Trong một lớp học Thánh Kinh kia có học viên nêu thắc mắc: Một người Công giáo bỏ đạo theo Tin Lành sau khi chết có được lên Thiên Đàng hay không ?. Vị giảng viên không trả lời thẳng vào câu hỏi nhưng trích dẫn Sắc Lệnh Đại Kết của CĐ Vatican nói về người theo Đạo Tin Lành: “ Bởi đã được công chính hóa nhờ đức tin khi lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy, họ đã được tháp nhập vào Chúa Ki Tô và vì thế có quyền mang danh Ki Tô Hữu và đáng được con cái của Giáo Hội nhìn nhận là anh em trong Chúa”.
Qua trích dẫn Công Đồng cho thấy Giáo Hội hiện nay đã nhìn nhận người Tin Lành là những người…anh em trong Chúa. Lý do được đưa ra là vì họ đã được công chính hóa nhờ đức tin khi lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy. Có thể nói khi nhìn nhận người Tin Lành như thế, Giáo Hội đã lâm vào bước ngoặt nguy hiểm làm mất đi bốn tính chất: Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền mà tín hữu chúng ta vẫn từng tuyên xưng.
Mặt khác cho rằng người Tin Lành nhờ lãnh nhận Bí Tích Thánh tẩy mà đã được công chính hóa nhờ đức tin. Điều đó là không đúng. Tại sao ? Bởi vì Bí Tích Thánh tẩy hay còn gọi là Phép Rửa chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ để được công chính hóa.
Có nhiều nguyên nhân đưa đến sự phân ly giữa Đạo Công giáo và Tin Lành nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là quan điểm khác biệt của người Tin Lành về Ơn Công Chính. Theo Luthero, giáo chủ đạo Tin Lành thì Ơn Công Chính chỉ đến bởi đức tin thôi ngoài ra con người không có thể làm được bất cứ công trạng nào khác. Ngược lại Giáo Hội Công giáo thì cho rằng đức tin cần phải đi đôi với việc làm.
Sự đối chọi giữa hai quan điểm ấy rút cục qua Công Đồng Vatican II với chủ trương Đại Kết, sau nhiều cuộc thương thảo đã đưa ra một Tuyên Ngôn chung cho rằng không còn có sự khác biệt nào nữa. Báo L’ Observatore phát hành ngày 24/11/1999 có đoạn “ Bản Tuyên Ngôn chung không phải là một lời tuyên xưng mới cũng không phải là văn kiện dung hòa. Bản Tuyên Ngôn chung đây muốn tóm tắt những thành quả kéo dài ba chục năm tròn giữa phái Luthero và Công giáo Ro Ma về khoản tín lý này bằng cách nói lên những gì được mỗi cộng đồng tin tưởng chủ trương nơi những sự thật nền tảng về khoản tín lý ấy cũng như cho thấy việc hai bên cắt nghĩa về những sự thật nền tảng ấy không tương khắc với nhau” ( Nguồn Thời Điểm Maria. Com ).
Sự thật nền tảng được đề cập ở đây chính là sự Hiệp Nhất đã được CĐ Vatican II diễn tả: “ Tình Yêu Thiên Chúa đối với chúng ta đã tỏ hiện trong việc Thiên Chúa Cha sai Con Một Ngài đến trần gian làm người và tái sinh toàn thể nhân loại bằng hồng ân cứu chuộc và quy tụ tất cả nên một. Chính Người trước khi tự hiến làm lễ vật tinh tuyền trên bàn thờ Thánh Giá đã cầu nguyện cùng Chúa Cha cho những kẻ đã tin vào Người: Xin cho tất cả được nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ được nên một trong Chúng Ta và để thế gian tin rằng Cha đã sai Con” ( Ga 17, 21 ).
Sự hiệp nhất mà Đức Ki Tô cầu xin đó có phải là lời cầu hiệp nhất cho toàn thể nhân loại hay chăng ? Xin thưa là không bởi lẽ sự hiệp nhất mà Chúa muốn ấy là sự hiệp nhất cho các Tông Đồ chứ không phải cho cả nhân loại.
Nhân loại hay còn gọi là thế gian không bao giờ có thể đi đến sự hiệp nhất mà chỉ có chia rẽ bởi vì đó là bản chất của cõi sinh diệt này. Vả lại chính Đức Ki Tô cũng khẳng định Ngài chỉ cầu cho các Tông Đồ chứ không cho thế gian: “ Con vì họ mà cầu xin. Chẳng phải vì thế gian mà cầu xin. Nhưng vì kẻ Cha đã ban cho Con bởi họ thuộc về Cha” ( Ga 17, 9 ).
Lý do khiến Đức Ki Tô cầu nguyện sự hiệp nhất cho các Tông Đồ vì họ là những người đi theo Ngài để thực hiện sứ mạng rao giảng Tin Mừng “ Hãy ra đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Ai tin và chịu Phép Rửa thì được cứu. Còn ai không tin sẽ bị luận phạt” ( Mc 16, 15 ).
Việc rao giảng Tin Mừng gắn liền với hai điều kiện. Một là người nghe phải chịu Phép Rửa và hai là phải tin vào Tin Mừng. Chỉ chịu Phép Rửa mà không có lòng tin vào Tin Mừng thì không thể được cứu. Chúa đòi phải có lòng tin vào Tin Mừng thế nhưng có được lòng tin ấy là rất khó bởi lẽ Tin Mừng mà Đức Ki Tô rao giảng là về Nước Trời mầu nhiệm nội tại “ Người Pharisieu hỏi Chúa Giê Su về Nước ĐCT chừng nào đến thì Ngài đáp: Nước ĐCT không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng sẽ không nói được: Đây này hay đó kia vì này Nước ĐCT ở trong các ngươi” ( Lc 17, 20 -21).
Nói Nước Trời là…Nước nội tại tức hàm ý đó là một thực tại mầu nhiệm hiện hữu ở nơi Tâm mỗi người. Bởi Nước Trời mầu nhiệm như thế nên Đức Ki Tô mới đòi hỏi cần có lòng tin và để có được lòng tin ấy thì phải ăn năn hoán cải đời sống mình “ Thời đã mãn, Nước ĐCT đã gần đến. Các ngươi hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 15 ).
Ăn năn sám hối hoán cải đời sống và tin vào Tin Mừng luôn gắn bó và bồi bổ cho nhau. Chính tội lỗi đã làm che lấp Nước Trời ở nơi mình. Nước Trời ví như viên ngọc quý bị vùi lấp dưới ao bùn. Tội lỗi là nước đục cần được lắng trong mới có thể nhìn thấy viên ngọc. Có nhận ra tội lỗi mình và dốc lòng sám hối thì mới có được lòng tin nơi Tin Mừng. Trái lại thì không.
Đối với Nước Trời…nội tại thì cần phải tin và lòng ăn năn sám hối còn ví thử Nước Trời như thần học hiện nay nói “ Đó không phải là một thực thể ở trên trời nhưng là một tình trạng tương lai ở thế gian khi người nghèo không còn nghèo. Người bị áp bức không còn bị áp bức….( Albert Nolan – Đức Ki Tô trước khi có Ki Tô giáo ) thì có cần chi phải sám hối ăn năn ?
Thần học bởi là duy lý nên nó khăng khăng bác bỏ có một thứ Nước Trời ở đâu đó trên không trung cao vời kia nên mới cho đó là tình trạng tương lai của thế gian khi người nghèo hết nghèo ? Tin có Nước Thiên Đàng và mong muốn được về nơi ấy dù không biết nó ở đâu, đó là niềm tin có tính đại chúng của người Công giáo xưa nay. Thế nhưng niềm tin ấy trong thời đại Tục Hóa này dường như biến mất và như thế việc cầu nguyện đã trở nên vô nghĩa.
Tôn giáo là con đường thực hiện tâm linh nhưng nếu con người không thực hiện qua việc sống đức tin và cầu nguyện thì đâu còn giá trị gì nữa ? Đạo Công giáo là Đạo Đức Tin, tuy vậy cũng cần xác định đó là thứ đức tin nào ? Phải chăng chính vì không xác định được đức tin ấy cho nên mới đưa đến cái Tuyên Ngôn Ro Ma ngày 24/11/1999 cho rằng không có sự …tương khắc nào giữa đức tin của người Công giáo với Tin Lành ?
Tín hữu Công giáo là người đã được ơn kêu gọi để sống đức tin của mình “ Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh cũng như trong sự kêu gọi mình mà anh em đã được gọi đến một hy vọng một Chúa một đức tin một Phép Rửa một ĐCT là Cha mọi người. Ngài vượt trên mọi người suốt qua mọi người và ở trong mọi người” ( Eph 4, 4 -6 ).
Chỉ có một Thân Thể đó là Thân Mầu Nhiệm Chúa Ki Tô. Trong Thân này Chúa Ki Tô là Thân còn tín hữu chúng ta là các chi thể “ Ta là cây nho các ngươi là cành. Ai cứ ở trong ta và Ta ở trong họ thì nấy kết quả nhiều. Vì ngoài Ta các ngươi không thể làm chi được. Nếu ai chẳng cứ ở trong Ta thì bị ném ra như nhánh kia khô héo rồi người ta lượm lấy quăng vào lửa mà đốt đi” ( Ga 15, 5 -6).
Chúa nói ngoài Ta các ngươi không thể làm chi được có nghĩa nếu không…Ở trong Chúa thì không ai có thể được cứu rỗi. Thế nhưng Ở trong Chúa thế nào được nếu không Ở trong Giáo Hội Tông Truyền do Đức Ki Tô thiết lập ? Chúa đích thân thiết lập Hội Thánh, điều ấy không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên vấn đề ở chỗ vì sao có thể gọi Hội Thánh Công giáo là Tông Truyền ? Đó là vì Đức Ki Tô khi lập Hội Thánh, Ngài chỉ lập trên một cá nhân đồng thời trao trọn quyền bính cũng chỉ cho một cá nhân ấy thôi “ Simon con Gio Na, ngươi thật có phúc vì chẳng phải thịt và huyết bày tỏ điều ấy cho ngươi bèn là Cha Ta ở trên trời vậy. Còn Ta lại bảo ngươi rằng ngươi là Phê Rô. Ta sẽ lập HT Ta trên vầng đá này cửa Hỏa Ngục cũng chẳng thể thắng được nó. Ta sẽ trao chìa khóa Nước Trời cho ngươi. Hễ điều gì ngươi cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc. Còn điều gì ngươi cởi mở dưới đất thì trên trời cũng cởi mở” ( Mt 16, 16 -19 ).
Chúa thiết lập Hội Thánh đồng thời trao quyền bính chỉ cho một cá nhân chứ không phải cho tập thể các Tông Đồ. Điều đó chắc hản phải có mục đích lớn lao Vậy mục đích ấy là gì ? Xin thưa đó là để bảo đảm cho việc thực hiện con đường đến với Chúa Cha mà Đức Ki Tô đã khẳng định Ngài chính là con đường ấy “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).
Cần bảo đảm cho việc thực hiện con đường đến với Đấng Cha bởi chưng đây là Đấng ẩn giấu “ Chẳng ai từng thấy biết bao giờ. Duy Con độc sanh ở trong lòng Cha đã giãi bày Cha” ( Ga 1, 18 ). Trong cuộc hành trình đức tin suốt hai mươi thế kỷ Dân Chúa dù gặp biết bao gian lao hiểm nạn nhưng Giáo Hội vẫn bước đi trên con đường thực hiện tâm linh về Nhà Cha có Đức Ki Tô hiện diện theo như lời hứa “ Ta sẽ ở cùng với các con mọi ngày cho đến tận thế” ( Mt 28, 20 ).
Nếu mục đích Chúa lập Hội Thánh chỉ dựa trên một cá nhân là để bảo đảm cho việc thực hiện con đường tâm linh về với Đấng Cha thì việc Chúa “ Ở Cùng” đương nhiên cũng chỉ có thể là vì mục đích ấy có nghĩa là cho phần rỗi các linh hồn. Con đường về Nhà Cha cũng chính là ơn gọi của mọi Ki Tô Hữu cho niềm hy vọng vào Nước Thiên Đàng đời sau “ Vì chúng ta được cứu trong sự hy vọng nhưng sự hy vọng đã thấy được thì chẳng phải là hy vọng vì có ai lại hy vọng điều mình đã thấy rồi ư ? Song nếu chúng ta hy vọng điều mình chưa thấy thì chúng ta mới nhẫn nại mà đợi trông” ( Rm 8, 24 -25 ).
Người Công giáo là người sống trong niềm hy vọng. Có sống trong hy vọng chúng ta mới có thể vượt qua được biết bao trở lực do thế gian xác thịt ma quỷ gây ra. Lại nữa để cho niềm hy vọng ấy chắc chắn được thành tựu thì cần dựa trên ba trụ cột đó là đức tin đức cậy và đức mến. Ba nhân đức Tin, Cậy, Mến được gọi là các nhân đức đối thần và tính chất….đối thần ấy cần được hiểu như là sự gặp gỡ với Đấng Cha nội tại chứ không phải là một thứ…thần ngoại lai nào khác.
Tin vào Đấng Cha nội tại tức cũng là tin có Đức Ki Tô …đang hiện hữu ở nơi mình “ Về phần anh em há chẳng biết rằng Chúa Giê Su Ki Tô đang ở trong anh em sao ? ( 2C 13, 5 ).
Chỉ những ai tin có Đức Ki Tô “ Ở Cùng” đó mới thật là Ki Tô Hữu. Thế nhưng để cho niềm tin ấy có cơ sở và ngày càng được lớn thêm mãi thì người tín hữu cần thể hiện nó ra bằng việc làm. Việc làm của hết thảy Ki Tô Hữu bao gồm trong hai nhân tố có tính quyết định sau đây. Một là nhìn nhận Đức Maria là Người Mẹ tâm linh của mình. Hai là siêng năng tham dự các Bí Tích nhất là Bí Tích Thánh Thể. Với hai nhân tố này sẽ cho chúng ta thấy tính chất khác biệt về đức tin giữa người Công giáo và Tin Lành là thế nào.
I./- Nhìn nhận Đức Maria là Mẹ
Người Tin Lành luôn giải thích Kinh Thánh theo …nghĩa đen ( Literal meaning ). Theo nghĩa này thì Đức Maria không trọn đời đồng trinh. Bởi theo họ ngoài Chúa Giê Su là con, Đức Maria còn sinh nhiều người con khác nữa. Sở dĩ họ nói thế là do đã vin vào câu Kinh Thánh “ Bấy giờ Mẹ và anh em ngài đến đứng ở ngoài, sai gọi Ngài. Quần chúng ngồi xung quanh nói với Ngài rằng: Kìa Mẹ và anh em Thầy ở ngoài đang tìm Thầy kìa” ( Mc 3, 31 -32 ).
Đọc Kinh Thánh mà cứ hiểu theo nghĩa…đen như thế thì không thể không đi đến việc xuyên tạc Lời Chúa. Bởi nên nhớ tiếp liền ngay sau những lời của dân chúng Chúa Giê Su đã đặt câu hỏi và tự trả lời thế này: Ai là Mẹ Ta và anh em Ta. Rồi Ngài nhìn quanh những người bốn phía và phán rằng: Này là Mẹ Ta và anh em Ta vì hễ ai làm theo Ý Chỉ của ĐCT ấy là anh em chị em và là Mẹ Ta vậy” ( Mc 3, 33 -35 ).
Qua lời Kinh Thánh này cho thấy Chúa Giê Su đã tôn vinh Đức Mẹ hai lần. Trước hết Đức Maria là người mẹ phần xác, có công cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa từ khi còn trong lòng mẹ cho đến hết tuổi ấu thơ. Ơn ấy thật cao cả vì Mẹ đã nhận lời sứ thần truyền mặc dầu có lời hứa sẽ giữ trọn đời đồng trinh. Sau nữa Đức Maria hơn bất cứ ai khác kể cả các Thánh là người đã thực hiện Thánh Ý Chúa cho đến hơi thở cuối cùng.
Để nên trọn Thánh Ý Chúa thì không thể tránh khỏi khổ đau. Đức Maria đã được tiên báo về khổ nạn mà Ngài sẽ phải lãnh chịu khi nhận lời làm Mẹ Đấng Cứu Thế “ Tiên tri Simeon bèn chúc phúc cho họ và nói với Maria Mẹ Ngài: Này Con Trẻ này đã được lập nên để khiến cho nhiều người trong Itsraen vấp ngã và đứng dậy. Cũng để làm một dấu lạ bị nói nghịch. Còn ngươi, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn ngươi để ý tưởng của nhiều lòng được bày tỏ” ( Lc 2, 34 -35 ).
Có người mẹ nào sinh con ra mà lại không trông chờ rằng con mình sẽ lớn lên khỏe mạnh có địa vị cao sang trong xã hội. Ấy vậy Đức Mẹ lại được báo trước là người con ấy rồi ra sẽ bị thiên hạ lăng nhục sỉ vả cho đến bị giết chết một cách thảm khốc !!! Ngay khi nhận lời Xin Vâng ( Fiat ) với sứ thần, Đức Maria từ trong tâm khảm mình đã nhận thức được nỗi đau ấy và nỗi đau đã ngày càng hiện rõ suốt trong ba năm theo Chúa Giê Su trên con đường truyền giáo.
Đức Maria nhận thức được nỗi đau vô bờ nhưng không vì thế mà Ngài không vui lòng lãnh nhận Thánh Ý Thiên Chúa. Thánh Ambrosio nói: “ Khi Mẹ nhìn đến các thương tích của Con với cặp mắt Mẹ Hiền. Điều Mẹ nghĩ tưởng không phải là cái chết của Con yêu dấu nhưng là phần rỗi của nhân thế” ( MV Bernadot O.P – Mẹ Trong Đời ).
Cùng với việc sinh hạ Chúa Cứu Thế thì đồng thời ngay khi ấy Đức Maria cũng nhận lời làm Mẹ của các tín hữu. Chúng ta có thể nói, nếu Đức Mẹ không làm Mẹ các tín hữu thì công cuộc Cứu Độ của Đức Ki Tô không thể thành tựu. Tại sao ? Bởi vì ý nghĩa chân thật nhát của Cứu Độ chính là để sinh ra những Ki Tô Khác ( Alter Christus ) nơi các tâm hồn.
Vai trò làm Mẹ các tín hữu tuy là một tiền định nhưng vai trò ấy chỉ chính thức bắt đầu khi Đức Mẹ cùng với Thánh Gioan đứng dưới chân Thánh Giá. Chúa Giê Su nói với Đức Mẹ: Thưa Bà đây là con Bà. Đoạn Ngài phán với người môn đệ ấy rằng Kìa là Mẹ con. Từ giờ đó môn đệ ấy rước Bà về nhà mình. Là những môn đệ của Chúa tín hữu chúng ta cũng phải như Gioan, đón Đức Maria về ngôi nhà tâm hồn mình để Ngài sinh hạ Chúa Giê Su trong ta.
II-/. Tham dự các Bí Tích
Người Công giáo nhìn nhận các Bí Tích là do Chúa thiết lập có mục đích làm cho người tín hữu được nên Thánh. Có hai Bí Tích quan trọng đến phần rỗi linh hồn đó là Bí Tích Hòa Giải và Bí Tích Thánh Thể. Người Tin Lành phủ nhận cả hai Bí Tích này nhưng họ đâu biết rằng Chúa đã thông qua Thánh Phê Rô trao quyền cho HT Công giáo bằng những lời này: “ Ta sẽ giao chìa khóa Nước Trời cho ngươi. Điều gì ngươi cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc. Còn điều gì ngươi cởi mở dưới đất thì trên trời cũng cởi mở” ( Mt 16, 19 ).
Lời Chúa không thể hư dối. Chẳng lẽ Chúa chỉ nói…khơi khơi với Thánh Phê Rô mà không áp dụng cho Giáo Hội của Ngài sao ? Không tin các Bí Tích, người Tin Lành đành để mất Ơn Sủng của Chúa. Bí Tích là các phương tiện được lập ra để con người nhờ vào đó để Thánh hóa mình. Sống trên đời kể cả đời tâm linh không ai lại không vướng mắc vào tội lỗi nhưng ơn Chúa vẫn sẵn sàng dành cho các hối nhân biết quay về. Người Tin Lành vì không tin nên khi phạm tội họ đành để cho tội dẫn dắt không có con đường để về.
Tôn giáo là con đường thực hiện tâm linh cũng là con đường về Nhà Cha. Con đường về ấy dài thăm thẳm mịt mùng đầy dẫy chông gai gò nổng cần vượt qua. Đức Ki Tô vì đã thấu hiểu sự yếu đuối hay lầm lạc của con người nên Ngài đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể như là thuốc chữa lành và của ăn dành cho khách lữ hành.
Tin Chúa Giê Su ngự thật trong Phép Thánh Thể là điều khó trong mọi điều khó. Chẳng vậy mà khi nghe Chúa nói “ Ta là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Nếu ai ăn bánh ấy thì sẽ sống đời đời. Còn bánh Ta sẽ ban cho vì sự sống thế gian ấy là thịt Ta. Người Do Thái tranh biện với nhau mà rằng: Người này lấy thịt mình cho chúng ta ăn thế nào được ? ( Ga 7, 51 -52 ).
Dân Do Thái xưa kia và người Tin Lành ngày nay đều không tin Bí Tích Thánh Thể. Đã nói đến Tin thì không thể suy tư lý luận còn nếu có thể ….suy được thì cần gì phải tin ? Đức Ki Tô mỗi khi làm phép lạ Ngài đều nói: Đức tin của con đã cứu con và như thế chúng ta cũng có thể nói không tin thì cũng chẳng thể có phép lạ nào hết.
Bí Tích Thánh Thể là một phép lạ và là phép lạ cả thể nhất đòi hỏi cần phải có lòng tin mạnh mẽ. Tuy nhiên lòng tin ấy thôi là chưa đủ nó còn cần lòng yêu mến và chính lòng yêu mến ấy mới làm cho Chúa Giê Su được sinh ra trong ta. Mỗi khi rước Thánh Thể chỉ do thói quen thì Chúa Giê Su đến với ta như một người khách….không mời mà đến. Chúng ta đâu có tiếp rước Ngài như đang phải rước ?
Lý do khiến lòng yêu mến Chúa Giê Su Thánh Thể là rất khó bởi lẽ để yêu mến Chúa thì phải biết bỏ mình đi. Dẫu vậy chúng ta chỉ có thể bỏ được mình để yêu mến Chúa khi có Đức Maria làm Me. Nói một cách khác không phải chúng ta yêu mến Chúa mà là Đức Mẹ yêu mến Chúa Giê Su trong ta.
Nhận ra như thế để cho thấy không phải cứ lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy là đương nhiên người ta được là Ki Tô Hữu đâu ! Bởi lẽ là Ki Tô Hữu nghĩa là có Chúa Ki Tô ở nơi mình nhưng để có Chúa ở nơi mình thì cần phải được Đức Maria sinh ra, ngoài ra đều không phải./.
Phùng Văn Hóa