Tiếp tục cuộc thảo luận về trí thông minh nhân tạo, nhà bác học Stephen Hawking người Anh đã lên tiếng tại hội nghị thượng đỉnh mạng Web nhóm tại Lisbone thủ đô Bồ Đào Nha và nhân dịp này ông đã cảnh báo những ích lợi và nguy hiểm của trí thông minh nhân tạo đối với toàn nhân loại. Ông nói:
“ Chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của một thế giới hoàn toàn mới mẻ. Trong thế giới mới này có thể có những lợi ích lớn cho con người. Nhưng đồng thời cũng có thể có biết bao là nguy hiểm. Phải làm sao để trí thông minh nhân tạo chỉ làm những gì chúng ta muốn nó làm mà thôi. Cho đến lúc này chúng ta không thể tiên đoán trước được là sẽ đi đến đâu khi kiến thức của chúng ta được trí thông minh nhân tạo hỗ trợ và mở rộng thêm….
Có thể là các nỗ lực này sẽ giúp chúng ta sửa chữa được những thiệt hại mà con người đang gây ra cho thiên nhiên. Có thể là nó sẽ giúp chúng ta nhổ bỏ tận gốc rễ nạn nghèo đói và các bệnh tật. Có thể là mọi khía cạnh cuộc sống chúng ta sẽ biến đổi hoàn toàn…
Nhưng cũng có thể là trí thông minh sẽ làm mất đi hàng triệu triệu công ăn việc làm và phá tan nền kinh tế cũng như xã hội của chúng ta để rồi biến thành biến cố tàn hại nhất đối với tương lai nhân loại. Chúng ta phải làm sao để trước hết định vị các nguy hiểm và giải trừ chúng toàn bộ, làm sao để trí nhân tạo chỉ đem lại những lợi ích cho toàn thể thế giới này thội” ( Nguồn Conggiao.Info – 17/11/2017 – Stephen Hawking – Cảnh báo về ích lợi và nguy hiểm của trí thông minh nhân tạo đối với toàn nhân loại )
Với đánh giá của một nhà khoa học, Stephen Wawking cho rằng trí thông minh nhân tạo vừa có thể co những ích lợi vừa có thể có tác hại lớn lao cho nhân loại. Ích lợi lớn đó là trí thông minh nhân tạo có thể giúp chúng ta sửa chữa được những thiệt hại mà con người đang gây ra hoặc sẽ giúp nhổ bỏ tận gốc rễ nạn nghèo đói và các bệnh tật….Còn cái hại của trí thông minh nhân tạo là sẽ làm mất đi hàng triệu triệu công ăn việc làm và phá tan nền kinh tế xã hội v..v…
Sau khi đề cập tới cái lợi và hại do trí thông minh nhân tạo đem đến Stephen Hawking nhắc nhở cần làm sao để trí nhân tạo chỉ đem lại những lợi ích cho nhân loại mà thôi. Thật ra trong nhận định của nhà bác học này cả về cái lợi cũng như cái hại của trí thông minh nhân tạo xét cho cùng nó chẳng những mâu thuẫn mà còn mang nặng tính ảo tưởng. Nói mâu thuẫn bởi vì vừa nói trí thông minh nhân tạo có thể nhổ bỏ tận gốc rễ nạn nghèo đói và các bệnh tật. Thế nhưng tiếp đó lại nói nó sẽ làm mất đi hàng triệu triệu công ăn việc làm, phá tan nền kinh tế cũng như xã hội. Giữa việc xóa bỏ tận gốc rễ sự nghèo đói bệnh tật phải chăng không có sự liên quan nào với sự mất đi hàng triệu triệu công ăn việc làm hay sao ? Hơn nữa cái gọi là trí khôn nhân tạo có thể đảm đương được công việc này tức là xóa bỏ tận gốc rễ sự nghèo đói bệnh tật hay ngược lại ?
Câu trả lời ở đây là không, không bao giờ trí khôn con người nói chung và trí khôn nhân tạo nói riêng có thể đem lại ích lợi hiểu như là nền tảng hạnh phúc chân thực và bền vững cho con người. Nền tảng ấy chúng ta chỉ có thể có được bằng sự khôn ngoan Thiên Chúa mà thôi.
Lý do khiến trí khôn nhân tạo không thể đem lại hạnh phúc cho con người bởi nó chỉ là sự si mê giả dối “ Vì sự khôn ngoan của thế gian này đối với ĐCT là sự ngu dại. Như có lời chép rằng: Ngài khiến kẻ khôn ngoan mắc quỷ kế của họ. Lại rằng Chúa biết ý tưởng của người khôn ngoan đều là hư không”( 1Cr 3, 19 -20 )
Kẻ khôn ngoan thế gian mắc quỷ kế và quỷ kế ấy chính là do Sa Tan bày ra hòng cám dỗ nguyên tổ nơi Vườn Địa Đàng. Rắn nói với Eva: “ Hai người chẳng chết đâu. Nhưng ĐCT biết rằng hễ ngày nào hai người ăn trái cây đó, mắt mình mở ra sẽ như ĐCT, biết điều thiện và điều ác. Người nữ thấy trái của cây đó bộ ăn ngon và đẹp mắt bèn hái ăn rồi trao cho chồng đứng gần mình, chồng cũng ăn nữa. Đoạn mắt hai người đều mở ra, biết rằng mình lõa lồ bèn lấy lá cây vả đóng khố che thân” ( St 3, 4 -7 ).
Sự cám dỗ của Sa Tan vô cùng xảo quyệt. Nó nói hai người cứ ăn đi chẳng chết chóc gì đâu. Thế nhưng hai người đã ăn để rồi con mắt xác thịt liền mở ra thấy mình lõa lồ phải lấy lá cây che lại. Một khi con mắt xác thịt mở ra thì mắt tâm linh phải đóng lại. Con mắt xác thịt mở ra ám chỉ cho cái thấy biết bằng sự phân biệt và chính là do cái thấy biết ấy mà con người mới trôi lăn trong khổ.
Thấy biết bằng sự phân biệt tức cái thấy mang tính nhị nguyên: Thị phi, bỉ thử, vinh nhục, phải trái, đẹp xấu, hơn thua, giàu nghèo, sang hèn, lợi hại v.v…Cái thấy biết trong sự phân biệt đây chính là cái bẫy Duy Lý mà triết học Tây Phương đã vướng vào để rồi gây ra những tác hại khôn lường không thể kể xiết. Cũng chính do nơi lý trí phân biệt ấy mà đạo nào cũng cho rằng mình nắm được chân lý còn đạo khác thì không để rồi gây ra các cuộc chiến tranh tôn giáo bất phân thắng bại. Lại nữa bởi phân biệt mà dân tộc này chống lại dân tộc kia, quốc gia này gây chiến với quốc gia nọ v.v…
Ai ai cũng cho mình là phải là duy nhất đúng. Tất cả chung quy cũng chỉ vì đã sa vào chước cám dỗ của Sa Tan và cái tên quỷ đầu xỏ này đã bị Đức Ki Tô nêu đích danh nó là cha của sự lừa dối “ Từ ban đầu ( thuở sáng thế ) nó là kẻ giết người, chẳng đứng trong lẽ thật đâu. Khi nó nói dối thì tự mình nó nói vì nó vốn là kẻ nói dối cũng là cha của sự ấy” ( Ga 8, 44 ).
Sa Tan là đứa giết người nhưng cũng như xưa kia nguyên tổ đã nghe theo lời nó để rồi đã bị Thiên Chúa đuổi ra khỏi Địa Đàng chịu vô vàn sự khổ ( St 3, 14 -19 ) thì hết thảy chúng ta những cháu con của Eva ( Adam gọi vợ mình là Eva bởi vì bà là mẹ của chúng sinh – St 3, 20 ). Cũng không thể tránh khỏi cái thân thân phận của kiếp lưu đày.
Cuộc lưu đày này sẽ mang tính bất khả phục hồi nếu không có sự xuất hiện nơi đời của Chúa Cứu Thế Giê Su với Cây Thập Giá “ Bởi chưng Đạo Thập Tự Giá đối với những kẻ bị hư mất thì là ngu dại. Song đối với chúng ta là những người được cứu thì là quyền năng của ĐCT. Vì có lời chép rằng: Ta sẽ hủy diệt sự khôn ngoan của người khôn ngoan. Loại bỏ sự thông sáng của người thông sáng. Người khôn ngoan ở đâu ? Văn sĩ ở đâu ? Biện sĩ đời này ở đâu ? ĐCT há chẳng đã làm cho sự khôn ngoan của thế gian này ra ngu dại ư ? Vì tại thế gian cậy sự khôn ngoan mình chẳng do sự khôn ngoan ĐCT mà nhận biết ĐCT cho nên ĐCT vui lòng dùng sự ngu dại của đạo chúng ta rao giảng mà cứu những kẻ tin” ( 1Cr 1, 18 -21 ).
Đối với những kẻ bị hư mất thì Đạo Thập Giá là sự ngu dại. Nhưng với những kẻ được cứu thì đó lại là sự khôn ngoan Thiên Chúa. Tại sao như vậy ? Bởi lẽ những kẻ bị hư mất thì coi khinh thập giá vì còn thấy Có Mình ( vị ngã ). Người thế gian thì thấy có mình và “ Mình” đây chính là xác thân mình. Nói cách khác người đời không ai lại không đồng hóa mình với xác thân. Gabriel Marcell một triết gia Công giáo nổi danh đã nói “ Tôi là xác tôi” ( Je suis mon corp ).
Vì đã đồng hóa mình với xác thân thế nên người đời đã làm hết cách để lo lắng bồi bổ sửa sang làm đẹp cho thân xác và coi đó mới là khôn ngoan. Đang khi đó dù có lo lắng cho thân bao nhiêu thì nó vẫn chỉ là cái túi chứa khổ. Hết bệnh này đến tật kia rồi cuối cùng là cái chết đến trong mê mờ không sao tránh khỏi. Chấp xác thân là mình không thể không đưa đến nỗi khổ. Chính bởi vậy Lão Tử nói “ Ngô sở dĩ hữu đại hoạn. giả vị ngô hữu thân. Cập ngộ vô thân ngô hữu hà hoạn ?( Sở dĩ vì ta có thân nên ta mới khổ. Bằng như ta không có thân làm sao có khổ chương XIII ).
Có ai lại không có thân, không thân làm sao tồn tại ? Vấn đề ở đây không phải ở chỗ có thân hay không thân nhưng là chấp xác thân này là mình. Xác thân chỉ là thứ vật chất vô tri nó không biết khổ. Cái…biết khổ ấy chính là ở nơi Tâm. Cái Tâm muốn có thật nhiều tài sản nhà cửa ruộng vườn nhưng không được nên mới có khổ. Cái Tâm muốn có quyền hành danh giá địa vị này nọ nhưng không được nên khổ. Cái Tâm muốn được sống mãi để hưởng sự đời nhưng không được nên mới khổ v.v….Những cái muốn mà không được ấy chính là nguồn gốc của mọi thứ khổ đau phiền não trên đời.
Bị trói buộc trong những cái ước muốn… không được ấy thế nên con người cứ sống triền miên trong khổ. Giờ đây Đức Ki Tô đến để đem lại sự giải thoát bằng cách nói lên Sự Thật “ Chúa Giê Su bèn phán cùng những người Do Thái đã tin Ngài rằng: Nếu các ngươi cứ ở trong đạo của Ta thì thật là môn đệ Ta. Các ngươi sẽ nhận biết Sự Thật và Sự Thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 -32 ).
Chúa không hề nói Ngài đến để giải thoát nhưng là để nói lên Sự Thật. Điều này rất ư quan hệ bởi lẽ nếu cho rằng Ngài đến để giải thoát thì chúng ta sẽ trở nên những người thụ động chỉ biết trông mong vào Chúa còn về phần mình thì chẳng cần làm gì cả !!! Đời sống tâm linh nhất định phải là một cuộc hành trình tìm kiếm Sự Thật và chính Sự Thật ấy khi được tìm thấy sẽ giải thoát ta.
Tìm kiếm Sự Thật cũng chính là tìm kiếm sự khôn ngoan Thiên Chúa. Dẫu vậy có điều nên nhớ là sự khôn ngoan ấy chẳng có ở đâu xa ngoài mình “ Ai từ sáng sớm đã tìm Đức Khôn Ngoan thì không phải nhọc nhằn vất vả. Họ sẽ thấy Đức Khôn Ngoan ngồi ngay trước cửa nhà mình. Để tâm suy niệm về Đức Khôn Ngoan mà thức khuya dậy sớm sẽ mau trút bỏ được mọi nỗi âu lo” ( Kn 6, 14 -15 ).
Đức Khôn Ngoan ấy không phải điều gì khác mà là nhận biết sự thật Con Thiên Chúa ở nơi mình. Chúng ta đều được dựng nên là Hình Ảnh Thiên Chúa là Con Thiên Chúa ( St 1, 26 ) từ trong bản chất. Thế nhưng chỉ vì vô minh che lấp thế nên đã không nhận ra đó mà thôi. Sự che lấp ấy chân bản tính ở nơi mỗi người ấy chính là sự đắm chấp thế gian coi đó là cứu cánh của đời mình. “ Chớ thương yêu thế gian cũng đừng thương yêu các vật ở thế gian nữa. Nếu ai yêu thương thế gian thì tình thương yêu Cha chẳng có ở trong người ấy. Vì mọi sự trong thế gian như tư dục của xác thịt. Tư dục của mắt và sự kiêu căng của đời sống này đều chẳng phải từ Cha bèn là từ thế gian mà ra. Vả thế gian với tư dục của nó đều qua đi. Song ai làm theo ý chỉ của ĐCT thì còn lại đời đời” ( 1Ga 2, 15 -17 ).
Người thế gian thì yêu thế gian nhưng sự yêu thương ấy chẳng qua chỉ là những dục vọng mù quáng. Cái kết cuộc của mọi chế độ mọi nền văn minh trên trái đất này là gì thì ai cũng biết, tất cả đều đi đến con đường diệt vong. Với trí thông minh nhân tạo, quả thật con người đang ở ngưỡng cửa của một thế giới mới nhưng cái gọi là thế giới mới ấy chắc chắn không thể có sự hiện diện của Thiên Chúa Đấng là Tình Yêu mà nơi nào không có Tình Yêu thì nơi đó sự dữ mặc sức hoành hành.
Phùng Văn Hóa