn ào hoạt náo chút rồi xong thôi. Trong sự thinh lặng nội tâm, linh hồn luôn luôn than thở, yêu mến và tin tưởng ký thác nơi Thiên Chúa, thinh lặng để Chúa lên tiếng thầm thĩ trong ta. Thiên Chúa là bạn của sự thinh lặng — chúng ta cần lắng nghe Thiên Chúa. Cầu nguyện nuôi dưỡng tâm tình và đưa tới gần Thiên Chúa hơn. Cầu nguyện cũng đem lại tâm hồn trong trắng và thanh khiết. Một tâm hồn trong trắng có thể thấy Thiên Chúa, có thể nói với Thiên Chúa, và có thể thấy tình yêu của Thiên Chúa trong người khác.
Trong hành trình tìm kiếm Thiên Chúa mà không biết khởi sự từ đâu, hãy học cầu nguyện, luôn cầu nguyện hàng ngày, bất cứ lúc nào, bất cứ đâu. Nhà thờ hay nhà nguyện hãy thử nói chuyện trực tiếp với Thiên Chúa. Ðơn sơ nói với Người bằng tất cả. Kể với Người đủ mọi thứ, hãy nói với Người. Người là cha nhân từ, Người là cha của tất cả dù bất cứ tôn giáo nào. Tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa dựng nên, chúng ta là con của Người. Với sự kiên trì cầu nguyện, chúng ta sẽ được câu trả lời cho những gì chúng ta cần.
Nhịp sống mỗi ngày của Chúa Giêsu với khởi đầu là cầu nguyện và kết thúc trong tĩnh lặng riêng tư với Cha. Sáng sớm tinh mơ, Người dành thời gian đẹp nhất một ngày mới để cầu nguyện cùng Chúa Cha. Sau đó bận rộn với biết bao công việc: rao giảng và chữa lành thể xác tâm hồn cho con người. Chúa Giêsu thích sự cô tịch và tránh xa đám đông. Người chọn những nơi hiện diện: “Một ngọn núi cao riêng biệt” (x. Mc 9,2); những bờ dốc thẳng bao quanh hồ (x. Mc 5,1); những bãi biển Phenicia xứ Syria hay xứ Libăng (. Mc 7,24-31); đôi bờ của con thác miền núi gần nguồn sông Jordan dưới chân núi Hermon (x. Mc 8,27).
Ai biết yêu quý những giây phút thinh lặng trong tâm hồn, yên tĩnh ngọt ngào bên Chúa, tìm sự thinh lặng thánh trong nhà thờ, trong những giây phút cầu nguyện và ngay trong tâm hồn mình, người ấy sẽ tìm được hướng đi chính xác đến gần Thiên Chúa mà không bao giờ sợ lạc hướng trên đường về Nhà Cha.
—
Viết tại Nhà Thờ Thới Sơn
Ngày 24 -10 -2016
L.M Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thượng
Gp. Mỹ Tho