Lao động tìm kiếm của ăn, áo mặc, và những chi dùng cho cuộc sống là những gì đi liền với định mệnh của kiếp người. Hệ quả của lao động là đổ mồ hôi, là nước mắt, là mệt mã. Kiếm được miếng cơm, manh áo luôn luôn là một việc làm đòi hỏi nhiều thời giờ, nhiều công sức, và nhiều vất vả. Tình trạng sống túng thiếu, nghèo đói của hàng triệu người ở Phi Châu, Châu Mỹ La Tinh, Á Châu, Trung Đông, và ngay tại Việt Nam đủ cho thấy nhu cầu lương thực là một trong những nhu cầu cấp thiết của cuộc sống, thuộc bản năng sinh tồn.
Do đó, việc tìm được miếng cơm, tấm bánh nuôi sống mỗi ngày là một việc làm vất vả, khó nhọc, và rất nặng nề. Điều này không những con người hiểu, mà ngay cả Thiên Chúa cũng đã hiểu. Nhưng câu hỏi được đặt ra là tại sao con người lại phải mang lấy một thân phận nghiệt ngã và nhiều khi bất công như vậy. Tại sao con người sinh vào đời phải vất vả kiếm sống như vậy. Mục đích là để làm gì? Giá trị con người trên mặt đất không lẽ bị chôn bám, bị trói buộc vào việc tìm kiếm miếng ăn qua ngày, hoặc được định giá bằng những thành quả do công việc của con người làm ra sao?
Lao động đúng nghĩa phải đưa con người về với mầu nhiệm sự sống, bởi vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa, được tạo dựng nên để thông hưởng sự sống và hạnh phúc vĩnh cửu với Ngài sau cuộc hành trình nơi dương thế. Sự sống vĩnh cửu và hạnh phúc nước trời là ý nghĩa sau cùng của con người dù ở bất cứ địa vị nào, dù giầu hay nghèo, cao sang hay dân giả, trí thức hay bình dân. Không đạt được mục đích này, cuộc sống con người sẽ vô giá trị, và sự xuất hiện của con người sẽ chẳng có ích gì. Lao động, do đó, mang một ý nghĩa giải thoát, ý nghĩa cứu độ vì nó luôn nhắc nhở con người về cội nguồn, về nơi xuất xứ của mình, gọi đó là mầu nhiệm cơm bánh. Gọi lao động là mầu nhiệm vì những vất vả của nó, những thành quả của nó không ai có thể giải thích được. Tại sao người này vất vả hầu như cả đời mà vẫn không đủ ăn, trong khi đó, người kia xem như không làm gì mà lại dư giả, sung túc? Tại sao người này nhàn hạ mà người kia vất vả đầu tắt, mặt tối? Nhưng dù nhìn dưới góc độ tiêu cực hay tích cực, lao động vẫn là một mầu nhiệm phát xuất từ Thánh Kinh. Vì chỉ đặt nền tảng trên niềm tin, và rút ra từ Thánh Kinh, con người mới có câu trả lời và hiểu rõ tại sao mình phải làm việc, phải vất vả kiếm sống, và tại sao lao động mang một ý nghĩa rất đặc biệt trong kiếp sống của con người.
Lao động là một hình phạt
Thánh Kinh ghi lại, sau khi con người phạm tội đã bị đuổi khỏi vườn Diệu Quang, tức nơi mà ở đó cuộc sống con người không phải lo cơm bánh hằng ngày, không phải vất vả, cực nhọc kiếm sống với bản án:
“Mồ hôi đẫm mặt, ngươi mới có bánh ăn cho đến lúc ngươi về lại bụi đất vì tự đất ngươi đã được rút ra.
Bởi ngươi là bụi đất ngươi sẽ trở về đất bụi” (Sáng Thế 3:19).
Qua bản án này, Thiên Chúa đã cho thấy lý do sự vất vả, cực nhọc của con người đến từ thái độ con người từ chối tình yêu của Thiên Chúa. Từ chối sự săn sóc và quan phòng của Ngài. Không chấp nhận thân phận bụi đất của mình. Vì khi giơ tay hái trái cấm, Nguyên Tổ đã tin vào lời dối trá của Satan và nghĩ rằng rồi ra mình sẽ được bằng Thiên Chúa. Thân phận con người sẽ không còn do bụi đất nữa nhưng được cất nhắc lên ngang hàng với Ngài.
Và bản án này đã trở thành một định mệnh đi liền với thân phận và kiếp sống mọi người khi sinh vào trần gian. Nó nhắc nhở con người về cội nguồn bụi đất của mình, và về khả năng bất toàn không thể tự mình làm chủ lấy mình.
Dù lao động bằng tay chân, hay dù lao động bằng trí óc. Dù lao tâm hay dù lao lực, tất cả mọi người đều phải lãnh bản án này.
Chúa Kitô khi vào đời cũng phải mang lấy bản án ấy. Sinh ra trong một gia đình có gốc gác nghèo, gốc gác của những người lao động tay chân. Gia đình Ngài nghèo đến độ mẹ Ngài phải sinh Ngài trong một chuồng bò. Cái nghèo vẫn tiếp tục theo Ngài trong suốt cuộc đời. Nghèo cho đến chết, và sau khi chết thân xác Ngài đã được an táng trong một ngôi mộ trống. Cuộc sống nghèo của Ngài đã được chính Ngài diễn tả: “Chim có tổ, cáo có hang, Con Người không có chỗ dựa đầu” (Mt 8:20). Điều này chứng tỏ Ngài không có gì đáng kể và không sở hữu bất cứ điều gì riêng cho mình. Ngài đã sống bằng chính lao công, dĩ nhiên là bằng nghề thợ mộc vì nghĩa phụ Ngài là ông thợ mộc, và bằng sự tin tưởng vào quan phòng của Cha trên trời.
Từ cái nghèo “vô gia cư” ấy, Ngài cũng đại diện cho thành phần lao động kiếm sống bằng mồ hôi, nước mắt, thành phần nghèo túng. Nhưng cũng từ thân phận nghèo hèn này, Chúa Giêsu đã hé mở cho nhân loại một cái nhìn mới về việc con người tìm kiếm của ăn nuôi thân, và mặc cho nó một tên gọi mới, đó là mầu nhiệm cơm bánh. Ngài cho biết, những khó khăn, vất vả của con người sẽ được chúc phúc. Thiên Chúa muốn dùng những vất vả, cực nhọc ấy để thanh tẩy và thánh hóa con người, khiến lao động không còn là một bản án nặng nề, một gánh nặng khó vác, một cái ách nặng nề vô cảm, nhưng là một cửa ngõ dẫn vào những phúc lộc của nước Trời là cùng đích của cuộc sống con người đang hướng tới.
Lao động mầu nhiệm cơm áo
Khi chúc phúc cho những người nghèo: “Phúc cho những ai có tâm hồn nghèo, vì nước Trời là của họ” (Mt 5:3), Chúa Giêsu có ý nhấn mạnh đến một điều mà điều này hoàn toàn tương phản với ý nghĩ của con người, đó là nghèo đói, lao động vất vả không phải là một hình phạt. Ngài muốn nói rằng, nước Trời là để dành cho thành phần bất hạnh, những người nghèo khó, những người lam lũ và cực khổ. Ngài muốn thổi một sức sống mới vào những cái nghèo đó bằng một tâm hồn nghèo. Điều này sẽ giúp nâng cao những lao tâm, lao lực, những vất vả của kiếp người. Thánh hóa những lao công ấy bằng cách giúp con người nhận ra giữa những khốn khó và vất vả ấy, thân phận tro bụi của mình, để phó thác, tin tưởng và cậy trông. Và qua chính kinh nghiệm bản thân, họ biết cảm thông, chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ. Biết mở rộng vòng tay đón nhận những anh chị em bất hạnh hơn mình.
Tinh thần nghèo Phúc Âm đồng thời cũng giúp cho những ai đang gồng gánh, đang lao nhọc vất vả với cuộc sống bon chen nhận ra cái hư không, hão huyền của của cải vật chất, của những vinh hoa phú quí có nguồn gốc từ bụi đất: “Phù hoa nối tiếp phù hoa. Của đời hết thảy chỉ là phù hoa.” Ngoài ra, tinh thần nghèo Phúc Âm còn nhắc con người về sự bất lực của mình trước những thách đố của cuộc sống, trước mọi nhu cầu dù là rất tự nhiên và cần thiết như cơm áo.
Nếu con người không tự mình làm được một việc gì dù là nhỏ mọn nhất, con người cũng sẽ không thể tự mình để tồn tại và vươn lên nếu như không có bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Thánh Tomas d’Aquinas đã diễn tả ý nghĩa này bằng tư tưởng rất thần học lột tả vừa nguồn gốc cát bụi, vừa thực tế của con người. Theo đó, nếu Thiên Chúa đã dựng nên ai đó nhưng có một giây phút nào Ngài quên không nghĩ đến họ, lập tức giây phút đó người ấy trở về hư vô ngay. Và đây cũng là ý nghĩa tại sao Chúa Giêsu lại dậy con người phải cầu nguyện xin cho đủ cơm bánh hằng ngày.
Trở lại với phận người của Ngài, với xuất sứ là con một bác thợ mộc, hẳn Chúa Giêsu đã nhìn thấy, đã cảm thấy, và cũng đã chia sẻ những giọt mồ hôi do lao động đổ ra của nghĩa phụ Ngài là Thánh Giuse. Hẳn là Ngài đã nâng niu và chúc phúc cho những giọt mồ hôi ấy, vì nó đóng góp vào công trình sáng tạo của Cha Ngài, và vào công trình cứu độ của Ngài. Có thể nói Thánh Giuse là người thợ thuyền đầu tiên đã đem lại cho những nhọc nhằn, vất vả của con người ý nghĩa giái thoát và cứu độ. Lao động không còn là một gánh nặng, một án phạt phải trả, nhưng là một sự hiệp thông với công trình tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa.
Và hẳn là Chúa Giêsu rất hãnh diện vì nghĩa phụ Ngài đã khám phá, đã sống và đã thánh hóa lao động với sức nặng nề của nó. Có thể nói, đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã chọn sinh ra từ trong gia đình này, cũng như hãnh diện vì được làm nghĩa tử của người thợ mộc này. Một ông thợ mộc công chính. Ông thợ mộc với đôi tay cần lao của mình, bằng sức lực và những giọt mồ hôi của mình đã chấp nhận bản án của Nguyên Tổ một cách thanh thản, tin tưởng, và phó thác. Qua lời Ngài dậy những ai đang vất vả kiếm sống từng ngày lời cầu xin: “Xin cho chúng con lương thực hằng ngày” (Mt 6:11). Không biết gia đình Ngài có bị đói ngày nào hay không, nhưng căn cứ vào lời Ngài dậy, ta có thể khẳng định rằng, miếng cơm, manh áo vẫn là một nhu cầu cần thiết, nhưng đôi khi rất vất vả để có ngay trong chính gia đình và cuộc sống của Ngài.
Lao động của con người hòa cùng lao động của Ngôi Lời Nhập Thể đã trở thành nguồn ơn cứu độ cho những ai biết lợi dụng những vất vả, những mệt mã, những trăng trở, và những thách đố trong việc tìm kiếm miếng cơm, tấm bánh. Bởi vì Chúa Kitô khi nhập thể, Ngài đã mang vác lấy thân phận con người, và đã đồng hành với thân phận ấy trong suốt hành trình cuộc sống của Ngài. Sinh ra và lớn lên trong xưởng mộc Nazareth, có nghĩa phụ là người thợ mộc, Ngài cũng đã vất vả, đổ mồ hôi để cùng với nghĩa phụ lo cơm bánh cho gia đình. Ba mươi năm trong căn nhà ấy, bên những công việc nặng nhọc ấy, đã cho Ngài cái cảm nhận thế nào là đổ mồ hôi đổi lấy miếng ăn, và thế nào là thân phận con người trong bản án vườn Địa Đàng. Và Ngài đã thánh hóa những giọt mồ hôi ấy bằng cách chấp nhận thiên ý Chúa Cha cho phần rỗi nhân loại, đem lại cho những vất vả của con người một giá trị cứu độ.
Lao động sáng tạo
Do sự liên kết với Chúa Cha qua lao động, Chúa Giêsu đã không ngừng sáng tạo muôn loài. Những giọt mồ hôi của Ngài, những hơi thở hổn hển vì công việc nặng nhọc, vất vả của Ngài là những nhịp điệu sáng tạo cùng với Chúa Cha: “Cha Ta làm việc không ngừng” (Gioan 5:17). Và điều này lại mở ra một ý nghĩa mới về lao công có tầm mức sáng tạo.
Trong chương trình sáng tạo của Ngài, Thiên Chúa không ngừng đổi mới thế giới và ban ơn thánh hóa cho muôn loài. Ngài mời gọi con người cộng tác vào công trình của Ngài bằng những nặng nhọc, vất vả, những giọt mồ hôi, nước mắt, và những lao tâm của trí óc. Nó cung cấp cơm bánh, và điều kiện sống xứng đáng với phẩm giá, đồng thời nó dẫn họ đến với sự hiệp thông trong công trình sáng tạo ấy. Tại những quốc gia trong những điều kiện khó khăn về kinh tế, con người phải làm việc vất vả, và thường phải trải qua những bất công trong cuộc sống, và phẩm giá con người dễ bị lạm dụng, coi thường. Nhưng “người ta sống không nguyên bởi bánh, mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4:4), lại cho thấy cơm bánh không phải là kết quả sau cùng của lao động. Con người cần phải có một cái nhìn cơm bánh, cái nhìn lao động mới hướng về thiêng liêng, về với tâm linh và cuộc sống tâm hồn.
Qua tầm nhìn tâm linh này, những thành quả gặt hái của lao công đã được biến thành của ăn và của uống nuôi sống tâm hồn như Chúa Giêsu đã phán. Người Kitô hữu mỗi lần tham dự Thánh Lễ đều được kêu gọi góp những giọt mồ hôi và sức lao động của mình để dâng lên Thiên Chúa qua cùng một tấm bánh, một ly rượu mà vị chủ tế dâng lên:
“Lạy Chúa, chúc tụng Chúa là Chúa tể càn khôn, vì Chúa rộng ban cho chúng con bánh này là hoa mầu ruộng đất và lao công con người, chúng con dâng lên Chúa, để trở nên bánh nuôi sống chúng con”. Và:
“Lạy Chúa, chúc tụng Chúa là Chúa tể càn khôn, vì Chúa rộng ban cho chúng con rượu này là rượu bởi cây nho và lao công con người, chúng con dâng lên Chúa, để trở nên của uống thiêng liêng cho chúng con”.
Tấm bánh ấy, ly rượu ấy sẽ được thánh hiến và trở thành Mình và Máu Chúa Kitô, đã được đổ ra vì phần rỗi nhân loại. Và đang trở thành của ăn, của uống nuôi sống đời sống tâm linh con người trên hình trình đức tin, hành trình về với vĩnh hằng.
Chính trong cái ý nghĩa tâm linh này, những công việc nhọc nhằn, vất vả kiếm sống cho gia đình của người chồng, người cha, những việc làm bếp núc, chăm nom cho đàn con của người vợ, người mẹ, những công việc nuôi nấng và giáo dục con cái của cha mẹ không chỉ là cái giá phải trả cho cuộc sống, cho cơm bánh, nhưng còn là cái giá cho phần rỗi của chính mỗi người và cho anh chị em mình. Nhờ mầu nhiệm Thánh Thể mà mầu nhiệm cơm áo, mầu nhiệm cuộc sống được thánh hóa, và trở thành nguồn ơn cứu độ. Trong gia đình Nazareth, Giuse đã hiểu, và Giêsu, Maria cũng đã hiểu chân lý này. Vì vậy, không thấy Thánh Kinh ghi lại một lời than thở, một tiếng than van nào của Giêsu, của Maria, và của Giuse trước những vất vả, và trước gánh nặng cuộc đời.
Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần không ngừng sáng tạo và thánh hóa mọi loài. Sức sáng tạo của con người trong mối liên hệ mật thiết với Ba Ngôi Thiên Chúa là dùng chính lao công của mình khi tô điểm cho vẻ đẹp của trái đất, cho ý nghĩa cuộc đời, và cho những phương tiện sống xứng đáng phẩm giá con người, thăng hoa giá trị tâm linh. Nhưng truớc hết và trên hết, con người phải mang trong mình ý tưởng và hành động như một người nghèo công chính, như một người lao động trong công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa.
Người lao động thành Nazareth
Suy ngắm về đời sống lao động của Thánh Giuse, nhất là khi nối kết đời sống âm thầm, vất vả này với những lời Chúa Giêsu đã phán sau này, ta mới thấy nổi lên ý nghĩa của lao động, và giá trị của lao động thật sự. Nó cũng dẫn ta đến một ứng dụng thực tế trong đời sống là con người cần lao công, cần phải vất vả để khám phá ra cội nguồn của mình, và để nhìn nhận vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa. Nhất là để hiệp thông với cái nghèo của Con Thiên Chúa, và với sức lao động của Ngài khi vắt cạn những giọt máu cuối cùng trên Thánh Giá vì tội lỗi nhân loại.
Chúa Cứu Thế mới là người lao động chính làm nên những giá trị đích thực của lao động. Trên hết, Ngài đã kết hợp sức lao động của Ngài, đời sống vất vả của Ngài với sự sáng tạo không ngừng của Thiên Chúa. Đồng thời giải thoát con người khỏi án phạt vường Diệu Quang, đem lại cho lao động một giá trị tinh thần giúp thăng hoa công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Bên Ngài là người lao động nghèo, Thánh Giuse nghĩa phụ của Ngài.
Thánh Giuse, người lao động nghèo nhưng công chính. Do cái nghèo công chính ấy đã làm nên giá trị những vất vả, những giọt mồ hôi của ngài. Cái nghèo tự trong lòng, cái nghèo của tâm hồn nghèo. Tức nghèo mà không tham lam. Nghèo mà không ham muốn bất công và chiếm đoạt bất chính. Với đời sống và nhu cầu của con người thời ấy, và với tay nghề của mình, cộng thêm với sức lao động và một chút tham giầu, hẳn là gia đình của người đã sung túc, đã không đến nỗi nghèo. Nhưng nếu ngài lại suy nghĩ và hành động như phần lớn con người vẫn suy nghĩ và hành động, muốn dùng lao công để chỉ mua lấy những thành quả vật chất, những lợi nhuận đem lại cho mình một đời sống dễ dãi, thoải mái thì cái nghèo của ngài không còn là cái nghèo công chính nữa. Lúc đó “lương thực hằng ngày” của ngài và gia đình ngài không nằm trong bàn tay quan phòng của Cha trên trời mà nằm trong bàn tay lao động của ngài, và ngài vẫn còn một cái gì đó để sở hữu, để chiếm đoạt là khả năng nghề nghiệp, là chính những nỗ lực của trí óc và tay chân. Như vậy ngài tuy nghèo mà tâm hồn chưa nghèo. Nghèo nhưng không đưa đến sự hiểu thấu và chiếm hữu được nước Trời.
Qua gương Thánh Giuse nhân loại học được ý nghĩa và giá trị của cái nghèo, của lao công và những giọt mồ hôi của kiếp người. Và cũng qua gương Thánh Giuse, phản chiếu giá trị lao động của Con Thiên Chúa, khi Ngài vào đời và đón nhận hình phạt lao động để thánh hóa nó, và làm cho nó trở nên nguồn ơn cứu độ cho nhân loại.
Thánh Giuse, người thợ mộc nghèo. Xin cầu cho chúng con.
Trần Mỹ Duyệt
Lễ Thánh Giuse Lao Động
1 tháng 5 năm 2014