Có thể nói vụ án Galileo là khởi đầu cho mối xung đột giữa khoa học và tôn giáo: “ Vào ngày 13/2/1633, nhà triết học, toán học và thiên văn người Ý, Galileo Galilei đã phải đến Rome để đối mặt với Tòa Án Dị Giáo vì bị buộc tội ủng hộ học thuyết Copernicus vì cho rằng trái đất quay chung quanh mặt trời ( Nhật Tâm ). Vào thời đó dựa trên sự xác tín nơi Kinh Thánh, người ta vẫn tin rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ và mọi hành tinh đều quanh chung quanh trái đất ( Địa Tâm )
Sau khi Galileo bị đưa ra ét xử trước tòa án Giáo Hội và bị tuyên án dị giáo. Mọi tài liệu và ghi chép cũng bị cấm lưu hành trong dân chúng. Mãi tới năm 1992, Vatican mới chính thức thừa nhận sai lầm trong việc tuyên án Galileo và ngày hôm nay ông ta lại được vinh danh như một trong những nhà khoa học có đóng góp rất lớn cho khoa thiên văn học hiện đại” ( Nguồn Wilkipedia ).
Suốt gần 400 năm từ khi bị kết án, Galileo vẫn bị coi là …dị giáo và suýt nữa thì bị …lên giàn hỏa. Nguyên nhân đưa đến sai lầm hết sức tai hại đó là do Giáo Hội đã giải nghĩa Kinh Thánh theo…nghĩa đen về Đấng Thiên Chúa Tạo Dựng gọi là Tạo Hóa.
Thiên Chúa đã tạo dựng nên muôn vật và điều khiển chúng với uy quyền tuyệt đối: “ ĐCT làm nên hai vì sáng lớn. Vì lớn hơn để cai trị ban ngày. Vì nhỏ hơn để cai trị ban đêm. Ngài cũng làm ra các ngôi sao. ĐCT đặt các vì sao trong khoảng không trên trời, đặng soi sáng trái đất, để cai trị ban ngày và ban đêm đặng phân ra sự sáng và tối. ĐCT thấy đó là tốt lành” ( St 1, 16 -18 ).
Hậu quả tiếp theo đưa đến sự xung đột giữa khoa học và tôn giáo đó là việc Thiên Chúa tạo dựng nên con người: “ ĐCT phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người giống Hình Ảnh Ta và theo tượng Ta đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất và khắp cả đất” ( St 1, 26 ).
Niềm tin Thiên Chúa…tạo dựng nên trời đất muôn vật trong đó có con người là điều không thể…đánh đổ cho đến khi Thuyết Tiến Hóa của Darwin ( 1809 – 1882 ) ra đời. Con người sinh ra hoàn toàn không phải do một…đấng nào đó dựng nên nhưng là do tiến hóa từ vô cơ lên hữu cơ và từ nơi động vật sau nhiều triệu năm đã tiến hóa thành con người…
Thuyết Tiến Hóa đã được toàn thể giới khoa học về sau nhìn nhận và coi đó như một động lực đưa đến sự sụp đổ hoàn toàn của niềm tin tôn giáo về sự tạo dựng ? Có phải chăng niềm tin Đấng Tạo Hóa sụp đổ sẽ đưa đến sự…phá sản của tôn giáo hay không ? Xin thưa là không phải bởi vì giữa khoa học và tôn giáo là hai bình diện khác nhau cả về mục đích cũng như phương pháp thực hiện.
Mục đích của khoa học là để khám phá thế giới cho mục đích hiếu tri. Còn tôn giáo là để thực hiện tâm linh hầu trở về với bản chất thần linh ở nơi mình. Phương pháp của khoa học là dùng thí nghiệm để kiểm chứng. Còn của tôn giáo, tất cả đều dựa vào đức tin và niềm hy vọng.
Sự xung đột giữa khoa học và tôn giáo là một thực tế và thực tế này đã diễn ra ngày càng dữ dội. Mặc dầu sự xung đột không thể không diễn ra bởi như đã nói đó là hai bình diện khác nhau cả về mục đích lẫn phương pháp. Tuy nhiên sự xung đột ấy có thể được hóa giải nếu chúng ta có một cái nhìn…khác trong việc giải nghĩa Kinh Thánh.
Thay cho một Đấng Tạo Hóa …ở bên ngoài, ngự tít trên chín tầng mây thì Đấng ấy lại là Chân Tâm cũng là Bản Thể Tình Yêu đã tạo ra muôn loài chứ không có đấng nào khác. Trong một lá thư gửi cho công chúa Christin, Galileo viện dẫn lời đức hồng y Boeonio viết: “ Ý định của Chúa Thánh Thần là dạy người ta lên trời như thế nào chứ không phải là dạy bầu trời chuyển động ra sao ?”
Nếu hiểu tôn giáo như là con đường… lên trời và trời ở đây không hiện hữu trong một chốn không gian vật lý nào đó nhưng là một Thực Tại Tâm thì chẳng làm gì có sự xung đột với khoa học. Tại sao ? Bởi như đã biết mục đích của khoa học là để khám phá thế giới hiện tượng và vì thế nó sẽ không bao giờ có thể chấp nhận tôn giáo như một con đường…lên trời !
Khoa học không thể chấp nhận con đường lên trời bởi vì để đi trên con đường này thì cần phải có đức tin. Ngược lại cứ mãi chấp chặt vào quan niệm Đấng Tạo Hóa thì không cách chi tránh khỏi xung đột.
Với quan niệm Đấng Tạo Hóa thì việc tạo dựng ấy chỉ có thể là…tạo nên con người xác thịt nhưng sự thật thì đó phải là con người tâm linh. Tại sao ? Bởi vì Kinh Thánh nói: “ Chúng ta hãy làm nên con người giống Hình Ảnh Ta” ( St 1, 26 ).
Thiên Chúa là Đấng vô hình vô tướng và Ngài dựng nên con người là Hình Ảnh Ngài thì dĩ nhiên đó cũng phải là con người…tâm linh không hình không tướng ? Thiên Chúa tạo nên con người tâm linh và chỉ trong tính chất tâm linh đó, con người mới có thể trở về với Thiên Chúa, Đấng quả thật là Cha mỗi người.
Trong việc tạo dựng, nếu cứ giải Sách Sáng Thế…theo nghĩa đen như thế thì khó tránh khỏi điều mà Voltaire ( 1684 – 1778 ) nói cách mỉa mai: “ Thiên Chúa đã dựng nên loài người giống hình ảnh Ngài nhưng loài người cũng không kém. Họ đã đáp trả lại Thiên Chúa điều đó một cách đích đáng: Họ đã dựng nên Thiên Chúa theo hình ảnh của họ”.
Đúng là con người đã…tạo nên Thiên Chúa bằng các quan niệm về Ngài. Quan niệm về Thiên Chúa thì hẳn nhiên đâu phải là Thiên Chúa như Thực Tại Ngài Là. Lấy quan niệm thay cho Thực Tại đó là sự lầm chấp…chế của thần học từ bấy lâu nay và chính là với sự lầm chấp ấy mà con đường Trở Về của Dân Chúa đã bị tắc nghẽn.
Sống đời sống tôn giáo là sống cuộc trở về và con đường trở về ấy không chỉ thể hiện trong Đạo Chúa nhưng ta thấy có cả trong nền minh triết Đông Phương. Đức Lão Tử nói: “ Phản giả Đạo chi động” Cái động của Đạo là trở ngược lại” ( ĐĐK chương 40 ).
Cái động ( Hành Động ) của Đạo không phải là …đi ra nhưng là đi vào ( Trở ngược lại ). Tại sao con đường tâm linh không phải là…đi ra nhưng là…đi vào ? Bởi vì “Đạo” ở đây cũng chính là Nước Trời mầu nhiệm nội tại: “ Chúa nói: Luật pháp và tiên tri đến Gioan là hết. Rồi từ đó Tin Mừng Nước Trời được rao giảng ra và ai nấy đều phải nỗ lực mà vào” ( Lc 16, 16 ).
Vào ở đây cũng chính là trở về với chính mình. Thế nhưng để thực hiện việc trở về với chính mình ấy thì không có con đường nào khác ngoài ra con đường …Bỏ Mình theo Chúa: “ Ai muốn theo ta thì hãy từ bỏ mình. Hàng ngày vác thập tự giá mình mà theo. Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì phải mất.Còn hễ ai vì cớ ta mà mất mạng sống mình thì lại được. Dù được lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn mình thì nào được ích gì ?” ( Lc 9, 23 -25 ).
Theo cách nói của người Công Giáo thì mất linh hồn có nghĩa là phải…sa xuống Hỏa Ngục trầm luân đời đời. Có suy về chốn khốn nạn ấy chúng ta mới thấy Lời Chúa là lời chân thật. Thế gian là chốn giả trá, hư vọng, bởi vậy dù có tài sản kếch xù, danh vọng, quyền uy ngất trời nhưng sau khi chết vì tội lỗi mình mà phải đọa trong 03 đường ác ( súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục) thì thật là thảm họa khôn lường.
Có suy như thế mới thấy khoa học hiểu như con đường khám phá thế giới thật chẳng ích lợi gì cho Sự Sống đời đời trên Thiên Đàng là chốn hằng vui hằng sống đời đời. Mặc dù khoa học chẳng giúp ích gì cho sự sống đời sau nhưng nó lại trợ giúp cho đời sống đức tin của chúng ta thêm vững vàng. Einstein có câu nói nổi tiếng: “ Khoa học mà thiếu tôn giáo thì đó là khoa học què quặt. Ngược lại tôn giáo mà thiếu khoa học thì đó là tôn giáo mù lòa. Cả tôn giáo và khoa học cần phải giúp con người học và hiểu được cả hai”.
Khoa học làm cho đời sống được thỏa mãn nhiều nhu cầu vật chất nhưng chính vì sự thỏa mãn đó, đức tin tôn giáo ngày càng suy giảm, bệnh tật ngày càng nhiều và cũng khó bề chữa trị. Vì vậy cái lợi của khoa học so với cái hại do nó đem đến cứ nhìn vào thực tế xã hội hôm nay sẽ thấy. Tuy nhiên cái hại lớn lao của nó chính là làm cho con người…Quên mất Thiên Chúa, Đấng ở nơi mình. Martin Heidegger đã đưa ra nhận định hết sức xác đáng: “ Thảm họa đưa đến cho nhân loại hôm nay chính là vì “ Đã quên Thiên Chúa ( L’ Oublie de L’ Être ).
Ta có Nhớ đến Chúa thì Chúa mới Nhớ đến ta. Đây chính là cái lẽ “ Đồng thanh tương ứng. Đồng khí tương cầu” áp dụng cho cả đời thường lẫn đời tâm linh, không hề sai chạy.
Phùng Văn Hóa