Linh Mục, người là ai?

          Trước những vụ việc lạm dụng tình dục trẻ em đầy tai tiếng trong những năm vừa qua tại  các nước Âu Mỹ. Giáo Hội phải chăng đã đến lúc cần…xét lại Luật Độc Thân Linh Mục ? “ Đức hồng y Reinhard Marx của Munich và Freising kêu gọi thay đổi truyền thống độc thân linh mục lâu đời của Giáo Hội khi Hội Đồng Giám Mục Đức chuẩn bị cho một cuộc tranh luận tại cuộc hội thảo về chủ đề: Tái xét luật độc thân linh mục….

          ….Trong bài giảng Thánh lễ cuối tuần tại nhà thờ Đức Bà Munich, đức hồng y Marx nói rằng: Dưới ánh sáng của sự thất bại, chung quanh tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ, Giáo Hội cần phải thay đổi truyền thống lâu đời này để thích nghi với thời đại…

          …Tôi tin rằng đã đến giờ chúng ta phải dấn thân sâu sắc để mở đường cho Giáo Hội  đổi mới và cải cách. Đức hồng y Marx nói như trên theo văn bản của bài giảng được đăng trên trang Web của tổng giáo phận: Sự tiến hóa trong xã hội và những đòi hỏi của lịch sử đã làm rõ nét các nhiệm vụ và nhu cầu cấp thiết phải đổi mới” ( Nguồn: Vietcatholic.News – 07/1/2019 – Đức hồng y Reinhard Marx kêu gọi thay đổi, tái xét truyền thống độc thân linh mục ).

          Dấn thân sâu sắc bằng cách…xét lại  Luật Độc Thân Linh Mục với mục đích để mở đường cho Giáo Hội đổi mới và cải cách. Giáo hội Đức quả thật đã đẩy cơn khủng hoảng của Giáo Hội Công Giáo không những thêm trầm trọng mà còn có nguy cơ đến chỗ…tan rã !!!

          Giáo Hội Công Giáo sẽ có ngày…tan rã hay không ? Theo niềm tin của tín hữu chúng ta thì không. Lý do bởi đã có lời hứa của Đức Ki Tô khi tuyên bố thành lập Hội Thánh dựa trên nền tảng Tông Đồ Phê Rô “ Còn Ta lại bảo ngươi rằng: Ngươi là Phê Rô, Ta sẽ lập Hội Thánh ta trên vầng đá này, cửa Hỏa  Ngục cũng chẳng thắng được nó” ( Mt 16, 18 ).

          Niềm tin của chúng ta sở dĩ có cơ sở  bởi  Giáo Hội  hoàn toàn không như bất cứ một thể chế chính trị hoặc tổ chức phần đời nào nhưng đây chính là Nhiệm Thể Chúa Ki Tô và khi đã là Nhiệm Thể Chúa thì Giáo Hội sẽ tồn tại đời đời.

          Mặt khác nhất định cần nhìn nhận Giáo Hội như là Nhiệm Thể Chúa Ki Tô chúng ta mới có thể thấy được vai trò vô cùng lớn lao của chức linh mục đó là một Ki Tô Khác ( Alter Christus ) hiện diện giữa Dân Người. Trong quyển sách mang tựa đề “ Hình Ảnh Mới của Hội Thánh” đức cha AnCel  viết như sau: Muốn hiểu các linh mục phải nhìn vào giám mục. Muốn hiểu các giám mục phải nhìn vào các Tông Đồ. Muốn hiểu các Tông Đồ phải nhìn vào Đức Ki Tô xét như Đầu của Thân Thể là Đấng sáng lập và cứu chuộc Hội Thánh đang nhờ trung gian của Chúa Thánh Thần mà Ngài đã sai đến để giảng dạy, Thánh hóa và dẫn đưa mọi người về với Chúa Cha” ( nguồn: Vietcatholic. News – GM  Phê Rô Nguyễn Soạn –Linh mục, người là ai ? ).

          Muốn hiểu linh mục thì phải nhìn vào giám mục. Muốn hiểu giám mục thì phải nhìn vào các Tông Đồ. Muốn hiểu các Tông Đồ  thì phải nhìn vào Đức Ki Tô. Điều ấy nói lên cái gì nếu không phải là tính chất liên hệ mật thiết giữa linh mục và Đức Ki Tô cùng với sứ mạng dẫn đưa Dân  Người  đến với Chúa Cha ?

          Có thể nói bao lâu chưa nhận ra tính chất liên hệ sâu xa giữa linh mục và Đức Ki Tô thì bấy lâu vẫn không thể nhận ra sứ mạng của Hội Thánh trong thế gian này là gì ? Đang khi đó cuộc khủng hoảng chức linh mục không phải cho đến bây giờ mới xảy ra mà đã được  Chúa Giê Su báo trước từ lâu cho Dì Briege MC Kenna O.S.C: “ Sứ mệnh thứ hai hiện lên thật rõ trong hình ảnh đã làm tôi rất xúc động. Tôi đứng gần Chúa Giê Su, Ngài cho tôi thấy viễn cảnh thành Gierusalem đầy những giám mục và linh mục. Bỗng nhiên Chúa khóc và bảo tôi: Briege ơi ! Đây là những vị Ta chọn để hướng dẫn Dân Ta để chăn dắt Dân, đem can đảm lại cho họ. Nhưng các vị ấy đã mất niềm tin vào Ta. Các vị ấy đã đi tìm sự khôn ngoan thế gian. Họ quay lưng lại với quyền lực của Ta để chọn quyền lực thế gian. Chúa mạc khải cho tôi biết rằng: Sắp có khủng hoảng lớn trong chức linh mục. Nhiều linh mục đánh mất lòng tin vào Chúa Giê Su, không nhìn nhận quyền năng của Chúa nữa. Quyền năng mà Chúa thông ban nơi các vị qua Bí Tích Truyền Chức Thánh” ( Dì Briege MC Kenna. O.S.C – Quyền Năng Chúa Giê Su Thánh Thể ).

          Qua những lời Chúa nói đây cho thấy khủng hoảng chức linh mục là do các vị ấy đã không còn  tin vào Chúa Giê Su để quay ra tìm kiếm khôn ngoan thế gian. Tin Chúa Giê Su có nghĩa là tin vào  Con Đường Dẫn Đến Chúa Cha “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).

          Một khi Chúa đã khẳng định Người là con đường duy nhất dẫn đến Chúa Cha thì  chúng ta  cần phải tin chắc điều ấy. Cuộc khủng hoảng nói chung và khủng hoảng chức linh mục nói riêng chính là vì đã  không đặt hết niềm tin vào con đường  của Đức Ki Tô để thay vào đó là  con đường  Duy Lý.

          Chỉ có con đường dẫn đến Chúa Cha của Đức Ki Tô mới đem lại Sự Sống Đời Đời “ Còn sự sống đời đời là nhận biết Cha cùng Giê Su Ki Tô mà Cha đã sai đến” ( Ga  17, 3 ). Trái lại con đường của thần học Duy Lý  chỉ đem đến một thứ quan niệm nào đó về Thiên Chúa chứ hoàn toàn không phải Thiên Chúa như Thực Tại Ngài Là ( Ego Sum Qui Sum – Xh 3, 14 ).

          Quan niệm  hoàn toàn khác với Thực Tại ở chỗ. Một đàng là ý tưởng chủ quan  người ta có về sự vật nào đó. Chẳng hạn ta có ý tưởng về …cái nhà thì cái gọi là…nhà đó chỉ là một quan niệm về nhà chứ không phải…nhà trong thực tại nó là. Không ai có thể…sống với quan niệm Nhà nhưng sống trong Thực Tại Nhà hiểu như  đó là một thứ không gian để  con người …ngủ nghỉ và làm việc v.v…

          Đối với vấn đề Thiên Chúa cũng vậy. Thiên Chúa của thần học chỉ là cái quan niệm  người ta  có về Thiên Chúa. Như vậy không ai  sống với Thiên Chúa của quan niệm mà chỉ có thể…sống  tin yêu với Đấng Thiên Chúa của Thực Tại. Cùng một ý ấy Đức Ki Tô nói “ ĐCT của Apraham. ĐCT của Isaac và ĐCT của Gia Cop. Ấy chẳng phải là ĐCT của kẻ chết đâu bèn là của kẻ sống. Bởi ai nấy đều vì Ngài mà sống” ( Lc 20, 37 -38 ).

          Thiên Chúa ai nấy đều vì Ngài mà sống đó chỉ có thể là Đấng Thiên Chúa nội tại hằng hữu ở  nơi mỗi người  nhưng bởi vô minh nên không một ai nhận biết ngoại trừ Đức Ki Tô và những kẻ nào Ngài muốn mạc khải ( Mt 11, 27 ).

          Đức Ki Tô mạc khải về Chúa Cha và Ngài đòi buộc những ai theo Ngài cần hết lòng tìm kiếm “ Nhưng trước hết hãy lo tìm kiếm Nước ĐCT và sự công chính của Ngài thì mọi điều ấy sẽ được thêm cho các ngươi” ( Mt 6, 33 ). Thiên Chúa phải hết lòng tìm mới gặp. Thế nhưng làm sao con người có thể tự mình thực hiện nếu không có Đức Ki Tô Đấng là Mục Tử Nhân Lành ? “ Ta  là người chăn tốt. Ta biết chiên Ta và chiên Ta biết Ta cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha vậy. Ta vì chiên Ta mà bỏ mạng sống mình. Ta còn nhiều chiên khác không thuộc ràn này. Ta cũng cần phải dẫn chúng về nữa. Chiên đó sẽ nghe tiếng Ta và rồi sẽ chỉ có một đoàn chiên cũng như một người chăn thôi” ( Ga 10, 14 -16 ).

          Đoàn chiên nói đây ám chỉ Dân Riêng Thiên Chúa. Thế nhưng nên nhớ Dân Riêng ấy không chỉ bao gồm dân Do Thái nhưng là hết thảy muôn dân thiên hạ  tức những ai nghe và tin vào Tin Mừng của Đức Ki Tô. Lại nữa Dân Riêng ấy cũng chính là Hội Thánh Công Giáo Tông Truyền dưới sự lãnh đạo dẫn dắt  duy nhất của đấng kế vị Thánh Tông Đồ Phê Rô với quyền bính tối thượng “ Ta sẽ trao chìa khóa Nước Trời cho ngươi. Hễ điều gì ngươi cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc và điều gì ngươi cởi mở dưới đất thì trên trời cũng cởi mở” ( Mt 16, 19 ).

          Nên nhớ Chúa không trao chìa khóa Nước Trời cho tập thể các Tông Đồ nhưng chỉ cho một cá nhân là Thánh Phê Rô. Điều đó hẳn nhiên phải có mục đích quan trọng và mục đích ấy chính là để bảo đảm cho việc thực hiện con đường về với Chúa Cha cũng là Nước Trời mầu nhiệm nội tại ở nơi cung lòng mỗi người ( Lc 17, 20 -21 ).

          Con đường trở về với Đấng Cha cũng là Nước Trời mầu nhiệm ấy chỉ có thể thực hiện bởi Hội Thánh Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền mà thôi. Tại sao ? Bởi lẽ Đức Ki Tô là duy nhất, hôm qua, hôm nay và cho đến muôn đời vẫn chỉ là một ( Dt 13, 8 ).

          Nếu Đức Ki Tô vốn là duy nhất thì việc Ngài trao toàn quyền: Đóng, Mở Nước Trời cho Thánh Phê Rô tức Giáo Hội Công Giáo Tông Truyền cũng là đương nhiên làm sao có thể khác ? Việc Chúa trao quyền bính cho  Hội Thánh Công Giáo như thế đã được thực thi cụ thể bởi các linh mục chịu chức Thánh bởi đức giám  mục bản quyền và mặt khác các giám mục ấy lại cần được tấn phong bởi đức Thánh cha đương thời.

          Cùng với trình  tự diễn ra trong Hội Thánh như vậy cho thấy sứ mạng của linh mục thật hết sức cao cả bởi đã mang nơi mình sứ mạng được sai đi giống như Chúa Giê Su cũng được Cha sai đến thế gian cho phần rỗi các linh hồn “ Bởi Ta chẳng đến tự mình bèn là Cha sai Ta đã truyền lệnh cho Ta phải nói điều chi và giảng điều chi. Ta biết mạng lịnh Ngài là sự sống đời đời. Vậy lời Ta nói thì nói như Cha Ta đã truyền dạy” ( Ga 12, 43 -50 ).

          Đức Ki Tô nhận mạng lệnh từ Đấng Cha để đem lại  Sự Sống Đời  Đời cho con người và cũng chính bởi mạng lệnh ấy Ngài đã ví mình như hạt lúa mì gieo vào lòng đất “ Quả thật Ta nói cùng các ngươi: Nếu hạt lúa mì chẳng  gieo xuống đất mà chết đi thì chỉ trơ trọi một mình. Nhưng nếu nó chết đi thì kết quả nhiều. Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất. Còn ai  coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại  đến sự sống đời đời” ( Ga 12, 24 -25 ).

          Linh mục là người mang sứ mạng của Chúa tất cũng phải…chết đi  cho phần rỗi các linh hồn. Sự…chết đi ấy đối với đời sống linh mục là sự từ bỏ. Nếu không có sự từ bỏ  thì linh mục không là một Ki Tô Khác  bởi chính Chúa  đã sống cuộc sống như thế khi đến với thế gian này “ Con cáo có hang, chim trời có tổ. Song Con Người không có chỗ gối đầu” ( Mt 8, 20 ).

          Sống đời từ bỏ  là đòi hỏi tất yếu của những người theo Chúa “ Hễ ai trong các ngươi không từ bỏ những gì mình có thì không thể làm môn đệ Ta được” ( Lc 14, 33 ). Sống đời linh mục là sống đời từ bỏ, không thể có cách chi khác. Tuy nhiên để có thể sống cuộc sống ấy thì nhất định cần có Ơn Chúa và Ơn Chúa ấy chỉ  được ban  cho bằng đời sống chuyên chăm cầu nguyện.

          Thánh Phanxico Xavie vì suốt ngày mỏi mệt rao giảng Tin Mừng cho lương dân nên mỗi khi đêm về quỳ gối trước Chúa Giê Su Thánh Thể. Có những lúc quá mỏi mệt đã ngủ gục trước bàn thờ. Lúc ấy ngài thường cầu nguyện: Lạy Chúa nếu linh hồn con không tỉnh thức được với Chúa thì ít nữa thân xác con đây muốn ở gần Chúa ( Người lữ hành trên đường hy vọng ).

          Sở dĩ cầu nguyện  cần thiết như vậy nhất là cho các linh mục bởi vì trong ý nghĩa của cầu nguyện có mang một yếu tố rất ư quan trọng đó là Nguyện. Nguyện tức là xin vâng là vâng làm là nguyện được về sinh sống trên Nước Thiên Đàng với Chúa.

          Đức cố hồng y FX  Nguyễn Văn  Thuận đặt câu hỏi và tự trả lời: Tại sao Hội Thánh khủng hoảng ? Đó là vì đã hạ giá việc cầu nguyện” ( ĐHV 123 ). Hạ giá không có nghĩa là không còn cầu nguyện nhưng là đã không coi trọng cái yếu tố Nguyện trong cầu nguyện. Phải chăng cũng  vì không Nguyện Về  tức không có chí nguyện ước mong về Thiên Đàng thế nên Giáo Hội ngày càng lún sâu vào Tục Hóa ? Chính vì Tục Hóa nên mới có đề nghị…quái gở …đổi mới bằng cách xét lại Luật Độc Thân Linh Mục ???

           Xét lại Luật Độc Thân Linh Mục rồi cho phép linh mục được …lấy vợ, sinh con đẻ cái như người đời ư ? Người đời tất cả đều sống trong mê và bao lâu còn sống trong mê thì vẫn còn bị trói buộc trong khổ đau phiền não. Đang khi đó đạo lý  của Đức Ki Tô đề cao sự giải thoát có nghĩa thoát ra khỏi vòng trói buộc  của tục lụy thế gian “ Nhưng an hem ơi ! Tôi bảo điều này: Thì giờ ngắn ngủi, từ nay về sau kẻ có vợ hãy nên như không có. Kẻ đương khóc hãy nên như không khóc. Kẻ đương vui nên như chẳng vui. Kẻ đương mua nên như chẳng được gì. Kẻ dùng thế gian nên như kẻ chẳng quá dùng nó. Vì hình dạng của thế gian này đang qua đi từng  phút từng giây” ( 1C 7, 29 -31 ).

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts