Không

Không!  Không!  Tôi không còn yêu em nữa.
Không!  Không!  Tôi không còn yêu em nữa.
Không!  Không!  Tôi không còn yêu em nữa em ơi.

Tình đời thay trắng đổi đen.  Tình đời còn lắm bon chen.
Tình đời còn lắm đam mê.  Nên tình còn lắm ê chề.

Tình mình có nghĩa gì đâu.  Tình mình đã lắm thương đau.
Tình mình gian dối cho nhau.  Thôi đành hẹn lại kiếp sau.

Không!  Không!  Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa.
Không!  Không!  Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa.
Không!  Không!  Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa em ơi…..

Nguyễn Ánh 9

****************************************

Có lẽ không người Việt nào sống ở Sài gòn vào những năm 1969-1970 mà không biết đến nhạc phẩm “Không” của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.  Bản nhạc ra đời như một câu trả lời cho thắc mắc của Khánh Ly: “Ông có còn thương người ấy?”  Người ấy là mối tình đầu khi nhạc sĩ mới 18 tuổi.  Hai người tình thơ trẻ bị cuốn vào niềm đam mê choáng váng và mãnh liệt.  Nhưng dường như là số phận, những mối tình quá đẹp, thường khó vẹn toàn.  Gia đình cô gái không đồng ý cho con mình yêu anh nhạc sĩ nghèo, sống lang bạt kỳ hồ.  Ngăn không được lòng đôi trẻ, cha mẹ cô dùng kế ly gián, gây nghi ngờ hờn giận cho hai người, rồi đưa cô gái sang Pháp sống, hòng ngăn cản mối tình “rồ dại” với chàng nhạc sĩ.

Năm 1965, người nhạc sĩ lập gia đình và tin tưởng những giông bão của mối tình đầu sẽ ngủ yên.  Nhưng thực tế, trái tim ông đã không còn cảm giác sau mối tình đầu, bởi tình yêu đã vĩnh viễn câm lặng.  Năm 1974, ông gặp lại người tình xưa khi cô về Sài Gòn, cô vẫn một mình, vẫn yêu ông và chẳng oán trách gì.  Đã lỡ làng, có xót xa thì cũng đành sống cho hết bi kịch một kiếp người.  Họ lại xa nhau, lần này là mãi mãi, để vùi chôn những dấu yêu xưa cũ vào đáy lòng mình, nhức buốt, cho tới hơi thở cuối cùng.

Ca khúc “Không” được Khánh Ly thu lần đầu trên đĩa nhựa Tình ca quê hương và cũng chính nhạc phẩm “Không” đã đưa Elvis Phương “lên sao” ở thập kỷ 70, sau đó nổi tiếng đến mức công chúng gọi Nguyễn Ánh 9 là ông “Không”.

****************************************

Ở hải ngoại, tôi thường được nghe bài“Không” đã được hòa âm (remix) lại sau này với điệu nhạc Disco giật gân, nhanh vui và dồn dập.  Trong đĩa video ca nhạc Asia, ca sĩ Mai Lệ Huyền đã lột tả tận chân chữ “không” của bài nhạc với khuôn mặt lạnh lùng, một cái ngoắt đầu qủa quyết, cái khoát tay mạnh mẽ, đôi môi mím chặt, thêm với ánh mắt hờn căm của kẻ bị tình phụ.  Tất cả được phụ họa thêm bằng những pha ánh sáng trắng đen chớp tắt liên hồi, tiếng trống chát chúa từng nhịp một.  “Không”, dứt khoát là không!  Không còn yêu thương, luyến tiếc!  Cũng chẳng tiếc thương chi mối tình đã lắm thương đau.  Dù chẳng biết ai gian dối với ai?  Dù chẳng hiểu mối tình đang đẹp sao trở thành “có nghĩa gì đâu?”  Ai là kẻ bon chen và gây ra lắm ê chề?  Chẳng hiểu vì sao, người nghe chỉ cảm nhận được một âm điệu “không” dứt khoát và rõ ràng.  Một tiếng “không” chát chúa chói tai!  Một tiếng “không” lạnh lùng bẽ bàng!  Không là không!  Trăm lần không, ngàn lần không!  Đừng hy vọng đợi chờ!  Đừng năn nỉ luyến lưu….  Nếu có chăng, chỉ là kiếp sau!  Nghe tiếng “không” mạnh mẽ quyết liệt này, thì dù chưa muốn chia tay, dù còn vấn vương, người yêu cũng đành phải ngậm ngùi ra đi…

Trong một dịp tình cờ tôi được đọc một bài phỏng vấn của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 về tác phẩm “Không” bất hủ này.  Thật ngạc nhiên khi khám phá ra cả một tâm tư thầm kín của tác giả gởi gắm trong hồn thơ nốt nhạc.  Đó không phải là một chữ “không” dứt khoát quyết liệt, bẽ bàng như người ta thường được nghe và hiểu sau này.  Bản nhạc nguyên thủy được soạn với điệu Slow Rock lả lướt, tình tứ du dương, tiếng nhạc réo rắt nhẹ nhàng diễn tả một chữ “không” đầy ẩn ý mời gọi.  Hiểu chữ “không” này như thế nào, điều đó tùy thuộc vào độ rung cảm của tâm hồn và nhịp đập của con tim.  Tim tôi và tim em, hai kẻ trong cuộc đã từng một thời yêu thương!  Với tác giả, đó là một chữ “không” giận lẫy, đầy trách móc nhưng không dứt khoát.  Một chữ “không” để hở!  Nói “không” nhưng không phải là “không!”  “Không” đó nhưng đầy hàm ý chờ đợi, đẩy em đi nhưng lại muốn kéo em về.  Mấy nốt cuối cùng của điệp khúc “tôi không còn yêu em nữa, em ơi…..” được kéo dài ra, luyến láy nói lên cái tâm tình xao xuyến chờ đợi, như dằng co, như muốn kéo áo người đừng đi.  Nếu tình đã gian dối, lắm thương đau, nhiều ê chề thì hẹn chi đến kiếp sau?  Mâu thuẫn!  Gian dối một kiếp, một đời chưa đủ hay sao?  Lúc giận nói thế, nhưng không phải thế!  Bởi còn yêu mới giận.  Nói “không” để lòng bớt đau, nói giận để lòng bớt thương, nói hận để lòng bớt nhớ!  Phủ định để tự khẳng định!  Người yêu có hiểu lòng kẻ nói “không”?  Người đi có hiểu lòng kẻ ở?  Nghĩa chữ “không” vời vợi đầy đau khổ, tuyệt vọng nhưng vẫn chờ đợi, oán trách nhưng vẫn yêu đậm sâu.  Ai kia nếu có hiểu mới gọi là yêu!

Chữ “không” bí ẩn của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trong ca khúc “Không” đã được thế hệ sau hòa âm lại, hiểu theo nghĩa trắng đen của thời đại, nhưng lại lệch lạc với tâm tình của tác giả gởi gắm trong đó.  Cả một con tim sôi sục yêu thương được diễn tả bằng giọng hờn giận nhẹ nhàng của điệu nhạc Slow Rock tình tứ, trách đó nhưng yêu đó, giận đấy nhưng vẫn đợi đây đã được chuyển sang nhịp giật gân, dồn dập như hối thúc người ta đi cho lẹ, như muốn thanh toán mối tình cho xong để còn tính chuyện khác.  Cả một trời ẩn ý được che dấu dưới chữ “không” ai oán não nùng, nào có ai thấu hiểu nỗi lòng của kẻ nói chữ “không” nếu không được nghe chính tác giả tâm sự?

****************************************

Chữ “không” huyền bí nhiều ý làm tôi liên tưởng đến chữ “không” của Thiên Chúa.  Thưở ban sơ, Ngài đã nói “không”, con người sẽ phải chết và đuổi ra khỏi vườn địa đàng sau khi loài người phạm tội bất tuân.  Nhưng sau đó, Con Một của Thiên Chúa lại chết để con người được sống.  Quả là một chữ “không” mâu thuẫn!  Một cái chết ô nhục khổ đau trên thập tự đồi Golgotha năm xưa của Chiên Thiên Chúa đã nói lên bao điều.  Không những thế, Người Con Một đó đã đến thế gian truyền rao một thông điệp về tình yêu thâm sâu vô biên của Thiên Chúa Cha.  Rằng Thiên Chúa đã yêu thương loài người đến nỗi đã ban Người Con Duy Nhất cho thế gian.  Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người đã dám thí mạng sống mình vì bằng hữu.  Ôi, một chữ “yêu” nhiệm mầu!  Một Thiên Chúa quyền năng sáng tạo muôn loài muôn vật từ hư không, nhưng lại bó tay “không” thể cứu chuộc con người nếu “không” có sự hợp tác của con người.  Một chữ “không” khó hiểu!

Thật không dễ dàng để đối diện với chữ “không” phũ phàng của Đấng mà mình đã đặt trọn tin yêu!  Đã bao lần, Thiên Chúa nói “không” với tôi trong cuộc sống này, mỗi khi tôi xin nhưng không được, tìm nhưng không thấy, gõ cửa nhưng không được mở.  Tôi phải hiểu nghĩa chữ “không” này như thế nào đây?  Xin thành công chỉ gặp toàn thất bại, xin Chúa chữa lành bịnh tật thì thấy bịnh nặng thêm, xin hạnh phúc lại gặp toàn khổ đau.  Xin cho đường đời êm ả bên những đứa con ngoan hiền thì gia đình tan tác, con cái vô đạo nghĩa.  Tại sao và tại sao?  Ngay cả khi tôi xin những điều tốt lành cho phần hồn mình và của những người thân thương, Thiên Chúa vẫn nói: “Không, chưa phải lúc!”

Thật không dễ dàng để thông hiểu chữ “không” đầy cay đắng của Thượng Đế quyền uy.  Tôi cần phải nhìn lên thập giá Chúa Giêsu, ngước mặt lên trời cao để nhìn thẳng vào ánh mắt của Đấng đã nói “không”, để hiểu tâm tình của Ngài đằng sau chữ “không” đáng ghét kia.  Thiên Chúa cũng đã từng nói “không” với Người Con duy nhất của Ngài trong vườn Cây Dầu.  Ngài đã “không” cất chén đắng cho Giêsu nhưng Ngài ban thêm sức mạnh và nguồn an ủi thiêng liêng cho Giêsu.

Trong phút giây đối đầu với sự chết, Chúa Giêsu cũng đã từng có tâm tình bị bỏ rơi bởi Người Cha yêu dấu, nhưng Ngài đã không bỏ cuộc và sau cùng Ngài đã chiến thắng.  Trong men cay chua chát của thất bại, lạ thay tôi nhận ra đức khiêm nhường trổ sinh hoa trái.  Trong thể xác ốm yếu bịnh hoạn, tôi thấy linh hồn mình tỉnh thức sống gần Chúa hơn.  Dãy dụa trong bể khổ, tôi thấy mình chán ghét thế gian hào nhoáng, lòng hướng về một hạnh phúc viên miễn hơn.  Đi trên đường đời gập ghềnh sóng gió, người mang đầy thương tích, tôi thấy mình bám chặt vào Chúa hơn và ngỡ ngàng nhận ra đức tin cậy mến của mình sáng rực như bó đuốc trong đêm đen.  Phải chăng qua chén đắng của chữ “không”, Thiên Chúa đang dạy dỗ tôi nhiều điều.  Ngài giúp tôi lớn hơn trong đời sống thiêng liêng và mở mắt tâm hồn tôi để nhìn thấy được những điều cao cả thuộc về thượng giới hơn?

Có lẽ khi chữ “yêu” kết hợp với chữ “không” sẽ giúp người trong cuộc hiểu rõ nghĩa từ thâm sâu huyền nhiệm của chữ “không” hơn.  Tùy theo mức độ “yêu” để hiểu nghĩa chữ “không”.  “Không” đi một mình thì thuần túy chỉ là “không” đúng nghĩa trắng đen, chẳng cần phải“yêu” cũng có thể hiểu.  Nhưng “không” đi với hơi thở của con tim, với ánh mắt tha thiết yêu thương, với độ rung cảm của linh hồn, chữ “không” chắc hẳn không còn là “không” nữa.  Người trong cuộc sẽ hiểu tại sao Thiên Chúa lại nói “không” với mình, khi Thiên Chúa đã dám cho đi cái qúy nhất của Ngài.  Chắc hẳn phải có lý do ẩn khuất đằng sau chữ “không” đắng chát kia.  Nghĩa chữ “không” vời vợi khó hiểu!  Có lẽ cần phải “yêu” nhiều hơn nữa mới có thể hiểu được chữ “không” của Thiên Chúa Tình Yêu.

Phêrô và Giuđa, cả hai cùng theo Thầy ròng rã ba năm trời, trực tiếp nghe những lời giáo huấn từ miệng Thầy, hiểu rõ tấm lòng yêu thương vị tha của trái tim Thầy.  Đến giây phút thử thách, cả hai cùng phản bội tình yêu của người Thầy yêu dấu.  Một người bán Thày cho các tư tế, còn một thì leo lẻo chối Thày giữa đám đông.  Với tình yêu, sự phản bội nào cũng xấu xa như nhau.  Cuối con đường, cả hai đã hoà âm lại chữ “không” theo hai nghĩa khác nhau.  Giuđa hiểu rằng Thầy đã nói “không” với mình.  Thế là hết, là xong mối tình thầy trò ba năm!  Không còn con đường nào khác cho kẻ phản bội, và ông đã tự mình đi đến ngõ cụt của chữ “không” lối thoát đó bằng cách tự tìm đến cái chết oan nghiệt.  Phêrô thì can đảm hơn để nhìn lên ánh mắt của Thầy và đọc được một sứ điệp trái ngược.  “Không, cho dù con xấu xa phản bội, Thầy vẫn yêu thương con.  Không, đừng bỏ đi, con ơi!  Cho dù con vấp ngã chối Thầy nhưng Tình Yêu chấp nhận cái tốt lẫn cái xấu.  Không, con phải đứng lên bằng chính đôi chân của mình!  Cho dù con phản bội nhưng Thầy vẫn thứ tha và chờ đợi…  Không, con không được bỏ cuộc!  Thầy và anh em vẫn cần con và mong con quay về….”  Thế là Phêrô cất bước trở lại với anh em, với sứ mạng Thầy đã giao phó và cuối cùng đã chết vì người Thầy mình đã một thời chối bỏ.  Phải chăng vì Phêrô yêu Thầy hơn Giuđa yêu Thầy, nên ông hiểu nghĩa chữ “không” đúng với tâm tình của Thầy hơn?

Hai cách hiểu chữ “không” khác nhau dẫn đến hai kết cục khác nhau.  Dù hai cách hiểu hay nghìn cách hiểu, ý tưởng của tác giả cũng chỉ có một.  Thiên Chúa là Đấng trung thành với lời hứa, với những gì Ngài đã nói.  Ngài hằng mong muốn nhân loại nhìn lên cái chết ô nhục đau thương của Người Con Một trên thập giá, để hiểu cho đúng ý nghĩa yêu thương của trời cao, để mỗi khi gặp phải chữ “không” lạnh lùng trong cuộc sống thì đừng vội tuyệt vọng chán nản, đừng vội bỏ cuộc và đừng bao giờ diễn dịch chữ “không” cao siêu nhiệm mầu của Thiên Chúa theo ý phàm tục riêng mình.  Tác giả Nguyễn Ánh 9 trong bài phỏng vấn đã kêu gọi ca sĩ khi trình bày nhạc phẩm “Không”, hãy tôn trọng tâm tình của người viết nhạc và linh hồn bài hát.  Ca sĩ là người dùng nghệ thuật âm nhạc, giọng hát, cách diễn đạt để lột tả cho trọn vẹn ý tưởng của tác giả gởi gắm trong ca khúc đó chứ không phải phiên dịch lại theo ý mình.  Cùng là một thân phận nghệ sĩ, chắc hẳn Thiên Chúa cũng có một tâm tình như nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.  Mong sao thế nhân hiểu cho đúng, diễn tả cho trọn cái tâm tình của Thiên Chúa gởi gắm trong những tác phẩm nghệ thuật của Ngài, mà đỉnh cao của những tác phẩm nghệ thuật đó chính là cây thánh giá cheo leo trên đồi Golgotha năm xưa và Lời Yêu Thương được gói ghém trong cuốn Thánh Kinh.

Qua tình khúc “Không” của điệu Slock Rock, người nghe cảm nhận được nỗi đau, vị chát, men cay, sự thất bại ê chề của người nói chữ “không,” hơn là kẻ được nghe chữ “không.”  Mâu thuẫn thay, tôi lại cảm nhận được nỗi tuyệt vọng cay đắng của người nghe chữ “không,” nhưng chưa bao giờ tôi thử tìm hiểu xem cõi lòng của Thiên Chúa ra sao khi Ngài phải nói chữ “không” với tôi!  Đến bao giờ tôi mới hiểu được tâm sự của người nói chữ “không?”  Chẳng biết tôi có thể hiểu được hay không, khi tôi cứ mãi gục xuống trong cơn đau của mình?

****************************************

Lạy Thiên Chúa là Đấng thấu hiểu mọi sự, con viết bài này cho vơi bớt cơn đau,  cho quên nỗi ưu phiền vì Chúa cũng đang nói “không” với con trong lúc này đây.  Linh hồn con đang bên bờ tuyệt vọng vì không hiểu sao Chúa cứ mãi nói “không!”  Con không muốn xin gì thêm nữa vì đã quá mỏi mệt, vì dư âm đắng ngắt của chữ “không” vẫn còn đọng nơi đầu môi.  Con chỉ xin một điều duy nhất là cho con biết luôn cậy trông và phó thác vào tình yêu thẳm sâu nhiệm mầu của Chúa.  Gọi là nhiệm mầu vì đôi lúc con không hiểu được tình yêu đó.  Phần còn lại, Chúa muốn cho gì thì cho, vì Chúa đã trao ban Người Con duy nhất của Ngài cho con rồi thì chắc Chúa chẳng tiếc gì những thứ khác nữa.  Amen!

Lang Thang Chiều Tím

Chia sẻ Bài này:

Related posts