Đầu Mùa Vọng 2018, tôi có một chuyến đi ra vùng núi rừng phía Bắc, dừng chân đôi chút ở các tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn. Chuyến đi thăm anh em và trở lại chốn xưa, nơi mà hơn 6 năm trước tôi đã có nhiều dịp đi lại, dừng chân, và chọn lựa những địa danh ghi trong danh mục dấn thân và phục vụ của mình với những gì mình có được, trong trách nhiệm của mình.
Biên giới đón tôi bằng bầu trời mù sương, cảnh lặng lẽ của núi rừng và cả cảnh lặng lẽ của con người, Thánh Lễ ba anh em Linh Mục chúng tôi dâng vào lúc 19g00 có số Giáo Dân tham dự gấp đôi Linh Mục, sáng hôm sau lễ dâng lúc 6g00 không một Giáo Dân nào tham dự. Anh em cho tôi biết Lễ Chúa Nhật trên dưới 100 người và dâng vào lúc 13g00 trưa, chỉ dâng vào giờ đó mới có Giáo Dân. Họ rời bản làng từ các ngóc ngách của núi rừng sáng sớm, có khi đêm hôm trước, kịp đến với bữa cơm trưa, dự Lễ và lãnh gạo hay quần áo rồi trở về bản làng. Đi thăm Giáo Dân, xe hai bánh chỉ di chuyển được một đoạn đường, còn lại là leo núi. Ngôi Nhà Thờ trung tâm lạnh lẽo cô độc, hai Giáo Điểm xa trung tâm gần trăm cây số, không có Nhà Thờ, muốn dâng lễ phải thuê nhà người ta!
Bắc Kạn xem ra “sầm uất” hơn, một ngôi Nhà Thờ nhỏ đang được xây dựng bên bờ sông Cầu, hơn 6 năm trước tôi đến thăm miếng đất này, miếng đất 400 mét vuông, đắp bồi bên bờ sông dựng lên một ngôi Nhà Nguyện nhỏ bằng gỗ, Đức Cha đến dâng Lễ, ngài gọi đó là ngôi Nhà Nguyện có lắp đặt máy lạnh đa chiều, bởi các tấm vách được ghép bằng nhiều miếng gỗ cong vênh tạm bợ, các khe hở khắp nơi, gió lạnh núi rừng lùa vào, đứng đâu cũng có gió. Chỉ ngôi Nhà Nguyện nhỏ đó thôi, nhờ ơn Chúa và nỗ lực loan báo Tin Mừng, một số anh chị em người H’Mông đã tin theo Đạo, anh em kể cho tôi nghe về thành quả đó với câu chuyện đầy kinh ngạc. “Họ bảo Đạo này là Đạo thật vì có Nhà Thờ! Thế là họ theo”. Vậy cố gắng để có một Nhà Thờ vững chãi hơn và lớn hơn một chút, anh em đã khởi công ngôi Nhà Thờ chênh vênh này ngay bên sườn dốc sông Cầu.
Tôi trở về thành phố Sàigòn ngay sau chuyến đi và thấy những nhộn nhịp nơi một thành phố đông dân, náo nhiệt. Buổi chiều tối đi giảng Mùa Vọng ở các Giáo xứ, thấy người ta đã giăng đèn kết hoa, lễ chiều tan về đi dưới những hàng đèn sáng rực đủ màu đủ kiểu, chẳng ai nghĩ là đất nước này đang đi vào thời kỳ khó khăn mọi mặt, việc tổ chức Lễ Giáng Sinh ở thành phố này cho chúng ta cái cảm giác về sự giàu có, tự do và thịnh vượng của xã hội lẫn tôn giáo. Nhưng những cảm nhận của tôi về chuyến đi vừa qua đã không bị che lấp vì những chuyện bên ngoài ấy.
Có một chút gì đó não nùng trong lòng khi chứng kiến các hình ảnh trái ngược nhau của một xã hội con người, một Giáo Hội con người! Chuyến bay nhanh chóng trong vòng vài tiếng đồng hồ càng làm cho nỗi lòng day dứt nhiều hơn. Có một biên giới trong lòng mình mà bên kia giải phân cách hai con người, hai nếp sống hai chọn lựa có vẻ không liên quan gì với nhau.
Được biết ở một Giáo Phận nọ trên đất nước này, vị Giám Mục Giáo Phận vừa trao đổi với các Dòng Tu trong Giáo Phận thực hiện một Lễ Giáng Sinh theo hướng truyền giáo, các Nhà Dòng mở cửa tổ chức lễ hội cho mọi người nhất là người ngoại giáo, ngài đề nghị có quà và có bữa cơm cho người nghèo. Bao giờ người Kitô hữu ở Sàigòn này quyết định mang lễ hội Giáng Sinh về những miền xa xăm cho người nghèo và người ngoại được hưởng.
Có một lời trong Tông Huấn Niềm Vui của Tin Mừng do Đức Giáo Tông Phanxicô gởi đến cho mọi người (số 2):
“Mối nguy lớn trên thế giới hôm nay, một thế giới hầu như thấm nhiễm chủ nghĩa tiêu thụ, đó là cảm giác cô đơn và lo lắng phát sinh từ một con tim tự mãn nhưng tham lam, sôi nổi chạy theo những thú vui phù phiếm, và một lương tâm chai lỳ.
Khi mà đời sống nội tâm của chúng ta bị trói chặt trong những lợi ích và những mối quan tâm riêng của nó, thì không còn chỗ cho người khác, không còn chỗ cho người nghèo. Tiếng nói của Thiên Chúa không còn được nghe thấy, niềm vui an bình của tình yêu của Người không còn được cảm thấy, và ước muốn làm điều thiện bị phai mờ. Đây chính là một mối nguy cho cả người tín hữu (…)
Đó không phải là ý muốn của Thiên Chúa đối với chúng ta, cũng không phải là đời sống trong Thần Khí bắt nguồn từ trái tim của Đức Kitô Phục Sinh.”
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 7.12.2018, theo Ephata 826
(Tựa đề lấy từ lời trong bài “Bên cầu biên giới” của Phạm Duy)