William Barclay, một học giả Kinh Thánh nổi tiếng đã nói: “Chỉ có một cách duy nhất để mang lại bình an cho trái tim, niềm vui cho tâm trí và vẻ đẹp cho cuộc sống; đó là đón nhận thánh ý của Thiên Chúa.”[1] Muốn thi hành ý Chúa thì cần phải lắng nghe và thực hành Lời Người dạy. Trong Tin mừng theo Thánh Mathêu, Đức Giêsu nói: “ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành” (Mt 7,24-27). Như vậy, giữa Lời Chúa và cuộc sống có mối liên hệ thiết thực với nhau, và được thể hiện cụ thể như sau.
Trước hết, Lời Chúa là động lực thúc đẩy cuộc sống. Thực vậy, khi chúng ta năng suy niệm Lời Chúa và để cho Chúa Thánh Thần làm Thầy dạy của mình, lúc đó chúng ta sẽ khám phá ra rằng Lời Chúa thực sự là sức mạnh nung náu tâm hồn chúng ta, biến đổi chúng ta và giúp chúng ta vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Từng Lời dạy của Chúa trong Kinh Thánh Cựu Ước cũng như Tân Ước luôn cho thấy Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ là Thiên Chúa cứu độ. Mọi hành động của Ngài đều nhằm mục đích sửa dạy, dẫn dụ, và nâng đỡ con người trước mọi cảnh huống của cuộc sống. Nếu chúng ta thực sự kết hợp với Lời Chúa thì Lời ấy chắc chắn sẽ giúp chúng ta đọc được mọi biến cố buồn vui trong cuộc đời bằng ánh mắt của Chúa. Nếu ai trong chúng ta cảm thấy phải lao đao vất vả vì phải gồng gánh nặng nề: gánh nặng của bản thân và gia đình; gánh nặng của những người cha, người mẹ phải đầu tắt mặt tối nơi chợ búa; phải một nắng hai sương trên nương đồng, hay ngày ngày phải lặn lội trên sông trên nước để có cái tôm cái tép đổi lấy đồng tiền nuôi con ăn học, gánh nặng của những cô cậu học trò phải miệt mài đèn sách nhưng rốt cuộc, tương lai sự nghiệp vẫn mờ mịt… đã có những lúc chúng ta phải thở vắn than dài, thì chính lúc đó đã có Lời Chúa an ủi vỗ về: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28).
Cũng vây, khi gặp phải những đau khổ về thể lý cũng như tinh thần như ốm đau bệnh tật, bị hiểu lầm hay bị khinh khi nhục mạ, lúc ấy chúng ta cũng kêu than như lời Thánh vịnh gia: “Thân con bị muôn phần khổ nhục” (Tv 119, 107). Nhưng, cùng với Thánh vịnh gia, chúng ta đừng quên nói thêm câu sau: “Lạy Chúa, theo lời Ngài, xin cho con được sống … Mạng sống này luôn lâm vòng nguy hiểm, song luật Ngài, con vẫn không quên” (Tv 119, 107). Sự hiện diện đầy tình thương của Chúa, qua Lời Ngài, là ngọn đèn xua tan những bóng đêm của nghi ngại, của sợ hãi và thúc đẩy chúng ta, soi sáng hướng dẫn chúng ta, nhất là trong những tình cảnh rối ren nhất của cuộc đời.
Thứ hai, Lời Chúa được cụ thể hoá bằng đời sống chứng tá hằng ngày của người Kitô hữu. Thánh Giacôbê đã cảnh tỉnh như sau: “Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình. Thật vậy, ai lắng nghe Lời Chúa mà không thực hành, thì giống như người soi gương thấy khuôn mặt tự nhiên của mình. Người ấy soi gương rồi đi, và quên ngay không nhớ mặt mình thế nào. Ai thiết tha và trung thành tuân giữ luật trọn hảo, luật mang lại tự do, ai thi hành luật Chúa, chứ không nghe qua rồi bỏ, thì sẽ tìm được hạnh phúc trong mọi việc mình làm” (Gc 1,22-25). Ai lắng nghe Lời Chúa và liên lỉ quy chiếu về Lời Ngài, thì người ấy như người xây dựng cuộc sống mình trên nền tảng vững chắc. Người ấy sẽ không bị chao đảo trước mọi giông tố của cuộc đời.
Nghe và thực hành Lời Chúa là hai việc không thể tách rời nhau. Chính Thiên Chúa đã đi bước trước cho ta thấy mối tương quan khăng khít giữa lời nói và hành động của Ngài suốt lịch sử cứu độ. Thiên Chúa mạc khải chính mình trong lịch sử; Ngài nói chuyện với con người và Lời Ngài đầy sức mạnh sáng tạo. Thật vậy, quan niệm Do thái về từ “Dabar”, thường được chuyển dịch ra bằng từ “Lời”, là từ có hai nghĩa vừa là “Lời Nói” vừa là “Hành Ðộng”. Thiên Chúa nói điều Ngài làm và làm điều Ngài nói. Cũng vậy, trong cuộc sống, người Kitô hữu được mời gọi sống những gì mình hấp thụ qua Lời của Chúa. Việc thực thi Lời Chúa chính là thực hiện các huấn lệnh của Ngài là Mười Điều Răn và biết rập đời mình theo Tám Mối Phúc Thật. Và điều quan trọng nhất mà mỗi Kitô hữu phải làm đó là thực thi luật bác ái yêu thương. Thánh Gioan Tông Đồ đã viết những lời thật sâu sắc: “Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4, 20).
Yêu thương tha nhân là dấu chứng rõ ràng nhất để muôn dân nhận biết chúng ta đích thực là môn đệ Chúa Kitô. Chúng ta đã từng nghe tới tấm gương kiên trung của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, một “mục tử nhân lành” của Giáo hội Việt Nam. Trong mười luật sống của ngài, chúng ta đọc thấy luật thứ 9 rằng: “Tôi chỉ nói một thứ ngôn ngữ duy nhất và mặc một thứ trang phục: Bác ái”. Ngài kể rằng: Tôi bị bắt giam trong một thời gian dài suốt 13 năm. Có hai tên cận vệ canh chừng tôi nhưng chẳng bao giờ nói với tôi một lời, chỉ “ có” và “không”. Nhưng cuối cùng, họ trở thành anh em của tôi, chẳng phải vì tôi cho họ cái gì trị giá bằng vật chất, nhưng tôi đã cho họ tình yêu của Đức Kitô. Tôi đã cười với họ, đã dạy ngoại ngữ cho họ, đã coi họ là bạn tôi, là anh em tôi. Có tên lính còn hỏi: “Nếu như anh được phóng thích, anh sẽ không nhờ người tìm đến và hành hạ gia đình chúng tôi chứ?”
Đức Giám mục trả lời: “Tôi vẫn tiếp tục yêu các cậu cả khi các cậu muốn giết tôi”.
“Nhưng vì sao”? “Bởi vì Chúa Giêsu dạy chúng ta phải luôn yêu thương nhau; nếu chúng ta không làm vậy, chúng ta không còn là những Kitô hữu chính danh”. Như vậy, lời Chúa đã trở thành cuộc sống nơi vị chứng nhân anh dũng này. Cả chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng sẽ là chứng nhân cho Lời Chúa, sẽ là môn đệ của Ngài nếu chúng ta yêu thương mọi người.
Thứ ba, Lời Chúa dẫn ta đến cuộc sống đích thật. Chúa Giêsu đã chỉ cho ta biết con đường chân chính để được làm môn đệ của Ngài và được hưởng hạnh phúc: “Nếu các con ở lại trong Lời của Thầy, các con thật là môn đệ Thầy; các con sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các con” (Ga 8, 31-32). Quả thực, không dễ dàng để nhận biết và gặp được hạnh phúc đích thật trong thế giới chúng ta đang sống, trong đó con người thường có nguy cơ trở nên con tin của những dòng tư tưởng, những chủ nghĩa dẫn đưa chúng ta đến sự hư mất trong những sai lầm hoặc ảo tưởng như tiền tài, danh vọng, địa vị và mọi hào nhoáng của thế gian. Vậy, nếu chúng ta muốn được giải thoát, nếu chúng ta muốn vươn tới cuộc sống hạnh phúc đích thật thì không còn con đường nào khác là ở lại trong Lời của Ngài. Hãy làm cho Lời đó được sinh sôi nảy nở trong cuộc sống hằng ngày. “Hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Kitô Giêsu” (Cl 2,7) vì chính Ngài là Ngôi Lời nhập thể, Lời Sự Thật, nhờ Người chúng ta được tự do và hướng dẫn sự tự do chúng ta đến điều thiện hảo. Chính Chúa Giêsu đã nói “Ta là đường là sự thật và là sự sống (Ga 14, 6). Nếu chúng ta ở trong Lời Người, là môn đệ đích thực của Người, chắc chắn chúng ta sẽ biết đường đến hạnh phúc đích thực.
Kết luận: Trên đây là phần trình bày về mối tương quan thiết thân giữ Lời Chúa và cuộc sống. Hai thực thể này luôn cần phải tồn tại song hành với nhau trong đời sống của mỗi Kitô hữu. Ta Không thể sống duy Lời Chúa mà không thể hiện nó qua cuộc sống hằng ngày và ngược lại, ta sẽ không thể sống viên mãn nếu không có ánh sáng của Lời soi dẫn, lời đó dẫn ta tới chính Ngôi Lời là Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta. Chính thánh Giêrônimô đã khẳng định: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô” (x. Dei Verbum, số 25). Ước gì mỗi chúng ta luôn biết làm cho mình trở nên quen thuộc với Kinh Thánh, biết đặt Kinh Thánh trong tầm tay, ngõ hầu Kinh Thánh trở nên chiếc ‘la bàn’ chỉ cho chúng ta biết con đường phải đi theo, nhờ đó chúng ta sẽ đạt tới hạnh phúc đích thực.
[1] In his commentary with the above gospel passage, William Barclay said: “There is only one way to bring peace to the heart, joy to the mind and beauty to the life; it is to accept and do the will of God”.
Lm. Jos Đồng Đăng