Ngày nay, hai chữ “xin lỗi” đang rất khan hiếm trong thời đại văn minh hôm nay. Nhiều người ngoại quốc vẫn “phàn nàn” rằng người Việt Nam ít nói xin lỗi. Và cũng có người nói thêm rằng: Ở Việt Nam việc xin lỗi cũng chẳng dễ dàng gì. Ví dụ, có lần khi lùi xe máy tôi sơ ý chạm vào ống quần của một người đàn ông đang đỗ xe hướng ngược lại. Biết trời mưa nên xe khá bẩn, tôi đã mỉm cười và xin lỗi mình vô ý, đổi lại tôi nhận được một cái nhìn khó chịu và khuôn mặt lạnh như băng, tôi cảm tưởng lời xin lỗi của mình rơi xuống nước. Hay một lần khác, vì tránh người khác vượt phải mà suýt va chạm với một chị đi xe máy đang xin sang đường, sau câu xin lỗi của tôi là một tràng xối xả: “Đồ điên, mắt mù à?”…
Có phải rằng do cuộc sống bon chen, vội vã, tranh đua giành giật mà đôi khi con người ta ứng xử thiếu sự tôn trọng và thương yêu. Lời xin lỗi đã không còn hợp thời hợp lúc vì giữa người nói lời xin lỗi và nhận lời xin lỗi không còn tình yêu với nhau. Con người sống không còn tình yêu thì chỉ còn tranh chấp, hận thù nên lời xin lỗi thật lãng phí trong thời đại hôm nay.
Nhưng dù sao đi nữa, chúng ta cũng cần công nhận rằng: sức mạnh của một lời xin lỗi là có thể làm dịu một tình huống căng thẳng một cách diệu kỳ. Một cơn tức giận cho dù có lý hay vô lý đều dễ dàng được xoa dịu bằng một lời xin lỗi đơn giản, qua đó đôi bên đều có thời gian tự trấn tĩnh, nhìn vào sự việc để tìm ra cách giải quyết vấn đề theo chiều hướng tích cực.
Thực ra, việc nhận lỗi và xin lỗi thật cần thiết trong cuộc sống. Cần thiết vì chẳng mấy ai mà không có khuyết điểm, chẳng mấy “Ai nên khôn mà không dại đôi lần”. Con người luôn có lầm lỗi là lẽ thường tình. Thế nhưng, cần phải nhận lỗi để sửa đổi, đừng để vấp phạm một lỗi đến hai lần hay nhiều lần. Nếu biết nhận lỗi, xin lỗi và sửa lỗi con người sẽ rút được kinh nghiệm trong cuộc sống và sống hoàn thiện hơn.
Trong đời sống đức tin việc nhận lỗi còn bày tỏ lòng khiêm nhường trước Đấng Tạo Thành. Nhận ra sự yếu đuối bất toàn của mình để con người cần đến ơn trợ giúp của Thiên Chúa. Nhận ra sự khiếm khuyết của mình để Thiên Chúa bù đắp những thiếu sót nơi thân phận con người. Nhận ra sự yếu đuối bất toàn của mình con mới biết cậy trông vào ơn Chúa để hoàn thiện mình nên giống Chúa hơn.
Ngày Thứ Tư Lễ Tro khởi đầu cho Mùa Chay thánh. Với việc xức tro trên đầu tỏ dấu sám hối ăn năn. Tro hay bụi là cách người xưa dùng để bày tỏ lòng ăn năn thống hối. Người ta thường ngồi trong tro hay rắc tro bụi lên đầu, bày tỏ lòng ăn năn. Có người sẽ hỏi: “Tại sao ta lại phải ăn năn hối lỗi?” Câu trả lời là vì con người chúng ta là tội nhân trước mặt Thiên Chúa và cần phải ăn năn, hối lỗi mới được tha thứ. Thiên Chúa đã làm tất cả cho chúng ta. Ngài đã ban Chúa Giêsu giáng sinh làm người chịu chết vì tội của chúng ta, nhưng nếu chúng ta không ăn năn tội lỗi, ơn tha thứ sẽ không đến với chúng ta.
Ơn tha thứ sẽ làm chúng ta được giao hoà với Thiên Chúa, được trở về trong tình trạng làm con cái Thiên Chúa. Ơn tha thứ của Thiên Chúa sẽ đong đầy tình yêu của Ngài giúp con người nhận ra Một Vì Thiên Chúa rất mực yêu thương con người. Ơn tha thứ của Thiên Chúa còn ban xuống cho chúng ta sự khôn ngoan, ơn hiện sủng để thắng vượt những yếu đuối của bản thân, để chống trả chước cám dỗ, và thăng tiến mình mỗi ngày thánh thiện hơn.
Ước gì người Kitô hữu chúng ta luôn có một lương tâm ngay chính để có thể nhận ra lỗi lầm của mình mà sám hối ăn năn trước mặt Chúa, mà xin lỗi tha nhân. Ước gì đời sống của chúng ta luôn nhận ra sự bất toàn của mình để trông cậy vào ơn Chúa để thắng vượt những cám dỗ của ma quỷ, để luôn trung tín với Chúa. Amen.
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền