Việc Đức Mẹ khuyên nhủ con cái siêng năng lần chuỗi Mân Côi chắc hẳn cũng không ngoài mục đích để có thể liên kết được với Ngài. Tuy nhiên sự liên kết ấy luôn luôn bị phá vỡ vì sự chia lòng chia trí của chúng ta. Lại nữa cũng vì sự chia trí ấy mà đã có quan điểm cho rằng đọc Kinh Mân Côi thì phải…suy. Không …suy thì đọc kinh chỉ…vô ich “Dân này chỉ thờ kính Ta ngoài môi miệng còn lòng trí chúng thì xa Ta lắm” ( Mc 7. 6 )
Đọc Kinh Mân Côi phải suy và cái việc suy ấy là suy về các mầu nhiệm của kinh. Rút cục chính cái việc…suy này lại giết chết Kinh Mân Côi. Họa chăng chỉ có trẻ con và mấy ông già bà lão còn đọc ? Kinh là Lời Chúa mà Lời Chúa thì không thể suy “ Ý tưởng Ta chẳng phải ý tưởng của các ngươi. Đường lối các ngươi cũng chẳng phải đường lới Ta. Vì các tầng trời cao hơn đất bao nhiêu thì đường lối Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi bấy nhiêu” ( Es 55, 8 -9 ).
Lời Chúa là để sống chứ không phải để…suy và cái sự sống ấy chính là biết vâng theo Thánh Ý trong mọi nơi mọi lúc. Kinh Mân Côi được Đức Mẹ đích thân truyền dạy cho Thánh Đa Minh, tiếp đó lại được các đức giáo hoàng hết lời ca tụng. ĐGH Leon XIII nổi tiếng nhất trong số các giáo hoàng có lòng sùng kính Đức Mẹ được cả thế giới Công Giáo dành cho tước hiệu Đức Mẹ Mân Côi đã nói “ Kinh Ma^n Côi là một cách sùng kính từ trời ban xuống. Không còn phương pháp nào tốt lành và giá trị bằng” .
Kinh Mân Côi là ơn ban bởi trời và ơn ban ấy chính là làm cho chúng ta biết đường thực thi Thánh Ý Chúa. Con người do nơi ảnh hưởng của Tội Nguyên Tổ là tội phân biệt thiện ác ( St 2. 14 ) thế nên tâm trí cứ luôn hướng ra bên ngoài nơi thế giới ngoại vật để phân biệt tìm cầu bởi đó ngày càng xa cách Thiên Chúa Đấng vốn dĩ là Vô Phân Biệt “ Ngài khiến mặt trời soi trên kẻ ác cùng người thiện. Mưa cho kẻ bất chính và kẻ công chính” ( Mt 5, 45 )
Phương pháp lần chuỗi Mân Côi có mục đích giúp ta bỏ đi Tâm Phân Biệt để vâng theo theo Thánh Ý Chúa và đó là điều cốt yếu của Đạo “ Chẳng phải những ai cứ Lạy Chúa, Lạy Chúa mà vào Nước Trời được đâu. Nhưng chỉ những ai biết vâng theo Ý Cha trên trời mà thôi. Ngày đó có nhiều kẻ sẽ nói cùng Ta . Lạy Chúa, Lạy Chúa chúng tôi đã chẳng nhân danh Chúa mà nói tiên tri sao > Nhân danh Chúa mà đuổi quỷ sao ? Nhân danh Chúa mà làm phép lạ sao ? Khi ấy Ta sẽ phán rõ ràng cùng họ rằng: Ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy xéo ra khỏi mặt Ta” ( Mt 7, 21 -23 ).
Những việc như nói tiên tri, làm phép lạ, đuổi quỷ đối với thế gian đều là những việc cả thể. Nhưng với Chúa đó lại là gian ác, Lý do là vì khi làm những việc ấy họ chỉ làm theo ý riếng mình. Chỉ khi nào biết vâng theo Thánh Ý mới được vào Nước Trời. Kinh Mân Côi Đức Mẹ truyền dạy có mục đích để cho ta từ bỏ ý riêng hầu vào Nước Trời. Thế nhưng thực tế ngày nay rất ít người còn siêng năng thực hành. Thản hoặc đây đó giáo dân còn giữ đạo thì việc lần chuỗi chỉ diễn ra trong cộng đoàn hoặc tư gia một cách …hờ hững và như thế thì làm sao có thể liên kết với Mẹ ?
Kinh MC như lời khen ngợi và cổ vũ của Giáo Hội đem lại vô vàn ơn ích nhưng nó cũng có rất nhiều trở ngại ngay cả cho những ai quyết tâm thực hành. Có nhiều trở ngại. Hoặc bận mưu sinh không có thời giờ. Hoặc cũng muốn đấy nhưng vì cứ bị chia trí nên chán nản bỏ cuộc v.v…
Để có thể kiên trì trong việc thực hành Kinh Na6b Côi thì trước hết cần biết đến mục đích và mục đích ấy là để giúp ta thi hành Thánh Ý Chúa bằng cách bỏ đi ý riêng mình.
Cứ bỏ đi ý riêng thì Ý Chúa sẽ thể hiện. Điều này tưởng như đơn giản nhưng thật ra đó lại là vấn đề cực kỳ nan giải. Thiền tông chủ trương Tịnh Lự ( Dhyana ) mà Tịnh Lự có nghĩa là dứt bặt mọi suy tư nghĩ ngợi. Tổ Lâm Tế nói “ Chỗ ông dừng một niệm là cây Bồ Đề. Ông một niệm không dừng được là cây vô minh” Một niệm không thể dừng nhà Thiền gọi đó là nhất niệm vô minh. Chính cái nhất niệm vô minh ấy là đầu mối của Thập Nhị Nhân Duyên : Vô Minh, Hành, Danh Sắc, Lục Nhập….Hành ở đây chính là Nghiệp tức những tư tưởng có chủ ý ( Tác Ý ).
Muốn dứt bỏ vô minh nghiệp thì phải dứt ngay từ cái nguyên nhân sinh khởi ấy là Hành ( Tác Ý ). Nhà Phật có nhiều phương pháp để dứt bỏ niệm đầu tức nhất niệm vô minh. Thiền tông sử dụng Tham Công Án ( Kung An ). Có rất nhiều Công Án được đề ra chẳng hạn: Tiếng vỗ của một bàn tay, Phật là cái que cứt khô. Con chó có hay không có Phật tính v.v… Mục đích của Công Án là để thu hút tất cả vọng niệm để chỉ xoay sâu vào đề mục cho đến khi trong một giây phút nào đó cơ duyen đến sẽ vỡ tung khiến vô minh chứa chấp từ bao đời tan biến.
Tu theo đường lối Thiền tông thì phải chứng đạo ngay trong hiện đời. Nếu chưa chứng đạo thì khi giờ phút lâm chung trong một sát na Tâm chỉ khởi một vọng niệm thôi sẽ bị rớt trở lại lục đạo luân hồi chịu kiếp sinh tử tử sinh không biết đến ngày nào ra.
Phải nhận thức thời này là thời mạt pháp, vạn người Tu chưa chắc có một người chứng đạo. Chính bởi vậy ngoài Thiền Tông Đạo Phật còn có Tịnh Độ tông nhất là với phương pháp Trì Danh Niệm Phật để cứu vớt những người có đầy đủ ba món tư lương Tín Nguyện Hạnh.
Việc Tu pháp Trì Danh Niệm Phật rất dễ chỉ cần nương váo tha lực tiếp dẫn của Đức Phật A Di Đà sẽ được như sở nguyện. Mặc dầu vậy muốn chắc chắn được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc thì cần niệm Phât đến chỗ nhất tâm bất loạn không được xen bất cứ một tạp niệm nào
Để đi đến nhất tâm như thế cũng là điều rất khó cần phaỉ chuyên tu nghiêm ngặt thì mới có cơ thành tựu. Việc chuyên tu ấy đòi hỏi cần phải nhập thất mỗi năm ít ra một lần trong thời hạn bảy ngày hoặc hai mươi mốt ngày hoặc bốn mươi chín ngày v.v…Nhập thất còn gọi là kiết thất tức vào ở trong một căn phòng nhỏ ( Cốc ). Hàng ngày có người đem cơm ( cháo ) dĩ nhiên toàn là đồ chay mục đích là để hành giả không còn phải bận tâm lo nghĩ chuyện đời này khác…..
Từ ngày được ơn Đức Mẹ cho trở lại và quyết tâm theo con đường thực hành Kinh Mân Côi. Tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu Thiền và nhận thấy triết lý Phật giáo hoàn toàn có thể ứng dụng những nét cơ bản cho Đạo Chúa, nhất là phương pháp Trì Danh Niệm Phật với việc thực hành Kinh MC của Đạo Công giáo.
Trong những năm tháng đầu khi mới trở lại tôi quyết tâm lần hạt mỗi ngày chín chuỗi chia làm ba lần sáng, trưa, chiều…. Siêng năng như thế nhưng công hiệu chẳng bao nhiêu. Dẫu thế nào thì đó cũng chỉ là thứ hình thức dựa trên số lượng chứ chưa thực có chất lượng.Thế rồi trong một lần gặp sư Liêm tôi xin nhập thất và đã được chấp nhận với tất cả hoan hỷ bởi theo ngài, đây là trường hợp đàu tiên có một người Công giáo vào chùa …nhập thất.
Đi lễ sáng chủ nhật về tôi nói với cô con gái út Bảo Trâm chở vào chùa. Sau vài lời động viên, sư dẫn tôi đến một cái…cốc ( căn phòng nhỏ ) nằm sâu trong vườn đìu. Trong phòng có kê một chiếc giường cá nhân với chăn mền đầy đủ. Tại góc phòng có một kệ thờ trên đó đặt ảnh Đức Quán Thế Âm Bồ Tát với nhang đèn rất mực tôn kính. Mở cửa sổ nhìn xuống con dốc thoai thoải là dòng suối nhỏ thấp thoáng ẩn sau những lum lau sậy um tùm.
Sau khi đốt lên cây nhang trầm, tôi lấy trong túi sách ra tấm ảnh Đức Mẹ Lộ Đức anh cả Truyện thủ quỹ HĐ Comitium mới cho và đặt trước ảnh Đức Quán Thế Âm Bồ Tát rồi vái ba lạy cầu xin Đức Mẹ chúc phúc cho những ngày nhập thất này được bình an kết quả. Thay bộ đồ ngủ tôi trải bồ đoàn ngồi kiết già trên đó, làm dấu Thánh Giá để khởi sự việc lần chuỗi.
Theo tôi một Kinh Mân Côi ( truyền thống ) cần đầy đủ cả ba mùa Vui Thương Mừng. Có vậy mới có thể nói kinh này diễn lại mầu nhiệm Cứu Chuộc của Đức Ki Tô từ lúc sinh ra cho đến khi về trời.
Cứ sau mỗi một Kinh tức là đầy đủ cả ba mùa Vui Thương Mừng thì tôi lại ngừng trong chốc lát. Tuy nhiên việc ngừng ấy chỉ là ngừng không lần chuỗi nhưng vẫn ở trong trạng thái Thiền nghĩa là trong tất cả mọi động tác như xoa bóp đầu cổ chân tay….tôi đều thực hiện trong chánh niệm tỉnh thức. Trong một thời kinh kể cả việc xoa bóp toàn thân như thế mất khỏng dộ 45 phút. Như vậy tính từ khi vào phòng lúc 07 giờ đến 11 giờ 00 tôi đã thực hành được 18 chuỗi.
Đến giờ ăn, nghe có tiếng gõ cửa tôi lần cho hết năm chục Mùa Mừng rồi mở cửa lấy cạp lồng cơm. Bữa trưa hôm đó tuy toàn là đồ chay ( dĩ nhiên ) gồm có canh rau ngót, tàu hũ chiên và đậu cu ve sào nấm đông cô tôi ăn rất ngon miệng. Ăn xong tôi mở cửa đi xuống nhà vệ sinh nằm gần bên bờ suối trong đó có một khạp lớn chứa đầy nước và một vòi nước không biết dẫn từ đâu về chảy ra trong vắt.
Sau giấc ngủ trưa ngắn tôi đi tắm cho mát rồi tiếp tục thời kinh chiều. Có lẽ cũng cần nói là trong việc lần chuỗi tôi theo lối mật trì nghĩa là hoàn toàn niệm ở trong Tâm không hề máy môi ra tiếng ( cao thanh trì ). Thực hành Kinh Mân Côi trong tính chất mật trì như thế là đúng theo sự chỉ dạy của Đức Ki Tô “ Còn ngươi khi cầu nguyện hãy vào phòng đóng kín cửa lại rồi cầu nguyện Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho” * Mt 6, 6 ).
Theo nghĩa thông thường thì vào phòng kín đóng cửa lại ở đây chính là…Nhập Thất. Còn theo nghĩa sâu xa thì phòng kín ấy chính là Chân Tâm Thường Trú ở nơi mỗi người. Muốn …đi ( Nhập ) vào Chân Tâm thì phải thu thúc lục căn nghĩa là đóng các cửa giác quan lại không cho ý phóng túng ra bên ngoài qua các căn ( cửa ) mắt thấy, tai nghe. mũi ngửi. thân đụng chạm…..
Hết thảy người đời không ai là không chạy theo ý riêng mình và theo ý riêng tức là để cho dục vọng mặc tình sai khiến lôi kéo mình vào các con đường xấu ác ( ác đạo ). Sự khác biệt giữa người đời và người tu là ở chỗ biết bỏ đi ý riêng mình để thi hành Thánh Ý Chúa. Tuy nhiên nói thì dễ nhưng biết bỏ ý riêng mình đi là điều không thể được nếu không trải qua thời gian tu tập hết sức lâu dài. Mặc dầu vậy hễ có từ vỏ ý riêng giây phút nào thì được bình an trong tâm hồn lúc đó.
Bao lâu còn phóng tâm ra bên ngoài mình thì không bao giờ có thể tránh khỏi muôn vàn nỗi sợ. Sợ thiên tai, dịch bệnh, sợ chiến tranh khủng bố, sợ ô nhiễm môi trường, sợ đau bệnh, sợ đói….và cuối cùng là…sợ chết….Chúa Giê Su nói …các con đừng sợ có nghĩa là hãy thôi đừng tìm kiếm những cái ở bên ngoài mà hãy xoay cái Tâm trở vào bên trong nơi có Chúa ngự bởi đã có lời hứa “ Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” ( Mt 28, 20 ).
Chẳng phải Chúa luôn “ Ở Cùng” hay sao ?Chúng ta rước lễ đọc kinh cầu nguyện đó chẳng phải là cầu với Đấng Chúa ở nơi mình sao ?. Thế nhưng rồi vẫn cứ…sợ và sở dĩ những nỗi sợ ấy vẫn còn là bởi lòng tin nơi Chúa của chúng ta vẫn còn yếu kém. Mục đích cầu nguyện nhất là bằng Kinh Mân Côi là một phương thế tối hảo giúp chúng ta được liên kết với Đức Mẹ. Một khi đã liên kết được với Đức Mẹ thì Ngài sẽ dẫn đưa chúng ta đến với Chúa Giê Su Người Con Chí Thánh của Mẹ và như thế thì mọi nỗi sợ hãi trong ta đều tan biến.
Buổi chiều sau khi ăn, tôi mở cửa đi ra ngoài, chọn một khoảng trống để tiện cho việc đi kinh hành vừa đi vừa lần hạt. Kinh hành theo phương pháp Thiền là đi trong chánh niệm, mỗi bước chân đều phải diễn ra trong sự tỉnh thức.
Trong khu vườn đìu trời âm u, gió sào sạc trong các tán lá khiến cho tôi có cảm giác cô đơn khó tả dường như đang lạc vào một miền đất xa lạ nào đó. Trời đã nhập nhoạng tối. Khi đi ngang qua thấy ai đó đã thắp lên một nén nhang lập lòe trước bàn thờ ông Địa dưới gốc cây phi lao có mấy nhánh rủ xuống đong đưa, tôi thấy…hơi chờn chợn
Vừa mở cửa bước vào phòng tôi bỗng rùng mình như có một dòng điện chạy dọc từ đầu xuống thắt lưng. Nơi góc phòng có đặt bàn thờ một ánh lửa đỏ quạch cứ từng chập …lòe lên như là…ma trơi.
Tôi cố trấn tĩnh lấy can đảm bước tới thì nhận ra đó là ngọn lửa của chiếc đèn dầu không biết vì cớ gì ( chắc là nóng quá ) đã bốc dầu lên và…cháy. Phù miệng thổi một hơi mạnh, đèn tắt ngúm bóng tối chùm khắp căn phòng. Quờ quạng từng bước chân tôi đi đến bên giường ngồi xuống thở ra từng hơi thở nhẹ lấy đèn pin ra soi thấy mới có hơn bảy giờ. Một đêm dài đang chờ đợi mình đây ! Bên ngoài gió sào sạc đuổi nhau trên các vòm cây còn trong lòng thì tâm muốn lặng mà sao khó quá !!!
Trở lại bồ đoàn tôi ngồi xuống lần hạt mới được hai chục kinh thì nghe có tiếng muỗi vo ve ở bên tai rồi ngứa ngứa ở dưới chân. Định bụng sẽ cố lần cho hết chuỗi rồi lên giường buông mùng xuống lần hạt tiếp nhưng rồi không chịu nổi phải bỏ dở.
Người ta nói có thức đêm mới thấy đêm dài, đêm ấy tôi gần như thức trắng mới chợp mắt được một chút có lẽ phần vì…lạ nhà phần vì cố tỉnh thức để lần hạt thế nên tâm trí bị căng thẳng. Ngồi thế kiết già trên chiếu đau chân không thể chịu nổi. Có khi ngồi dựa lưng vào tường có khi thì nằm xuống tay lần tràng hạt nhưng vẫn có ý muốn …ngủ đi dù chỉ một hai giờ nhưng vẫn không được.
Trong đêm tối nhất là với một không gian biệt lập như thế người ta không sao tránh khỏi nỗi cô đơn hoang vắng. Con người có tập tính xã hội và cái cần cho nó là những mối tương giao gia đình bạn bè v.v…Bị gạt ra khỏi những mối tương giao ấy chúng ta khó thể sống trong an bình…
Không xem đồng hồ nhưng tôi biết trời đã gần về sáng, tiếng gõ mõ tụng kinh ở phía chánh điện nghe sao ấm lòng quá đỗi. Tôi nằm im trên giường lan man nghĩ ngợi. Kể ra cuộc đời mình cũng…lạ. Đi tu chủng viện được vài năm thì xuất, rồi bị động viên quân dịch, trải qua bao năm trường xa Chúa, chẳng biết gì đến Đức Mẹ. Thế mà giờ đây lại có mặt ở trong căn phòng thoang thoảng mùi hương trầm có tràng chuỗi Mân Côi luôn ở trong tay với ước nguyện được kết liên với Mẹ Maria Người Mẹ vô cùng tuyệt vời.
Thật lạ lùng biết bao con đường của Chúa, con đường được Chúa chăn nuôi không còn thiếu thốn chi mà cũng chẳng còn…sợ chi ai.
Phùng Văn Hóa