Lòng tự trọng của Bờm

Cuộc đời có những điều tưởng chừng là nghịch lý nhưng thực ra lại chẳng có gì mâu thuẫn cả.

Phú Ông là người giàu “nứt đố đổ vách” trong làng, còn gọi là Phú Hộ – Phú Ông nói về cá nhân, Phú Hộ nói tới cả nhà. Ông ta thường có các động thái không mấy nhân ái đối với đám dân đen. Người ta thường gọi các nhà giàu là “trọc phú” hoặc “cường hào ác bá”. Dưới con mắt của họ, đám dân đen là hạng cùng đinh, bần tiện, đáng khinh bỉ.

Nhà giàu có thể dùng tiền “lót tay” quan lớn để họ tự tung tự tác, thậm chí là làm những điều khuất tất, coi thường công lý. Còn những người đã bị mua chuộc thì không muốn “làm mạnh” vì sợ mất “hũ nếp” ngon lành và béo nở, cũng không muốn nói vì “đầy miệng” rồi, như người ta thường nói: “Cả vú lấp miệng em”. Dạng “to – nhỏ” này xuất hiện ở mọi lĩnh vực và mọi tầng lớp xã hội. Đâu đâu cũng thấy có!

Chẳng ai lại không biết chuyện “Thằng Bờm với Chiếc Quạt Mo và Phú Ông”. Người ta vì giàu có mà được gọi là Ông, vì nghèo khó mà bị kêu là Thằng. Nhà nghèo vừa khó vừa khổ, thường ghép đôi thành danh từ nghèo khó hoặc nghèo khổ!

Như chúng ta biết, chiếc quạt của Bờm là loại quạt làm bằng mo cau khô, chẳng có gì là giá trị. Ở vùng quê ngày xưa, loại quạt tự làm như thế không mấy gia đình không có. Dù vậy, Phú Ông vẫn muốn sở hữu “sở hữu” chiếc quạt mo của Bờm. Ông bằng lòng đổi những gì ông có: ba bò, chín trâu.

Thấy Bờm từ chối, ông đã giảm vật chất cụ thể xuống còn là “ao cá mè”. Bờm vẫn khăng khăng từ chối. Phú Ông có vẻ rành tâm lý nên tiếp tục giảm xuống còn là “bè gỗ lim”. Chưa thể thỏa thuận với Bờm, Phú Ông lại đề nghị đổi “chim đồi mồi”. Nhưng Bờm vẫn một mực khước từ.

Cuối cùng, Phú Ông đề nghị đổi “nắm xôi”. Thế là Bờm cười tươi rói. Nụ cười đồng ý, nụ cười thỏa mãn, nhưng lại đầy lòng tự trọng.

Phú Ông biết tỏng là Bờm chẳng dám lấy những thứ “lớn lao” nên mới đề nghị chứ ông ta chẳng tốt bụng, cũng chẳng ngớ ngẩn gì mà dễ dàng đổi của quý để lấy vật tầm thường kia.

Tuy chỉ là giới hạ lưu tầm thường, Bờm cũng thừa biết rằng Phú Ông chẳng dại gì mà dễ dàng đổi bằng những thứ như vậy để lấy chiếc quạt mo rẻ mạt như vậy!

Bờm thỏa mãn riêng mình, và thỏa mãn cả đối với Phú Ông. Có phải Bờm “ngớ ngẩn” và “tham ăn” đến nỗi quá thực tế khi bằng lòng với một điều đơn giản là “nắm xôi” hay không? Bờm không nói gì, chỉ cười thôi. Chính nụ cười đơn sơ và chân chất ấy lại hàm súc bao ý nghĩa khác.

Còn những người như Phú Ông luôn mưu mô, thâm độc, và… keo kiệt. Phú Ông có thể dùng áp lực và quyền thế để tước đoạt chiếc quạt mo mà Bờm không làm gì được, nhưng ông ta muốn che mắt thiên hạ, muốn chứng tỏ mình “tốt lành” nên mới đề nghị đổi chiếc quạt mo của Bờm bằng chính tài sản của ông ta. Mà nếu Bờm có bằng lòng đổi mấy thứ quý giá kia thì rồi ông ta cũng sẽ tìm cách lấy lại. Thâm độc lắm!

Tuy nhiên, một con người “vô học thức” như Bờm mà vẫn đủ ý thức để có thể biết người và biết mình. Bờm nghèo khó nhưng trong sạch, không tham lam đổi lấy những thứ quý giá của người khác, vì Bờm biết chiếc quạt mo kia có đáng gì đâu!

Quả thật, nhân cách và lòng tự trọng của Bờm đáng quý lắm, mấy ai đã làm được!

TRẦM THIÊN THU

Chia sẻ Bài này:

Related posts