Sau ba ngày tết, mọi phồn vinh trần thế đã qua đi. Những câu đối, cánh thiệp xuân, nhang đèn nghi ngút tưởng làm tan đi những cái xui cái xấu của nhân gian, thì hôm nay những cái xúi quẩy vẫn còn đó. Những “thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ” và những biểu tượng phát tài phát lộc đầy hãnh diện của các “đại gia” kia, hôm nay đã trở thành những đống xác vụn bị người ta giẫm lên không thương tiếc.
Vinh hoa trần thế là như thế. Nhưng năm này qua năm khác, người ta vẫn bám vào những phù vân bế tắc đó không cách nào thoát ra được.
Xe rác thành phố đã chất đầy những cành mai chậu kiểng bạc triệu héo úa rã rời, đem đổ đi cho khuất mắt. Những lời chúc tụng như hoa xuân hôm trước, hôm nay cũng bay đi mất theo gió mùa xuân, chỉ còn lại trong lòng mỗi người những lo âu xao xuyến năm trước, có khi còn mãnh liệt hơn năm cũ: đó là “làm sao kiếm ra được thật nhiều TIỀN”.
Trong cái bối cảnh ấy, Hội Thánh như thể không quan tâm, không chỉ cho người ta những bí quyết làm ra tiền mà lại đưa người ta vào Mùa Chay như một “lời mời gọi trở về”.
Thật sự đường lối của Chúa Kitô ngày trước cũng như của Hội Thánh ngày nay đềulàm cho người ta ngỡ ngàng, nhưng chính cái ngỡ ngàng ấy mới kéo chúng ta ra khỏi cái cơn mê của trần thế. Vì chỉ có Hội Thánh Chúa Kitô mới biết rằng: nhân loại muốn thoát ra khỏi cái vòng lo âu đau khổ triền miên thì phải quay về với Thiên Chúa.
Mùa Chay là mùa quay về của những đứa con đã bỏ Cha mà đi hoang. Sự quay về cần thiết hơn mọi thứ cần thiết, đến độ, như Lời Chúa qua miệng ngôn sứ Giôen trong ngày Thứ Tư Lễ Tro đã nói: “Tân lang hãy ra khỏi phòng kín. Tân nương hãy ra khỏi loan phòng.” (Ge 2,16) Họ hãy khóc lên và nói: “Lạy Giavê xin dủ lòng thương.”
Chay tịnh sám hối không nhất thiết là nhịn ăn, nhịn uống, đấm ngực khóc than hối hận tội lỗi mình. Những cái đó có thể nói chưa đi đến đâu. Một kẻ hung bạo giết người cướp của rồi đấm ngực khóc than, như thế là xong hay sao? Một kẻ rẫy vợ, ngoại tình, gian tham vơ vét đầy túi rồi vung tay bố thí của dư thừa cho người nghèo khổ, dâng cúng cho nhà thờ nhà dòng như thế là xong hay sao? Một người tuần nào cũng ăn chay, nhưng luôn nghĩ xấu, nói xấu, phê bình chỉ trích người khác, như thế có đẹp lòng Chúa, có hài lòng Đức Mẹ không? Một người ngày nào cũng quỳ chầu Thánh Thể một giờ nhưng trong lòng đầy sự ganh tỵ ghen tức anh em, không tôn trọng và nhìn nhận anh em mình, như thế người ấy có Thánh Thể trong mình không, dù mỗi ngày họ vẫn rước Chúa vào lòng?
Hôm thứ sáu đầu Mùa Chay, Lời Chúa trong sách Ngôn sứ Isaia nói: “Này, ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình. Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn. Chính ngày các ngươi muốn ăn chay để tiếng các ngươi kêu thấu trời cao thẳm thì các ngươi lại ăn chay không đúng cách. Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng trong ngày con người phải thực hành khổ chế? Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi, phải chăng như thế mà gọi là ăn chay trong ngày các ngươi muốn làm đẹp lòng Chúa? Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi cư ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?” (Is 58,3-7)
Cứ trung thực mà xét, hai ngày chay của Giáo hội Công giáo chúng ta trong một năm đem so với những ngày ăn chay trường kỳ của một vài tôn giáo bạn thì có thấm vào đâu. Thế mà ơn tha thứ lại cứ đổ xuống chan hoà trên chúng ta, mà còn đổ xuống mãi không bao giờ vơi cạn.
Suy gẫm như thế thì chúng ta mới có thể ngửa mặt lên, nước mắt chan hòa trên gương mặt tội lỗi, trên cơm trên bánh hằng ngày để vui mừng cảm tạ lòng nhân hậu vô biên của Thiên Chúa, Chúa chúng ta.
Tội lỗi chúng ta được xoá sạch, tâm hồn chúng ta được bình an, cuộc đời chúng ta trở nên giàu có, muôn vàn phúc lộc từ Cha trên trời đổ xuống, là vì chúng ta có Đức Giêsu Kitô.
Vậy Mùa Chay là mùa nhìn ngắm cho thật kỹ Đức Giêsu, dung mạo tình thương của Cha Trên Trời gửi đến cho chúng ta, chứ không phải nhìn vào tội lỗi mình mà nhăn nhó buồn phiền. Phêrô nhìn vào Đức Giêsu thì được hạnh phúc (x. 22,61). Giuđa hối hận nhưng không nhìn vào Đức Giêsu nên kết thúc đời mình bằng một sợi dây thòng lọng. Kinh Thánh mô tả việc quay đi của Giuđa bằng một câu (nghe rợn người!): “Giuđa liền đi ra. Lúc đó trời đã tối” (Ga 13,30).
Mùa Chay của cả nhân loại chỉ bắt đầu từ Đức Giêsu và kết thúc nơi Đức Giêsu. Ai bắt đầu và kết thúc đời mình trong Đức Giêsu Kitô, thì người ấy đã sống một Mùa Chay đích thực trong Thiên Chúa.
Tin Mừng nói: “Đức Giêsu đã giữ chay bốn mươi ngày bốn mươi đêm, sau đó Người thấy đói” (Lc 4,2; Mt 4,2). Vì Đức Giêsu ăn chay nên hôm nay tôi cũng ăn chay, đó là một việc noi gương bắt chước rất tốt. Nhưng việc Đức Giêsu ăn chay lại không phải do ý của Người mà là theo ý của Cha. Đó là việc tôi không thể bắt chước, và không muốn bắt chước, vì tôi không muốn theo ý của Cha trên trời, ý của tôi lúc nào cũng là nhất. Kinh Thánh nói: “Thần khí đẩy Đức Giêsu vào sa mạc, chịu Satan cám dỗ” (Mc 1,12-13). Kinh Thánh không nói Đức Kitô tự ý đi vào sa mạc.
Việc Đức Giêsu ăn chay, chịu cám dỗ là một biến cố khác thường và lạ lùng của một con người làm tất cả mọi việc không bằng ý chí, sức lực của mình, mà bằng ý chí sức mạnh của một Đấng khác, mà Người gọi Đấng ấy là Cha.
Việc chay tịnh và chịu cám dỗ của Đức Giêsu là một biến cố lớn lao. Con Thiên Chúa đã xuất hiện ở trần gian để gánh chịu trên mình Người tất cả những cám dỗ của tôi, không phải chỉ của tôi mà của cả nhân loại từ Adam đến tận thế.
Khi ma quỷ thấy xuất hiện trong vương quốc tối tăm của nó là trần thế này, chúng kéo cả hỏa ngục lên bao quanh một con người nhận mình là Con Thiên Chúa, và quyết tiêu diệt Người. Cho nên mọi cơn cám dỗ của Đức Giêsu phải chịu, đều chịu với tư cách là Con Thiên Chúa, và Người đã chiến thắng chúng với tư cách là Con Thiên Chúa : “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy hóa đá này thành bánh mà ăn”. “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy gieo mình xuống dưới sâu kia, vì Ngài sẽ sai Thiên Thần nâng đỡ ông”. Nhưng Đức Giêsu đã không làm, vì ý của Cha không muốn như vậy. Nếu nhân loại chỉ nuôi thân xác mình bằng cơm bánh rượu thịt thì nhân loại sẽ chết. Nhưng ý Cha muốn nhân loại được sống, sống bằng ăn thịt uống máu của chính Con Ngài, để nhân loại được đổi da lột xác với những xấu xa của Satan nơi mình, thành máu thịt Con của Ngài, và được sống với tư cách là con của Cha như Đức Giêsu Kitô. Chính vì thế, Đức Giêsu nói cho Satan biết: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 4,4)
Đức Giêsu không nhảy từ nóc đền thờ xuống vì ý của Cha không muốn như vậy. Người chỉ muốn vâng ý Cha, chứ không muốn thử ý của Cha. Cả đến lúc quẫn bách nhất, lúc thoi thóp khốn khổ trên thập giá, Satan còn trở lại thách thức một lần nữa: “Nếu ông là Đức Giêsu Con Thiên Chúa thì hãy xuống khỏi thập gía đi.” (Mc 15,32). Đức Giêsu đã không sa vào chước cám dỗ đó mà chỉ phó thác trọn vẹn trong tay Cha. Chính nhờ thế Đức Giêsu đã phục sinh và tôi cũng sẽ được phục sinh với Người.
“Nếu ông chịu từ bỏ chức vị làm Con Thiên Chúa mà quỳ xuống bái lạy tôi thì tôi sẽ cho ông tất cả giàu sang chức vị của cải thế gian này!”
Đây là một đề nghị hấp dẫn quá sức đối với hết mọi người chúng ta, tất cả không trừ một ai, từ giám mục, linh mục, tu sĩ đến giáo dân, từ vua quan đến thứ dân. Thậm chí Satan chưa đề nghị mà tất cả chúng ta đã lao mình vào tiền của với tất cả sức lực mánh lới, tìm mọi cách thu vén lợi lộc cho mình, ngay cả buôn thần bán thánh. Mãnh lực của đồng tiền thật ghê gớm. Người ta đánh đổi tất cả để chiếm đoạt cho bằng được. Vì tiền mà mất hết tình nghĩa cha mẹ, vợ chồng anh em. Vì tiền mà cộng đoàn xào xáo chia rẽ nhau. Vì tiền mà người ta bán đứng nhau, bán rẻ lương tâm mình. Tiền là bạc!!! Bạc bẽo!!! Bạc như vôi!!!
Nhưng Đức Giêsu không thờ lạy đồng tiền, vì đó không phải là ý của Cha. Đức Giêsu nói cho Satan, và cho cả thế gian hôm nay, cho những người đang tìm mọi thủ đoạn bất chính để có được chức tước địa vị quyền lợi bổng lộc: “Các ngươi phải bái lạy và thờ phượng một mình Thiên Chúa mà thôi” rồi Người đuổi Satan: Xéo đi! (Mt 4,10) Đức Giêsu đuổi Satan xéo đi, còn chúng ta lại rước Satan vào cõi lòng mình, vào gia đình mình, cộng đoàn mình. Thử hỏi như thế làm sao không bất an, bất hoà, bất bình?
Đức Giêsu Phục Sinh đã thắng cả thế gian, cả ma quỷ và cả sự chết. Người đang nói với chúng ta: “Hỡi con đừng sợ, hãy tìm Nước Thiên Chúa trước, rồi mọi sự khác, Người sẽ thêm cho.” (Lc 12,31)
Lạy Đức Giêsu Kitô, Đấng giàu lòng thương xót, Chúa đang tha thiết mời gọi con trở về, xin hãy chiếm hữu trái tim, linh hồn và thân xác con. Xin làm cho đời con được nên giàu có trong Chúa, vì sức con chỉ có khả năng ham tiền, ham danh vọng, chức tước địa vị và phạm tội mà thôi. Amen.
Sài Gòn, Mùa Chay Thánh
Lm. Giuse Trần Đình Long, SSS