Có hai sự kiện đã gây ảnh hưởng lớn lao đến đức tin trong Giáo Hội. Trước hết là triết Hy Lạp qua sự biện hộ của Cle’ment d’Alexangdrie ( 150 – 215 ) “ Nhiều Ki Tô Hữu sợ triết học Hy Lạp như trẻ con sợ ngáo ộp, sợ bị triết học này chinh phục. Nếu đức tin của chúng ta là như thế, nếu nó sụp đổ trước sự thuyết phục của lý luận thì hãy để cho nó sụp đổ bởi lẽ qua đó chúng ta chứng tỏ rằng chúng ta đã không có chân lý” ( Giáo Phụ – Tập I – Từ TK I đến TK 4 ).
Ý nghĩa lời này cho thấy Giáo Hội không nên…sợ triết học Hy Lạp lý do là vì duy chỉ có nó mới có thể …giải nghĩa cuộc sáng thế của Đấng Tạo Hóa. Tiếp đến, cũng do nơi giải nghĩa ấy mà đã dẫn đến vụ án Galilea ( 1564 – 1642 ) khi ông ta đưa ra nhận định rằng “ Theo khoa học mà nói thì ít nhất hệ thống Corpernic cũng có giá trị để có thể chấp nhận được không thua kém gì hệ thống Ptolemeo” ( Nguồn Lamhong,Net – 19/7/2015 – Lm Jean Marie Moretti S.J – Khoa Học và Đức Tin ).
Nhận định của nhà thiên văn này đã tỏ ra hoàn toàn trái ngược với quan niệm của Giáo Hội đương thời khi đặt trọng tâm sự tin tưởng của mình vào Hệ Địa Tâm của Ptolemeo: Lấy trái đất làm trung tâm còn mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao thì quay xung quanh nó.
Đang khi đó Corpenic được Galileo nhìn nhận lại chủ trương Hệ Nhật Tâm tức lấy mặt trời làm trung tâm còn trái đất thì quay xung quanh. Việc nhìn nhận của Galileo đã bị kết án nặng nề vì nó đã chống trái hoàn toàn với niềm tin của Giáo Hội.
Xet ra việc kết án của Giáo Hội đối với Galileo thời đó là do đã đặt niềm tin cố hữu của mình vào Hệ Địa Tâm. Điều này dường như là …đương nhiên không thể có cách nào khác “ Như thế nguồn gốc xuất phát vụ xung đột chính là việc giải thích Kinh Thánh theo nghĩa đen. Người ta quả quyết rằng: Không thể cắt nghĩa Kinh Thánh theo một cách thức khác với cung cách chú giải của các giáo phụ Hy Lạp và La Tinh. Đứng lên bào chữa cho lập trường của mình Galileo nói rằng: Trong lãnh vực các ngành khoa học tự nhiên Kinh Thánh không thể thắng thế hơn khoa học. Đúng, như tiến trình lịch sử sẽ cho thấy, nhưng ý tưởng ấy đến quá sớm để có thể được chấp nhận. Năm 1633 Galileo bị lên án là rối đạo vì đã chủ trương cùng tin vào một chủ thuyết sai lạc và trái ngược với Kinh Thánh” ( Nguồn Lamhong.Net đã dẫn ).
Theo thần học, sở dĩ Galileo bị kết án chỉ vì tư tưởng của ông ta đã đến…quá sớm. Điều này có nghĩa nếu giả thử như nhà thiên văn bác học ấy có sống vào thời nay thí chắc hẳn sẽ không bị kết án. Tại sao ? Bởi vì Giáo Hội đã có một cái nhìn khác về mối tương quan giữa Khoa Học và Đức Tin. Hai lãnh vực này không hề mâu thuẫn đối chọi mà còn …hỗ tương cho nhau “ Vậy thì theo cách thức đặc thù của mình. Cả khoa học lẫn đức tin đều mang lại cho con người một loại tri thức nào đó. Hai loại hiểu biết này khác nhau về đối tượng ( Tức là về nội dung về lãnh vực ) cũng như về nguồn gốc….
…….Tuy khác nhau về đối tượng thế nhưng cả hai đều là tri thức. Một đàng tri thức khoa học lo nghiên cứu về các hiện tượng ( Vật lý, hóa học, sinh học v.v…)Một đàng là tri thức đức tin, lo tìm hiểu về Thiên Chúa và về những gì Ngài nói với con người” ( Nguồn Lamhong.Net đã dẫn ).
Khoa học là một thứ tri thức điều ấy không có gì để nói. Thế nhưng nếu nói đức tin cũng là …tri thức và tri thức ấy có mục đích để lo tìm hiểu về Thiên Chúa thì không cách chi có thể chấp nhận. Tại sao ? Bởi lẽ Thiên Chúa không thể tìm hiểu nhưng chỉ có thể bằng đức tin mà tìm “ Vả không có đức tin thì chẳng ai có thể đẹp lòng Ngài. Vì kẻ đến cùng Thiên Chúa thì phải tin rằng Ngài thực hữu và là Đấng ban thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài” ( Dt 11, 6 ).
Thiên Chúa mà có thể dùng tri thức để tìm hiểu thì Thiên Chúa ấy thuần túy chỉ là một thứ khái niệm chết. Đang khi đó Thiên Chúa là Thực Tại ẩn giấu ( Deus Abconsditus ) “ Chẳng ai từng thấy biết Thiên Chúa bao giờ. Duy Con Một ở trong lòng Cha là Đấng đã giãi bày Cha” ( Ga 1, 18 ).
Tìm kiếm Thiên Chúa Đấng Ẩn Giấu cũng là Cha của mỗi người đó chính là ơn gọi của Ki Tô Hữu chúng ta “ Chỉ có một thân thể một Thánh Linh cũng như trong sự kêu gọi mình mà anh em đã được gọi đến một hy vọng một Chúa một đức tin một phép rửa một ĐCT là Cha của mọi người, suốt qua mọi người và ở trong mọi người” ( Eph 4, 4 – 6 ).
Tìm kiếm Thiên Chúa là một Ơn Gọi và để thực thi Ơn Gọi ấy thì nhất thiết cần có sự từ bỏ “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình. Vác thập tự giá mình hàng ngày mà theo” ( Lc 9, 23 ). Cái nghĩa sâu xa của việc từ bỏ, vác thập giá mình không những là vì Chúa mà chịu đựng tất cả những tân toan khổ nhục nhưng còn là bỏ đi sự chấp trước vào cái sở học cũng như những kiến thức mà mình đã thu thập được dù cho đó là khoa học này khác.
Khoa học hiểu như một thứ tri thức như Thánh Phao Lô nói nó cũng chỉ là thứ khôn ngoan loài người không thể sử dụng để… tìm kiếm Thiên Chúa “ Người khôn ngoan ở đâu ? Văn sĩ ở đâu ? Biện sĩ đời này ở đâu ? ĐCT há chẳng đã làm cho sự khôn ngoan của thế gian này ra ngu dại ư ? Vì tại thế gian cậy sự khôn ngoan mình chẳng do sự khôn ngoan ĐCT mà nhận biết ĐCT cho nên ĐCT vui lòng dùng sự ngu dại của đạo chúng ta rao giảng mà cứu rỗi những kẻ tin” ( 1C 1, 20 -21 )./.
Phùng Văn Hóa