Có câu hỏi kể ra cũng đáng để chúng ta …suy gẫm đó là Giu Đa sau khi thắt cổ chết có được rỗi linh hồn hay không ? Có hai quan điểm trái ngược. Một là Giu Đa rất có thể được rỗi bởi biết đâu trong những giây phút cuối cùng ông ta có lòng ăn năn sám hối và vì Thiên Chúa là Đấng nhân từ vô cùng chẳng lẽ lại không tha thứ và cứu vớt hay sao ? Hai là Giu Đa chắc chắn bị mất linh hồn sa Hỏa Ngục đời đời, bởi chính Chúa Giê Su đã nhiều lần nói về số phận của kẻ phản bội ấy.
Ngay từ đầu Chúa đã ám chỉ Giu Đa là…quỷ: “ Ta há chẳng lựa chọn các ngươi có mười hai mà một trong số các ngươi là quỷ ư ? Ấy là Người nói về Giu Đa con Simon Ichcariot vì chính hắn là kẻ sẽ phản Ngài mà vốn ở trong số mười hai” ( Ga 6, 70 -71 ).
Tiếp đó trong lời cầu nguyện với Chúa Cha trước khi nộp mình chịu chết: “ Lạy Cha, trong những kẻ Cha đã ban cho Con. Con không làm mất đi người nào trừ ra đứa con của sự hư mất hầu cho Kinh Thánh được ứng nghiệm” ( Ga 17, 12 ).
Và rồi trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giê Su thẳng thắn nói với các Tông Đồ khi các ông hỏi ai là kẻ nộp Ngài: Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy đó là kẻ sẽ nộp Thầy. Đã hẳn Con Người phải ra đi như đã chép về Thầy. Song khốn thay cho kẻ này là kẻ phản bội Con Người. Thà rằng nó đừng sinh ra thì hơn” ( Mt 26, 23 -24 ).
Qua những lời Chúa nói trên đây trong nhiều trường hợp khác nhau cho thấy số phận của Giu Đa đã được định đoạt và sự định đoạt ấy chính là để Kinh Thánh được ứng nghiệm. Nếu số phận Giu Đa đã được định đoạt như thế thì làm sao có thể chấp nhận giả thuyết y ta cũng sẽ được cứu nếu có lòng ăn năn sám hối trong những phút giây cuối cùng ?.
Mặt khác nếu chấp nhận giả thuyết Giu Đa được …cứu trong những giây phút cuối cùng nhờ vào lòng ăn năn sám hối thì sẽ đưa đến hai hệ quả sau đây. Một, khiến người Công Giáo chúng ta…mù mờ không biết đường định hướng cho việc sống đạo của mình. Hai, có niềm tin sai lạc cho rằng: Thôi cứ việc sống…thoải mái đi, đợi đến lúc sắp chết, ăn năn tội cũng kịp lo gì !!!
Sống đạo mà không xác định đường hướng sống đạo của mình. Điều ấy thật nguy hiểm bởi cũng giống như người đi đường mà không biết mình đi đâu, làm sao đến được cái nơi mình sẽ đến ?.
Tôn giáo gọi là…đạo tức con đường thực hiện tâm linh và con đường ấy tất yếu không thể không tuân theo Lẽ Nhân Quả. Hễ tạo Nhân nào sẽ có Quả đó không bao giờ sai chạy mảy may. Cái Lẽ Nhân Quả ấy không hề do Đấng Thần Linh nào đó tạo nên nhưng áp dụng triệt để cho cả những hiện tượng thiên nhiên cũng như đời sống tâm linh đạo đức con người.
Nhân Quả là luật chung của vạn vật còn ở nơi con người gọi là Nghiệp Báo. Tạo Nghiệp nào sẽ có quả báo đó. Tạo Nghiệp ác sẽ có ác báo. Tạo Nghiệp thiện sẽ có thiện báo. Đức Ki Tô cũng đã nói rất rõ về luật này:
“ Không có cây tốt lại sinh trái xấu. Cũng như không có cây xấu lại sinh trái tốt. Vì cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái trái vả nơi lùm gai. Cũng không hái trái nho nơi bụi rậm. Người thiện do lòng chứa thiện mà phát ra điều thiện. Kẻ ác do lòng chứa ác mà phát ra điều ác. Vì do sự đầy rẫy trong lòng mà miệng mới nói ra” ( Lc 6, 43 -45 ).
Ở đây Chúa Giê Su nói “ Chứa” tức ám chỉ việc Tạo Nghiệp. Sống Đạo Chúa chính là để tạo cho mình cái Nghiệp Lành tối thượng. Nghiệp Lành tối thượng ấy đó là hết lòng vâng theo Thánh Ý trong mọi tư tưởng, lời nói, việc làm.
“ Chẳng phải mỗi kẻ nói cùng Ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa mà vào được Nước Trời đâu. Nhưng chỉ kẻ nào làm theo ý chỉ của Cha Ta trên trời mà thôi. Trong ngày đó nhiều người sẽ nói rằng: Lạy Chúa, chúng tôi há chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri ư ? Chẳng nhân danh Chúa mà đuổi quỷ ứ ? Chẳng nhân danh Chúa mà làm nhiều việc quyền năng sao ? Khi ấy Ta sẽ tuyên bố với họ rằng: Ta chẳng hề biết các ngươi. Hãy lìa khỏi Ta hỡi những kẻ làm ác kia” ( Mt 7, 21 -23 ).
Đối với thế gian thì những việc như nói tiên tri, trừ quỷ, làm phép lạ…đều lớn lao cả thể. Nhưng tại sao với Chúa đó lại là những việc ác ? Bởi lẽ tất cả những việc ấy người ta làm đã chỉ vì “ Cái Tôi” mà làm.
Con người với bản chất vô minh thế nên từ nguyên thủy đã hình thành có một “ Cái Tôi” ảo tưởng ( Câu sinh ngã chấp ) để rồi vướng vào hai cái chấp. Một là chấp xác thân là mình. Hai là chấp tâm tưởng là mình. Chính do bởi hai cái chấp sâu dày đó con người đã gây nên bao khổ đau tranh chấp, hận thù trong cõi nhân sinh này.
Tôn giáo là Con Đường Giải Thoát và sự giải thoát chỉ có thể đến khi nào con người phá bỏ được hai cái chấp ấy. Đức Ki Tô đến thế gian rao giảng Sự Thật và để nhận biết Sự Thật thì phải Bỏ Mình đi “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo. Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì phải mất. Còn ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì sẽ cứu được. Vì chưng được lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì ? ( Lc 9, 23 -25 ).
Muốn cứu lại mất, bỏ đi lại được. Đây là nghịch lý khó tin và lại càng khó hơn nữa trong việc áp dụng thực hành. Tuy nhiên nghịch lý ấy có thể trở thành không khó nếu chúng ta có lòng tin nơi Lẽ Nhân Quả như lời Chúa nói: “ Ta lại nói cùng các ngươi. Hãy xin sẽ cho. Hãy tìm sẽ gặp. Hãy gõ sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được. Ai tìm thì gặp. Ai gõ thì được mở cho. Trong các ngươi có ai làm cha mà con cái xin bánh lại cho nó hòn đá chăng ? Hoặc xin cá lại cho rắn thay vì cá chăng ? Hoặc xin quả trứng lại cho con bò cạp chăng ? Vậy nếu các ngươi vốn là xấu còn biết cho con cái mình quà tốt thay. Huống chi Thiên Phụ các ngươi lại chẳng ban Thánh Linh cho kẻ xin Ngài ư ? ( Lc 11, 9 -13 ).
Có tin nơi Lẽ Nhân Quả Báo Ứng, chúng ta mới có thể kiên tâm trong việc “ Bỏ Mình” tức bỏ đi Ý Riêng mình. Sở dĩ cần bỏ….Ý Riêng bởi chính Ý Riêng là cái tạo nên nghiệp chướng của mỗi người “ Ý dẫn đầu các pháp. Ý làm chủ, Ý tạo. Nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động. Khổ não bước theo sau như xe chân vật kéo. Nếu với ý thanh tịnh, nói lên hay hành động, an lạc bước theo sau như bóng không rời hình” ( Kinh Pháp Cú – Phẩm Song Yếu ).
Ý dẫn đầu các pháp có nghĩa trong tất cả mọi hành vi, lời nói, việc làm của con người đều do Ý dẫn dắt, điều khiển. Có ý ăn mới ăn. Có ý đi mới đi. Có ý nói mới nói v.v…Ngoài ra trong lãnh vực tâm linh thì Ý cũng là căn nguyên của mọi hành vi thiện, ác. Chúa Giê Su nói: “ Vì từ lòng mà phát ra những ác tưởng, giết hại, ngoại tình, gian dâm, trộm cắp, chứng dối và lộng ngôn. Ấy là những điều làm ô uế ngươi chứ còn ăn mà không rửa tay chẳng làm ô uế người đâu” ( Mt 15, 19 -20 ).
Ý là căn nguyên của mọi hành vi thiện, ác và cũng chính là với cái Ý ấy mà con người đã tạo nên Nghiệp thiện hay ác cho mình. Nghiệp hình thành là do một quá trình huân tập, chất chứa lâu dài. Một anh con trai khi còn nhỏ chưa biết hút thuốc, uống rượu nhưng gặp phải bạn bè xấu rủ rê, tập tành lâu ngày thành ra nghiện hút, nghiện rượu không bỏ được khiến sức khỏe bị tổn hại; một điều mà cậu thiếu niên ngày ấy chẳng bao giờ …nghĩ đến !
Nghiệp là do Ý dẫn dắt, huân tập. Huân tập chất chứa Ý ác ( ác tưởng ) sẽ tạo nên Ác Nghiệp. Mang Ác Nghiệp sẽ chuốc lấy khổ đau. Huân tập, chất chứa Ý thiện ( thiện tưởng ) sẽ tạo nên Thiện Nghiệp. Mang Thiện Nghiệp sẽ được hưởng an vui, hạnh phúc. Hiểu như vậy thì trong việc sống đạo, tu tập đó chẳng qua chỉ là vấn đề tạo Nghiệp Lành để cho mình được hưởng …quả lành.
Như đã biết Nghiệp Lành tối thượng đó là thực thi Thánh Ý Chúa trong mọi tư tưởng, lời nói, việc làm. Thánh Ý Chúa thực chất cũng là một thứ tư tưởng nhưng đây là những tư tưởng cực sáng cực lành. Kiên trì huân tập những tư tưởng cực sáng, cực lành ( Lời Chúa ) ấy vào trong tâm tưởng mình đó chính là đã tạo cho mình một cái Nghiệp Lành tối thượng chứ chẳng phải điều chi khác.
Trong Tâm đồng thời không thể khởi lên hai tư tưởng đối nghịch. Có tư tưởng thiện thì không thể có tư tưởng ác và ngược lại. Bởi đó, điều cốt yếu trong việc sống đạo, tu tập chúng ta cần chuyển hóa tư tưởng mình từ ác sang thiện bằng cách chăm chỉ lắng nghe Lời Chúa trong các Thánh Lễ hàng ngày cũng như chuyên cần thực hành Kinh Mân Côi trong suốt cả cuộc đời.
Sống đạo tức là bước đi trên Con Đường Tâm Linh để tạo lập cho mình một cái Nghiệp Lành. Có Nghiệp Lành tất sẽ hưởng Quả Lành đó là được về nơi vinh hiển với Chúa Ki Tô như lời cầu của Ngài: “ Cha ơi ! Con muốn Con ở đâu thì những kẻ Cha đã ban cho Con cũng được ở đó với Con để họ ngắm xem vinh hiển của Con là vinh hiển Cha đã ban cho Con. Vì ngay từ buổi Sáng Thế Cha đã thương yêu Con” ( Ga 17, 24 -25 )./.
Phùng Văn Hóa