Tác giả Tin Mừng thứ tư khẳng định những điều đã được tác giả viết về Chúa Giêsu còn rất giới hạn. Vì quyền năng, ân phúc và tình yêu của Ngài thì vô cùng, con người khó có thể diễn tả ra hết bằng lời. Muốn hiểu về Chúa Giêsu, chúng ta cần đến gặp gỡ chính Ngài. Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, lịch sử nhân loại từ khi tạo dựng đến nay, chúng ta thấy, tất cả những ai đến và gặp Chúa Giêsu đều tìm được con đường sống trọn hảo.
Trang Tin Mừng hôm nay giới thiệu cho chúng ta hai con người rất bình thường nhưng đã được Chúa Giêsu yêu thương mời gọi, biến đổi và làm cho nên phi thường.
Chúa Giêsu nói với các môn đệ và với mỗi người chúng ta về một tình yêu cao cả nhất. Chúa đã lấy sự hy sinh làm thước đo tầm mức lớn lao của tình yêu: tình yêu càng tiến cao lên đỉnh thập giá thì càng đẹp đẽ, càng tinh ròng, càng cao cả. Nếu như có ai đó còn nghi ngờ chân lý ấy, họ hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu trên thập giá. Khi đó, họ sẽ hiểu rằng đến như Thiên Chúa, Đấng toàn năng và không hề biết đến đau khổ, đã tự nguyện vác lấy thập giá và hy sinh chính mạng sống mình chỉ vì yêu thương và để cứu độ con người.
Mỗi người được Chúa gọi làm tông đồ theo cách thức riêng của mình, không ai giống ai: Phêrô khác Gioan : Phêrô sẽ tử đạo để biểu lộ lòng mến, nhưng Gioan lại ca ngợi Thiên Chúa tình yêu bằng trái tim và ngòi bút của mình…các tông đồ khác cũng thế. Điều quan trọng không phải là so sánh địa vị cao thấp, công việc này khác … nhưng là chu toàn bồn phận Chúa trao cho mình, ở đây và lúc này. Và khi chúng ta hoàn thành tốt đẹp ơn gọi của mình, đồng nghĩa với việc chúng ta đóng góp vào việc hoàn thành ơn gọi của anh chị em và liên đới với nhau để hoàn thành chương trình chung của Thiên Chúa, như các chi thể trong một thân thể vậy.
Phêrô, một ngư phủ, cũng là một doanh nhân nhỏ mà ít ai quan tâm đến, cạnh đó là một Gioan trẻ tuổi không mấy gì đặc biệt. Có thể nói các ngài thuộc loại “vô danh tiểu tốt”, tưởng rằng các ngài sẽ sống và chết cách bình thường như bao người khác, nhưng khi các ngài đáp lại lời mời gọi “hãy theo Thầy” của Chúa Giêsu, các ngài đã bước vào một đời sống mới, để một đời làm chứng cho tình yêu Giêsu. Sống hết mình để đáp lại lời mời gọi của Thầy, cuộc đời các ngài đã trở nên phong phú và đơm bông kết trái đến nỗi hơn 2000 năm qua, nhân loại vẫn truyền tụng về các ngài và chắc chắn sẽ còn truyền tụng về các ngài cho các thế hệ tương lai.
Chỉ có nơi Giêsu, chúng ta mới gặp được chính mình, mới hiểu được thế nào là sống và mới biết phải sống thế nào. Chỉ nơi đó, chúng ta mới tìm được sự bình an và sức mạnh để làm cho cuộc sống của mình và của mọi người được triển nở và phong phú.
Nếu như tình yêu kết thúc ở thập giá thì đó quả là một tình yêu vô lý và vô nghĩa; và người ấp ủ tình yêu ấy có khác nào một kẻ nghiện đau khổ bệnh hoạn. Cùng đích của tình yêu phải là niềm vui và sự giải thoát. Chúa Giêsu đã không đón nhận tất cả đau khổ và cái chết chỉ để chết. Người đã sống lại và đem đến ơn cứu độ cho tất cả chúng ta. Như vậy, tình yêu đích thực là tình yêu bước qua thập giá để đi đến phục sinh.
Trong thực tế cuộc sống, đáng buồn thay, nhiều khi chúng ta không nhận ra tình yêu, ơn gọi mà Thiên Chúa dành cho mỗi người và không biết tìm hiểu khả năng, hoàn cảnh của mình để sống đúng ý Chúa. Từ đó đã xảy ra biết bao nhiêu ghen tỵ, bè phái, tranh chấp, tranh giành ảnh hưởng rộng hẹp, địa vị thấp cao trong sinh hoạt thường ngày, trong đời sống làm ăn kinh tế và ngay cả trong đời sống tận hiến, công cuộc tông đổ của Giáo hội nữa, để rồi thiếu tinh thần tông đồ ngay trong việc tông đồ, thiếu bác ai với nhau ngay trong việc bác ái ! Thay vì nâng đỡ bổ túc cho nhau thì lại gây ra bao gương mù gương xấu phản lại với tinh thần của Chúa Kitô, và trở thành phản chứng nhân.
Người môn đệ của Chúa Giês không dừng lại ở chỗ làm được bao nhiêu công việc như thế, hoặc bằng lòng với những thành quả mà những công việc ấy mang lại và coi đó như là cùng đích cho hoạt động của mình. Tinh thần triệt để của Tin Mừng mời gọi người môn đệ Chúa phải đi xa hơn.
Hẳn ta còn nhớ lời Chúa nói với Phê-rô: “Phần anh, hãy theo Thầy” nhắc nhở các môn đệ nhớ điều cốt lõi này, đó là đi theo và thuộc về Chúa Ki-tô mỗi ngày một mật thiết hơn thông qua các bổn phận, các việc thiện hảo họ làm thường ngày.
Chúa Giêsu cần mỗi người chúng ta làm chứng nhân cho Chúa trong hoàn cảnh có thể của mình. Ngài cần đôi tay, bàn chân, môi miệng, trái tim chúng ta để tiếp tục hiện diện và hành động. Có người làm chứng bằng máu, có người bằng cuộc sống từ bỏ quên mình, có người bằng những nghĩa cử hy sinh phục vụ, có người bằng cuộc sống trong âm thầm đau khổ.