Hôm nay giáo phận Bùi Chu bế mạc Năm Thánh lòng thương xót, hòa trong dòng người về dự lễ kết thúc Năm Thánh người viết thầm nghĩ: Một năm có 365 ngày, một ngày 24 giờ và… thời gian là quà tặng Thiên Chúa ân ban cho con người, nhưng chúng ta đã sử dụng món quà ấy ra sao? Mỗi người đã thu góp được gì trong kho tàng ân sủng của Năm Thánh? Sau sự kiện trọng đại này xin được chia sẻ đôi điều về sự khôn ngoan của Thiên Chúa và thái độ biết ơn cần có của con người khi được Thiên Chúa xót thương.
Sự khôn ngoan của Thiên Chúa.Vì đang trong tháng 11, nên người viết liền nghĩ đến giới hạn tuổi thọ của con người và thấy đó là một minh chứng hiển nhiên cho thấy sự khôn ngoan của Lòng Thương xót. Tại sao sự hữu hạn về cuộc sống con người lại là sự khôn ngoan của Thiên Chúa? Rất đơn giản, thử nghĩ mỗi người khi bước vào kiếp nhân sinh đã mang lấy bốn chữ (sinh – bệnh – lão – tử) trên mình. Lúc khỏe mạnh, giàu có, trẻ trung thấy đời tươi vui, đáng yêu và đáng sống biết bao; ngược lại khi bệnh tật, già cả cô đơn mà được sống bất tử thì sẽ bất hạnh dường nào. Tác giả thánh vịnh 90 đã nói lên tâm sự đó thay cho chúng ta:
“Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.” (Tv 90; 10).Từ khi Thủy tổ phạm tội, đau khổ và sự chết đã đến thế gian. Đây chính là hậu quả nặng nề nhất của tội bất tuân của ông bà Nguyên Tổ đối với Thiên Chúa. Tuy nhiên, với lòng từ bi, Ngài không bỏ mặc loài người trong khốn cùng mà đã hứa ban chính Người Con Một của mình để giải thoát họ khỏi tội lỗi, sự chết, và sự dữ cũng như khai mở kho tàng ơn phúc bất tận cho nhân loại. Vì vậy lời ca âm vang trong Đêm Thánh vọng Phục Sinh ca ngợi “tội A đam là tội hồng phúc”. Từ đó, cái chết không còn là ngõ cụt đối với loài người nữa, nhưng nó nhắc nhớ chúng ta rằng cuộc đời ngắn ngủi, nên cần sống cách khôn ngoan, tận dụng thời gian để làm điều thiện, để hưởng những lợi ích của đời sống hiện tại theo đúng ý định của Đấng Khôn Ngoan.
“Xin dạy con biết tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan, để hiểu rằng kiếp phù du là thế”(Tv 90,12).Thiên Chúa là chủ sự sống. Nơi Ngài nguồn sống trào tuôn bất tận. Những ai đến với Ngài, sẽ nhận được Ơn khôn ngoan, sức mạnh trong linh hồn cũng như thân xác. Chính Đức Giêsu khi còn ở trần gian đã khẳng định:
“Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10; 10). Tin vào lời hứa ấy, con người mọi thời đại tuôn đến với Đức Giêsu. Ngài là hình ảnh Chúa Cha đến với nhân loại để thi ân giáng phúc, chữa lành tâm hồn, thể xác cho bất cứ ai thành tâm cầu khẩn. Ngài chính là Nguồn Mạch sự khôn ngoan của Chúa Cha.
Con người có biết ơn Lòng Thương xót?
Con người vốn được Thiên Chúa biệt đãi hơn các loài thụ tạo khác, nhưng thể hiện lòng biết ơn khi đã nhận ơn thì chưa chắc. Trường hợp Chúa Giêsu chữa mười người phong hủi cho thấy phần nào sự thật đó. (x. Lc 17, 11-19). Khi ‘Họ dừng lại đằng xa’ mà kêu xin Ngài cứu giúp. Đức Giêsu đã động lòng thương cứu chữa họ. Thế nhưng, khi đã khỏi bệnh, da dẻ được hồi sinh, các mụn nhọt lở loét biến mất, chân tay sạch sẽ như chưa bao giờ mắc phải chứng bệnh quái ác. Họ đã làm gì? Chỉ một trong số mười người được ơn khỏi bệnh biết trở lại để chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa. Câu hỏi của Chúa Giêsu nghe thật chua chát về thái độ vô ơn ấy: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc 17; 18).
Trong đời sống, con người dễ bộc lộ thái độ vô ơn nhất là lúc được thành công và thất bại. Được may lành nên mừng vui quá, có khi quên tạ ơn như trường hợp 9 người phong hủi, còn khi gặp rủi ro, trái ý thì lại than trách rằng Chúa quá bất công. Đối lại thái độ đó, hơn 20 thế kỷ qua Lòng Thương xót không hề vơi bớt cho dù chúng ta có ngỗ nghịch, bất trị ra sao! Rất may trong lịch sử nhân loại, thời nào cũng còn những yếu nhân tỏ ra xứng đáng với tình yêu không mệt mỏi của Ngài, gần chúng ta có Mẹ Têrêxa Calcutta, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Cuộc đời họ là bài ca tín thác tuyệt vời như ông Gióp xưa kia, không ngừng tạ ơn ngay trong nghịch cảnh rằng: “Chúa ban cho, rồi Chúa lấy lại: như đẹp lòng Chúa thế nào, thì xin xảy đến như vậy: nguyện danh Chúa được chúc tụng!”(G 1, 21)
Hôm nay cửa thánh tượng trưng đã đóng, nhưng Lòng Thương xót thì không đóng bao giờ, vì tình yêu Thiên Chúa không có cửa. Ngài quá rõ con người được nhào nắn bằng gì và cũng thấu tỏ sự vô ơn, bạc bẽo của chúng ta ra sao! Nên chúng ta đừng thất vọng vì những yếu đuối tội lỗi của mình nhưng hãy tâm sự với Ngài về các cảm xúc, mọi lo lắng, bất an, rối trí, thất vọng… Hãy mở lòng ra với Ngài để cảm nhận Lòng Thương xót ở trong ta thật mạnh mẽ, ngọt ngào. Đón nhận sự khôn ngoan như một tặng vật tình yêu, đừng ai quên cảm tạ và dâng lên Ngài một lời tạ tội thật chân thành rằng:“Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con […] Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa” (Tv 51, 3-6).
Nt. Scholastica, Đaminh Bùi Chu