(Ảnh minh họa) |
Những ai thường theo dõi các cuộc biểu diễn hoặc thi đấu thể dục thể thao, đặc biệt lả ở các giải Châu Âu và Châu Mỹ, sẽ thấy nhiều vận động viên làm dấu Thánh giá trước khi vào sân và sau khi rời sân. Môt số cầu thủ bóng đá quỳ xuống tại chỗ, làm dấu Thánh giá sau khi sút tung lưới đối phương rồi mới đứng dậy nhảy nhót, reo vui cùng các đồng đội. Một số được huấn luyện viên giao nhiệm vụ đá trái phạt đền tỏ vẻ nghiêm trang làm dấu, thầm thì cầu nguyện gì đó sau khi đặt trái bóng trên chấm phạt đền.Châu Âu vốn là cái nôi của đạo Công giáo còn Châu Mỹ vốn được các nhà truyền giáo từ Châu Âu vượt Đại Tây Dương đặt chân đến huấn truyền đạo Công giáo từ hơn 500 năm trước. |
Bởi vậy hầu hết các vận động viên thuộc các quốc gia ở hai châu này theo đạo Công giáo là điều hẳn nhiên dễ hiểu. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là họ làm dấu Thánh giá một cách tự nhiên như là một phản xạ tự nhiên giữa đám đông khán giả đang theo dỏi họ thi đấu hoặc biểu diễn. Một phản xạ tự nhiên cho dù được thể hiện một cách vô thức hay có ý thức thì cũng là biểu hiện niềm tin của họ vào Ba Ngôi Thiên Chúa. Họ làm dấu Thánh giá: nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Hoặc minh định hơn: nhân danh Chúa Cha, nhân danh Chúa Con, nhân danh Chúa Thánh Thần. Đã trở thành như một phản xạ tự nhiên, chắc là cử chỉ biểu hiện niềm tin của họ còn diễn ra mọi lúc, mọi nơi, trong mọi tình cảnh. Họ làm dấu Thánh giá cầu xin Chúa Ba Ngôi phù hộ trước khi họ khởi sự một công việc và làm dấu tạ ơn ba Đấng sau khi hoàn tất công việc.Làm dấu Thánh giá là cách thức biểu hiện niềm tin của người Kitô hữu. Và các tín hữu Công giáo biểu hiện những lúc đọc kinh, tham dự Thánh lễ và trong các giờ phụng vụ khác. Có người biểu hiện một cách sốt sắng, trang trọng, cũng có người biểu hiện xem chừng một cách hờ hững, dường như họ làm dấu cho có lệ, làm theo thói quen chứ không theo ý thức nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Họ làm dấu Thánh giá theo thói quen những lúc tham dự các nghi thức phụng vụ, trong các bữa ăn gia đình hoặc các bữa tiệc cùng với những người đồng đạo như các bữa tiệc đoàn thể Công giáo tiến hành. (Những dịp này có người được chỉ định chủ trì làm dấu đọc kinh trước khi nhập tiệc). Hiếm thấy họ làm dấu trong những dịp khác, nhất là trong những môi trường không người đồng đạo. Họ e ngại, hay nói đúng hơn họ cảm thấy mắc cở khi một mình làm dấu trước những người ngoài xa lạ.
Tối thứ Bảy vừa rồi người viết được một người bạn thân mời đi dự tiệc gia đình đặt ở nhà hàng. Trước khi nhập tiệc người bạn tôi trang trọng đứng dậy tuyên bố lý do và giới thiệu vợ chồng người con gái từ nước Pháp mới về Việt Nam. Gia đình đặt bữa tiệc này có ý ra mắt cho bạn bè biết chàng rễ của họ. Một vị khách mời đứng dậy đại diện phát biểu cảm ơn và chúc mừng con gái bạn tôi lấy được người chồng ngoại kiều trẻ đẹp, giàu có và cùng “catholic”. Mọi người tức khắc cùng bạn tôi vỗ tay, nâng ly, hô to “dzô! dzô!” và uống cạn ly bia đầu tiên một cách vui vẻ , sảng khoái. Tôi cùng theo họ nâng ly uống cạn. Khi đặt ly xuống tôi thấy, thấy một cách ngỡ ngàng, anh chàng rễ người Pháp của bạn tôi đang thầm thì gì đó thoáng chốc rồi làm dấu Thánh giá trước khi lặng lẽ nâng ly hòa nhập niềm vui với gia đình và bạn bè cha mẹ vợ. Mọi người cứ thế vui vẻ, bia vào lời ra đủ thứ chuyện…Anh chàng rễ của bạn tôi dù bất đồng ngôn ngữ, bất đồng văn hóa vẫn tỏ ra hòa đồng và tự nhiên. Tự nhiên như đã tự nhiên làm dấu Thánh giá trước bữa tiệc dù giữa chốn đông người, đa phần xa lạ. Đường xa, tửu lượng lại kém, tôi xin phép về trước, không thể nán lại xem thử anh chàng rễ của bạn tôi có lặng lẽ một mình làm dấu sau bữa tiệc không? Tự hỏi mình vậy thôi chứ tôi tin chắc anh ta sẽ một lần nữa thản nhiên bày tỏ niềm tin Công giáo của mình qua cử chỉ làm dấu Thánh giá. Bản tính tôi có chút bia vào là khó ngủ. Hình ảnh anh chàng rễ ngoại kiều của bạn tôi cứ mãi quấy động tâm trí tôi trên giường ngủ. Lâu nay cứ nghĩ người Tây phương sống thực dụng, chạy theo triết lý hiện sinh, ơ hờ, nhạt nhẽo với cuộc sống tâm linh. Nhưng nay tôi mới biết và mới chứng kiến một chàng thanh niên người Pháp đã nghiêm trang thầm thì nguyện xin và làm dấu Thánh giá trước khi dùng bữa. Không ai biết cụ thể anh ta nguyện xin điều gì? Nhưng có thể đoán không ngoài ý chỉ: xin Thiên Chúa chúc lành và tạ ơn Ngài đã tạo ban những của ăn, của uống cho những người dự tiệc. Tôi thầm nghĩ anh bạn tôi thật có phước khi có được một chàng rễ không những đẹp trai, giàu có, đồng đạo mà còn là ngoan đạo, ít nhất là được nhìn thấy qua cách anh ta thể hiện làm dấu Thánh giá mới đây giữa chốn đông người, náo nhiệt trong một nhà hàng. Đang là tháng Bảy (âm lịch) mùa vu lan báo hiếu theo truyền thống của người Việt Nam có cặp vợ chồng anh bạn trước nhà rủ vợ chồng tôi đi ăn cơm chay. Tôi thuận đi theo đến ngôi chùa Quang Minh Tự gần nhà. Bầu không khí mùa lễ thật nhộn nhịp. Rất đông bổn đạo Phật tử vào trong chùa thắp nhang lạy Phật và ngồi bàn dùng cơm chay. Vợ chồng anh bạn hướng dẫn vợ chồng tôi ngồi bàn và đem hai khay cơm và thức ăn cho vợ chồng tôi. Một bé gái độ khoảng 15 tuổi mặc đồng phục học sinh bưng khay đến ngồi vào ghế trống cạnh tôi. Tôi không kịp hỏi em học trường nào? Bởi em đang làm dấu Thánh giá và lẩm nhẩm đọc kinh Lạy Cha. Thật kỳ lạ đến tuyệt vời! Thật tuyệt vời trên cả tuyệt vời! Một nữ sinh tương đối còn nhỏ tuổi làm dấu Thánh giá đọc kinh trước khi dùng bữa trong khuôn viên một ngôi chùa. Tôi chẳng biết lý giải ra sao về cử chỉ biểu hiện niềm tin Công giáo của em lúc này? Ở độ tuổi này, đang còn cắp sách đến trường, em còn non nớt trường đời, chưa là người trưởng thành trong các hành vi ngoài xã hội. Nhưng tôi lại thấy em đã trưởng thành, trưởng thành rất nhiều trong cuộc sống đức tin Công giáo, ít ra là đối với riêng cá nhân tôi. Bình thường đối với tôi, em chỉ là đứa bé thơ ngây chưa biết gì về chuyện đời. So với trình độ học vấn, em chỉ đáng là học trò của tôi. Nhưng vô tình gặp em cùng ngồi chung bàn ăn trong ngôi chùa này, nhìn thấy em làm dấu đọc kinh, bỗng dưng tôi cảm thấy mình còn bé dại hơn em về chuyện đạo. Và trong trường học “đức tin” Công giáo, tôi chỉ đáng là học trò của em. Đúng vậy, tôi cần noi gương và học hỏi nơi em: mạnh dạn và tự nhiên thể hiện niềm tin của người Công giáo bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào qua cử chỉ làm dấu Thánh giá. Gioan Long Vân |