LẮNG NGHE CHÚA THÁNH THẦN

          Giáo hội đang trong tiến trình Thượng Hội Đồng về Tính Đồng Nghị. Giai đoạn đầu tiên từ tháng 10/ 2021  đến tháng 4 vừa qua là giai đoạn lắng nghe và phân định tại các giáo phận  và các Hội Đồng Giám Mục. Lắng nghe ở đây được hiểu là…nghe nhau có nghĩa giáo dân…nghe linh mục, giám mục. Ngược lại linh mục, giám mục cũng phải…nghe giáo dân ? Tuy nhiên cái việc… “nghe nhau” ấy đã đưa đến nguy cơ bội giáo là điều không tránh khỏi ?

          “ Trong cuộc trò truyện gần đây với các giám đốc của các tạp chí Dòng Tên  ở Âu Châu được ghi lại và xuất bản bởi La Civita Cottolice  hay Văn Minh Công giáo, đức thánh cha Phanxico  đã đề cập đến Tiến Trình Công Nghị  đang được tiến hành ở Đức. Theo quan điểm của ngài: Vấn đề nảy sinh khi Tiến Trình Công Nghị này đến từ giới tinh hoa trí thức, thần học và bị ảnh hưởng nhiều bởi các áp lực bên ngoài. Thay vào đó, nó nên được thực hiện với các tín hữu và dân chúng…

          …Rắc rối là khi tiến trình này xảy ra, nghĩa là khi các đề xuất  được đưa ra từ cơ sở  hoặc khi ý kiến của các tín hữu được khảo sát, kết quả thực tế  giống như kết quả được đưa ra bởi giới tinh hoa thống trị hoặc bởi áp lực bên ngoài, với một chuỗi dài không thể tránh khỏi các yêu cầu  từ loại bỏ luật độc thân linh mục đến phong chức linh mục cho phụ nữ. Từ luân lý mới về tính dục và tình dục đồng giới  cho đến việc dân chủ hóa giáo hội” ( Nguồn Vietcatholic News  J.B Đặng Minh Anh dịch 28/6/2022 – Sandro Magister THĐ Đức đang lây nhiễm toàn bộ giáo hội nếu không có sự can thiệp của đức giáo hoàng ).

          Điều tệ hại của Tiến Trình Công Nghị Đức khi đưa ra những đề xuất  đối nghịch với đức tin Công giáo như thế không hoàn toàn bắt nguồn từ giới tinh hoa, trí thức hay thần học nhưng là do nơi quan điểm muốn…dân chủ hóa giáo hội bằng cách đưa giáo dân vào  ngồi cùng bàn với các giám mục !!!

          Nếu hiểu giáo hội là Thân Mầu Nhiệm Chúa Ki Tô và quả đúng là như thế  thì chúng ta cần nhìn nhận lời Đức Ki Tô: “ Ngoài Ta các con không thể làm gì được. Nếu ai chẳng cứ ở trong Ta thì sẽ bị ném ra như nhánh kia khô héo rồi người ta lượm lấy quăng vào lửa mà đốt đi” ( Ga 15, 5 -6 ).

          Chúa nói: Cứ ở trong Ta có nghĩa cần phải ở trong giáo hội và tuân giữ các giới răn của Ngài: “ Ta sẽ giao chìa khóa Nước Trời cho ngươi. Điều gì ngươi cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc. Điều gì ngươi cởi mở dưới đất thì trên trời cũng cởi mở” ( Mt 16, 19 ).

          Việc Chúa trao năng quyền cho Phê Rô, vị giáo hoàng tương lai như thế có nghĩa giáo hội là một thể chế được làm nên bởi sự tuân phục từ dưới lên. Giáo dân phải tuân phục linh mục coi sóc giáo xứ. Linh mục phải tuân phục đức giám mục bản quyền. Giám mục phải tuân phục đức thánh cha và đức thánh cha phải tuân phục  Chúa Giê Su là đầu Hội Thánh.

          Có tuân phục như thế mới có ơn Chúa Thánh Thần, ngược lại thì không. Tính  chất tuân phục ấy đã được thể hiện với Đức Ki Tô một cách toàn hảo ngay trong những lời dạy của Ngài: “ Lời Ta nói với các ngươi chẳng phải là từ Ta đâu bèn là Cha ở trong Ta làm việc của Ngài” ( Ga 14, 10 ).

          Ngay đến Chúa Giê Su, Đấng sáng lập Hội Thánh mà còn nói Lời Ngài không phải của Ngài nhưng là của Cha. Như thế chẳng phải hết thảy chúng ta từ giáo hoàng, các giám mục, linh mục cho đến toàn thể giáo dân đều phải vâng phục Thánh Ý Chúa hay sao ?

          Vâng theo Thánh Ý  đó là cốt tủy của việc sống đạo: “ Chẳng phải mỗi kẻ nói cùng Ta: Chúa, Chúa mà vào được Nước Trời đâu nhưng chỉ những kẻ làm theo ý chỉ của Cha Ta ở trên trời mà thôi. Trong ngày đó nhiều người sẽ nói cùng Ta rằng lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi há chẳng nhân danh Chúa mà nói tiên tri sao ? Nhân danh Chúa mà đuổi quỷ sao ? Nhân danh Chúa mà làm nhiều việc quyền năng sao ? Khi ấy Ta sẽ nói cùng chúng rằng: Ta chẳng hề biết các ngươi. Hãy lìa khỏi mặt Ta, hỡi những kẻ làm ác kia” ( Mt 7, 21 -23 ).

          Những việc như nói tiên tri, đuổi quỷ và làm phép lạ đối với thế gian đều là những việc cả thể, đáng khâm phục. Nhưng với Chúa đó lại là những việc ác Tại sao lại như vậy ? Bởi vì những việc ấy đã được làm chỉ vì “Cái Tôi” mà làm. Nếu chỉ vì “ Cái Tôi” mà làm đó là theo ý riêng. Làm bất cứ việc gì mà theo ý riêng đó là nghịch với Ý Chúa. Thế nhưng để biết đâu là ý riêng mà bỏ đó là việc không thể nếu không có Ơn Chúa Thánh Thần.

          Trước ngày Lễ Ngũ Tuần, mặc dầu Chúa Ki Tô đã phục sinh nhưng các tông đồ vẫn còn lầm tưởng về Công Cuộc Cứu Độ của Ngài. Người thì chán nản rủ nhau về quê, ( Lc 24, 13 ) Người thì bảo nhau trở lại nghề đánh cá ( Ga 21, 3 ). Thậm chí mãi đến khi Chúa sắp lên trời, các tông đồ vẫn còn hỏi: “ Thưa Chúa, có phải lúc này Ngài khôi phục nhà Itsraen hay không ?” ( Cv 1, 6 ) v.v…

          Nhờ Ơn CTT trong ngày Lễ Ngũ Tuần ( Cv 2, 1 -4 ) các tông đồ đã được biến đổi hoàn toàn. Từ những con người nhát đảm, u mê đã trở thành những chứng nhân kiên cường, mạnh mẽ, đầy tràn khôn ngoan, can đảm đến nỗi đã hy sinh cả tính mạng mình…

          Bởi Ơn CTT quan trọng như thế nên trong bất cứ buổi cầu nguyện hay làm việc gì, các tín hữu đều xin ơn soi sáng để cho lòng kính mến Chúa được đổ tràn. Có điều không thể không lưu ý đó là: Lửa kính mến ấy  phải từ trong lòng mà phát ra chứ không từ bên ngoài vào !

          Lòng kính mến Chúa nảy sinh trong tâm hồn mỗi người và điều đó chỉ có thể có với Ơn CTT. Vào lúc đương thời, có những điều Chúa nhắc nhở nhiều lần mà các tông đồ vẫn chưa thể nhận ra nhất là khi nói về cái chết của chính Ngài: “ Có mấy tông đồ nói với nhau rằng Ngài nói với chúng ta, còn ít lâu các ngươi sẽ chẳng thấy Ta. Rồi ít lâu nữa các ngươi lại thấy Ta vì Ta về cùng Cha nghĩa là gì ? ( Ga 16, 17 ).

          Lại có những điều các tông đồ tưởng mình đã biết nhưng thực ra chưa biết khi Chúa nói: “ Ta ra từ Cha mà đến thế gian  lại lìa thế gian mà về cùng Cha. Tông đồ thưa rằng: Kìa bây giờ Thầy đã nói tỏ tường không còn nói bằng thí dụ nữa. Nay chúng tôi biết Thầy biết mọi sự, không còn ai hỏi Thầy, bởi đó chúng tôi tin rằng Thầy ra từ ĐCT. Chúa Giê Su đáp: Bây giờ các ngươi tin chăng ? Này giờ sắp đến, thật đã đến rồi, các ngươi sẽ tan tác, ai đi đường nấy bỏ Ta lại một mình. Nhưng Ta chẳng ở một mình đâu vì Cha ở cùng Ta” ( Ga 16, 28 -32 ).

          Sở dĩ các tông đồ chưa biết là vì cứ tưởng lời Chúa nói Ta từ Cha mà đến và đấng Cha ấy là Đấng Tạo Hóa. Thế nhưng không phải vậy, đó là Đấng Cha nội tại, luôn ở với Ngài. Đấng Cha chẳng những luôn ở với Chúa Giê Su mà còn…ở cùng với hết thảy mọi người một khi chúng ta nhận biết Sự Thật: “ Ngày đó các ngươi sẽ biết Ta ở trong Cha, các ngươi ở trong Ta và Ta ở trong các ngươi” ( Ga 14, 20 ).

          “ Ngày đó” có nghĩa là ngày mà ta được  Ơn CTT để biết rằng mình luôn ở trong Cha qua trung gian Đức Ki Tô. Chân lý ấy sẽ ngày càng tỏ hiện với Ơn CTT khi ta xoay cái nghe ngược trở vào bên trong. Việc nghe bằng cách …xoay vào bên trong là một pháp môn TU của Phật giáo Đại Thừa gọi là Phản Văn Văn Tự Tánh.

          Con người sống và tồn tại bằng sáu giác quan ( Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý ) và tất cả các giác quan ấy đều hướng ra bên ngoài nơi thế giới hiện tượng ( Sắc, Thanh, Hương, Vị,  Xúc, Pháp ) để phân biệt. Trong sáu căn ấy thì Ý Căn rất quan trọng bởi nhờ có nó con người mới biết phân biệt. Tuy nhiên cũng do cái biết mang tính chất phân biệt ấy nên đã  hình thành nên một “Cái Tôi”, nguồn gốc của muôn vàn giống tội. Cũng do tính phân biệt Ta, Người như thế, nên bất cứ truyền thống tâm linh nào thì mục đích của việc tu tập cũng là để trừ bỏ “Cái Tôi” ấy đi.

          Đại thừa lấy việc  “Xoay cái nghe vào bên trong” để làm phép TU. Điều đó cho thấy “ Cái Nghe” là rất mực quan hệ trong việc Thấy Tánh. Đức Ki Tô nói: “ Vậy hãy coi chừng về cách các ngươi nghe. Vì hễ ai có sẽ cho thêm. Còn hễ ai không có dẫu điều họ tưởng mình có cũng sẽ bị cất luôn nữa” ( Lc 8, 16 ).

          Có hai cách…nghe.Một là nghe để phân biệt, đó là cách nghe của tất cả người đời. Hai là nghe nhưng không phân biệt đó là cách nghe của pháp môn đi sâu  vào bản tâm để…giác ngộ bản tánh. Đức Ki Tô nói: “ Quả thật Ta nói cùng các ngươi, nếu ai không nên như con trẻ thì không vào được Nước Trời” ( Lc 18, 17 ).

          Nên như con trẻ có nghĩa là phải bỏ đi những thiên kiến, chấp trước mà người đời không ai tránh khỏi. Muốn…vào được Nước Trời thì phải nên như con trẻ, điều ấy có nghĩa Nước Trời là một mầu nhiệm nội tại, mầu nhiệm ấy cũng là Bản Tánh sẵn có của mỗi người nhưng bởi vô minh ( Tội Nguyên Tổ ) che lấp nên ta không nhận biết.

          Lại nữa Đức Ki Tô nói, hãy coi chừng về cách các ngươi nghe  có nghĩa  Ngài muốn chúng ta nghe bằng cái tai…trong  tức vô phân biệt. Kinh Mân Côi trước đây có nơi gọi là Kinh Văn Côi và đó chính là Phép Nghe của người Công giáo. Thực vậy với cấu trúc đặc biệt của kinh nguyện này chia ra làm ba Mùa: Vui, Thương, Mừng. Mỗi Mùa có 05 Ngắm, mỗi Ngắm có 10 kinh Kính Mừng.

          Lý do khiến Kinh Mân Côi có thể thành tựu được Phép Nghe là bởi có hai tiêu chí này. Một là Quán và hai là Chỉ. Cái việc Quán ấy chúng ta gọi là Ngắm. Kinh Mân Côi truyền thống gồm 15 Ngắm cho thấy suốt cuộc đời của Chúa Giê Su từ lúc sinh ra, trải qua cuộc khổ nạn đến khi về trời. Cái việc Ngắm cần hiểu theo nghĩa… Quán chứ không phải là dừng lại để…suy như thần học chủ trương.

          Tiêu chí thứ hai của Kinh Mân Côi là Chỉ tức …dừng ngay lại. Cứ sau mỗi Thứ khi dứt 10 kinh Kính Mừng thì  Sáng Danh, không thêm không bớt. Thực hành Kinh MC cùng với cộng đoàn tất nhiên cũng có nhiều ơn ích nhưng

đó không phải là TU bởi vì ý nghĩa và mục đích của việc TU chính là để dừng lại những nghĩ suy, tư lự, phiền não. Lại nữa thực hành Kinh Mân Côi trong tính cách Chỉ và Quán như thế chính là  để chúng ta  có thể Lắng Nghe Chúa Thánh Thần ở nơi chính mình.

          Chúa chỉ tỏ mình ra cho những ai biết “ Lắng Nghe Chúa Thánh Thần” bởi vì  Thiên Chúa là Đấng …nội tại trong ta và Ngài luôn đòi ta phải trở về hầu nhận biết Ngài: “ Ai có các điều răn của Ta và giữ lấy  ấy là kẻ thương yêu Ta. Còn ai thương yêu Ta sẽ được Cha Ta thương yêu lại. Ta cũng thương yêu người và tỏ chính  mình Ta cho người. Giu Đa  ( Không phải Ích Cariot )  hỏi Ngài rằng: Thưa Chúa có chi xảy ra  mà Ngài sẽ tỏ ra cho chúng tôi lại không tỏ ra cho thế gian ư ? Chúa đáp: Nếu ai thương yêu Ta  thì vâng giữ đạo Ta. Còn ai chẳng thương yêu Ta  thì chẳng giữ đạo Ta. Đạo các ngươi nghe đó chẳng phải của Ta bèn là của Cha là Đấng đã sai Ta” ( Ga 14, 21 -24 ).

          Chúa chỉ…tỏ mình ra cho những ai tuân giữ các giới răn. Ngược lại người thế gian vì không tuân giữ thế nên không bao giờ  được Chúa tỏ mình và sẽ bị  xét xử khi Chúa Thánh Thần tức thần chân lý đến: “ Khi Ngài đến sẽ thuyết phục thế gian về tội lỗi về sự công chính và về sự xét đoán. Về tội lỗi vì họ đã không tin Ta. Về sự công chính vì Ta đã đến cùng Cha và các ngươi sẽ chẳng còn thấy Ta nữa. Về sự xét đoán  vì bá chủ của thế gian này đã bị xét  xử. Ta còn nhiều điều nói với các ngươi nhưng bây giờ các ngươi không thể đương nổi. Song khi Thánh Linh của sự thật đến, Ngài sẽ dẫn dắt các ngươi vào sự thật” ( Ga 16, 8 -13 ).

          Tiến trình công nghị Đức với những yêu sách của họ như là phá bỏ luật độc thân linh mục, phong chức linh mục cho phụ nữ, kết hôn đồng tính v.v…Tất cả những  việc ấy là do quyền lực của Sa Tan thúc đẩy với mục đích để làm tan rã giáo hội Chúa Ki Tô. Thế nhưng như lời Chúa hứa¨Cửa Hỏa Ngục cũng chẳng thắng được nó” Mặc  cho lời hứa ấy có ra sao, mỗi người  với ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần chúng ta vẫn một lòng một dạ tin và yêu mến Chúa Giê Su: “ Ai là người thắng thế gian, há chẳng phải là kẻ tin Chúa Giê Su là Con Thiên Chúa ?” ( 1Ga 5, 5 ) ./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts