KHOA  HỌC  VÀ  TÔN  GIÁO

          Đối với những thế lực chống phá giáo hội Công giáo thì vụ án Galileo ( 1592 – 1610 ) có thể được coi như là tiêu biểu cho sự xung khắc giữa khoa học và tôn giáo. Tuy nhiên cứ xét bản chất  vấn đề  và đời sống cá nhân của nhà bác học thiên tài này thì …dường như không phải như vậy: “ Galileo không hề bị tuyệt thông và thậm chí không như người ta đồn, ông không bị kết án lạc giáo  hay bị thiêu sống. Ông là một tín hữu nhiệt thành, xưng tội và rước lễ thường xuyên cho đến khi chết. Ông có rất nhiều bạn bè cũng như học trò trong hàng hồng y, giám mục và thần học gia. Trong suốt cuộc đời, ông đã trung thành với đức tin Công giáo. Ông chỉ phê bình tính chính xác của khoa học được trình bày trong Kinh Thánh chứ không phủ nhận giáo lý  về sự sáng tạo hay ơn cứu độ. Ông có lỗi vì đã chế nhạo  và thiếu vâng phục  Tòa Thánh nhưng không bị thiêu sống hay tuyệt thông như chúng ta vẫn nghe mà chỉ bị phạt đọc Thánh  Vịnh Sám Hối bảy tuần nhưng con gái ông, một nữ tu dòng kín đã xin làm thay ông, vụ án của ông kết thúc” ( Nguồn Catholic. Com vn – 08/10/2021 – Antonio Trần Trinh Trong – Vụ Án Galileo ).

          Theo đây thì Galileo không  bị kết án  vì đã đưa ra quan điểm trái ngược với giáo hội về Hệ Địa Tâm  nhưng chỉ vì đã phê bình tính chính xác của khoa học được trình bày trong Kinh Thánh  chứ không phủ nhận về sự sáng tạo hay Ơn Cứu Độ…

          Thật sự thì không phải vậy bởi vì chính quan điểm của Galileo khi phổ biến lý thuyết Hệ Nhật Tâm của Copernic ( 1473 – 1543 ) mà đã đi đến việc bị Tòa Án Dị Giáo của giáo hội thời đó kết án ! Trước đó tức trước khi có cuộc cách mạng thiên văn của Copernic, giáo hội vẫn hoàn toàn theo Hệ Địa Tâm của Plolemy cho rằng trái đất đứng yên và là trung tâm của toàn thể vũ trụ, mặt trời, trăng sao v.v…tất cả đều xoay chung quanh trái đất ?

          Chính với quan điểm…Địa  Tâm ấy, giáo hội đã xây dựng nên giáo lý về  Ơn Cứu Độ của mình và như vậy thì làm sao có thể nói Galileo không phê bình cả giáo lý về Ơn Cứu Độ ? Như vậy, việc nhà bác học ấy vẫn còn giữ được đức tin Công giáo xứng với đời sống  của một Ki Tô Hữu  đã cho ta thấy một khía cạnh khác của đời sống tôn giáo, có phải chăng nó không có gì xung khắc với  khoa học hay ngược lại ?

          Nói rằng tôn giáo xung khắc hay phù hợp với khoa học đều không đúng  lý do bởi vì cả hai không có cùng nhau trên một bình diện và nếu đã không cùng nhau trên một bình diện thì sao có thể nói nó xung khắc hay phù hợp ?

          “ Hồng y Barberuni, bạn của Galileo  có lần đã giải thích  lý do tại sao không thể xảy ra xung đột giữa khoa học và tôn giáo: Anh dạy cho mọi người biết bầu trời chuyển động ra sao, còn chúng tôi ( giáo hội ) dạy cho mọi người biết cách lên trời” ( Nguồn CH@, thứ sáu 04/8/2006 ).

          Qua việc giải thích này cho thấy đúng là không có gì xung khắc giữa khoa học và tôn giáo, bởi lẽ  bên nào  cũng  theo phận sự của  mình. Tuy nhiên  đó là chỉ nói đến phương pháp chứ còn về mục đích thì giữa khoa học và tôn giáo lại hoàn toàn khác biệt. Mục đích của khoa học là để khám phá về thế giới vật chất còn tôn giáo là con đường thực hiện tâm linh tức đi sâu vào  nội tâm con người.

          Mục đích khác thì tất nhiên phương pháp để đạt tới mục đích ấy cũng phải khác. Khoa học dựa trên thực nghiệm còn tôn giáo dựa trên đức tin. Nhận ra như vậy để cho thấy không thể dùng khoa học để phê phán tôn giáo hoặc ngược lại dùng đức tin tôn giáo để kết án khoa học giống như trường hợp đã xảy ra  trước đây qua vụ án Galileo!

          Trong vụ án này, giáo hội khi ấy vẫn một mực tin vào thuyết Hệ Địa  Tâm của Ploleme và cho đó là chân lý tuyệt đối về việc tạo dựng của Thiên Chúa. Một khi đã tin như thế thì không cách chi không kết án những ai dám nói ngược lại ?

          Vào thời  đó, tất cả những ai…nói khác với giáo hội không những về các tín điều mà còn cả khoa học nữa đều bị Tòa Dị Giáo kết tội, tất cả đều có nguyên nhân của nó đó là do đã giải nghĩa Sách Sáng Thế theo nghĩa mặt chữ ( Sens Litteral ):

          “ Có hay không sự xung đột giữa khoa học và tôn giáo ? Tôi không nghĩ rằng văn bản của Thánh Kinh lại có thể hòa giải được với tri thức khoa học hiện đại. Phải chăng những khám phá vật lý hiện đại, địa chất học, thiên văn học và sinh vật học mâu thuẫn với câu chuyện được kể trong Sáng Thế Ký về  sự sáng tạo trời đất và con người ? ( Nguồn CH@ thứ sáu 04/8/2006 đã dẫn ).

          Quả thật dưới cái nhìn của khoa học hiện nay, người ta thấy tất cả những gì được nói đến trong Sách Sáng Thế đều không thể chấp nhận chẳng hạn về thời gian hình thành vũ trụ, trái đất, về tổ tiên loài người  về đại hồng thủy về cuộc vượt qua Biển Đỏ trong thời Moise v.v…

          Những gì  khoa học  phê phán  tôn giáo ( Ki Tô giáo ) qua cách đánh giá Sách Sáng Thế xét ra đều đúng. Thế nhưng  đó chỉ là cái nhìn của  não trạng duy lý. Đang khi đó để đánh giá tính chân thực của Kinh Thánh nói chung và Sách Sáng Thế nói riêng  thì nhất thiết cần phải có đời sống  đức tin và thực hành đức tin ấy.

          Tôn giáo mà không có đức tin thì nó cũng chẳng khác chi những tổ chức xã hội phần đời, thế nhưng điều cốt yếu của đức tin tôn giáo là gì ? Xin thưa đó là tin ngoài thế giới  hữu hình hữu hạn này còn có những thế giới siêu hình, vô hạn mà giác quan cũng như lý trí con người không thể nhận biết.

          Thế giới vô hình  ấy mặc dù giác quan không thể nhận biết nhưng nó lại không hề có sự cách biệt về không gian với con người. Nói cách khác sự cách biệt ấy  chỉ là cách biệt của các chiều không gian mà thôi. Con người chúng ta  đang sống trong không gian ba chiều: Chiều dọc, chiều ngang và chiều cao nhưng còn có những chiều không gian khác mà kẻ phàm phu không nhận biết và vì thế cũng không thể đến được.

          Các chiều không gian khác phàm phu không nhận biết nhưng nó vẫn có thật bằng chứng có thể nêu lên qua các nhà ngoại cảm hoặc các thánh như Thánh Pio Năm Dấu, Thánh Faustina đã được các linh hồn nơi Luyện Ngục hiện về  để  xin cầu nguyện v.v…

          Tin ngoài thế giới vật chất hữu hình này còn có một  thế giới khác và  ước ao hướng về nơi ấy  đó là đức tin và cũng là Ơn Gọi của người Công giáo: “ Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh cũng như trong sự kêu gọi mình  mà anh em đã được gọi đến một hy vọng, một Chúa, một đức tin một phép rửa một ĐCT là Cha của mọi người, suốt qua mọi người và ở trong mọi người” ( Ep 4, 4 -6 ).

          Chỉ có một thân thể  đó là Thân Mầu Nhiệm Chúa Ki Tô cũng là Hội Thánh Công Giáo Tông Truyền và chỉ trong Hội Thánh ấy qua Phép Rửa Tội chúng ta mới có thể sống niềm hy vọng là Nước Thiên Đàng, giác quan không thể cảm nhận: “ Vì chúng ta được cứu trong  sự hy vọng nhưng sự hy vọng đã thấy  thì chẳng phải là sự hy vọng  vì có ai lại hy vọng điều mình đã thấy rồi ư ? Song nếu chúng ta hy vọng điều mình chưa thấy thì chúng ta mới nhẫn nại mà đợi trông” ( Rm 8, 24 -25 ).

          Thiên Đàng là niềm hy vọng chưa thấy. Có như vậy chúng ta mới nhẫn nại mà đợi trông và sự nhẫn nại ấy chúng ta thực hiện bằng cách kiên trì làm việc lành phúc đức nhất là bằng  việc cầu nguyện: “ Vì ĐCT há chẳng thân oan cho tuyển dân Ngài là kẻ đêm ngày  kêu cầu Ngài ư ?” ( Lc 18, 7 ).

          Cầu nguyện với lòng tin và sự nhẫn nại là hai điều kiện không thể thiếu để vào Nước Thiên Đàng. Thế nhưng trong thời Tục Hóa cao độ này, người Công giáo hầu như đã…bỏ qua vì không còn có đức tin: “ Dẫu vậy, khi Con Người đến há sẽ tìm được đức tin trên mặt đất này chăng ?” ( Lc 18, 8 ).

          Không có đức tin thì không thể cầu nguyện cách chân thành  mà đã không cầu nguyện ( Nguyện ) thì chẳng bao giờ có thể vào được Nước Thiên Đàng bởi vì… Nguyện chính là lòng ước ao tha thiết còn như không muốn thì làm sao có thể vào nơi ấy như có ai đó nói: Ngay cả người vô thần cũng vào Thiên Đàng ???!!!.

          Người vô thần  dĩ nhiên không tin sự hiện hữu của Thiên Chúa mà đã không tin Thiên Chúa hiện hữu thì cũng chẳng tin có Thiên Đàng, Hỏa Ngục và sự thưởng phạt đời đời…Sở dĩ người đời nay không tin có Thiên Đàng, Hỏa Ngục và sự thưởng phạt  đó là vì đã không biết được rằng sự thưởng phạt ấy không do một thế lực siêu nhiên nào  bên ngoài mình định đoạt nhưng chính là do Cái Tâm  mình  tạo ( Vạn Pháp Duy Tâm Tạo ).

          Như đã biết sự khác biệt giữa Khoa Học và Tôn Giáo  là ở nơi…mục đích và mục đích của tôn giáo chính là để tạo cho mình một cái Nhân thiện lành và khi  đã có Nhân thiện lành thì ắt sẽ có Quả thiện lành. Trong Đạo Công giáo thì cái Nhân thiện lành tốt nhất là thực thi Thánh Ý Chúa noi gương Chúa Giê Su Ki Tô: “ Trong Vườn Cây Dầu, Chúa than thở cùng Chúa Cha: Lạy Cha, nếu được, xin Cha cất chén đắng này cho con nhưng đừng theo ý con mà theo Ý Cha” ( Mt 26, 39 ).

          Vâng theo Thánh Ý Chúa trong mọi hoàn cảnh là điều vô cùng khó  nhưng chỉ có như vậy con người mới có thể thoát khỏi chốn trần gian khổ ải  để vào Nước Thiên Đàng đời đời hưởng phúc vinh.Thánh Faustina cũng vì hết lòng vâng theo Thánh Ý  dù chịu muôn vàn khổ đau nhưng chính vì thế  ngài đã nhận ra sự thật về cõi thế gian: “ Cuộc sống trần gian này chỉ là một cơn hấp hối, vì tâm hồn con cảm thấy được tạo thành cho những điều cao cả. Đối với  nó những thung lũng tầm thường nơi kiếp sống này chẳng có chi hấp dẫn vì quê thật của con là Nước Thiên Đàng. Đây là điều con vững tin” ( NK Lòng Thương Xót Chúa nơi linh hồn tôi – Số 1589 )./.

Phùng  Văn  Hóa

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts