LẼ  NHÂN  QUẢ  TRONG  “ TÁM  MỐI  PHÚC  THẬT”

          Có một nghịch lý xảy ra trong đời sống đó là ai cũng muốn hạnh phúc  nhưng rồi lại cứ phá hỏng nó bằng những thói hư tật xấu. Một người biết hút thuốc có hại cho sức khỏe nhưng vẫn không thể bỏ. Một người muốn gia đình thuận hòa, êm ấm nhưng lại không giữ lòng chung thủy vợ chồng. Một người biết bị giam cầm, tù đày là khổ nhưng vẫn không kiềm chế được cơn tức giận đến nỗi gây thương tích cho người. Mong mỏi  hạnh phúc mà không từ bỏ hành  động xấu thì cũng giống như cho tay vào lửa mà hy vọng không bị bỏng rát…

          Gây nhân nào sẽ lãnh quả đó, định luật này không bao giờ sai chạy mảy may nhưng người đời vì u mê nên không nhận  biết. Bài giảng đầu tiên của Chúa Giê Su nói về lẽ nhân quả trong “ Tám Mối Phúc Thật”.

          1/. “ Ai có lòng khó khăn ấy là phúc thật vì chưng Nước ĐCT là của mình vậy.

          2/. Ai hiền lành ấy là phúc thật vì chưng Đất ĐCT là của mình vậy.

          3/. Ai khóc lóc ấy là phúc thật vì chưng mình sẽ được thương xót vậy.

          4/. Ai khao khát nhân đức trọn lành ấy là phúc thật vì chưng mình sẽ được no đủ vậy.

          5/. Ai thương xót người ấy là phúc thật vì chưng mình sẽ được thương xót vậy.

          6/. Ai giữ lòng sạch sẽ ấy là phúc thật vì chưng mình sẽ thấy mặt ĐCT vậy.

          7/. Ai làm cho người hòa thuận ấy là phúc thật vì chưng sẽ được gọi là Con  ĐCT  vậy.

          8/-  Ai khốn nạn vì Đạo Ngay ấy là phúc thật vì chưng Nước ĐCT là của mình vậy.

          Bài “ Tám Mối Phúc Thật” còn được gọi là Bài Giảng Trên Núi đã hấp dẫn được không ít những danh nhân thế giới như Thánh Gandhi của Ấn Độ, Đức Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng v.v…Sở dĩ bài giảng mang tính hấp dẫn như thế là vì đã nói lên được tính chất Nhân Quả trong việc tìm kiếm hạnh phúc.

          Thế gian ai cũng mong mỏi hạnh phúc nhưng đều không đạt được như ý sở nguyện. Lý do là vì đã không nhận ra  lẽ nhân quả báo ứng. Mặt khác trong việc gây nhân tạo quả này Chúa Giê Su còn dạy chúng ta cần gây  một cái Nhân Xuất Thế  và chính cái nhân xuất thế ấy  đã khiến cho Đạo Chúa trở thành một thứ chánh đạo tức con đường về với Đấng Cha: “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).

          Đấng Cha đây chỉ có thể là Đấng Cha…nội tại ( Deus Abconsditus ) cũng chính là Bản Tâm mỗi người. Bản Tâm ấy là một Thực Tại không thể nói, không thể gọi tên  bởi hễ nói được, gọi tên ra được thì nó đã trở thành một thứ khái niệm. Lão Tử cho Thực Tại ấy là Đạo:

         “ Đạo khả đạo phi thường Đạo

          Danh khả danh phi thường Danh

          Vô danh thiên địa chi thỉ

          Hữu danh vạn vật chi mẫu” ( ĐĐK chương một ).

          Đạo thường ở đây là Đạo Thường Hằng Bất Biến. Chúa Giê Su có khi gọi Đạo Thường ấy là Nước Trời, khi khác gọi là Đấng Cha tùy từng các đối tượng khác nhau. Bởi vì Nước Trời hay Nước ĐCT là một thực tại không thể diễn tả bằng ngôn ngữ  thế nên khi rao giảng về Thực Tại mầu nhiệm ấy cho đám đông Ngài chỉ dùng dụ ngôn. “ Môn đồ bèn đến cùng Ngài mà hỏi rằng: Sao Thầy phán cùng chúng bằng thí dụ như vậy ? Ngài đáp: Đã ban cho các ngươi được biết những sự mầu nhiệm của Nước Trời. Song không ban cho họ, vì hễ ai có thì cho thêm thì người ấy được dư dật. Còn hễ ai không có dẫu điều họ  đã có cũng sẽ bị cất luôn nữa” ( Mt 13, 10 -12 ).

          Đối với đam đông, Chúa Giê Su rao giảng Nước Trời bằng  những dụ ngôn xem ra rất khó hiểu chẳng hạn như  lưới quét dưới biển như ngọc báu chôn trong ruộng như cỏ lùng trong ruộng lúa. Lý do của  sự khó hiểu  này là vì Nước Trời chỉ có thể được nhận biết qua sự thực hành chứ không phải bằng lời nói xuông.

          Việc thực hành đó diễn ra ở mối phúc thứ nhất: Ai có lòng khó khăn ấy là phúc thật. Lòng khó khăn ở đây ám chỉ cho cái Tâm không còn chấp trước vào gia sản, sự nghiệp mình có bởi tất cả chỉ là phù vân, hư ảo có đấy rồi lại mất đấy. Còn chấp vào tài sản  thì không bao giờ có thể nhận biết Nước Trời như một thực tại mầu nhiệm: “ Ta lại nói cùng các ngươi, con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước ĐCT” ( Mt 19, 24 ).

          Về mối phúc thứ hai: “ Ai hiền lành ấy là phúc thật…Có người nói cuộc đời là một trường tranh đấu, mạnh được yếu thua. Thực tế có thể là như vậy nhưng kết quả là con người luôn phải sống trong lo âu, sợ sệt. Đối với mỗi cá nhân đã vậy, còn trong trường quốc tế cũng không khác, chiến tranh xảy ra hết đợt này đến đợt kia. Hòa bình chỉ là giai đoạn tạm thời để sửa soạn chiến tranh.

          Có thể nói lo âu là tâm trạng thường trực của con người và nguyên nhân của mọi nỗi âu lo đó chung quy chỉ vì người ta ai cũng chấp vào một “ Cái Tôi”  và những cái của tôi. Để có thể hưởng hạnh phúc bình an đích thực thì  cần học theo gương Chúa Giê Su: “ Hết thảy những ai đương lao khổ  vì gồng gánh nặng nề hãy đến cùng Ta. Ta sẽ cho các ngươi được nghỉ ngơi vì Ta có lòng nhu mì và khiêm nhường nên hãy mang lấy ách của Ta, học theo Ta thì linh hồn các ngươi sẽ được nghỉ ngơi vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng” ( Mt 11, 28 -30 ).

          Ách của Chúa thì êm ái bởi vì…cái ách ấy chính là  sự…Bỏ Mình. Bao lâu còn thấy…có mình  thì bấy lâu không thể sống hiền lành nhu hòa được. Như lời Chúa nói những ai sống hiền lành sẽ được Đất ĐCT làm của mình vậy. Đất cũng không khác với Nước Trời  nhưng Đất ở đây còn ám chỉ sự chịu đựng nhẫn nhục. Ai sống hiền mà không nhẫn nhục được sao ?

          Về mối phúc thứ tư: “ Ai khao khát nhân đức trọn lành ấy là phúc thật…Con đường trọn lành  là đường rất khó theo nếu người ta không thật sự khao khát nó. Gã trai trẻ dù là người đã tuân giữ các giới răn trong đạo rất tốt được Chúa khen ngợi nhưng Ngài còn muốn anh tiến bước xa hơn: “ Nếu ngươi muốn nên trọn lành thì hãy về bán hết gia sản  ngươi cho kẻ nghèo thì ngươi sẽ có của báu trên trời rồi hãy đến theo Ta” ( Mt 19, 21 ).

          Theo Chúa để bước đi trên con đường trọn lành. Được như gã thanh niên giàu có kia, tuân giữ các giới răn của Chúa đã khó nhưng chưa đủ mà còn phải khao khát bước vào con đường trọn lành tức …bỏ mình đi ( Lc 9, 23 ).

          Có bỏ được mình thì mới có thể theo Chúa nhưng để bỏ được mình lại rất khó nếu không có Ơn Chúa và lòng khát khao Nên Thánh thoát vòng trói buộc của sinh tử. Các Thánh Nam Nữ là những tấm gương sáng ngơi cho ta dù cho các ngài cũng đã từng nhiều phen vấp ngã và trỗi dậy. Có câu nói rất chi là an ủi: Không vị Thánh nào không có quá khứ  cũng như không có tội nhân nào không có tương lai…

          Về mối phúc thứ năm: Ai có lòng thương xót sẽ được xót thương…Người đời sống ích kỷ, chỉ biết đến mình, gia đình mình  mà không nghĩ đến ai. Thế nhưng cuộc sống ích kỷ ấy khiến cho tâm hồn  ngày càng sơ cứng không thể nhận biết Ơn Chúa đã dành cho mình, chẳng phải từng mỗi hơi thở của ta đã được Thiên Chúa ban cho  cách nhưng không hay sao ?

          Nhân loại hôm nay đang trên bờ vực của thế chiến thứ ba và cuộc chiến này nếu xảy ra sẽ tiêu diệt toàn bộ nền văn minh, kỹ thuật của nhân loại. Đây là  hệ quả của một cái nhân rất xấu  do con người không có lòng xót thương mà Lòng Xót Thương ấy chỉ có thể đến từ  Đấng Cha Nhân Lành, Từ Bi hay thương xót.

          Đức Mẹ nói với Thánh Nữ Faustina: “ Mẹ đã ban Đấng Cứu Độ cho  thế giới. Còn con, con phải nói cho thế giới  biết về Lòng Thương Xót bao la của Người và chuẩn bị  cho thế giới tiếp đón Người đến lần thứ hai. Người không đến trong tư cách Đấng Cứu Độ nhưng trong tư cách của một Thẩm Phán Chí Công” ( NK 635 ).

          Về mối phúc thứ sáu: Ai giữ lòng trong sạch ấy là phúc thật…Thông thường  lòng trong sạch ở đây được hiểu là nhân đức khiết tịnh không bị dục vọng nam nữ làm  cho vẩn đục. Tuy nhiên trong một ý nghĩa sâu xa hơn thì lòng trong sạch ấy chính là Tâm Vô Phân Biệt. Khi Tâm không còn phân biệt thiện, ác  thì Nước Trời cũng gọi là Bản Lai Diện Mục ( Bộ mặt xưa nay ) sẽ thể hiện. Chính vì lòng trong sạch hiểu theo nghĩa đó  mà Chúa Giê Su khuyên dạy chúng ta thay vì chỉ yêu thương những kẻ thân cận thì hãy yêu thương cả kẻ thù nghịch cùng mình.

          Rốt ráo của con đường tu tập  chính là làm sao bỏ được cái Tâm Phân Biệt hầu vào được Nước Trời. Cũng vì Tâm Phân Biệt ấy, nguyên tổ đã bị đuổi khỏi Vườn Địa Đàng và sẽ chẳng có ngày trở lại nếu không có Người Nữ Maria đạp giập đầu rắn Sa Tan.

          Về mối phúc thứ bảy: Ai làm cho người hòa thuận ấy là phúc thật…Chưa có thời nào con người lại chia rẽ, chứa chấp lòng  thù hận như thời này. Chỉ vì mấy mét đất mà người anh có thể ra tay chém chết cả nhà người em ruột của mình. Chỉ vì va chạm trên đường giao thông, người ta có thể  xông vào ẩu đả, rút mã tấu chém nhau chí tử để rồi người thì gục ngã máu me be bét, người thì vào tù chẳng biết đến ngày nào ra !!!

          Nhìn xa hơn trên thế giới cũng chỉ vì tham vọng của một nhóm người mà người ta có thể xua quân  đến chiếm đoạt nước người, gây ra biết bao thảm cảnh đau thương, đổ nát cho cả một dân tộc. Tất cả nguyên nhân đưa đến những xung đột bạo tàn ấy là do con người không nhận biết Thiên Chúa là Đấng Cha nhân Lành của mình. Chẳng những người đời mà ngay cả người…có đạo cũng chẳng nhận ra nhau là anh em cùng một Cha là Thiên Chúa.

          Sứ mạng của tôn giáo là đem sự hòa ái giữa con người với nhau nhưng hòa sao được nếu không làm hòa với Đấng Thiên Chúa ở nơi chính mình nhờ  Đức Giê Su Ki Tô ?: “ Ấy là ĐCT vốn ở trong Đức Ki Tô, khiến cho thế gian hòa lại với Ngài” ( 2C 5, 19 ).

          Về mối phúc thứ tám: Ai chịu khốn nạn vì đạo ngay ấy là phúc thật…Chúa Ki Tô trước khi về trời  đã truyền cho các Tông Đồ: “ Các ngươi sẽ làm chứng nhân về mọi việc đó” ( Lc 24, 48 ). Mọi việc cần làm chứng đó là Chúa đã chết và sống lại. Làm chứng về việc Chúa tử nạn và phục sinh  là điều rất khó bởi vì người thế gian không sao có thể tin được việc ấy. Thế nhưng trong lịch sử Hội Thánh  đã có biết bao Thánh Tử Đạo đã vui lòng chịu chết để chứng minh cho đức tin của mình.

          Thánh Tertuliano nói: “ Máu các Thánh Tử Đạo là hạt giống sinh  nhiều giáo hữu” ( Sanguis Martyrum semen Chritianorum ). Tin và làm chứng cho đức tin ấy đến nỗi hy sinh cả tính mạng đó quả là một cái Nhân vô cùng cao cả và phần thưởng của nó thật  xứng đáng. Xưa kia đã thế, ngày nay cũng vậy cũng còn nhiều dịp để chứng minh cho đức tin của mình  bằng những việc hy sinh thầm lặng, cầu nguyện, ăn chay, làm việc tông đồ bác ái v.v…Chính những việc âm thầm nhỏ nhặt ấy sẽ đem lại vô vàn công đức nếu  được làm với lòng yêu mến Chúa Ki Tô…

          Con người có thể…chết cho niềm tin của mình nhưng vấn đề ở chỗ cái chết ấy có xứng đáng và đem lại ơn ích thực sự hay không ? Cứ xem Nhân thì biết Quả. Cái Nhân của Đạo Chúa  là cái Nhân Xuất Thế Gian: “ Con chẳng xin Cha  cất họ khỏi thế gian nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi sự ác. Họ không thuộc về thế gian cũng như Con không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy lẽ thật khiến họ nên Thánh. Đạo Cha là  đạo thật” ( Ga 17, 15 -17 ).

          Là  con cái Chúa, chúng ta có thể bị ganh ghét, đố kỵ, hiểu lầm, thiệt thòi nhiều nỗi về tinh thần cũng như vật chất nhưng hãy vững tin vào Chúa Ki Tô, Ngài đã  chịu khổ nhục, đã chết nhưng Ngài đã thắng thế gian. Chúa xin Cha không cất chúng ta khỏi thế gian nhưng xin gìn giữ khỏi sự ác tức những cám dỗ và đam mê vật dục của đời này.

          Làm sao có thể tin và sống đời sống đó ? Xin thưa tất cả là nhờ ở nơi Đức Maria, Người Mẹ Tâm Linh của mỗi người. Thánh Benado nói: “ Theo Mẹ sẽ không sợ lạc đường. Cầu nguyện với Mẹ sẽ không sợ thất vọng. Nghĩ về Mẹ sẽ không sợ lầm lẫn” ./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts