Gần tối, chị Giám Tỉnh nhắn tin : “Chiều mai, bên Dòng Đức Bà có 5 em vào Thỉnh Viện và 5 em vào Tập Viện. Âm thầm lặng lẽ thời Covid…”
Hồi đáp tin nhắn với Chị : “Có lẽ cũng là ý Chúa, để mọi người lặng và lắng!”.
Vâng! Ai ai cũng biết, tu sĩ không phải chỉ sống lời khấn hứa, sống đời tu của mình một ngày một bữa hay vài tháng vài năm nhưng bằng cả cuộc đời. Để bước vào đời tu, mỗi tu sĩ đều phải trải qua quá trình huấn luyện. Chắc có lẽ quan trọng nhất đời tu sĩ đó chính là thời kỳ Thỉnh Viện và Tập Viện.
Trong thời gian đặc biệt, tu sinh tìm hiểu đời tu cách cặn kẽ hơn. Qua sự hướng dẫn của Tập Sư, tập sinh khám phá ra đời mình hay nói đúng hơn là khám phá ra ơn gọi của mình để sau thời gian tu tập cả 2 cùng đi đến quyết định chung nhất.
Thật ra, đào tạo trong đời tu không phải chỉ là thời Thỉnh Sinh, Tập Sinh hay Kinh Viện nhưng có lẽ là cả đời. Đào tạo là một tiến trình dài không ngơi nghỉ trong đời tu. Chính vì lẽ đó, mỗi tu sĩ phải đào luyện chính mình và nhất là đào luyện về đời sống cầu nguyện.
Với Dòng Chúa Cứu Thế, câu nói và xác tín nhất của Cha Thánh Anphongsô mà mỗi tu sĩ đều ghi nhớ đó chính là cầu nguyện. Thánh Anphongsô quả quyết: Ai cầu nguyện thì chắc chắn sẽ được ơn cứu độ. Ai không cầu nguyện thì sẽ bị hư mất. Kèm theo đó là lời “khuyến mãi” cũng đầy xác tín : “Ai bền đỗ đến cùng và chết trong Dòng chắn chắn sẽ được hưởng ơn cứu độ”.
Thế đó, có lẽ không chỉ mình Thánh Anphongsô mà nhiều vị thánh khác trong Hội Thánh đều đề cao sự cầu nguyện. Và, bậc tổ của đời sống cầu nguyện có lẽ không ai khác đó chính là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu liên lỉ cầu nguyện và tha thiết cầu nguyện với Cha. Đời sống cầu nguyện chính là căn cốt của người môn đệ Chúa Giêsu, người đi theo Chúa Giêsu.
Nhìn vào thực trạng của xã hội, của cuộc đời, dường như thế giới thiếu vắng đời sống cầu nguyện hay nói cách khác là con người không tha thiết với cầu nguyện. Con người ngày nay vì chạy theo thế gian, chạy theo quyền lực, của cải vật chất để rồi không còn giờ cho cầu nguyện nữa. Và vì thiếu vắng cầu nguyện nên con người không còn gắn bó với Thiên Chúa nữa.
Căn dịch quái ác đang bùng phát dữ dội để rồi con người luôn luôn nhận được khuyến cáo là phải giữ sức khỏe cho cá nhân mình. Cách gần nhất đó chính là tránh tiếp xúc và hạn chế đám đông người. Nói tóm lại là hạn chế ra đường.
Ra đường! Có lẽ là thói quen của không ít người. Có thể nói là họ không thể nào ở nhà được để rồi lệnh giãn cách xã hội hay cách ly là cực hình đối với họ. Họ không còn khái niệm cũng như tâm tình của sống lặng nữa. Và khi không đủ nội tâm, những khó khăn chợt đến thì họ dễ buông xuôi.
Tâm tình cầu nguyện, tâm tình ở lại bên Chúa và với Chúa rất tuyệt vời trong đời sống cầu nguyện. Ta bắt gặp tâm tình : “Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu, Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương; Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành, và ngươi sẽ được biết Đức Chúa.” (Hs 2, 21-22). Hôsê chương 2 câu 16 diễn tả thật dễ thương : “Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình”.
Qua biến cố đại dịch này, Thiên Chúa muốn con người ở lại và ở với Thiên Chúa để nghe Thiên Chúa diễn tả cũng như thổ lộ tâm tình cho con người.
Lớp Thỉnh Sinh và Tập Viện của Dòng Đức Bà và của nhiều Hội Dòng khác nữa trong năm nay nên chăng dừng lại, lắng, lặng để khám phá ra Thiên Chúa yêu thương mình cách đặc biệt. Đáp lại tình yêu đó, mỗi tu sinh hãy vào sa mạc với Chúa cách thật sự để nghe Chúa thổ lộ tâm tình.
Có lẽ đời ta đã quá ồn ào và náo nhiệt cũng như không có thời gian và khung cảnh để ngồi lại bên Chúa. Qua biến cố này, thiển nghĩ mỗi người hãy dành cho mình nhiều thời gian hơn nữa để ngồi lại bên Chúa để lòng kề lòng ta nghe tiếng Chúa nói với ta và nhất là nghe tiếng Chúa thổ lộ tâm tình với ta. Có như thế, lòng ta mới bình an dẫu cuộc đời còn nhiều náo động cũng như ta biết yêu thương anh chị em mình hơn khi khám phá ra tình thương của Chúa quá lớn trong đời ta.
Người Giồng Trôm