LINH HỒN VÀ SỰ SỐNG ĐỜI SAU

          Người Công Giáo có một kinh nguyện rất hay vẫn được dùng  trong khi viếng xác  hoặc  giỗ chạp đó là Kinh “ Chúa Thiên Đàng” có ý nhắc nhở cho mọi người, hãy biết lo cho cái chết của chính mình: “ Chớ gì kẻ đã đi trước, bảo kẻ còn ở, rày mai cũng phải đi nữa, trái xanh, trái chín cũng một chúa cây. Người muốn hái trái nào chẳng nề chín hay là xanh. Lại dù già dù trẻ, chớ lấy sự chết là nhẹ làm chi ! Sự chết là sự thật, giờ chết chẳng ai biết đâu. Chớ gì kẻ đã qua đời sống lại được mà bảo thế gian nhận ( ra ) lẽ phải kẻo lầm. Chớ gì nhớ đến xác ta là một nắm đất. Khi linh hồn lìa ra khỏi xác phải tìm đến chỗ nào kín mà đỗ được đời đời…

          …Vậy chớ yêu xác là giống hèn mà quên linh hồn là của trọng. Chọn sự lành, tránh mọi  sự trái kẻo tình cờ mà lạc đàng lại phải xuống chốn khốn nạn là nơi Đức Chúa Cha đã dành mà phạt ma quỷ đời đời…”

          Sự chết là sự thật nhưng giờ chết thì chẳng ai biết, vì thế  cần chuẩn bị cho giờ phút nghiêm trọng ấy: “ Vậy nên, các ngươi hãy sẵn sàng vì Con người đến  trong giờ các ngươi không ngờ” ( Mt 24, 44 ).

          Cái chết đến trong sự bất ngờ nhưng con người lại cứ hay…quên điều ấy  để rồi cứ mải mê lo lắng việc đời là đời phù vân chóng qua. Vì vậy lời kinh nhắc nhở: “ Vậy chớ quên xác là giống hèn mà bỏ quên linh hồn là của trọng làm chi ?”

          Quan niệm cho xác thân là…giống hèn, chỉ linh hồn mới trọng nay đã thuộc về quá khứ khi mà Giáo Hội đang bước vào  Con Đường Tục Hóa, coi trọng thể xác hơn linh hồn: “ Là một chủ vị duy nhất gồm có thể xác và linh hồn. Con người tổng hợp nơi bản thân các yếu tố thuộc  thế giới vật chất để từ đó  chính con người làm cho những yếu tố ấy đạt tới đỉnh cao  và trở nên lời ca tụng không ngừng dâng lên Đấng Tạo Hóa. Vì thế không được khinh miệt  đời sống thể xác con người  nhưng trái lại  phải coi thân xác là tốt lành và đáng tôn trọng vì được Thiên Chúa  tạo thành và sẽ được sống lại trong ngày sau hết” ( HC Mục Vụ Về Giáo Hội trong thế giới ngày nay” ( Gaudium Et Spes ).

          Chủ trương con người tổng hợp nơi bản thân  các yếu tố thuộc thế giới vật chất  để từ đó  chính con người làm cho các yếu tố ( Vật chất ) ấy  đạt tới đỉnh cao…Đây chẳng qua  là một thứ hình thức của Thuyết Tiên Hóa đã lỗi thời và nó chẳng hề  có liên hệ chi  đến Con Đường Sự Thật  của Đức Ki Tô: “ Chúa Giê Su nói  với những người Do Thái đã tin Ngài rằng: Nếu các ngươi cứ ở trong đạo của Ta thì thật là môn đệ Ta, các ngươi sẽ nhận biết sự thật và sự thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 -32 ).

          Sự thật mà Chúa Giê Su rao giảng  đó chính là mỗi người được sinh ra đều là Hình Ảnh Thiên Chúa là Con Thiên Chúa nhưng chỉ vì u mê nên  chẳng những đã không nhận ra chân lý cao cả ấy  mà còn chấp cho cái xác thân ô trọc này là mình. Để  nhớ lại sự thật Con Thiên Chúa ấy  thì chẳng có cách nào khác là phải…bỏ mình theo Chúa: “ Ai muốn theo Ta thì hãy bỏ mình, vác thập tự giá mình mà theo. Vì hễ ai  muốn cứu mạng sống mình thì phải mất. Còn ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì lại  được. Bởi chưng  dù có được lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì ?” ( Lc 9, 23 -25 ).

          Đức Ki Tô nói…Bỏ Mình,  Vậy thì  “Cái Mình” nào phải bỏ ? Đó có phải là cái xác thân  này không ? Nếu…bỏ mình là bỏ xác thân thì chẳng lẽ Chúa lại khuyến khích việc tự tử hay sao, đời nào có vậy. Còn như nếu bỏ linh hồn thì càng phi lý hơn !

          Trong quan niệm  trước đây của người Công Giáo thì cho  rằng linh hồn là giống thiêng liêng chẳng hề chết được có nghĩa linh hồn là bất tử. Tuy nhiên tính chất bất tử ấy  giờ đây đã không còn. Lý do là vì  nếu cho con người là một chủ vị duy nhất gồm có thể xác và linh hồn thì chẳng lẽ khi thân xác chết đi thì linh hồn cũng phải…chết  hay sao ?

          Nếu cho rằng linh hồn cũng chết đi theo thân xác thì nào có khác chi chủ trương của thuyết vô thần duy vật, họ chủ trương chết là hết ! Mặc dù Duy Vật chủ trương chết là hết nhưng trong thực tế thì  những người CS lại là những con người mê tín dị đoan hơn ai hết. Bằng chứng là trong  Di Chúc của ông Hồ có nói: Tôi đi để gặp hai ông Các Mác và Lê Nin…Làm sao có thể…đi được nếu không có linh hồn và gặp hai ông Các Mác, Lê Nin ở chốn nào ?

          Dù có nhiều quan niệm khác nhau  nhưng tin có linh hồn  là niềm tin cố hữu của con người cả trong dân gian cũng như triết học. Nho giáo  cho linh hồn là  cái khí tinh anh  ở nơi mỗi người: “ Chết không phải là hết, chỉ hết cái hình hài còn cái khí tinh anh tức là tinh thần  thì lại về chỗ sáng rõ ở trong vũ trụ” ( Tử tức quy thổ, cốt nhục tệ ư hạ, âm vị dã thổ, khí phát dương vi thượng vị chiêu minh – Sách Lễ Ký )

          Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng công nhận cái khí Tinh Anh  ấy: “ Kiều rằng  những bậc tài hoa. Thác là thể phách, còn là tinh anh”. Linh hồn  có bất tử hay không  và bởi đâu mà có linh hồn ? Nói đến bất tử có nghĩa nó đã có  từ ban đầu và sẽ không bao giờ mất đi. Điều này  lại là phi lý  bởi vì nếu con người là một chủ vị duy nhất  thì cũng như thể xác nó cũng phải được sinh ra  mà nếu sinh ra thì ắt có ngày phải chết, sao bất tử được ?

          Cái gì sinh thì ắt có ngày phải chết. Riêng với linh hồn thì không thể nói nó bất tử hay không bất tử. Bởi nếu bất tử thì nó phải bất biến trước sau như một. Khi còn trong thân xác là nó  và khi con người chết đi, phải xuống Hỏa Ngục hay lên Thiên Đàng cũng là nó.

          Còn nếu nói linh hồn không bất tử có nghĩa là mất đi cùng với thân xác  thì biết lấy cái chi mà chịu thưởng phạt đời đời ?

          Tất cả những vướng mắc đó là do quan niệm mù mờ  trong định nghĩa về con người. Đã gọi là một chủ vị duy nhất thì tất nhiên chỉ có một. Đang khi đó  con người là hợp thể  gồm hai phần Danh và Sắc. Danh là phần vô hình gọi là Tâm. Còn Sắc là phần hữu hình gọi là Thân ( xác )

          Hai phần Thân và Tâm tuy hòa hợp trong cùng một nhân vị nhưng tính chất của nó hoàn toàn khác nhau hay nói  đúng hơn: Xác thân chỉ là cái dụng cụ để cho Tâm hành động. Tâm có nghĩ thiện  thì mới làm thiện. Trái lại Tâm nghĩ ác thì sẽ làm ác.

          Nhận ra như thế để cho thấy quan niệm cho con người là chủ vị duy nhất  gồm  thể xác và linh hồn là không đúng bởi  rút cục  sẽ đưa đến việc  công nhận thuyết Hiện Sinh phê phán niềm tin tôn giáo về sự hiện hữu của linh hồn. F. Nietzhe (1844 – 1900 ) nói:

          “ Tôi muốn nói một lời  với những người  khinh chê thân xác. Họ không cần thay đổi lời giảng dạy nhưng họ nên từ bỏ thân xác họ và như vậy họ trở thành câm. Đứa trẻ nói: Tôi là  xác và hồn. Tại sao người ta không nói như các trẻ nhỏ ? Cho rằng tôi là thân xác tôi không những chỉ Nietzche nói nhưng cũng là quan điểm của Gabriel Marcell ( 1899 – 1973 ) một triết gia Hiện Sinh Công Giáo, ông đã nhiều lần  đưa ra chủ trương: Tôi là xác tôi, je suis mon corps ( T.T.Đỉnh – Triết Học Hiện Sinh ).

          Chính cái quan niệm “ Tôi là xác tôi” của triết hiện Sinh  đã ảnh hưởng sâu sắc tới  CĐ Vatican 2 trong việc Tục Hóa cũng gọi là Giải Thiêng ( Desacralisation ). Đối với Giải Thiêng  thì làm gì còn có Thiên Đàng, Hỏa Ngục và sự thưởng phạt đời đời ? Lại nữa với Giải Thiêng thì làm sao các tín hữu còn nhớ gì đến “ Xác ta là một nắm đất”  để  khinh chê nó ?

          Mặt khác, trong kinh có nói: “Hỏa ngục là chốn khốn nạn đời đời  Chúa Cha đã dành để phạt ma quỷ đời đời”  Thế nhưng đó chỉ là thứ quan niệm  của thời xa  xưa còn nay phải nhận biết Chúa Cha ấy là Đấng nội tại mới đúng. Như vậy cái án phạt đời đời ấy  phông phải ở nơi…Chúa Cha nhưng chính là…ở nơi mình. Nói cách khác  chính là cái Tâm đã quyết định như vậy ( Vạn pháp duy tâm tạo. Tâm tạo Thiên Đàng, Tâm tạo Địa Ngục, tất cả tội, phúc đều do tâm tạo ).

          Nói tất cả đều do Tâm tạo và cái Tâm đó chính là linh hồn hiểu như  một thứ Nghiệp Thức. Theo  Duy Thức thì ở nơi mỗi người đều có tám loại Thức  gọi là Bát Thức Tâm Vương  gồm có Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân Thức. Ngoài 05 thức ( Tiền ngũ thức ) ấy ra còn có Thức Thứ Sáu là Ý Thức, Thức thứ bảy là Mạt Na thức ( Thức chấp ngã ) Thức thứ tám là A Lại Gia Thức ( Tạng thức ).

          Trong tám  Thức đó thì Thức thứ sáu là quan trọng bậc nhất, công ở nó mà tội cũng ở nó ( Công vi thủ, tội vi khôi ). Khi  Thức này đi vào phân biệt, chấp  có  Ta “ Ngã” đó là tội. Trái lại bỏ cái chấp ngã ấy đi thì lại là công ( Phúc )

          Chính cái Thức thứ sáu ấy mà trong tôn giáo được gọi là …linh hồn và như thế linh hồn hoàn toàn không mang tính bất tử ( Thường hằng ) cũng như tính đoạn diệt ( Mất đi theo thân xác ).

          Linh hồn không bất tử mà cũng không mất đi nhưng có thể chuyển từ ác sang thiện hoặc ngược lại. Khi nó chấp ngã, tất cả vì “ Cái Ta” mà làm đó là theo Nghiệp dữ. Ngược lại bỏ “ Cái Ta” đi mà làm thì đó là theo Nghiệp lành. Nghiệp có thể thay đổi cũng như linh hồn không hề mang tính cố định.

          Nghiệp không cố định và có thể thay đổi tức chuyển  nghiệp. Chính vì quan niệm linh hồn bất tử thế nên thần học mới…lấn cấn trong việc  linh hồn bởi đâu mà có ? Nếu do  Thiên Chúa Đấng  Tạo Hóa dựng nên thì tại sao Ngài lại không …dựng nên mọi linh hồn cùng sáng láng khôn ngoan như nhau  như thế ? Lại nữa  nếu mọi người đều có linh hồn sáng láng thì tại sao có người lại  đâm đầu xuống Hỏa Ngục làm gì v.v…

          Không thể nói linh hồn là do Chúa ban ( Phú hồn ) bởi như thế thì  chẳng lẽ con người không có trách nhiệm gì hay sao ? Đang khi đó con người  hoàn toàn phải có trách nhiệm  về những gì mình đã suy tưởng, nói năng và hành động và cái trách nhiệm đó  thuộc về  Nghiệp Thức.

          Nghiệp hình thành là  do các hành vi  được lập đi lập lại có chủ ý ( Tác Ý ). Một giáo viên tốt nghiệp  vì đã học hỏi những kiến thức sư phạm rồi ra dạy học trò  thì  người đó có nghiệp làm thầy giáo. Một bác sĩ học y khoa rồi khi ra làm việc cứ lập đi lập những công việc khám, chữa bệnh  gọi đó là nghiệp thầy thuốc v.v…

          Thói quen, tập quán nào cũng phát xuất từ nơi tư tưởng cứ suy nghĩ và hành động lập đi lập lại mãi sẽ thành nghiệp. Chấp chứa tư tưởng ác sẽ làm ác. Có  chấp chứa tư tưởng thiện lành thì mới làm lành được. Đức Khổng Tử nói: “ Việc tôi giết vua, con giết cha đó không phải  là việc buổi sáng,  buổi chiều . Cái căn do dần dần lên mà thành vậy” ( Dịch – Văn ngôn truyện ).

          Con người phải chịu trách nhiệm về tất cả những  hành vi của mình ngay từ trong tư tưởng   và đó chính là Nghiệp Thức. Có hai thứ Nghiệp. Một là nghiệp thế gian và hai là nghiệp xuất thế gian. Nếu nghiệp thế gian  được hình thành là do tập quán, thói quen thì nghiệp xuất thế gian  cũng là do tập quán. Duy có điều khác biệt là  đó là nghiệp thế gian tất cả là vì “ Cái Ta” mà làm. Còn nghiệp xuất thế gian là bỏ “ Cái Ta” đi mà làm. Đức Ki Tô  truyền dạy đạo lý Bỏ Mình chính là để cho ta tạo được cái nghiệp xuất thế gian hầu hưởng phúc đời đời….

          Tính chất huân tâp, tạo nghiệp là rất ư quan trọng trong đời sống tâm linh, không thể coi thường. Nguyên nhân khiến con người ngày nay thiếu vắng đức tin  chính là vì đã không sống đời cầu nguyện. Đức tin và việc cầu nguyện luôn hoàn mãn bổ túc cho nhau. Cầu nguyện là bởi có đức tin. Đức tin được vững chắc là nhờ ở việc chuyên chăm cầu nguyện.

          Sống đời sống tôn giáo mà không cầu nguyện thì cũng giống như người ở trên đường mà không chịu bước đi. Không bước đi thì làm sao có thể đến nơi mà mình muốn đến ? Nơi muốn đến ấy chẳng phải là Nước Thiên Đàng đời đời hay sao ?

          Muốn…lên Thiên Đàng thì phải chọn sự lành, lánh sự dữ kẻo tình cờ mà lạc đàng sa vào chốn khốn nạn đời đời ! Sao lại nói…tình cờ ? Bởi vì trong  cuộc hành trình tâm linh lâu dài và đầy rẫy chông gai hiểm trở này nếu ta không tỉnh thức, luôn sẵn sàng  thì rất dễ sa vào mưu chước của ba thù: Thế gian, ma quỷ, xác thịt…

          Mưu chước ma  quỷ thì nhiều và nham hiểm nhưng nếu chúng ta có lòng cậy trông nơi Chúa  thì chẳng có chi phải sợ. Cha Faber  nói: Nhiều kẻ  ước nguyện lên bậc trọn lành nhưng ít người thành công. Phần nhiều không thành công  là tại thiếu lòng trông cậy Chúa” ( Thánh Alphongso de Liguori – Kẻ Nữ Tu Thánh Thiện )./.

Phùng  văn  Hóa

 

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts