Linh mục, người cha tâm linh

          Trong mấy ngày qua có hai cái…tin: Một vui, một buồn. Tin vui là có cảnh sát viên tên Jose’ Pedraza đã lãnh chức Phó Tế của giáo phận Nueve de Julio, Argentina và cuối năm nay sẽ thụ phong linh mục. Anh đã chia sẻ với đài phát thanh địa phương Cadena Nueve “ Làm cảnh sát đã dạy tôi nhiều điều: Dấn thân, có trách nhiệm, làm việc trên đường phố. Nó đã dạy tôi rất nhiều. Tôi thực sự đánh giá cao việc làm cảnh sát. Tôi không còn làm cảnh sát nữa không phải vì tôi không còn thích nó. Ngược lại tôi rất biết ơn về khoảng thời gian này. Tuy nhiên Thiên Chúa đã kêu gọi tôi, cho tôi một ơn gọi đặc biệt khác biệt, làm cho tôi trở nên trọn lành” (  Nguồn: ĐBĐM – 02/6/2019 ).

          Vui, bởi vì trong thời Tục Hóa này, người Công Giáo bỏ đạo không ít thế mà còn có anh cảnh sát chẳng những muốn theo đường trọn lành lại còn hiến thân   làm linh mục.

          Tin buồn là đức hồng y John Dew thuộc Tgp Wellington ( Tân Tây Lan ) trong thư  mục vụ gửi  các tín hữu trong giáo phận “ Khuyên các tín hữu Công giáo từ nay đừng gọi các linh mục là cha nữa. Đức hồng y giải thích rằng, ngài được truyền cảm hứng từ một bài báo của một linh mục người Pháp là cha Jean Pierre Roche trên tờ báo Công giáo La Croix International. Linh mục tác giả ấy nói rằng ngài không còn muốn sử dụng tiêu đề này nữa để giúp “ Chuyển hóa” một Giáo Hội bị sốc và kinh hoàng”  bởi những tiết lộ về sự lan rộng các lạm dụng tính dục” ( Nguồn: Vietcatholic. News – 04/6/2019 – Diễn biến lạ lùng – Hồng y Tân Tây Lan khuyên các tín hữu CG từ nay đừng gọi các lm là cha ).

          Thử hỏi nếu không gọi linh mục là …cha thì biết gọi các vị ấy là gì ? Theo hồng y  John Dew thì cứ gọi  đơn giản ngài là ..John thôi. Tự nhận mình chỉ là cái tên cha sinh mẹ đẻ như thế, chẳng hóa ra đã chối bỏ Thiên Chức Linh Mục mà mình đã lãnh nhận  hay sao ?

          Thiên chức Linh Mục là ơn gọi cao quý và chính do bởi thiên chức ấy các tín hữu mới gọi các ngài là…cha theo nghĩa  cha  phần linh hồn. Thật ra cái việc chối bỏ thiên chức linh mục như thế là điều khó tránh khỏi một khi Giáo Hội đang lâm cơn khủng hoảng trầm trọng về đức tin và ngay chính các linh mục cũng không thoát khỏi sự nguy nan ấy.

          Chúa Giê Su nói với Dì Briege MC Kenna ( Nữ tu chuyên việc giảng Tĩnh Tâm cho các linh mục trên toàn thế giới ): “ Briege ơi ! Đấy là những vị Ta chọn  để  hướng dẫn Dân Ta, để chăn dắt dân, đem can đảm lại cho họ. Nhưng các vị ấy đang  mất niềm tin vào Ta. Các vị ấy đi tìm sự khôn ngoan thế gian. Họ quay lưng lại với quyền lực của Ta  để theo quyền lực thế gian. Chúa mặc khải cho tôi biết rằng: Sắp có khủng hoảng lớn trong chức linh mục” ( Quyền Năng Chúa Giê Su Thánh Thể ).

          Quay lưng lại với quyền lực của Chúa có nghĩa đã không còn có lòng tin  nơi Ngài. Đang khi đó, lòng tin nơi Chúa Ki Tô là  điều vô cùng hệ trọng. Hơn nữa lòng tin ấy còn hệ trọng biết bao đối với các linh mục. Tại sao ? Bởi vì các linh mục có ơn gọi để trở thành những Ki Tô Khác ( Alter Christus ) hầu dẫn đưa Dân Chúa trên Con Đường Về Với Chúa Cha: “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).

          Chúng ta vẫn nói ơn gọi của linh mục là Ơn Thiên Triệu. Điều ấy quả không sai. Thế nhưng có điều nên nhớ là  chữ “ Thiên” trong Ơn Thiên Triệu ấy  không phải là …Trời theo cái nghĩa không gian vật lý nhưng đó phải là Đấng Thiên Chúa  nội tại ở nơi mỗi người.

          Nguyên nhân  sâu xa đưa đến cuộc khủng hoảng toàn diện  hiện nay  chính là vì  người  ta  đã  không còn tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa…trên trời  nữa  và cũng vì không tin như thế nên công cuộc Cứu Độ của Đức Ki Tô  đã bị biến dạng  trở thành Tục Hóa.

          Một khi đã bước vào con đường Tục Hóa thì ơn gọi linh mục tất nhiên khó lòng vượt qua được những thách đố nghiêm trọng sau đây:

          1/- Về niềm hy vọng

          Sống đời sống tâm linh là sống với niềm hy vọng: “ Vì chúng ta được cứu trong sự hy vọng nhưng sự hy vọng đã thấy được thì chẳng phải là hy vọng vì có ai lại hy vọng điều mình đã thấy rồi ư ? Song nếu chúng ta hy vọng điều mình chưa thấy thì  chúng ta mới nhẫn nại mà đợi trông” ( Rm 8, 24 -25 ).

          Đời sống linh mục là đời Thánh Hiến và để có thể sống đời Thánh Hiến ấy  thì chẳng có con đường nào khác ngoài ra là sự từ bỏ “ Hễ ai trong các ngươi không từ bỏ mọi sự mình có thì không thể làm môn đệ Ta được” ( Lc 14, 33 ).

          Mọi sự cần từ bỏ ở đây có thể là cha mẹ, anh em, gia sản, sự nghiệp v.v…và trên hết đó là từ bỏ ngay chính bản thân mình. Nếu không đi đến chỗ từ bỏ bản thân thì có khi làm linh mục rồi lại…vơ vào  tất cả những gì mình đã hứa từ bỏ, nào là tiền bạc, chức tước, vinh dự v.v…

          Vấn đề ở chỗ là cần từ bỏ bản  thân để theo Chúa nhưng trong việc từ bỏ  này  nhất định linh mục  cần  có cho mình niềm hy vọng. Không có niềm hy vọng  ấy  thì  chẳng một ai có thể sống đời Thánh Hiến cho trọn được.

          2/- Về sự hiệp nhất.

          Giáo Hội đang có sự  phân rẽ sâu sắc và sự phân rẽ ấy khiến lời cầu của Chúa Giê Su trước khi nộp mình chịu chết  đã trở nên vô hiệu: “ Con chẳng những vì họ cầu xin thôi đâu nhưng cũng vì kẻ nhơn lời họ mà tin Con nữa để họ thảy hiệp làm một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha. Lại để cho họ cũng ở trong chúng ta hầu thế gian tin rằng Cha đã sai Con” ( Ga 17, 20 -21 ).

          Sự hiệp nhất mà Chúa mong mỏi ở đây là hiệp nhất giữa đức Thánh cha và hàng ngũ giám mục. Giữa giám mục và linh mục. Giữa linh mục và toàn thể giáo dân. Tuy nhiên sự hiệp nhất ấy không thể chỉ có ở cái vẻ ngoài nhưng cần xuất phát từ bên trong  tức như Con ở trong  Cha  và Cha ở trong Con.

          Để có thể có được sự hiệp nhất từ bên trong ấy, nhất thiết Giáo Hội cần cùng đi trên một con đường đó là đường  về  Nhà  Cha  do Đức Ki Tô chỉ lối dẫn đường. Đường về Nhà Cha đây cũng chính là đường trở về với bản tâm. Đi trệch khỏi  con đường ấy  sẽ  chẳng bao giờ  có thể  đem lại  sự hiệp nhất.

          3/- Về luật độc thân Thánh Hiến.

          Luật độc thân linh mục hiện đang là đề tài gây tranh cãi. Người ta có thể viện dẫn hiện tượng ấu dâm nơi một số giáo sĩ hoặc tình trạng thiếu thốn linh mục tại nhiều quốc gia Nam Mỹ hoặc thậm chí có quan điểm cho rằng luật ấy phản ảnh sự phân biệt giới tính trong Giáo Hội Công Giáo v.v…

          Trong tình trạng luật độc thân bị đặt vấn đề như thế. Chúng ta cũng cần y cứ vào  lời Chúa Giê Su khi Ngài đề cập tới vấn đề ly dị: “ Vì có người hoạn từ trong lòng mẹ mà sanh ra. Có người hoạn bởi người ta làm nên và có người hoạn vì cớ Nước Trời mà tự hoạn lấy” ( Mt 19, 12 ).

          Hoạn từ trong lòng mẹ tức là ngay khi còn là bào thai đã không có khả năng sinh sản. Hoạn bởi người ta làm nên như hạng thái giám cũng không còn khả năng sinh sản. Trường hợp thứ ba, tự hoạn tức ám chỉ các linh mục là những người tự nguyện sống đời độc thân Thánh Hiến. Họ hoàn toàn vẫn có khả năng sinh sản nhưng thay vì sinh sản con cái xác thịt thì lại sản sinh con cái Thiên Chúa tức như Chúa nói: Vì cớ Nước Trời.

          Linh mục là người tự nguyện sống đời độc thân Thánh Hiến mục đích để sản sinh con cái Thiên Chúa. Còn như…hoàn tục tức  muốn  để sản sinh con cái xác thịt. Chọn cái gì thì cũng có cái giá của nó. Chọn  việc sinh con cái Thiên Chúa  thì phần thưởng là vinh quang bất diệt. Chọn sinh con cái xác thịt  tất sẽ  chuốc lấy phiền não trói buộc.

          Linh mục sống đời độc thân Thánh Hiến mục đích  là  để  sản sinh con cái Thiên Chúa, vì  vậy  nên  được gọi là người cha tâm linh.  Thiên chức Linh Mục  là do Chúa chọn gọi chứ hoàn toàn không phải do tài năng hay đức độ của cá nhân đó “ Chẳng phải các ngươi đã chọn Ta bèn là Ta đã chọn và lập các ngươi để các ngươi đi mà sinh hoa kết trái và hoa trái các ngươi tồn tại luôn” ( Ga 15, 16 ).

          Sự sinh sản  con cái của cha mẹ phần đời, xét cho cùng nó vẫn mang tính chất bản năng tức việc duy trì nòi giống. Tuy nhiên có điều khác căn bản đó là ngoài việc truyền giống ấy ra, con người vì được tác tạo là Hình Ảnh Thiên Chúa ( St 1, 26 ) thế nên còn mang nơi mình  cái khát vọng trở về với Ngài.

          Khát vọng  Trở Về ấy mặc dù hết sức uyên áo, khó nhận biết nhưng chính bởi có nó mà con người mới thực là con người. Tôn giáo có mặt chính là để khơi lên  khát vọng ấy và tìm phương  thực hiện.

          Đạo Phật thể hiện phương thế  ấy bằng việc xuất gia có nghĩa từ bỏ đời sống thế tục. Còn ở nơi Đạo Chúa  đó là Thiên Chức Linh Mục và chỉ ở nơi Thiên Chức  do Chúa ban cho ấy các ngài mới có đủ thẩm quyền cũng như chức năng để chăn dắt đoàn chiên theo đúng như ý Chúa.

          Chức năng Thiên Chức Linh Mục thật vô cùng cao cả bởi vì chính do nơi Thiên Chức ấy mà Thiên Chúa đã…đến và hiện hữu ở nơi con người. Sao có thể nói thế ?

          Chúng ta biết linh mục  do nơi Bí Tích Truyền Chức Thánh mà đã trở nên một thứ Ki Tô khác. Đang khi đó Đức Ki Tô lại là Đấng Emmanuel, Thiên Chúa Ở Cùng “ Kìa Nữ Đồng Trinh sẽ thụ thai, sanh một con trai. Người ta sẽ gọi tên con đó là Emmanuel” ( Mt 1, 23 ).

          Cũng chính là với Đấng Thiên Chúa…Ở Cùng ấy mà Thiên Chức Linh Mục có đủ thẩm quyền để dẫn dắt đoàn chiên Chúa  trên con đường Trở Về. Trái lại những ai phủ nhận  hoặc không sống Thiên Chức ấy, đó chỉ là những kẻ …làm thuê “ Kẻ làm thuê chẳng phải là người chăn và chiên không thuộc về nó. Thấy muông sói đến thì bỏ chiên chạy trốn. Muông sói vồ lấy chiên và làm cho tan tác” ( Ga 10, 12 ).

          Khủng hoảng Thiên Chức Linh Mục  hiện nay là có thật và rất đáng báo động. Thế nhưng việc nhìn nhận thực trạng ấy tuy là cần nhưng còn cần hơn đó là tìm ra tới tận căn nguyên của nó, vì đâu ? Nguyên nhân đó chính là vì đã bỏ qua vai trò vô cùng thiết yếu của Đức Maria trong vai trò làm Mẹ  các linh mục.

          Nếu Chúa Giê Su, Đấng Emmanuel đó được cưu mang, sinh hạ bởi Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Vậy thì  các linh mục  những Ki Tô Khác ấy  cũng  hiển nhiên  phải được sinh ra bởi Đức Maria chứ sao lại không ? Một điều còn lớn lao  khác nữa đó là trong thời khắc linh thiêng khi vị chủ tế truyền phép biến bánh, rượu thành Mình, Máu Thánh Chúa  thì Thịt, Máu ấy chẳng phải là Thịt, Máu Đức Maria sao ?

          Linh mục là một Ki Tô Khác và đồng thời cũng là Tông Đồ của Chúa. Là Tông Đồ thì tất nhiên phải giống như Gioan nhận lời phó chúc của Chúa đang khi còn trên Thánh Giá “ Đoạn Ngài phán cùng môn đệ ấy rằng: Kìa là Mẹ con. Từ giờ  đó, môn đệ ấy đón Bà về nhà mình” ( Ga 19, 27 )./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts