Ta bắt gặp công thức của luật báo thù: “Mắt đền mắt, răng đền răng”. Người ta xúc phạm đến tôi bao nhiêu, tôi phải làm lại cho người đó bấy nhiêu. Kẻ lý luận như thế là dựa trên sự công bằng, nhưng đây là sự công bằng theo mức độ của loài người. Luật trả thù này đã được ghi chép thành văn trong bộ luật của vua xứ Babylon năm 1750 TCN. Trong Bộ Ngũ Kinh, người ta cũng có thể đọc thấy vài công thức của luật trả thù này, và đó là sự bất toàn của Luật Môsê thời Cựu Ước.
Luật trả thù này không những có trong những bộ luật lâu đời mà còn nằm trong tâm hồn con người mọi thời. Chúa Giêsu thì khác, Ngài mời gọi con cái của ngài, cụ thể là các môn đệ khi ở gần Chúa, đặc biệt sống lòng bao dung. Lòng bao dung của Chúa Giêsu là cần phải sẵn sàng dập tắt ngay nơi bản thân mầm mống của bạo động. Chúa Giêsu nhấn mạnh đến tinh thần mà người môn đệ phải có, đó là tinh thần tha thứ, vượt qua điều anh em xúc phạm đến mình.
Ðây là hình thức cao cả của tình yêu Kitô: yêu thương một cách nhưng không, không đòi lại điều gì, cũng không chờ đợi điều gì. Như vậy, câu nói của Chúa Giêsu: “Ai muốn lấy áo trong của con, thì hãy cho nó cả áo ngoài” không phải là thái độ thụ động, mà là thái độ tích cực sống yêu thương tha thứ như Chúa đã nêu gương từ trên Thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Chúa Giêsu đã yêu thương và tha thứ đến cùng, và Ngài dạy chúng ta sống theo gương Ngài, nếu chúng ta muốn trở nên môn đệ đích thực của Ngài.
Lời mời gọi của Chúa Giêsu vẫn còn vang vọng đâu đó trong cuộc đời và có đó những người ngày mỗi ngày mở lòng ra sống lòng bao dung mà Chúa mời gọi đó.
Những ngày gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, ít nhiều gì chúng ta cũng đã biết được một tin chẳng vui đó là cô bảo mẫu N giết cháu L khi ba mẹ cháu gửi cho cô N nuôi giữ tại nhà. Trưa 16/11, khi thấy cháu L không chịu ăn uống, khóc nhè, N xách tay cháu lên hù dọa, nhưng không may làm cháu rơi xuống đất. Lúc đó, thay vì đưa cháu đi bệnh viện cấp cứu, N lại nhẫn tâm dùng chân đạp lên bụng và ngực hai cái khiến cháu L tử vong.
Đứng trước cái chết của đứa con yêu dấu, cha mẹ của cháu L làm sao có thể quên được nỗi đau tột cùng này. Thế nhưng, đứng trước nỗi đau này, cha của cháu L nói: “Giận thì giận thật nhưng nhìn gia cảnh họ như thế tôi cũng không đành lòng, con tôi dù sao cũng đã mất rồi nên tôi không muốn khơi lại chuyện này nữa, bây giờ tôi chỉ muốn cháu bình an về với Phật”. Anh nói thêm trong nước mắt: “Mỗi khi đặt chân vào cửa tôi lại thấy cháu đang chạy nhảy khắp nhà. Sau khi cháu mất, tôi phải gom hết đồ chơi của cháu lại mang đi đốt bởi mỗi lần nhìn thấy, vợ tôi lại khóc. Nhiều khi đang ngủ, tôi giật mình choàng tỉnh bởi nhớ ra chưa đón con, đến khi trấn tĩnh lại mới biết là con mình còn đâu nữa mà đón… Lúc đó, hai vợ chồng chỉ biết nhìn nhau mà khóc”.
Đứng trước tình cảnh này, nhiều người nói anh viết đơn kiện, đề nghị xử nghiêm hành vi của N. Tuy nhiên, anh đều gạt đi, bởi “Tôi cũng không nghĩ là cô ta cố tình làm vậy đâu, bây giờ có kiện thì con tôi cũng không sống lại được, thôi kiện tụng làm chi, để cô ta về với con”.
Và, ngay cả chuyện “đền bù” anh cũng không màng tới vì biết rằng gia đình N rất khó khăn, anh Đ cha của L tiếp tục tâm sự: “Nhà họ khổ quá rồi, bây giờ tiền ăn còn không có thì nói gì đến chuyện bồi thường. Họ có bồi thường thì cũng phải đi vay mượn, như vậy tội nghiệp lắm. Thôi, coi như con mình có cái số, cái duyên tới đó, bây giờ tôi chỉ muốn cháu bình an về với Phật”.
Không những vậy, khi thấy hai bà cháu sống khổ sở, ăn uống không đủ no, chính anh đã nói vợ mang những bịch sữa cháu L chưa dùng hết sang cho cháu N (con nghi phạm N) dùng tiếp.
Thái độ của hai vợ chồng anh Đ, chắc có lẽ sẽ gặp được nhiều phản ứng của người chung quanh, có thể là:
– Khùng quá! Sao không kiện để con N lãnh án thật nặng .
– Nó làm chết con mình thì phải bắt nó bồi thường.
– Phải xử thật nặng để nó biết.
Và nhiều suy nghĩ nữa khi đứng trước nỗi đau mất mát con của hai vợ chồng trẻ.
Nhưng, qua tâm tình của anh Đ, ta thấy được một lòng bao dung hết sức thực tế trong con người của anh. Anh có thể chưa biết Chúa hay không biết Chúa nhưng anh đã thực thi lòng bao dung mà Chúa đã mời gọi mọi người.
Thật sự, để sống lòng bao dung như thế này quả là lời mời gọi và thách thức cho mỗi người chúng ta, bởi lẽ nói thì dễ nhưng làm và sống lòng bao dung không giản đơn chút nào cả. Ta có thể nói rất hay nhưng khi đụng chuyện ta có can đảm bao dung và tha thứ cho những ai làm thiệt hại đến ta hay không mới là chuyện đáng nói.
Và, đôi khi có những điều phi lý đến nực cười trong cuộc sống là chưa chắc gì anh chị em lỗi phạm đến ta nhưng vì tính nết ích kỷ, nhỏ nhen và ác độc trong ta nổi lên thì ta lên án thật nặng với những người phạm tội như chị N. Chị N phạm tội với gia đình anh Đ, anh Đ đã tha thứ nhưng có những người ngoài cuộc vẫn hăm hở “ném đá và giết” chị N cho hả giận dù chị N chẳng dính dáng gì đến mình.
Vẫn còn đó những thái độ, những tấm lòng độc ác đang len lỏi trong con người của ta để ta đánh mất đi lòng bao dung mà Chúa Giêsu mời gọi. Hãy bao dung với anh chị em đồng loại, để anh chị em đồng loại bao dung với ta, và nhất là để Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót luôn bao dung và thương xót ta là kẻ tội lỗi.
Điều bi hài mà ta ít nhận ra đó là Thiên Chúa luôn luôn bao dung tha thứ cho ta, còn ta luôn luôn “bung dao” để giết hại anh chị em đồng loại của ta.
Ta hãy cầu xin bằng chính lời kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô Assisi: “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”.
Lm. Anmai – CSsR
Nguồn: WGPSG