“Lạy Cha, xin tha cho chúng” (Lc 23, 34). Đó là lời đầu tiên mà trên thánh giá Chúa Giêsu thốt lên.
Tha thứ, từ ngàn xưa là đề tài lớn của Thánh Kinh. Lịch sử cứu độ là lịch sử ghi đậm nét tình yêu tha thứ của Thiên Chúa. Thiên Chúa tha thứ cho loài người, để họ còn có thể ngẩng đầu lên trông chờ Đấng Cứu Độ, có thể mở lòng ra đón nhận ơn cứu độ. Đó là cách Thiên Chúa cứu rỗi loài người.
Đến lượt mình, Chúa Giêsu, không ngừng thực hành và công bố quyền năng tha thứ. Chúa còn dạy loài người phải biết tha thứ cho nhau. Lời dạy này rõ ràng nhất nơi kinh Lạy Cha.
- CHÚA GIÊSU KHÔNG NGỪNG CÔNG BỐ ƠN THA THỨ.
Lời tha thứ trên thánh giá như một tổng kết của một đời Chúa Giêsu tha thứ cho trần thế. Tin Mừng nhiều lần cho thấy Chúa Giêsu công bố ơn tha thứ cho con người. Và con người đã từng nhận lãnh hiệu quả rõ rệt của ơn tha thứ ấy.
Chúa tha cho người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Chúa bao dung với hết các tông đồ và đoàn môn đệ trong những năm tháng huấn luyện họ. Chúa mời gọi tông đồ Giuđa ở lại với ơn tha thứ khi Chúa “báo động” hành động tội lỗi của ông: “Con muốn làm gì thì làm đi” (Ga 13, 27). Chúa tha thứ cho thánh Phêrô. Chúa sẵn sàng chữa lành đầy tớ của thượng tế khi anh này bị thánh Phêrô chém đứt tai. Chúa tha cho người trộm cùng chịu đóng đinh thập giá…
Và chính lời cầu xin Chúa Cha tha thứ mà chúng ta đang bàn, là lời công bố ơn tha thứ cho tất cả mọi kẻ hãm hại Người.
Không chỉ tha thứ, Chúa Giêsu còn dạy ta phải biết tha thứ cho nhau: Xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Hay: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 44).
Hay dụ ngôn về người đầy tớ được chủ tha hết mọi khoản nợ, nhưng người đầy tớ lại không tha cho những khoản nợ của bạn mình. Ông chủ giận cho lính hành hạ người đầy tớ ấy cho đến khi anh ta trả hết nợ (x. Mt 18, 23-35).
Và đòi hỏi phải tha “bảy mươi lần bảy” (Mt 18, 22) mà Chúa Giêsu đưa ra là lời dạy ta phải tha thứ luôn luôn, tha thứ đến kỳ cùng. Có nghĩa là, trong khi làm việc, ta có thể nghỉ ngơi. Nhưng tha thứ thì không bao giờ được phép dừng.
Từ đó, ta thấy tình yêu tha thứ của Chúa Giêsu là cánh cửa mở mà không biết đóng. Người sẵn sàng đón nhận bất cứ ai đang chiến đấu với tội lỗi, với sự dữ. Người mong chờ con người đến với mình để công bố, để trao ban ơn tha thứ cho họ. Chúa Giêsu sẵn sàng tha thứ như tấm lòng của Thiên Chúa, muôn ngàn đời vẫn có đó, “muôn ngàn đời vẫn trọn tình thương” (Tv 136, 2).
- ƠN THA THỨ QUAN TRỌNG TRÊN MỌI THỨ QUAN TRỌNG.
Lời đầu tiên ngay sau khi chịu treo trên thánh giá không phải là bất cứ lời nào quay về bản thân, mà là lời “đi ra” khỏi bản thân của Đấng Cứu Thế: “Lạy Cha, xin tha cho chúng”.
Nói lời tha thứ trước khi nói bất cứ lời nào để đi vào cái chết, Chúa Giêsu cho thấy tâm hồn, cõi lòng, trái tim Ngài tràn ngập chúng ta. Chúng ta ưu tiên trên mọi thứ ưu tiên mà Chúa nhắm đến, dẫu sự sống không còn nhiều.
Nói lời tha thứ đầu tiên, trước khi quan tâm bất cứ điều gì, Chúa Giêsu còn cho thấy, tha thứ là quan trọng, là cần thiết vô cùng cho con người. Đó cũng là hành động nhắc ta: Tha thứ là vấn đề cơ bản trước hết và trên hết mọi vấn đề mà một đời làm người, ta phải tìm, phải múc lấy bằng được từ chính hy tế của Chúa.
Qua lời đầu tiên trên thánh giá, “Xin tha cho chúng”, Chúa Giêsu còn như muốn ta ý thức: Tha thứ, trên hết là một ơn ban đến từ Thiên Chúa, do Thiên Chúa. Bởi đây là một lời nguyện. Vì qua hình thức cầu nguyện, Chúa Giêsu cho thấy, tha thứ là một ơn ban đến từ Thiên Chúa.
Dù Thiên Chúa sẵn sàng ban cho con người, khi con người cần đến, nhưng ơn tha thứ, với hình thức cầu nguyện của Chúa Giêsu, là ơn mà con người phải kêu xin Thiên Chúa.
Chúng ta cảm nhận, khi trao sự tha thứ, thì người tha thứ vui, và người được tha thứ cũng vui. Ta vui mừng, vì có một Thiên Chúa luôn nhìn đến thân phận của ta. Ta vui mừng, vì trước mặt Chúa, ta không hề không có giá trị nào. Ta vui mừng, vì mãi mãi, bằng tình yêu tha thứ của Người, Thiên Chúa bảo vệ ta.
Thiên Chúa tha thứ. Niềm vui nội tại nơi chính bản thân Người, chắc chắn không nhỏ. Người say sưa tha thứ cho con người. Người trung thành với chỉ một đường lối, là sẵn sàng yêu thương tha thứ. Từ ngàn đời, Thiên Chúa đã tha thứ. Cho đến muôn đời, Thiên Chúa vẫn tiếp tục tha.
Tha thứ chính là niềm vui vô bờ của Đấng tạo thành và cứu chuộc chúng ta.
Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG